Thanh lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá như thế nào ?

Thuốc lá là một mặt hàng đặc biệt được chính phủ quản lý nghiêm ngặt, dẫn đến việc kinh doanh trong lĩnh vực này phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư, kinh doanh muốn hoạt động trong ngành này nhưng họ còn thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan. Dưới đây, bài viết của Công ty Luật Thái An sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các quy định hiện hành trong việc thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá vốn Việt nam hoặc vốn nước ngoài.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá 

  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Luật Đầu tư 2020;
  • Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012;
  •  Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định  67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá;
  • Nghị định số: 106/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP;
  • Nghị định 17/2020/NĐ-CP   sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
  •  Thông tư 57/2018/TT-BCT hướng dẫn Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành;
  •  Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
  • Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO;
  • Các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (FTAs);

2. Một số khái niệm cần biết liên quan đến việc thành lập Công ty kinh doanh thuốc lá

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 thì Kinh doanh thuốc lá được hiểu như sau:

  • Kinh doanh thuốc lá là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu thụ thuốc lá trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
  • “Sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi. Sản xuất thuốc lá là quy trình chế biến và sản xuất các sản phẩm từ lá thuốc lá, thường để sử dụng trong việc hút, nhai, hoặc hít. Quy trình này bao gồm nhiều bước khác nhau từ khi thu hoạch lá thuốc lá cho đến khi sản phẩm cuối cùng được đóng gói và phân phối tới người tiêu dùng.

Vì kinh doanh thuốc là là một khái niệm rất rộng, cho nên trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung vào điều kiện và thủ tục thành lập công ty sản xuất thuốc lá.

3. Ngành nghề sản xuất thuốc lá

Sản xuất thuốc lá có các phân ngành nhỏ là:

  • Sản xuất thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá như: thuốc lá điếu; 
  • Sản xuất thuốc lá đã được đồng hóa hoặc đã được chế biến .

Mã ngành cấp 4 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt nam (cần thiết khi xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) là 1200. Các ngành nghề khác liên quan đến sản xuất thuốc lá được quy định như sau:

  • 4634: Bán buôn sản phẩm thuốc lá, thuốc lào;
  • 4724: Bán lẻ sản phẩm thuốc lá, thuốc lào trong các cửa hàng chuyên doanh;

Ngoài ra doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có thể lựa chọn một số ngành nghề kinh doanh khác để đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

4. Điều kiện thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá

Doanh nghiệp muốn sản xuất sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng các điều kiện sau:

Một là, Doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm thuốc lá trước ngày 14/08/2000 hoặc doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư trong trường hợp sáp nhập, liên doanh để sản xuất thuốc lá.

Hai là, Điều kiện về đầu tư và sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước:

  • Doanh nghiệp phải tham gia đầu tư trồng cây thuốc lá dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên kết đầu tư với các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Phải sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước để sản xuất thuốc lá. Trong trường hợp không đủ nguyên liệu trong nước thì được nhập khẩu phần nguyên liệu còn thiếu theo kế hoạch nhập khẩu hàng năm do Bộ Công Thương công bố, trừ trường hợp sản xuất sản phẩm thuốc lá nhãn nước ngoài hoặc sản phẩm thuốc lá để xuất khẩu.

Ba là, Điều kiện về máy móc thiết bị: Có máy móc thiết bị chuyên ngành gồm các công đoạn chính: Cuốn điếu, đóng bao (xem chi tiết tại Danh mục Máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá (theo mẫu Phụ lục 72 kèm theo Thông tư 57/2018/TT-BCT được bổ sung mã HS bởi Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 41/2019/TT-BCT).

Bốn là, Điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá: Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm thuốc lá.

Năm là, Điều kiện về sở hữu nhãn hiệu hàng hóa: Doanh nghiệp phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.

Sáu là, Điều kiện về môi trường và phòng, chống cháy nổ: Có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật

5. Điều kiện đầu tư nước ngoài đối với sản xuất thuốc lá theo quy định của Hiệp định đầu tư toàn diện trong ASEAN (ACIA) 

Theo quy định của Hiệp định đầu tư toàn diện trong ASEAN (ACIA), không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia là thành viên ASEAN để:

  • Sản xuất thuốc lá, gồm thuốc lá điếu và xì gà; sản xuất thuốc lá.
  • Cung cấp dịch vụ liên quan tới sản xuất bao gồm:
    • Chế biến sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá tẩu, thuốc lá nhai, thuốc lá do nông dân cắt theo hợp đồng hoặc trả phí; chế biến thuốc lá hoàn nguyên trên cơ sở hợp đồng hay mất phí ; chế biến hặc trên cơ sở hợp đồng hay mất phí.
    • Các dịch vụ liên quan tới chế biến thuốc lá đã qua chế biến để sản xuất thuốc lá điếu trên cơ sở hợp đồng hay mất phí.

