Quy định mới nhất về góp vốn thành lập doanh nghiệp

Góp vốn thành lập doanh nghiệp là một trong những vấn đề đầu tiên mà các chủ doanh nghiệp quan tâm, bởi góp vốn thành lập doanh nghiệp là khởi đầu cho việc kinh doanh cũng như là yếu tố tiền đề, cơ sở phân chia lợi nhuận sau đó. Pháp luật quy định như thế nào về việc góp vốn thành lập doanh nghiệp? Hãy cùng chúng tôi xem chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Góp vốn thành lập doanh nghiệp là gì?

Căn cứ quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì có thể hiểu góp vốn thành lập doanh nghiệp là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty.

>>> Xem thêm:

Vốn điều lệ là gì? Tìm hiểu các quy định về vốn điều lệ

Việc góp vốn thành lập doanh nghiệp được thể hiện thông qua thoả thuận được thiết lập giữa người góp vốn hoặc cam kết góp vốn với doanh nghiệp sẽ được thành lập. Việc góp vốn thành lập doanh nghiệp mang lại quyền lợi cho chính doanh nghiệp được thành lập – với tư cách một thực thể pháp lý độc lập.

Thỏa thuận góp vốn thành lập doanh nghiệp có thể được biểu hiện bằng văn bản hoặc không bằng văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế thỏa thuận góp vốn thường được các bên thể hiện dưới dạng văn bản để các bên có cơ sở pháp lý rõ ràng khi thực hiện.

>>> Xem thêm: 

Soạn thảo hợp đồng góp vốn như thế nào ?

2. Tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp

Khoản 1 Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020 quy định tài sản góp vốn là

  • Đồng Việt Nam;
  • Ngoại tệ tự do chuyển đổi;
  • Vàng;
  • Quyền sử dụng đất;
  • Quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật;
  • Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Ví dụ như góp vốn bằng những tác phẩm tranh vẽ ,góp vốn bằng quyền sở hữu nhà ở

3. Một số lưu ý về tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp

a. Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất

Để góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013, bao gồm:

  • Người góp vốn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên nhằm bảo đảm thi hành án;
  • Được góp vốn trong thời hạn sử dụng đất.

Người góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • có năng lực pháp luật dân sự
  • có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
  • tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện không ép buộc

Doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhằm tiến hành các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 193 Luật đất đai 2013 như sau:

  • Nếu đất góp vốn là đất nông nghiệp thì phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án sử dụng đất nông nghiệp.
  • Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận góp vốn phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Đối với đất chuyên trồng lúa nước mà được chuyển sang đất phi nông nghiệp thì phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.

Xem thêm:

Góp vốn bằng quyền sử dụng: Tổng hợp các quy định!

b. Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng nhà ở

Nhà ở là một loại tài sản có thể dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên để có thể thực hiện việc góp vốn thì căn nhà phải đáp ứng các điều kiện cụ thể tại Điều 118 Luật Nhà ở 2014 như sau:

  • Phải có Giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật
  • Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu kiện hoặc khiếu nại về quyền sở hữu. Đối với trường hợp chủ nhà sở hữu nhà ở có thời hạn thì nhà ở dùng để góp vốn phải đang trong thời hạn đó.
  • Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
  • Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa hoặc phá dỡ nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lưu ý:

  • Nếu góp vốn bằng nhà ở thuộc sở hữu chung thì phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu chung. Khi đó, họ cùng ký vào hợp đồng góp vốn bằng nhà ở hoặc có thể thỏa thuận bằng văn bản cử người đại diện ký hợp đồng góp vốn bằng nhà ở (căn cứ Điều 151 Luật nhà ở 2014)
  • Nếu Góp vốn bằng nhà ở đang cho thuê thì hủ sở hữu nhà ở đang cho thuê phải thông báo cho bên thuê biết trước về góp vốn nhà bằng văn bản. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê nhà đến hết hạn hợp đồng thuê nhà với bên góp vốn, trừ khi có thỏa thuận khác (căn cứ Điều 152 Luật nhà ở 2014)
góp vốn
Khi góp vốn thành lập doanh nghiệp, bạn cần lưu ý những quy định của pháp luật. – ảnh minh hoạ: internet

4. Định giá tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp như thế nào?

Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn:  các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng và buộc phải định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn Điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản đó theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.

Xem thêm:

Định giá tài sản góp vốn như thế nào?

5. Trình tự, thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp

Trình tự, thủ tục góp vốn bằng nhà ở để thành lập doanh nghiệp cần qua các bước như sau:

Bước 1: Định giá nhà ở góp vốn để thành lập doanh nghiệp: Như đã trình bầy ở phần trên

Bước 2: Ký kết hợp đồng góp vốn

Các bên cần ký kết hợp đồng góp vốn, giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản. Trường hợp góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyến sử dụng đất, nhà ở thì hợp đồng góp vốn phải được công chứng, nếu không hợp đồng sẽ vô hiệu.

