VỤ ÁN TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN: KHÁCH HÀNG ĐƯỢC CHIA TÀI SẢN GIÁ TRỊ LỚN

Trong nhiều vụ ly hôn thì cái khó nhất, đau đầu nhất chính là tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản càng nhiều thì tranh chấp càng lớn và đó là lý do việc ly hôn kéo dài từ năm này sang năm khác. Công ty Luật Thái An đã xử lý một vụ việc thành công mỹ mãn cho khách hàng của mình trong vụ việc sau đây:

Xin lưu ý: Vì lý do bảo mật thông tin khách hàng, trong bài viết này chúng tôi mã hoá tên các đương sự cũng như một số thông tin liên quan khác.

1. Bối cảnh tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân

Cuối năm 2015, do được người em họ giới thiệu, bà H đến gặp luật sư tại văn phòng Công ty Luật Thái An. Bà H tuổi trung niên, phúc hậu điềm tĩnh, bề ngoài toát lên kiểu phụ nữ truyền thống.

Trong tâm trạng buồn bã, bế tắc bà dãi bày sự tình cảnh oái oăm của mình:

Thời còn trẻ vợ chồng bà cùng nhau bôn ba làm ăn ở nước ngoài. Sau gần 10 năm ‘tha phương’, khi đã có vốn ‘rủng rỉnh’ gia đình bà quyết định trở về Việt Nam mở nhà hàng, khách sạn và đầu tư kinh doanh bất động sản tại Hà Nội và thành phố quê hương.

Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt. Chỉ vài năm sau cơ nghiệp của gia đình bà đã là chuỗi nhà hàng ăn uống sang trọng đông khách, 01 khách sạn lớn tại Hà Nội, khoảng 10 căn hộ cao cấp và nhiều thửa đất khu vực đắc địa tại thành phố quê hương… Đó là chưa kể đến vốn liếng trong ‘công ty gia đình’ hoặc vợ chồng bà chung vốn làm ăn với đối tác trong các doanh nghiệp khác.

Mặc dù gia đình có nhiều ‘của chìm của nổi’ như vậy, nhưng lúc nào bà vẫn cảm thấy cuộc sống ‘túng thiếu’ vì hoàn toàn phụ thuộc tài chính vào ông V (chồng của bà H). Cứ mỗi lần cần chi tiêu, dù cho gia đình riêng hay họ hàng bên ngoại, đi giao lưu bạn bè… bà đều phải ‘ngửa tay xin tiền chồng’. Nhiều lần bà khẩn khoản nói ông V đưa cho một khoản tiền riêng để bà tự chi tiêu, lo liệu việc nhà, họ hàng… nhưng đều không được ‘duyệt’.

Cũng bởi do quá bị phụ thuộc tài chính, nên những khi bị chồng liên tục ‘phản bội’ bà H đành giả như câm điếc. Điều làm bà ‘đau đớn’nhất là ông V công khai đi lại với một người phụ nữ, thậm chí có con riêng với cô ta. Ông V còn mua tặng ‘tình địch’ một căn hộ sang trọng, một chiếc xe hơi đắt tiền để cô ấy hàng ngày đưa đón con đi học hoặc cùng nhau ‘du hý’…

Sau khi lắng nghe bà trình bày, luật sư hỏi: “Bây giờ bà yêu cầu Công ty luật Thái An hỗ trợ giải quyết vấn đề gì?”.

Bà trả lời:

Tôi rất muốn ly hôn. Đến nay ông ấy vẫn ‘ngoại tình’ với nhiều cô. Tôi và họ hàng cùng 2 con tôi (đang du học) đã nhiều lần khuyên ngăn. Nhưng ông ấy ‘chứng nào tật ấy. Đã từ lâu tôi tình cảm của tôi đối với ông ấy “đã chết” rồi! Vậy giữ vỏ bọc ngoài ‘hôn nhân’ có ích gì?