6. Điều kiện đầu tư nước ngoài đối với thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá theo quy định của pháp luật Việt Nam 

Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP) quy định điều kiện đầu tư, hợp tác với nước ngoài để thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá bao gồm:

  • Đầu tư trên cơ sở liên doanh hợp tác với doanh nghiệp đã có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá. Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong vốn Điều lệ của doanh nghiệp (trong trường hợp đầu tư theo hình thức liên doanh);
  • Đáp ứng các điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá (quy định tại Điều 17 Nghị định 67/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP);
  • Được Thủ tướng Chính phủ cho phép trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương.

6.1. Điều kiện về hình thức đầu tư

Để có thể kinh doanh, sản xuất thuốc lá tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài cần phải liên doanh với một doanh nghiệp có vốn nhà nước (trong trường hợp liên kết kinh doanh) hoặc đầu tư theo hình thức mua lại thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.

6.2. Điều kiện về chủ thể sản xuất sản phẩm thuốc lá (đối tác Việt Nam tham gia đầu tư)

Là doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm thuốc lá trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá trong giai đoạn 2000 – 2010.

Là doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư trong trường hợp sáp nhập, liên doanh để sản xuất thuốc lá.

6.3. Điều kiện về đầu tư và sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước

  • Doanh nghiệp phải tham gia đầu tư trồng cây thuốc lá dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên kết đầu tư với các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước để sản xuất thuốc lá. Trong trường hợp không đủ nguyên liệu trong nước thì được nhập khẩu phần nguyên liệu còn thiếu theo kế hoạch nhập khẩu hàng năm do Bộ Công Thương công bố, trừ trường hợp sản xuất sản phẩm thuốc lá nhãn nước ngoài hoặc sản phẩm thuốc lá để xuất khẩu.

6.4.  Điều kiện về máy móc thiết bị, vốn điều lệ và một số điều kiện khác

  • Máy móc: doanh nghiệp phải có máy móc thiết bị chuyên ngành gồm các công đoạn chính: Cuốn điếu, đóng bao.
  • Vốn điều lệ: Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong vốn Điều lệ của doanh nghiệp trong trường hợp đầu tư theo hình thức liên doanh.

Ngoài ra, việc đầu tư nước ngoài đối với ngành nghề sản xuất thuốc lá phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương.

7. Thủ tục thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá 100% vốn Việt Nam 

7.1. Xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Việc đăng ký thành lập công ty 100% vốn Việt Nam thực chất là xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khá đơn giản, bạn cần chuẩn bị cung cấp các thông tin sau:

  • Ngành nghề kinh doanh
  • Vốn điều lệ
  • Địa điểm đặt trụ sở công ty (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê văn phòng)
  • Về ngành nghề kinh doanh thì sẽ dựa vào hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam.

a) Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá

Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP thường bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu;
  • Giấy phép con
  • Điều lệ công ty 
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty;
  • Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền
  • Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền

b) Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai cách sau:

  • Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
  • Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn

 Sau 3 ngày làm việc, phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả xử lý hồ sơ, nếu hồ sơ ra thông báo bổ sung, doanh nghiệp sửa hồ sơ và nộp lại từ đầu. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp đến phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.

7.2. Xin giấy phép con để thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá

Kinh doanh thuốc lá là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá; chế biến nguyên liệu thuốc lá, mua bán nguyên liệu thuốc lá và đầu tư trồng cây thuốc lá phải đáp ứng đủ điều kiện và có giấy phép theo quy định như:

  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá
  • Giấy phép mua bán nguyên liệu thuốc lá
  • Giấy phép chế biến nguyên liệu thuốc lá
  • Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá
  • Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá bao gồm các giấy phép: Phân phối sản phẩm thuốc lá; Bán buôn sản phẩm thuốc lá; Bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất thuốc lá, doanh nghiệp sẽ phải  chuẩn bị hồ sơ gồm các tài liệu để xin Giấy phép con thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá như sau:

công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá
Hồ sơ xin Giấy phép con thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá – Nguồn: Luật Thái An
  • Mẫu đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá theo mẫu Phụ lục 14 kèm theo Thông tư 57/2018/TT-BTC;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có đăng ký ngành nghề sản xuất sản phẩm thuốc lá;
  • Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 03 (ba) năm gần nhất (nếu có) và dự kiến sản lượng sản xuất kinh doanh của 05 (năm) năm tiếp theo theo mẫu Phụ lục 15 kèm theo Thông tư 57/2018/TT-BTC;
  • Bảng kê danh mục máy móc, thiết bị cuốn điếu thuốc lá và đóng bao thuốc lá theo mẫu Phụ lục 16 kèm theo Thông tư 57/2018/TT-BTC;
  • Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của máy móc thiết bị;
  • Hợp đồng gia công chế biến sợi, hợp đồng dịch vụ kiểm tra chất lượng (nếu có);
  • Bản sao hồ sơ chứng minh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá.

 

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu nêu trên, doanh nghiệp sẽ gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương xem xét và cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.

Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện theo quy định, Bộ Công Thương sẽ có văn bản trả lời từ chối cấp phép và nêu rõ lý do. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung.

Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá có thời hạn 05 năm và có thể được cấp lại.

8. Thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá 100% vốn nước ngoài

Việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài thì phức tạp hơn, gồm hai bước cơ bản:

  • Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc có được cấp phép hay không còn tùy thuộc vào cam kết quốc tế của Việt Nam và pháp luật Việt Nam đối với ngành nghề đầu tư đó.
  • Xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành lập công ty thực hiện dự án đầu tư đã được cấp phép, quá trình này sẽ tương tự như đối với một công ty Việt Nam.

8.1 Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư; Đề xuất dự án đầu tư
  • Báo cáo tài chính được kiểm toán 02 năm gần nhất của nhà đầu tư hoặc sao kê tài khoản ngân hàng cho thấy nhà đầu tư đã có đủ hoặc nhiều hơn số vốn điều lệ
  • Quyết định đầu tư vào Việt Nam
  • Thư bổ nhiệm người đại diện quản lý vốn
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/doanh nghiệp hoặc mã số doanh nghiệp hoặc số Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc tài liệu khác có giá trị pháp lý tương đương
  • Điều lệ công ty mẹ
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với Người đại diện quản lý vốn NĐT
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất. Trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
  • Các giấy phép khác liên quan tới địa điểm (nếu có)

Thời gian xử lý hồ sơ là 15 ngày làm việc

8.2 . Xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập công ty sản xuất thuốc lá

Thủ tục này cũng thực hiện tại Sở kế hoạch đầu tư nơi công ty đặt trụ sở. Bạn có thể chọn một trong các loại hình công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty cổ phần. 

Thời gian xử lý là 5 ngày làm việc.

8.3. Xin giấy phép con đối với công ty sản xuất thuốc lá

Giấy phép con đối với ngành nghề kinh doanh: Đối với ngành nghề sản xuất thuốc lá, dù là doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài cũng cần phải xin giấy phép sản xuất thuốc lá. 

Giấy phép đối với cơ sở sản xuất

Công bố sản phẩm:

  • Doanh nghiệp công bố hợp chuẩn đối với sản phẩm của mình. Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Việc công bố hợp chuẩn không phải là bắt buộc.
  • Doanh nghiệp công bố hợp quy đối với sản phẩm của mình. Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đây là thủ tục bắt buộc, tiên quyết để đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Công ty sản xuất thuốc lá có thể đăng ký bảo hộ đối nhãn hiệu hàng hóa. Với việc bảo hộ này, doanh nghiệp có thể ngăn cấm các đối thủ cạnh tranh sử dụng nhãn hiệu của bạn cho sản phẩm của họ.

Đăng ký mã số mã vạch: Việc đăng ký mã số mã vạch sẽ là cần thiết khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường trong nước và nước ngoài. Khách hàng sẽ dễ nhận diện thương hiệu, công ty sản xuất thuốc lá dễ dàng quản lý sản phẩm…

9. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn Thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá

Việc thành lập công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá đặc biệt phức tạp và yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý do đặc thù của ngành này liên quan đến sức khỏe công cộng. Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn trong quá trình thành lập công ty sản xuất thuốc lá không chỉ giúp đảm bảo tính pháp lý của các thủ tục mà còn giúp công ty tiết kiệm thời gian và chi phí trong dài hạn. Dưới đây là những lý do cụ thể về sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn:

  • Luật sư tư vấn cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức chuyên môn sâu sắc, giúp họ nắm vững các quy định pháp luật, từ đó tránh được những sai sót có thể dẫn đến rủi ro pháp lý, phạt tiền hoặc thậm chí là việc đình chỉ hoạt động kinh doanh.
  • Tư vấn các vấn đề pháp lý phức tạp: Ngành công nghiệp thuốc lá thường phải đối mặt với nhiều quy định phức tạp và thay đổi thường xuyên. Luật sư có thể cung cấp lời khuyên chính xác và cập nhật về các điều luật mới, giúp doanh nghiệp tránh phạm pháp và đối mặt với các rủi ro pháp lý tiềm ẩn.
  • Luật sư tư vấn giúp tối ưu hóa quy trình đăng ký kinh doanh, soạn thảo và kiểm tra các hợp đồng kinh tế, lao động sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
  • Qua đó, doanh nghiệp có thể tránh được các tranh chấp pháp lý không đáng có, giảm thiểu thời gian và chi phí cho các vấn đề pháp lý sau này. Đồng thời, luật sư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong các thỏa thuận, đảm bảo rằng mọi giao dịch đều mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty mình.
  • Luật sư sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến sản xuất và kinh doanh thuốc lá, giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tóm lại, việc sử dụng dịch vụ của một luật sư khi thành lập và vận hành công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá không chỉ là cần thiết mà còn là một yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong một ngành công nghiệp phức tạp và đầy thách thức như vậy.

Đàm Thị Lộc