Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là một trong những hoạt động nhằm đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm, đồng thời tránh sai sót trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có nhiều quy định về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dưới đây là những quy định hữu ích cần biết.

1. Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự 2015  thì xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

2. Phạm vi xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Phạm vi xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

3. Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 344 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Tòa án cấp tỉnh: xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án nhân dân cấp cao: xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án quân sự cấp quân khu: xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án quân sự trung ương: xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.

4. Thành phần tham gia xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Căn cứ theo khoản 2 Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về thành phần Hội đồng xét xử như sau: Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự sẽ bao gồm có 03 Thẩm phán.

5. Trước khi xét xử phúc thẩm có được thay đổi hoặc rút kháng cáo, kháng nghị không?

Tại Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm thì:

  • Người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo,
  • Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị
  • Người kháng cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo
  • Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.

Lưu ý: Việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo.

Hậu quả pháp lý của việc rút kháng cáo, kháng nghị:

Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó.

6. Trình tự thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

6.1 Thụ lý vụ án

Theo Điều 340 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

6.2 Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Theo Điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự như sau:

  •  Tòa án cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án;
  • Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

– Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

  • Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
  • Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.

6.3 Tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Thủ tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự được quy định tại Điều 354 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

  • Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
  • Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
  • Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
  • Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

7. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bản án sơ thẩm

Căn cứ Điều 355, Điều 356, Điều 357, Điều 358, Điều 359, Điều 360, Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự có quyền:

7.1 Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm

Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật.

7.2 Sửa bản án sơ thẩm

Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

  • Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
  • Áp dụng điều, khoản về tội nhẹ hơn;
  • Giảm hình phạt cho bị cáo;
  • Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
  • Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
  • Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự có thể:

  • Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;
  • Tăng mức bồi thường thiệt hại;
  • Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;
  • Không cho bị cáo hưởng án treo.
  • Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

7.3 Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại

Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:

  • Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;
  • Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;
  • Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.

7.4 Huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại

Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường hợp:

  •  Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần;
  • Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm;
  • Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;
  • Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;
  • Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án.

7.5 Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án

Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ sau đây.

  • Không có sự việc phạm tội;
  • Hành vi không cấu thành tội phạm;

Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ sau đây:

7.6 Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm

Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút toàn bộ kháng nghị.

Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút.

Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hình sự trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.

8. Phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án hình sự bị hoãn trong trường hợp nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 352 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa
  • Phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa
  • Trường hợp có Thẩm phán, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa (thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm) không thể tiếp tục tham gia xét xử mà không có Thẩm phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế (Điều 349 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
  •  Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế;
  • Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan (trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa);
  • Trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mà người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa (trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa);
  •  Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.

Lưu ý: Trường hợp hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

9. Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm

9.1 Thời hạn mở phiên họp xem xét quyết định sơ thẩm

  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp.
  • Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp.
  • Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.

9.2 Trình tự mở phiên họp

  • Hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên họp. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên họp.
  • Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có).
  • Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên họp và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định.

(Căn cứ Điều 362 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

10. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với quyết định sơ thẩm

Tại Điều 361 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự có quyền:

  •  Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật;
  • Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
  • Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.

11. Dịch vụ Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp tại phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Nếu quý khách hàng đang có liên quan đến phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án hình sự hãy sử dụng ngay dịch vụ Luật sư bào chữa Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Công ty Luật Thái An.  Với đội ngũ Luật sư giỏi, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự, Luật Thái An cam kết Quý khách hàng sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách toàn diện, chất lượng và đúng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, bảng giá dịch vụ và quy trình cung cấp dịch vụ Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Công ty luật Thái An luôn hợp lý nhất thị trường. Mọi yêu cầu cũng như thắc mắc cần được giải đáp của quý khách hàng sẽ được các Luật sư tận tình tư vấn và hỗ trợ đảm bảo quý khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng.

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và sử dụng dịch vụ

>> Xem thêm: Dịch vụ Luật sư bào chữa

Đàm Thị Lộc