Đất lấn chiếm có được cấp sổ đỏ không ?

Trong những năm gần đây, vấn đề đất lấn chiếm đã trở nên phức tạp và gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam. Vấn đề này không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu đất đai hợp pháp mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý và phát triển đô thị, làm tăng các vấn đề xã hội và môi trường. Cùng tìm hiểu vấn đề đất lấn chiếm qua bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.

1. Căn cứ pháp lý điều chỉnh vấn đề đất lấn chiếm

  • Luật Đất đai năm 2013;
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai
  • Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
  • Nghị định 04/2022/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ

2. Đất lấn chiếm là gì?

Theo khoản 1, 2 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định rõ về hành vi lấn đất, chiếm đất như sau:

Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
  • Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
  • Sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
  • Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Đất lấn chiếm
Các hành vi được xem là chiếm đất theo quy định pháp luật – Nguồn: Luật Thái An

3. Lịch sử và nguyên nhân hình thành đất lấn chiếm

Đất lấn chiếm không phải là hiện tượng mới mẻ tại Việt Nam. Từ thời kỳ đổi mới đến nay, nhu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, tình trạng này đã trở nên phổ biến. Các nguyên nhân chính gây ra đất xâm chiếm bao gồm các yếu tố thiếu hiểu biết về pháp luật, tăng tốc trong quản lý cơ quan chức năng và quan trọng nhất là sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số và đô thị hóa

4. Hậu quả của việc lấn chiếm đất

Hậu quả của việc lấn chiếm đất đai có thể được phân tích dưới nhiều khía cạnh, từ xã hội, kinh tế, môi trường, đến pháp lý:

  • Hậu quả xã hội: Lấn chiếm đất đai gây ra sự mất cân đối và bất công trong xã hội. Người có quyền lợi hợp pháp về đất đai có thể mất đi tài sản của mình, gây ra sự bất ổn và mất lòng tin vào hệ thống pháp luật. Đồng thời, tình trạng này còn dẫn đến xung đột giữa các cá nhân và nhóm cộng đồng.
  • Tác động Kinh ttế: Việc lấn chiếm đất đai ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và quốc gia. Điều này không chỉ làm suy giảm giá trị đất đai, mà còn cản trở sự phát triển của các dự án đầu tư và kế hoạch quy hoạch đô thị. Ngoài ra, nó cũng làm tăng chi phí pháp lý và quản lý đất đai.
  • Ảnh hưởng đến Môi trường: Lấn chiếm đất đai thường đi kèm với việc sử dụng đất không hiệu quả và không theo quy hoạch, dẫn đến sự suy giảm các tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và mất mát đa dạng sinh học.
  • Hậu quả Pháp lý: Những người lấn chiếm đất đai có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ, mà còn tạo ra gánh nặng cho hệ thống tư pháp.

Những hậu quả này cho thấy tình trạng lấn chiếm đất đai không chỉ là vấn đề của một nhóm nhỏ người dân, mà ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng, yêu cầu sự quan tâm và giải quyết từ nhiều phía trong xã hội.

5. Đất lấn chiếm có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không?

Điều kiện chung để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định tại khoản 5 Điều 22 nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

  • Người đang sử dụng đất ổn định và thuộc các trường hợp được cấp giấy chứng nhận theo quy định;
  • Không có tranh chấp tính đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, thời gian lấn chiếm phải xảy ra từ trước ngày 01/7/2014 thì mới được xem xét, còn xảy ra sau ngày 01/7/2014 thì không được cấp giấy chứng nhận và hành vi lấn chiếm đó được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Căn cứ Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì không cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất lấn chiếm trước ngày 01/7/2014 trong các trường hợp sau:

a. Lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, lòng đường, lề đường, vỉa hè

Nếu sử dụng đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ hoặc lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng hoặc lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, công trình công cộng khác thì:

  • Nhà nước thu hồi đất để trả lại cho công trình mà không cấp Sổ đỏ, Sổ hồng đối với diện tích đất đã lấn, chiếm.
  • Trường hợp có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp sổ và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật (phải nộp tiền).

b. Sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh

Nếu sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trạm, trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, thì:

  • Nếu đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao cho Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng đất. Người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Ban quản lý rừng xem xét giao khoán bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Nếu không có Ban quản lý rừng thì người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.
  • Trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao đất cho chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình đó. Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
  • Trường hợp lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.
  • Trường hợp lấn, chiếm đất kể từ ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014, đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và hiện nay diện tích đất này vẫn được xác định giao cho nông trường, lâm trường quản lý, sử dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất lấn, chiếm để trả lại cho nông trường, lâm trường.

c. Lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc

Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thì:

  • Nếu đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó. Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai.
  • Nếu đang sử dụng đất không thuộc trường hợp trên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Sổ đỏ, Sổ hồng.

d. Đất khai hoang

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp.

Đối với trường hợp này hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức công nhận quyền sử dụng đất thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê.

Như vậy, tùy vào thời điểm sử dụng đất lấn chiếm, thời điểm lấn, chiếm và từng trường hợp cụ thể mà đất lấn chiếm có thể được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng hoặc bị thu hồi.

6. Đất lấn chiếm có được bồi thường khi Nhà nước thu hồi không?

Căn cứ Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì có thể thấy không phải trường hợp lấn, chiếm đất nào cũng là phạm pháp và có nhiều trường hợp được xem xét để giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, tài sản gắn liền trên đất.

Do đó đất lấn chiếm có được bồi thường không sẽ phụ thuộc vào việc trường hợp đất lấn chiếm đó có đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận hay xem xét giao đất quản lý hay không.

Nghị định số 47/2014/NĐ-CP Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Điều 13 cũng nêu rõ về trường hợp bồi thường về đất đối với các trường hợp sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau:

1. Khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều 100 của Luật đất đai và Điều 18 nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101, 102 Luật đất đai, các Điều 20, 22, 23, 25,27 và 28 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất

Như vậy, tùy thuộc vào từng loại đất lấn chiếm mới có thể xác định được đất đó có được bồi thường khi thu hồi hay không. Nhiều trường hợp đất lấn chiếm nhưng đảm bảo điều kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn có thể xây nhà trên đất đó nhưng phải xin giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

5. Xử phạt hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất đai

Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất đai như sau:

Điều 14. Lấn, chiếm đất

1.Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

Đất lấn chiếm
Mức xử phạt nếu lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn – Nguồn: Luật Thái An

2. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

3.Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

4. Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

5. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

6. Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng;

khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão; trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với trường hợp sử dụng đất khi chưa thực hiện xong thủ tục giao đất, thuê đất;

d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.”

6. Hành vi lấn, chiếm đất đai có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Điều 228 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt của tội vi phạm các quy định về xử lý đất đai như sau:

Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1.Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

 Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo đó, hành vi lấn chiếm đất đai có thể bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự.

Lưu ý: Nếu hành vi lấn, chiếm đất là đất tại khu vực đô thị thì mức xử phạt phải được gấp đôi mức xử phạt thông thường.

 7. Quy trình xử lý lấn chiếm đất đai khi xảy ra tranh chấp

Để bảo vệ thực thì quyền sử dụng đất, chủ sở hữu cần thực hiện các phương thức bảo vệ sau:

Tiến hành hòa giải, thương lượng với người có hành vi lấn chiếm đất đai. Theo pháp luật quy định, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Hoặc tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì bạn có thể thực hiện khởi kiện đến Tòa án căn cứ Điều 203 Luật đất đai 2013

Tùy thuộc vào từng chi tiết cụ thể cũng như số đo diện tích bị lấn chiếm khác nhau thì mức xử phạt trong quy trình xử lý lấn chiếm đất đai khác nhau.

