Tổng thể các quy định về vốn điều lệ của công ty cổ phần
1. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là gì?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 112 Luật doanh nghiệp 2020 thì
- Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
- Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.
- Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.
Xem thêm:
2. Huy động Vốn điều lệ của Công ty cổ phần bằng cách nào?
Công ty cổ phần huy động vốn bằng cách nào là một trong những vấn đề được các nhà đầu tư vô cùng quan tâm. Theo đó Công ty cổ phần thể thể huy động vốn điều lệ bằng nhiều cách khác nhau như
2.1 Huy động bằng cách huy động vốn góp ban đầu
Vốn góp ban đầu hay vốn điều lệ của Công ty cổ phần là phần vốn hình thành do các chủ sở hữu đóng góp khi thành lập doanh nghiệp. Theo đó, ngay khi đăng ký thành lập có thể đăng ký mức vốn điều lệ của Công ty cổ phần lớn để huy động vốn.
Theo Khoản 2 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
2.2 Huy động vốn bằng cách chào bán cổ phần
Căn cứ Điều 123 Luật Doanh nghiệp hiện hành, công ty cổ phần tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phần. Tức là Công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán. Việc Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:
- Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ;
- Chào bán cổ phần ra công chúng.
Lưu ý: Doanh nghiệp phải hực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ của công ty cổ phần trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần.
Ngoài việc huy động vốn điều lệ của Công ty cổ phần, thì Công ty cổ phần có thể huy động thêm nhiều nguồn vốn khác nhau như huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, hay huy động vốn từ tín dụng ngân hàng…
Xem thêm:
Tăng vốn công ty cổ phần bằng 3 phương thức chào bán cổ phần
3. Góp vốn điều lệ của công ty cổ phần như thế nào ?
Góp vốn vào công ty cổ phần là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ công ty công ty cổ phần, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập (căn cứ quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020).
Bản chất góp vốn vào công ty cổ phần chính là việc mua cổ phần để trở thành chủ sở hữu của Công ty cổ phần. Góp vốn có thể là hành vi góp ngay hoặc cam kết góp.
3.1 Quyền góp vốn
Về nguyên tắc ai cũng có quyền góp vốn vào công ty cổ phần, ngoại trừ tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020
3.2 Hình thức góp vốn
Hình thức góp vốn điều lệ của công ty cổ phần là đưa tài sản góp vốn vào Công ty. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật (Căn cứ quy định tại Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020 ).
3.3 Thủ tục góp vốn
Thủ tục góp vốn vào công ty cổ phần như thế nào là một trong những vấn đề cần phải biết khi muốn góp vốn. Thủ tục góp vốn vào công ty cổ phần là thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản của người góp vốn sang công ty hay chính là thủ tục xác lập quyền sở hữu tài sản của công ty đối với tài sản góp vốn theo quy định pháp luật.
- Đối với loại tài sản mà việc chuyển quyền không phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm giao nhận tài sản.
Ví dụ như góp vốn công ty cổ phần bằng tiền mặt hay góp vốn công ty cổ phần bằng vàng thì thời điểm Công ty nhận được tiền hay vàng từ người góp vốn là thời điểm người đó đã góp vốn vào Công ty và sở hữu cổ phần của Công ty, trở thành cổ động của công ty và được Công ty cấp cổ phiếu.
- Đối với loại tài sản mà việc chuyển quyền phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm cơ quan nhà nước chứng nhận việc đăng ký.
Ví dụ như góp vốn công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì thời điểm cơ quan nhà nước xác nhận việc chuyển quyền sở hữu vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là thời điểm người góp vốn đã góp vốn vào Công ty, sở hữu cổ phần của Công ty, trở thành cổ đông và được Công ty cấp cổ phiếu.
Xem thêm:
3.4 Quy định về thời gian góp vốn công ty cổ phần
3.4.1 Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp
Căn cứ quy định tại Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020 thì Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Lưu ý: Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ của công ty cổ phần.