Có vài lần tôi đã đặt vấn đề chia tay với ông ấy. Nhưng ông ấy cương quyết phản đối ly hôn. Ông ấy vừa muốn thoải mái chuyện ngoại tình, ăn ở hết với cô nọ đến cô kia, lại vừa muốn tôi là người chăm nom, giữ gìn ‘bếp núc gia đình chính thức’ cho ông ấy. Tôi ‘dâu trưởng’ của dòng tộc ông ấy. Ông ấy muốn tôi sống cam chịu, cứ ở vậy mà nuôi dạy con cháu cho ông ấy…

Nhưng có một điều khiến tôi rất lo lắng: Nếu ly hôn thì chắc chắn tôi phải ‘ra đi hai bàn tay trắng’… Hiện nay mọi tài sản chung ông ấy nắm giữ hết, từ nhà đất, cổ phiếu, trái phiếu, đến ‘sổ đỏ, sổ hồng’ cũng trong két ông ấy…

Tôi muốn được ly hôn. Nhưng làm thế nào tôi được chia tài sản chung? Chúng tôi có nhiều tài sản – đó là ‘mồ hôi, nước mắt và cả tuổi thanh xuân của tôi, danh dự của tôi ở đó. Tôi không thể để cho ‘người thứ ba – tình địch của tôi’ bỗng dưng chễm chệ được hưởng công sức của tôi…”

Sau khi được luật sư phân tích những bất lợi về tài sản nếu bà H yêu cầu ly hôn đơn phương vào thời điểm này. Bà V ngộ ra nhiều điều và nói: Tạm thời chỉ tập trung giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, mà chưa đả động gì đến ly hôn với ông V…

tranh chấp tài sản trong thời kỳ hôn nhân
Vụ án tranh chấp tài sản trong thời kỳ hôn nhân là thành công của Luật Thái An. – Hình ảnh chỉ mang tính minh hoạ

2. Khó khăn trong vụ tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân này là gì?

Mặc dù vợ chồng có khối tài sản lớn nhưng bà H không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ chứng minh tài sản chung:

  • Do lúc mua nhà đất vợ chồng bà đều đang ở nước ngoài và do tin tưởng nên bà H đồng ý để anh chị em của ông V đứng tên.
  • Đối với các công ty gia đình của bà đều do người nhà bên chồng đứng tên, mặc dù mọi sự điều hành kinh doanh, lợi tức… đều do ông V quyết.
  • Đối với phần vốn góp vốn trong các doanh nghiệp hoặc cổ phiếu từ tài sản chung vợ chồng cũng đều lấy danh nghĩa anh em họ hàng ông V…
  • Sổ sách kế toán trong hoạt động kinh doanh của các công ty gia đình bà đều do người ‘thân tín’ của họ hàng bên chồng nắm giữ…

3. Công việc chính luật sư đã làm trong vụ tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân:

Để giải quyết vụ việc hôn nhân gia đình này, luật sư đã phải áp dụng kiến thức pháp luật tổng hợp, đó là Bộ luật dân sự, 2015, Luật hôn nhân gia đình 2014, Luật đất đai 2013, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cùng rất nhiều văn bản dưới luật khác.

a. Giai đoạn chuẩn bị khởi kiện tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân:

Đứng trước những khó khăn chồng chất, luật sư đã gỡ dần các nút thắt bằng cách kiên trì tư vấn, hướng dẫn cho Bà H từng bước thực hiện những công việc chuẩn bị cho việc khởi kiện ly hôn:

  • Luật sư hướng dẫn khách hàng (bà H) thu thập chứng cứ
  • Luật sư được khách hàng ủy quyền, bằng kỹ năng nghiệp vụ tiến hành thu thập các chứng cứ về tài sản chung vợ chồng (bao gồm thông tin xác nhận, vi bằng…) tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan
  • Hướng dẫn khách hàng thu thập chứng cứ về việc ông V ‘vi phạm chế độ một vợ, một chồng’
  • Theo yêu cầu của khách hàng luật sư hướng dẫn soạn ‘Đơn tố giác ông V’ vi phạm chế độ một vợ một chồng
  • Luật sư tư vấn để khách hàng hiểu và thực hiện thủ tục “chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân”, mà chưa đề cập đến yêu cầu ly hôn đơn phương.
  • Trên cơ sở phân tích toàn diện về việc chia tài sản chung, khách hàng hiểu rõ bản chất đang có tranh chấp tài sản, nên thu thập các thông tin, tài liệu liên quan sẽ quyết định sự thành công. Đồng thời việc chia tài sản chung cần giải quyết nhanh, dứt điểm, ngăn ngừa người chồng tẩu tán.

