Thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
Việc thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ là một nhiệm vụ đầy thử thách nhưng vô cùng cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Giáo dục mầm non đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển của trẻ nhỏ, cung cấp kỹ năng xã hội, tư duy logic, và đặt nền móng cho việc học tập sau này. Trong khi đó, quá trình thành lập một cơ sở giáo dục mầm non đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về luật pháp, nguồn lực tài chính và một kế hoạch cụ thể.
Cùng tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến việc thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ qua bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.
1. Cơ sở pháp lý khi thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ:
Cơ sở pháp lý khi thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ là các văn bản sau đây:
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Đầu tư 2020;
- Luật Giáo dục 2019;
- Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP
2. Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ là gì?
Căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Giáo dục 2019 quy định:
Hệ thống giáo dục quốc dân
…
2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
Bên cạnh đó, tại Điều 26 Luật Giáo dục 2019 có nội dung như sau:
Cơ sở giáo dục mầm non
Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:
1. Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi;
2. Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi;
3. Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.
Theo đó, trường mầm non là sự kết hợp của nhà trẻ và trường mẫu giáo nên sẽ nhận trẻ bao gồm từ 03 tháng đến 06 tuổi. Nhà trẻ thuộc cơ sở giáo dục mầm non và nhận trẻ có độ tuổi từ 03 tháng – 03 tuổi.
3. Điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ là gì?
Kinh doanh dịch vụ giáo dục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bạn cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó. Theo Điều 3 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục như sau:
“1. Có đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.”
Như vậy, để thành lập trường mầm non cần có các điều kiện sau: có đề án thành lập phù hợp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt; đề án thành lập phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính;…
4. Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất tối thiểu để thành lập trường mầm non là gì?
Theo Điều 6 Quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học Ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn tối thiểu của trường mầm non như sau:
(1) Khối phòng hành chính quản trị
- Phòng Hiệu trưởng: có phòng làm việc và đầy đủ máy móc, thiết bị văn phòng theo quy định hiện hành;
- Phòng Phó Hiệu trưởng: đầy đủ máy móc, thiết bị văn phòng theo quy định hiện hành;
- Văn phòng trường: bảo đảm có 01 phòng; có đầy đủ máy móc, thiết bị văn phòng theo quy định hiện hành;
- Phòng dành cho nhân viên: bảo đảm có 01 phòng; có tủ để đồ dùng cá nhân;
- Phòng bảo vệ: bảo đảm có 01 phòng; đặt ở gần lối ra vào của trường, có vị trí quan sát thuận lợi;
- Khu vệ sinh giáo viên, cán bộ, nhân viên: bố trí theo các khối phòng chức năng, phòng vệ sinh nam, nữ riêng biệt. Trường hợp khu vệ sinh riêng biệt cần đặt ở vị trí thuận tiện cho sử dụng, không làm ảnh hưởng môi trường;
- Khu để xe của giáo viên, cán bộ, nhân viên: có mái che và đủ chỗ cho giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường.
(2) Khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em:
Bảo đảm mỗi nhóm, lớp có một phòng, bao gồm các phân khu chức năng:
- Khu sinh hoạt chung để tổ chức các hoạt động học, chơi và ăn;
- Nơi ngủ (đối với nhóm, lớp mẫu giáo có thể sử dụng chung với khu sinh hoạt chung);
Khu vệ sinh:
Khu vệ sinh được xây dựng khép kín với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, có vách ngăn cao 1,20 m giữa chỗ đi tiểu và bồn cầu, bố trí từ 02 đến 03 tiểu treo dùng cho trẻ em trai (hoặc máng tiểu có chiều dài tối thiểu 2,0m) và từ 02 đến 03 xí bệt dùng cho trẻ em gái, khu vực rửa tay của trẻ em được bố trí riêng với tiêu chuẩn 08 trẻ em/chậu rửa, các thiết bị vệ sinh được lắp đặt phù hợp với độ tuổi;
Đối với trẻ em mẫu giáo cần bố trí nhà vệ sinh riêng cho trẻ em trai, trẻ em gái; trường hợp khu vệ sinh được xây dựng riêng biệt phải liên hệ với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bằng hành lang giao thông, thuận tiện cho sử dụng và dễ quan sát;
Hiên chơi, đón trẻ em: thuận tiện cho việc đưa, đón và sinh hoạt của trẻ em khi trời mưa, nắng; xung quanh hiên chơi cần có lan can với chiều cao không nhỏ hơn 1,0m;
Phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật: liên hệ với phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bằng hành lang giao thông. Đối với trường có quy mô đến 14 nhóm, lớp, bảo đảm tối thiểu có 01 phòng sử dụng chung cho giáo dục thể chất và nghệ thuật (phòng đa năng); đối với trường có quy mô lớn hơn 14 nhóm, lớp có tối thiểu 01 phòng giáo dục nghệ thuật và 01 phòng giáo dục thể chất. Điểm trường có quy mô từ 05 nhóm, lớp trở lên, bố trí tối thiểu 01 phòng đa năng;
Sân chơi riêng: lắp đặt các thiết bị và đồ chơi ngoài trời theo quy định.
