Phát hành trái phiếu doanh nghiệp như thế nào ?

Trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ tài chính quan trọng, cho phép các công ty huy động vốn từ thị trường vốn để tái đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc tái cấu trúc nợ hiện có. Chúng là một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, cung cấp cả cơ hội lợi nhuận lẫn rủi ro tiềm ẩn. Cùng tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp qua bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về trái phiếu doanh nghiệp

Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về trái phiếu doanh nghiệp là các văn bản pháp luật sau đây:

  • Luật Chứng khoánngày 26 tháng 11 năm 2019;
  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
  • Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

2. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoản 2019 và khoản 1 Điều 3 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về trái phiếu theo đó trái phiếu là một loại tài sản, là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Ngoài ra trái phiếu còn có một số đặc điểm như sau:

  • Thời gian sở hữu trái phiếu được ghi rõ trong trái phiếu. Tổ chức phát hành phải hoàn trả khoản cho vay ban đầu khi nó đáo hạn.
  • Thu nhập của trái phiếu là từ tiền lãi, đây là khoản thu cố định và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty phát hành.
  • Khi doanh nghiệp bị phá sản, do trái phiếu được coi như khoản nợ nên sẽ được ưu tiên thanh toán trước so với cổ phiếu.

3. Phân loại trái phiếu doanh nghiệp:

Trái phiếu doanh nghiệp có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm loại lãi suất (cố định hoặc thả nổi), mức độ ưu đãi (ưu đãi hoặc không ưu đãi), và tính chất chuyển đổi (có thể chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc không). Sự đa dạng này giúp các nhà đầu tư có thể lựa chọn loại trái phiếu phù hợp với mục tiêu và sở thích rủi ro của họ.

Một số loại trái phiếu doanh nghiệp bao gồm:

  • “Trái phiếu doanh nghiệp xanh” là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
  • “Trái phiếu chuyển đổi” là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
  • “Trái phiếu có bảo đảm” là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
  • “Trái phiếu kèm chứng quyền” là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

4. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp như sau:

  • Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
  • Mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CPvà công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
  • Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc trên, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo phương án phát hành đã được phê duyệt.
  • Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CPkhi đáp ứng các quy định sau: Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;
  • Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

5. Các thông tin cơ bản về trái phiếu doanh nghiệp

Sau đây là các thông tin cơ bản về trái phiếu doanh nghiệp mà bạn cần biết:

  • Kỳ hạn trái phiếu: Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
  • Khối lượng phát hành: Do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
  • Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là đồng Việt Nam. Đối với trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là ngoại tệ theo quy định tại thị trường phát hành và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
  • Mệnh giá trái phiếu: Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam. Trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, mệnh giá thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.
  • Hình thức trái phiếu: Trái phiếu được chào bán dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.
  • Lãi suất danh nghĩa trái phiếu: Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu; lãi suất thả nổi; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi.
  • Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu về cơ sở tham chiếu được sử dụng.
  • Doanh nghiệp phát hành quyết định lãi suất danh nghĩa cho từng đợt chào bán phù hợp với tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ. Lãi suất trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành ngoài việc tuân thủ quy định tại Nghị định này phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Loại hình trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định theo quy định của pháp luật.
  • Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu: Do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành để công bố cho nhà đầu tư trước khi chào bán trái phiếu.
phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Chỉ công ty cổ phần và TNHH mới có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp – ảnh: Luật Thái An

6. Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Có hai quy mô phát hành trái phiếu: quy mô nhỏ là phát hành trái phiếu là các nhà đầu tư với số lượng giới hạn và phát hành trái phiếu ra công chúng với số lượng lớn. Do đó, các điều kiện trong từng trường hợp là khác nhau.

a. Điều kiện phát hành trái phiếu có giới hạn:

Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, thì điều kiện chào bán trái phiếu là khác nhau đối với các trường hợp phát hành trái phiếu không hoặc có kèm theo chứng quyền:

Điều kiện phát hành trái phiếu không kèm theo chứng quyền:

Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
  • Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
  • Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
  • Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận.
  • Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
  • Đối tượng tham gia đợt chào bán đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Điều kiện phát hành trái phiếu không chuyển đổi không kèm theo chứng quyền:

Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: doanh nghiệp thì cũng đáp ứng các điều kiện tương tự như đối với trái phiếu ở phần (a) nêu trên, ngoại trừ điều kiện về vệc thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu;

Điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:

Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.
  • Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
  • Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
  • Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
  • Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận.
  • Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
  • Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.
  • Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng là gì?