Luật sư gặp ông V (chồng bà H), gặp những người đứng tên trên ‘sổ đỏ, sổ hồng’, hợp đồng mua bán căn hộ, hoặc kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, giấy xác nhận phần vốn góp, cổ phiếu, trái phiếu và các tổ chức liên quan… để làm việc nhằm thu thập, củng cố chứng cứ…

Kết quả ban đầu là bà H có được “vi bằng” do thừa phát lại lập, trong đó có liệt kê các tài sản chung tương đối đầy đủ của vợ chồng, thông tin về các sổ đỏ, sổ hồng, hợp đồng mua bán nhà đất… Đây có thể nói là ‘bước ngoặt’ trong việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

b. Giai đoạn Toà án giải quyết tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân:

Sau khi các tài sản được chia đã thuộc bà H cả về pháp lý và quản lý thực tế, bà mới bắt đầu tiến hành ‘ly hôn đơn phương’.

Mặc dù biết rõ lỗi lầm của mình làm bà H muốn ly hôn, nhưng do thể diện và ích kỷ, vốn gia trưởng và quá tự tin có nhiều mối quan hệ… nên ông V cho rằng một khi ông không ký vào đơn ly hôn thì bà H sẽ ‘không làm gì được’

Luật sư tham gia hòa giải đoàn tụ giữa bà H và ông V trước khi bà H gửi đơn khởi kiện ly hôn, nhưng không thành, do bà H một mực ‘đã quyết’ và ông V không cam kết ‘cải tà quy chính’.

Việc giải quyết ly hôn đơn phương khá tốn thời gian, do ông V không hợp tác và có đơn phản tố…

Sau đó, ông V thấy việc chia tài sản chung đã xong, ông là người thực sự có lỗi làm hôn nhân đổ vỡ… cuối cùng ông cũng đồng ý ly hôn thuận để giữ ‘quan hệ’ với bà H cùng các con chung, để giải quyết các vấn đề liên quan họ hàng, bạn bè, thậm chí bán, chuyển nhượng tài sản sau này vẫn cần sự hợp tác từ phía bà H…

giải quyết tranh chấp tài sản trong thời kỳ hôn nhân
Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản trong thời kỳ hôn nhân. – Hình ảnh chỉ mang tính minh hoạ

c. Kết quả giải quyết tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân:

Từ lúc có nguy cơ ‘trắng tay’ bởi mọi tài sản có đăng ký đều đứng tên người khác mà không phải vợ chồng bà H, trải qua các buổi hòa giải, đối thoại, ‘đấu tranh’ Toà án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận về tài sản giữa bà H và ông V. Theo đó bà H được hưởng ½ tổng khối tài sản chung vợ chồng căn cứ tài liệu, chứng cứ do bà H thu thập được.

Mặc dù, theo tính toán của bà H, số tài sản bà được theo Quyết định của Tòa án chỉ tương đương với 40% tổng tài sản ‘thực’ của gia đình bà, nhưng đây đã là ‘thành công vang dội’ và ngoài mong đợi của bà. Bởi ngay từ đầu ông V đã tìm mọi cách để tẩu tán tài sản chung, thậm chí phá tán tài sản cho các ‘tình địch’. Bà H vui vẻ chấp nhận việc không được chia một phần trong khối tài sản chung mà bà không chứng minh được.

Sau khi được chia khối tài sản tương đối ‘khủng’, không còn đau đầu đối phó với các ‘tình địch’, mọi tủi hờn hôn nhân bất hạnh của bà đã trở thành dĩ vãng. Cuộc sống của bà H trở lên thanh thản, vui vầy bên con cháu. Mỗi khi con cháu hoặc bạn bè, họ hàng có vấn đề gì cần hỗ trợ giải quyết bà luôn giới thiệu cho chúng tôi. Thi thoảng có gọi điện cho luật sư. Và mỗi lần như thế bà thể hiện lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đối với Công ty luật Thái An.

4. Các luật sư tham gia giải quyết tranh chấp chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là ai?

Một nhóm luật sư Công ty Luật Thái An đã lao tâm khổ tứ theo đuổi vụ việc suốt vài năm trời, đó là luật sư Nguyễn Văn Thanh, luật sư Lê Văn Thiên, luật sư Nguyễn Thị Huyền.

5. Dịch vụ thuê luật sư tranh tụng dân sự của Luật Thái An

Các luật sư Luật Thái An có kinh nghiệm tham gia tranh tụng tại các vụ án dân sự liên quan tới tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, trong suốt các quá trình tiền tố tụng, khởi kiện, hoà giải tại toà án, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, thi hành án. Chúng tôi sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tối đa, chúng tôi làm việc với sự tận tâm, uy tín, thù lao hợp lý.

Nguyễn Văn Thanh