(3) Khối phòng tổ chức ăn (áp dụng cho các trường có tổ chức nấu ăn)
- Nhà bếp: độc lập với các khối phòng chức năng khác; gồm có khu sơ chế, khu chế biến, khu nấu ăn, khu chia thức ăn; được thiết kế và tổ chức theo dây chuyền hoạt động một chiều;
- Kho bếp: phân chia riêng biệt kho lương thực và kho thực phẩm; có lối nhập, xuất hàng thuận tiện, độc lập và phân chia khu vực cho từng loại thực phẩm; có thiết bị bảo quản thực phẩm.
(4) Khối phụ trợ
- Phòng họp: bảo đảm có 01 phòng; sử dụng làm nơi sinh hoạt chung và làm việc chuyên môn của giáo viên ngoài giờ lên lớp, trang bị đầy đủ các thiết bị theo quy định hiện hành;
- Phòng Y tế: bảo đảm có 01 phòng; vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu; có tủ thuốc với các loại thuốc thiết yếu, dụng cụ sơ cứu, giường bệnh;
- Nhà kho: bảo đảm có 01 phòng; để dụng cụ chung và học phẩm của trường;
- Sân vườn: gồm sân chơi chung và vườn cây, bãi cỏ; được sử dụng để tổ chức các khu trò chơi vận động và sân khấu ngoài trời. Sân bằng phẳng, không trơn trượt, mấp mô, có cây xanh tạo bóng mát sân trường;
- Cổng, hàng rào: khuôn viên của trường, điểm trường phải ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào bảo vệ (tường xây hoặc hàng rào cây xanh), bảo đảm vững chắc, an toàn; cổng trường, điểm trường phải kiên cố, vững chắc để gắn cổng và biển tên trường…..
Như vậy, tiêu chuẩn cơ sở vật chất cơ bản bao gồm: khối phòng hành chính quản trị; khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em; khối phòng tổ chức ăn (áp dụng cho các trường có tổ chức nấu ăn); khối phụ trợ; hạ tầng kỹ thuật.
5. Hồ sơ, thủ tục thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ cần thực hiện những gì?
Thủ tục thành lập trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non dân lập, tư thục được quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP) cụ thể:
5.1. Về hồ sơ
(1) Tờ trình đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập; của tổ chức hoặc cá nhân đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;
(2) Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
Trong đề án cần nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện các kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong 03 năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển trường mầm non trong từng giai đoạn
5.2. Về trình tự thực hiện
(1) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu đề nghị thành lập trường mầm non công lập); tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mầm non dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện
(2) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định các điều kiện thành lập trường mầm non; trong thời hạn 15 ngày làm việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
(3) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do
Lưu ý: Sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu trường mầm non không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập bị hủy bỏ.
6. Ai có thẩm quyền ra quyết định thành lập trường mầm non?
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non tư thục.
7. Điều kiện để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục là gì?
Theo Điều 5 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP) quy định về điều kiện để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục như sau:
- Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu, duy trì và phát triển hoạt động giáo dục
- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non và tổ chức hoạt động giáo dục.
- Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.
- Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
8. Hồ sơ, thủ tục để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục
Căn cứ Điều 6 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP) quy định về hồ sơ, thủ tục để trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục như sau:
8.1. Về thẩm quyền
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo cho phép trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoạt động giáo dục.
8.2. Hồ sơ xin cấp phép
Hồ sơ gồm:
- Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục;
- Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
- Danh sách cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt gồm hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; danh sách đội ngũ giáo viên, trong đó ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo; hợp đồng làm việc đã được ký giữa trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ với từng cán bộ quản lý, giáo viên;
- Chương trình giáo dục mầm non, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
- Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện theo quy định;
- Các văn bản pháp lý: xác nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê trụ sở với thời hạn tối thiểu 05 năm; xác nhận về số tiền hiện có do trường đang quản lý, bảo đảm tính hợp pháp và cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng và chi phí cho các hoạt động thường xuyên của trường sau khi được cho phép hoạt động giáo dục; phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để bảo đảm duy trì ổn định hoạt động của trường trong giai đoạn 05 năm, bắt đầu từ khi được tuyển sinh;
- Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ.
8.3. Trình tự thực hiện:
- Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến Phòng Giáo dục và Đào tạo;
- Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và tổ chức thẩm định hồ sơ.
- Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu hồ sơ đúng quy định thì thông báo kế hoạch thẩm định thực tế tại trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
9. Tự ý thành lập trường mầm non khi chưa được cho phép thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 3, điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như sau:
Phạt tiền đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các mức phạt sau:
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;
Hình thức xử phạt bổ sung: trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm;
Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được.
10. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ
Việc thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non hay nhà trẻ đòi hỏi kiến thức chuyên môn về giáo dục mầm non và hiểu biết sâu rộng về luật pháp. Đó là lý do vì sao sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn trở nên quan trọng. Dưới đây là những lý do chính giải thích vì sao các nhà đầu tư cần đến sự giúp đỡ của luật sư trong quá trình này:
- Hiểu Rõ Quy Định Pháp Lý: Luật pháp liên quan đến giáo dục mầm non rất phức tạp, bao gồm yêu cầu về giấy phép, cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy, và tiêu chuẩn an toàn. Luật sư có khả năng giúp bạn hiểu rõ các quy định này, giúp quá trình thành lập diễn ra thuận lợi và tránh các vấn đề pháp lý không đáng có.
- Chuẩn Bị Hồ Sơ Pháp Lý: Quá trình chuẩn bị hồ sơ để xin giấy phép hoạt động đòi hỏi rất nhiều giấy tờ như thiết kế trường, danh sách nhân sự, và các tiêu chuẩn an toàn. Luật sư sẽ hỗ trợ trong việc soạn thảo, kiểm tra và nộp các hồ sơ này một cách chính xác và đúng hạn.
- Tư Vấn Về Hợp Đồng và Trách Nhiệm Pháp Lý: Luật sư có thể giúp xây dựng các hợp đồng phù hợp cho giáo viên, nhân viên hỗ trợ và các đối tác. Họ cũng có thể tư vấn về các vấn đề trách nhiệm pháp lý, bảo hiểm, và những quy định cần thiết trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
- Hướng Dẫn Về Tài Chính và Thuế: Quản lý tài chính và thuế trong lĩnh vực giáo dục mầm non rất phức tạp. Luật sư có thể giúp tư vấn về mô hình doanh nghiệp phù hợp, tránh các sai sót về thuế và đảm bảo quyền lợi tài chính.
- Hỗ Trợ Giải Quyết Tranh Chấp: Trong quá trình hoạt động, có thể xuất hiện các tranh chấp với phụ huynh, giáo viên hoặc đối tác. Luật sư giúp bảo vệ quyền lợi của bạn, xử lý tranh chấp thông qua đàm phán hoặc tư vấn về giải pháp pháp lý.
12. Kết luận
Việc thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật doanh nghiệp và pháp luật giáo dục. Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn không chỉ đảm bảo việc tuân thủ quy định mà còn tối ưu hóa quy trình thành lập và vận hành. Nhờ đó, bạn có thể tập trung hơn vào việc phát triển chương trình giáo dục và tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho trẻ.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021