3.4.2 Khi Công ty đang hoạt động.
Người mua cổ phần (người góp vốn) phải tuân theo quy định về thời gian góp vốn, thời gian thanh toán cổ phần đăng ký mua quy định tại Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần công ty.
4. Rút vốn điều lệ của công ty cổ phần
Theo quy định tại Điều 119 Luật doanh nghiệp 2020 thì nghĩa vụ của cổ đông là không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.
Như vậy, cổ đông được rút vốn công ty cổ phần bằng một trong hai hình thức
- Công ty mua lại cổ phần:
- Người khác mua lại cổ phần:
4.1 Thủ tục rút vốn Công ty cổ phần bằng hình thức Công ty mua lại cổ phần
Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình theo quy định tại Điều 132 Luật doanh nghiệp 2020. Trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
Đầu tiên, Cổ đông phải gửi yêu cầu mua lại cổ phần đến Công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định nêu trên.
Sau khi nhận được yêu cầu của cổ đông, công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
4.2 Thủ tục rút vốn Công ty cổ phần bằng hình thức người khác mua lại cổ phần
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Như vậy, khi cổ đông sáng lập rút vốn nếu thời điểm rút vốn vẫn trong thời hạn 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì khi chuyển nhượng vốn cho người khác không phải cổ đông sáng lập thì họp Đại hội đồng cổ đông và phải được sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông, sau đó mới được ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần .
Hết thời hạn 3 năm nêu trên, cổ đông được tự do ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho người khác
Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Lưu ý:
- Sau khi ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cần thông báo và yêu cầu Công ty đăng ký thay đổi cổ đông và Công ty phải thực hiện việc này trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu
- Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông của Công ty.
- Đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần có vốn nhà nước cần phải tuân theo các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014
Xem thêm:
5. Một số lưu ý về đăng ký vốn điều lệ của Công ty cổ phần
Nếu không kinh doanh những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì Công ty cổ phần được tự quyết định mức vốn điều lệ. Việc đăng ký mức vốn điều lệ cao hay thấp là tuỳ thuộc vào nhu cầu hoạt động, khả năng góp vốn thực tế… Bởi hiện nay, cơ quan đăng ký kinh doanh không yêu cầu phải chứng minh mức vốn điều lệ cũng không kiểm tra việc góp vốn điều lệ. Tuy nhiên cần lưu ý như sau:
- Trường hợp đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp: Có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của Công ty. Các đối tác có thể nhìn vào mức vốn này để đánh giá năng lực của công ty, mức vốn điều lệ quá thấp sẽ khiến các đối tác e dè khi hợp tác kinh doanh …
- Trường hợp đăng ký mức vốn điều lệ quá cao: Có thể làm gia tăng các chi phí, tăng mức thuế phải nộp, khó vay vốn ngân hàng …
Do đó, việc đăng ký vốn điều lệ của Công ty cổ phần là bao nhiêu cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
6. Tư vấn các vấn đề liên quan đến vốn điều lệ của công ty cổ phần
Là một Công ty Luật uy tín, Công ty Luật Thái An chuyên tư vấn pháp luật doanh nghiệp cũng như tư vấn tất cả các vấn đề liên quan đến vốn điều lệ của công ty cổ phần như:
- Tư vấn tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần;
- Tư vấn giảm vốn điều lệ của Công ty cổ phần;
- Tư vấn vốn pháp định đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
- Tư vấn, soạn thảo hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ của Công ty cổ phần;
- Tư vấn vốn điều lệ Công ty cổ phần và mức thuế môn bài phải nộp;
- …
Nếu bạn có bất kỳ một thắc mắc gì liên quan tới luật doanh nghiệp về công ty cổ phần hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An để được tư vấn, giải đáp. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp các dịch vụ thành lập/ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp nhanh chóng với mức chi phí hợp lý nhất. Nếu bạn muốn được trải nghiệm những dịch vụ pháp lý uy tín, chất lượng, đừng chần chừ, hãy liên hệ ngay với chúng tôi.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024