Phát hành trái phiếu ra công chúng phải thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, đó là:

  • Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
  • Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
  • Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
  • Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
  • Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
  • Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
  • Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
  • Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
  • Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
trái phiếu doanh nghiệp
Pháp luật quy định một số điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp – ảnh minh hoạ: internet

7. Quy trình phát hành trái phiếu của doanh nghiệp như thế nào ?

a. Hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp gồm những gì ?

Muốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ, tài liệu sau:

  • Phương án phát hành trái phiếu được xây dựng và gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận;
  • Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu;
  • Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu;
  • Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
  • Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);
  • Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu;

Đối với hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp thành nhiều đợt, ngoài các tài liệu trên, doanh nghiệp cần chuẩn bị thêm một số tài liệu sau:

  • Dự án hoặc kế hoạch sử dụng vốn làm nhiều đợt;
  • Cập nhật về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, tình hình sử dụng số tiền thu được từ các đợt phát hành trước nếu đợt phát hành sau cách đợt phát hành trước từ 06 tháng trở lên;

Việc ban hành các quy định pháp luật về yêu cầu giấy tờ, tài liệu khi phát hành trái phiếu của doanh nghiệp nhằm làm cho việc thực hiện của doanh nghiệp được diễn ra nhanh chóng, tránh gây mất thời gian ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể thấy, hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp được quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính minh bạch trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đây là hoạt động giúp cho các doanh nghiệp hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, lành mạnh hơn.

b. Các bước phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Có thể phát hành trái phiếu của doanh nghiệp thì cần thực hiện các giai đoạn sau:

  • Doanh nghiệp phát hành chuẩn bị hồ sơ phát hành trái phiếu như trên;
  • Doanh nghiệp phát hành công bố thông tin trước đợt phát hành của doanh nghiệp tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đợt phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở Giao dịch Chứng khoán;
  • Doanh nghiệp phát hành tổ chức phát hành trái phiếu dựa trên phương thức phát hành và công bố cho đối tượng mua trái phiếu;
  • Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt phát hành trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt phát hành pho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở Giao dịch chứng khoán theo hình thức hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử;
  • Trong vòng 10 ngày làm việc sau khi kết thúc đợt phát hành, trái phiếu doanh nghiệp phải được đăng ký, lưu ký tại tổ chức lưu ký được phép để quản lý số lượng nhà đầu tư;
  • Doanh nghiệp phát hành thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu từ các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp và thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo phương án phát hành trái phiếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
  • Doanh nghiệp phát hành thực hiện công bố thông tin và báo cáo định kỳ kể từ khi hoàn thành đợt phát hành trái phiếu cho đến khi đáo hạn trái phiếu;

Đây là toàn bộ quy trình thể hiện thời gian cũng như các bước thực hiện đối việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Việc xây dựng lộ trình này đảm bảo cho việc doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ các bước trong thời hạn cho phép nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa của doanh nghiệp cũng như thể hiện sự được quản lý, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trái phiếu doanh nghiệp thường cung cấp lãi suất cao hơn so với trái phiếu chính phủ, làm cho chúng trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho những nhà đầu tư tìm kiếm thu nhập định kỳ. Ngoài ra, trái phiếu doanh nghiệp cũng cung cấp một mức độ an toàn nhất định, đặc biệt là những trái phiếu được xếp hạng cao bởi các cơ quan xếp hạng tín dụng.

Mặc dù có nhiều lợi ích, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng không phải là không có rủi ro. Rủi ro tín dụng, hay nguy cơ phá sản của doanh nghiệp phát hành, là một trong những rủi ro chính. Ngoài ra, trái phiếu cũng chịu ảnh hưởng của rủi ro lãi suất – giá trái phiếu có thể giảm khi lãi suất tăng và ngược lại.

Khi lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư, nhà đầu tư cần phải xem xét nhiều yếu tố, bao gồm xếp hạng tín dụng của trái phiếu, lịch sử tài chính của công ty phát hành, điều kiện kinh tế vĩ mô, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Việc phân tích kỹ lưỡng và cân nhắc đến các chiến lược đầu tư khác nhau sẽ giúp tối đa hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro.

 

Trên đây là phần tư vấn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nếu bạn có thắc mắc hay cần được giải thích, hãy gọi tới Tổng đài tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật Thái An.

Đàm Thị Lộc