Thủ tục giải thể hợp tác xã như thế nào ?

Vì nhiều lý do mà không ít hợp tác xã phải giải thể. Trong quá trình giải thể, hợp tác xã phải thực hiện việc thanh toán mọi nợ nần, tiến hành phân chia tài sản còn lại cho các thành viên, và thực hiện các thủ tục đóng đăng ký kinh doanh. Quá trình giải thể hợp tác xã phải tuân thủ đúng pháp luật, tránh gây ra những hệ lụy không mong muốn cho các bên liên quan.

1. Thế nào là giải thể Hợp tác xã ?

Giải thể hợp tác xã là quá trình pháp lý đánh dấu sự kết thúc của một tổ chức kinh tế, trong đó hợp tác xã ngừng hoạt động và tiến hành thanh lý tài sản. Quá trình này được tiến hành theo quy định cụ thể của pháp luật về hợp tác xã và cần được thực hiện một cách có tổ chức và tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục pháp lý.

Việc giải thể có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như không còn khả năng hoạt động hiệu quả, mục tiêu của hợp tác xã đã được hoàn thành, hoặc do sự thỏa thuận giữa các thành viên.

2. Các trường hợp giải thể Hợp tác xã

Theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã phải tiến tiến hành giải thể theo một trong hai phương thức sau đây:

a. Giải thể hợp tác xã một cách tự nguyện:

Giải thể Hợp tác xã tự nguyện do Đại hội thành viên, Hợp tác xã thành viên thống nhất với việc chấm dứt hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã. Đại hội thành viên, Hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện.

b. Giải thể hợp tác xã một cách bắt buộc:

Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã quyết định giải thể bắt buộc đối với Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;
  • Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong 12 tháng liên tục;
  • Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;
  • Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;
  • Theo quyết định của Tòa án.
giải thể hợp tác xã
Việc giải thể hợp tác xã phải thực hiện đúng pháp luật. – ảnh minh hoạ: internet

3. Trình tự, thủ tục tiến hành giải thể Hợp tác xã

Việc giải thể Hợp tác xã cần phải tiến hành theo một trình tự, thủ tục ghi nhận tại Luật Hợp tác xã năm 2012 và Điều 19 Nghị định 193/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan:

a. Thủ tục giải thể hợp tác xã tự nguyện:

Trường hợp Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã giải thể tự nguyện thì thủ tục giải thể được tiến hành theo trình tự như sau:

  • Tiến hành đại hội thành viên và ra nghị quyết về việc giải thể tự nguyện;
  • Đại hội thành viên thành lập và quy định trách nhiệm, quyền hạn, thời hạn hoạt động của hội đồng giải thể với các thành phần, số lượng thành viên theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật Hợp tác xã: gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành, đại diện của thành viên, Hợp tác xã thành viên.
  • Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đại hội thành viên ra nghị quyết giải thể tự nguyện, hội đồng giải thể tự nguyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
    • Thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã; đăng báo địa phương nơi Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể;
    • Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 của Luật Hợp tác xã;
    • Lập biên bản hoàn thành việc giải thể.

b. Thủ tục giải thể hợp tác xã bắt buộc:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 193/2013/NĐ-CP Trường hợp Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã giải thể bắt buộc thì thủ tục giải thể bắt buộc được tiến hành như sau:

  • Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký cho Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã lập và trình hồ sơ giải thể bắt buộc tới Ủy ban nhân dân cùng cấp.
  • Ủy ban nhân dân ra quyết định giải thể và thành lập hội đồng giải thể. Chủ tịch hội đồng giải thể là đại diện của Ủy ban nhân dân.
  • Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải thể bắt buộc, hội đồng giải thể có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
    • Đăng báo địa phương nơi Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã đã đăng ký trong 03 số liên tiếp về quyết định giải thể bắt buộc;
    • Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng;
    • Xử lý tài sản và vốn của Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 của Luật Hợp tác xã;
    • Lập biên bản hoàn thành việc giải thể;

Kinh phí giải thể được lấy từ các nguồn tài chính còn lại của Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã. Trường hợp không đủ thì sử dụng nguồn tài chính từ ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký Hợp tác xã.

c. Thủ tục với cơ quan đăng ký Hợp tác xã và cơ quan thuế

Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể theo quy định trên, Hội đồng giải thể phải gửi một bộ hồ sơ về việc giải thể Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã kèm theo biên bản hoàn thành việc giải thể tới Cơ quan đăng ký Hợp tác xã.

Sau khi nhận được hồ sơ giải thể của Hợp tác xã trong trường hợp giải thể tự nguyện, cơ quan đăng ký Hợp tác xã gửi thông tin về việc Hợp tác xã đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế có ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của hợp tác xã. Nếu HTX đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan đăng ký Hợp tác xã tiến hành chuyển tình trạng pháp lý của Hợp tác xã trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký Hợp tác xã sang tình trạng giải thể.

Đồng thời, cơ quan này ra thông báo về việc giải thể của Hợp tác xã và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã. Khi nhận thông báo về việc giải thể của Hợp tác xã và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã, Hợp tác xã phải nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã cho cơ quan đăng ký Hợp tác xã.

Trường hợp HTX chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của mình thì cơ quan có thông báo và cơ quan đăng ký Hợp tác xã từ chối việc giải thể của HTX.

 

Do việc giải thể hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật nên sự tư vấn và hỗ trợ của Luật sư đóng vai trò cực kỳ quan trọng: Họ không chỉ cung cấp tư vấn về các bước tiến hành, lựa chọn phương án giải thể phù hợp nhất, mà còn giúp hợp tác xã nắm vững quyền và nghĩa vụ của mình trong suốt quá trình giải thể.

Công việc của luật sư khi hỗ trợ giải thể hợp tác xã bao gồm soạn thảo và nộp các văn bản pháp lý, đại diện hợp tác xã trong việc giải quyết các vấn đề với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp phát sinh. Sự hiện diện của luật sư không chỉ giúp quá trình này diễn ra một cách thuận lợi và nhanh chóng, mà còn giúp bảo vệ hợp tác xã khỏi những rủi ro pháp lý tiềm ẩn, góp phần bảo toàn tài sản và danh dự cho các thành viên.

Nguyễn Văn Thanh