Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư: Các quy định cần biết !
Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư là một trong những nội dung được ghi rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và nhà đầu tư phải tuân thủ thời hạn này. Vậy Quy định về thời hạn thực hiện dự án đầu tư là bao lâu? Hết thời hạn này nhà đầu tư có được gia hạn không? Dự án nào không được gia hạn? Khi nào dự án bị ngừng hoặc chấm dứt trước thời hạn? Hãy cùng Công ty Luật Thái An, một hãng luật có nhiều kinh nghiệm tư vấn luật đầu tư, tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.
1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư là gì ?
Thời hạn thực hiện dự án đầu tư cũng chính là thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Mỗi dự án đầu tư có thời hạn hoạt động nhất định. Thời hạn này được hiểu là thời gian mà dự án đầu đó được phép hoạt động để thực hiện các hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Theo Điều 44 của Luật đầu tư năm 2020 thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được quy định như sau:
- Đối với các dự án trong khu kinh tế: thời hạn hoạt động không quá 70 năm;
- Đối với các dự án ngoài khu kinh tế: thời hạn hoạt động không quá 50 năm. Nếu dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm là dự án sản xuất công nghiệp có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và thời hạn thu hồi vốn đầu tư/khấu hao tài sản trên 10 năm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.
- Đối với dự án đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư bắt đầu được tính kể từ khi được Nhà nước bàn giao đất. Và thời hạn hoạt động cũng không quá 70 năm nếu dự án trong khu kinh tế; không quá 50 năm nếu ngoài khu kinh tế, trừ trường hợp luật định được kéo dài không quá 70 năm.
2. Có thể gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư không ?
Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa là 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế; 50 năm đối với dự án ngoài khu kinh tế.
Đối với các dự án đầu tư sau đây, khi hết thời hạn hoạt động không được gia hạn:
- Các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, bao gồm:
- Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ không đáp ứng quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại dưới 85% so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng vượt quá 15% so với thiết kế hoặc phải phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Dự án sử dụng máy móc, thiết bị thuộc các trường hợp: tuổi thiết bị vượt quá 10 năm. Đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể, tuổi thiết bị được quy định chi tiết theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; không đáp ứng quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Hoặc máy móc, thiết bị đó phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.
Xem thêm:
Gia hạn giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Thông tin mới nhất năm 2024
3. Có thể ngừng hoạt động của dự án đầu tư không ?
Theo Điều 47, Dự án đầu tư có thể bị ngừng hoạt động trước thời hạn. Theo Điều 47 Luật Đầu tư 2020 việc ngừng hoạt động của dự án đầu tư được quy định như sau.
- Nhà đầu tư ngừng hoạt động của dự án đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư. Trường hợp ngừng hoạt động của dự án đầu tư vì lý do bất khả kháng thì nhà đầu tư được Nhà nước miễn tiền thuê đất, giảm tiền sử dụng đất trong thời gian ngừng hoạt động để khắc phục hậu quả do bất khả kháng gây ra.
- Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
- Để bảo vệ di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
- Để khắc phục vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường;
- Để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động theo đề nghị của cơ quan nhà nước quản lý về lao động;
- Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài;
- Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định ngừng, ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp việc thực hiện dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Các trường hợp phải chấm dứt thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Việc chấm dứt thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư 2020 trong các trường hợp sau.
a. Nhà đầu tư chấm dứt thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
- Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư;
- Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;
- Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
b. Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp sau đây:
- Dự án đầu tư phải ngừng thực hiện mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;
- Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng thì không quy định thời hạn
- Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
- Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Nhà đầu tư không ký quỹ hoặc không có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
- Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sau khi có ý kiến của cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Công ty luật Thái An về thời hạn thực hiện dự án đầu tư trong kinh doanh. Xin lưu ý: Sau thời điểm đăng bài này, các quy định của luật pháp có thể đã thay đổi. Để được tư vấn từng trường hợp cụ thể Bạn vui lòng gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT. Luật sư sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Bạn!
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024