Bước 3: Thực hiện chuyển quyền sở hữu tài sản cho doanh nghiệp (áp dụng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu)

Khi góp vốn bằng đất đai, nhà ở thì cần thực hiện thủ tục này tại Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông thường, khi chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì phát sinh thuế thuế thu nhập đối với bên chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng đất đai, nhà ở thì không làm phát sinh nghĩa vụ này, do bên chuyển nhượng không có thu nhập gia tăng.

Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Lưu ý:

  • Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.
  • Việc thanh toán đối với mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp, nhận cổ tức và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản và hình thức khác không bằng tiền mặt.

6. Thời hạn góp vốn khi thành lập doanh nghiệp 

Theo quy định tại Điều 47, 75, 113 Luật doanh nghiệp 2020 thì khi các thành viên góp vốn phải thanh toán đủ số vốn góp đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua vốn góp quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

7. Hệ quả của việc không góp đủ vốn

Đối với công ty TNHH, sau thời gian được quy định mà thành viên chưa góp đủ vốn đã cam kết (bao gồm việc góp đúng loại tài sản, số lượng, giá trị và tổng giá trị tài sản góp vốn) thì các hệ quả sẽ là:

  • Trường hợp thành viên chưa góp vốn thì thành viên này đương nhiên không còn là thành viên của công ty, cố vốn chưa góp của người này sẽ được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
  • Trường hợp thành viên không góp đủ vốn thì chỉ có quyền lợi tương ứng với số vốn đã góp. Phần vốn góp còn lại sẽ được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
  • Đồng thời, công ty buộc phải thực hiện việc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ (tăng hoặc giảm), tỷ lệ góp vốn của các thành viên bằng số vốn thực tế đã góp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn góp vốn trên.

Đối với công ty cổ phần, nếu không hoàn thành việc thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua thì sẽ xử lý như sau:

  • Trường hợp cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua thì không còn là cổ đông của công ty. Không có quyền đối với số cổ phần đã đăng ký mua đó (không được chuyển nhượng cho người khác, không được hưởng lợi tức tương ứng, …). Số cổ phần này sẽ được Hội đồng quản trị quyết định bán.
  • Trường hợp cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì chỉ có quyền tương ứng với số cổ phần đó. Số cổ phần chưa thanh toán còn lại sẽ được bán theo quyết định của Hội đồng quản trị.

Sau 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp chưa góp đủ vốn theo đăng ký ban đầu thì cần phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong thời hạn 30 ngày đối với công ty TNHH/công ty cổ phần; đối với công ty hợp danh, các thành viên sẽ đăng ký thời hạn cam kết góp vốn cụ thể.

Nếu sau thời hạn nêu trên, doanh nghiệp không thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm phải khắc phục hậu quả bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã góp ( căn cứ điểm a khoản 3, điểm b khoản 5 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

8. Các câu hỏi thường gặp về góp vốn thành lập doanh nghiệp

a. Góp vốn thành lập doanh nghiệp tối thiểu là bao nhiêu?

Theo Luật Doanh nghiệp hiện nay thì không có quy định cụ thể về mức vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp, nhưng sẽ tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký.

Đối với một số ngành nghề kinh doanh đặc thù thì sẽ có yêu cầu về mức vốn pháp định để hoạt động thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng yêu cầu theo đúng quy định pháp luật.

b. Phạm vi trách nhiệm như thế nào khi góp vốn thành lập doanh nghiệp?

Người góp vốn thành lập doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn góp mà họ đã cam kết góp vào doanh nghiệp.

c. Khi góp vốn thành lập doanh nghiệp thì ai có thể làm người đại diện theo pháp luật?

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Như vậy, pháp luật doanh nghiệp 2020 không bắt buộc người góp vốn thành lập doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng các điều kiện do doanh nghiệp đặt ra và đáp ứng các quy định của pháp luật.

Xem thêm:

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

d. Khi góp vốn thành lập doanh nghiệp thì có được cấp Giấy chứng nhận vốn góp không?

Căn cứ quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 thì khi góp đủ vốn, người góp vốn sẽ được Công ty cấp Giấy chứng nhận góp vốn hoặc Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần để ghi nhận phần vốn đã góp, cổ phần đã mua trong Công ty.

9. Dịch vụ tư vấn góp vốn thành lập doanh nghiệp

Ngày nay, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp là một nhu cầu tương đối thường xuyên của nhà đầu tư. Khi có nhu cầu này, nhà đầu tư cần nắm bắt được các công việc cần làm cùng với các quy định của pháp luật hoặc liên hệ với Công ty Luật Thái An chúng tôi để thực hiện dịch vụ tư vấn góp vốn thành lập doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đến với Luật Thái An là bạn đang đến với dịch vụ tư vấn pháp lý hàng đầu Việt Nam, với chất lượng tư vấn và giá cả không thể tốt hơn.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ GÓP VỐNTHÀNH LẬP DOANH NGHIỆP !

Nguyễn Văn Thanh