Đất lấn chiếm
Quy trình xử lý lấn chiếm đất đai khi xảy ra tranh chấp thường tuân theo các bước dưới đây – Nguồn: Luật Thái An

Quy trình xử lý lấn chiếm đất đai khi xảy ra tranh chấp thường tuân theo các bước sau:

Bước 1: Xác định và đánh gtình trạng lấn chiếm:

    • Đầu tiên, cần xác định xem có sự lấn chiếm đất đai hay không, thông qua việc kiểm tra hiện trạng sử dụng đất và so sánh với giấy tờ pháp lý có liên quan (sổ đỏ, sổ hồng, giấy phép xây dựng, quy hoạch sử dụng đất,…).
    • Đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề: phạm vi lấn chiếm, thời gian xảy ra, tác động tới các bên liên quan.

Bước 2: Đối Thoại và Thương Lượng:

    • Trước khi tiến hành các biện pháp pháp lý, các bên liên quan nên cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và thương lượng.

Bước 3: Can thiệp của Cơ Quan chức năng:

    • Nếu không giải quyết được thông qua thương lượng, các bên có thể yêu cầu can thiệp từ cơ quan chức năng như Ủy ban Nhân dân cấp xã, phường hoặc các cơ quan quản lý đất đai.
    • Cơ quan này sẽ tiến hành xác minh, thu thập thông tin và đưa ra quyết định hoặc khuyến nghị.

Bước 4: Khởi kiện tại Tòa án:

    • Trong trường hợp không giải quyết được ở cấp hành chính, các bên có quyền khởi kiện tại tòa án.
    • Tòa án sẽ tiến hành xem xét vụ việc dựa trên bằng chứng, pháp luật liên quan và đưa ra phán quyết.

Bước 5: Thực Thi Phán Quyết của Tòa Án:

    • Sau khi có phán quyết, các bên liên quan phải tuân theo quyết định của tòa án.
    • Nếu có sự lấn chiếm đất đai trái phép, tòa án có thể yêu cầu giải tỏa, khôi phục tình trạng ban đầu, và/hoặc các biện pháp bồi thường, phạt hành chính.

8. Vai trò của luật sư trong việc tư vấn, xử lý về đất lấn chiếm

Vai trò của luật sư trong việc tư vấn về đất lấn chiếm là hết sức quan trọng và đa dạng, bao gồm:

  • Cung Cấp Tư vấn Pháp lý: Luật sư giúp khách hàng hiểu rõ về các quy định pháp luật liên quan đến đất đai,  đất lấn chiếm và quyền sở hữu đất đai. Họ cung cấp thông tin pháp lý chính xác và cập nhật, giúp khách hàng nhận thức rõ các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
  • Đánh Giá và Phân tích Tình Huống: Luật sư phân tích tình huống cụ thể của khách hàng, đánh giá mức độ phức tạp, rủi ro và cung cấp lời khuyên pháp lý. Họ giúp xác định các lựa chọn hành động và chiến lược pháp lý phù hợp.
  • Đại diện và bảo vệ quyền lợi: Trong trường hợp tranh chấp, luật sư có thể đại diện cho khách hàng trong các quy trình pháp lý, từ thương lượng, hòa giải đến khởi kiện tại tòa án. Họ đảm bảo rằng quyền lợi của khách hàng được bảo vệ một cách tối ưu.
  • Hỗ trợ đàm Phán và hòa giải: Luật sư cũng có thể tham gia vào quá trình đàm phán và hòa giải giữa các bên liên quan, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và công bằng cho mọi bên.
  • Nâng cao nhận thức pháp lý: Luật sư còn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp lý cho khách hàng và cộng đồng về các vấn đề liên quan đến đất đai và đất lấn chiếm.

===>>> Xem thêm: Dịch vụ tư vấn đất đai.

Như vậy, vai trò của luật sư trong tư vấn giải quyết đất lấn chiếm không chỉ dừng lại ở việc giải quyết vấn đề cụ thể, mà còn trong việc hướng dẫn và giáo dục pháp lý, giúp ngăn ngừa các vấn đề pháp lý tương tự trong tương lai.

Đàm Thị Lộc