A-Z về thành viên hợp tác xã
Số lượng thành viên của hợp tác xã (hay còn gọi là xã viên hợp tác xã) tại Việt Nam có chiều hướng tăng khi mà Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Vậy thì quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã là gì ?
Và làm thế nào để trở thành thành viên của hợp tác xã ? Thành viên hợp tác xã thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thông qua Đại hội thành viên như thế nào ? Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn trả lời những câu hỏi này.
1. Ai có thể là thành viên hợp tác xã?
Thành viên của hợp tác xã có thể là:
- Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.
Lưu ý: Đối với hợp tác xã tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân;
Xem thêm:
2. Điều kiện để trở thành thành viên hợp tác xã là gì?
a. Điều kiện chung để trở thành thành viên hợp tác xã
Theo quy định Khoản 1 Điều 13 Luật hợp tác xã 2012 thì cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân muốn trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng các điều kiện CHUNG, đó là phải góp vốn, có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã và các điều kiện khác theo quy định của điều lệ hợp tác xã.
b. Điều kiện đối với từng loại đối tượng
Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã đối với cá nhân người Việt Nam:
Cá nhân là công dân Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có thể trở thành thành viên hợp tác xã.
Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã đối với hộ gia đình người Việt Nam:
Hộ gia đình có người đại diện hợp pháp thì có thể trở thành thành viên hợp tác xã.
Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã đối với pháp nhân Việt Nam:
Đối với pháp nhân Việt Nam nếu muốn trở thành thành viên hợp tác xã cần phải đáp ứng đủ các quy định tại Điều 3 Nghị định 193/2013. Theo đó:
- Pháp nhân Việt Nam theo quy định của Bộ luật dân sự có nhu cầu hợp tác với các thành viên khác và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã.
- Pháp nhân Việt Nam khi tham gia hợp tác xã phải có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã. Người ký đơn phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó.
- Người đại diện của pháp nhân tại hợp tác xã là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân đó.
- Góp vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.
Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã đối với cá nhân nước ngoài:
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật hợp tác xã, cá nhân là người nước ngoài muốn tham gia vào hợp tác xã ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Trường hợp tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài.
- Đối với hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn của người nước ngoài thì việc tham gia của người nước ngoài vào hợp tác xã phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư liên quan tới ngành nghề đó.
- Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.
Điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã đối với hợp tác xã:
Căn cứ khoản 2 Điều 13 Luật Hợp tác xã hì Hợp tác xã muốn trở thành thành viên liên hiệp hợp tác xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có nhu cầu hợp tác với các hợp tác xã thành viên và có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của liên hiệp hợp tác xã;
- Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của liên hiệp hợp tác xã;
- Góp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Hợp tác xã và điều lệ liên hiệp hợp tác xã;
- Điều kiện khác theo quy định của điều lệ liên hiệp hợp tác xã
c. Cán bộ, công chức có được làm thành viên Hợp tác xã không?
Theo quy định tại Điều 10 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và điều 20 Luật cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã. Theo đó, cán bộ, công chức chỉ được phép góp vốn vào hợp tác xã với tư cách người lao động trong hợp tác xã.
3. Thành viên hợp tác xã có những quyền và nghĩa vụ gì?
a. Quyền lợi và quyền của thành viên hợp tác xã:
Khi tham gia vào hợp tác xã, các thành viên sẽ được hưởng những quyền và quyền lợi sau:
Quyền lơi:
- Thành viên của hợp tác xã được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ.
- Thành viên của hợp tác xã được phân phối lợi nhuận theo quy định của Luật hợp tác xã và điều lệ của hợp tác xã.
- Thành viên của hợp tác xã được hưởng các phúc lợi của hợp tác xã.
Quyền:
- Thành viên hợp tác xã được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự đại hội thành viên.
- Thành viên hợp tác xã được biểu quyết các nội dung thuộc quyền của đại hội thành viên.
- Thành viên hợp tác xã được ứng cử, đề cử thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu trong hợp tác xã.
- Thành viên hợp tác xã được kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã. Có thể yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo thủ tục do pháp luật và điều lệ hợp tác xã quy định.
- Thành viên sẽ được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã. Được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giúp nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã.
- Thành viên sẽ được trả lại vốn góp khi ra khỏi hợp tác xã.
- Thành viên sẽ được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã khi hợp tác xã giải thể.
- Thành viên sẽ được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Ngoài ra thành viên còn được hưởng các quyền khác theo quy định của điều lệ.
b. Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã:
Ngoài những quyền lợi nêu trên thì thành viên của hợp tác xã cũng phải có một số nghĩa vụ đối với hợp tác xã, bao gồm:
- Thành viên phải cam kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ.
- Thành viên phải góp đủ và góp đúng thời hạn vốn góp đã cam kết theo quy định của điều lệ.
- Thành viên phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp của mình.
- Thành viên phải bồi thường thiệt hại nếu do mình gây ra cho hợp tác xã.
- Thành viên phải tuân thủ điều lệ, quy chế thành viên của hợp tác xã, nghị quyết đại hội thành viên, các quyết định của hội đồng quản trị hợp tác xã.
- Thành viên phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của điều lệ.
4. Đại hội thành viên hợp tác xã
a. Thế nào là Đại hội thành viên hợp tác xã?
Đại hội thành viên hợp tác xã là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong cơ cấu tổ chức của hợp tác xã. Đại hội thành viên hợp tác xã có thể quyết định và thông qua nhiều vấn đề phức tạp và quan trọng của hợp tác xã. Quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên hợp tác xã được quy định tại Điều 32 Luật Hợp tác xã năm 2012 như sau:
“Đại hội thành viên quyết định các nội dung sau đây:
-
Thông qua báo cáo kết quả hoạt động trong năm; báo cáo hoạt động của hội đồng quản trị và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
-
Phê duyệt báo cáo tài chính, kết quả kiểm toán nội bộ;
-
Phương án phân phối thu nhập và xử lý khoản lỗ, khoản nợ; lập, tỷ lệ trích các quỹ; phương án tiền lương và các khoản thu nhập cho người lao động đối với hợp tác xã tạo việc làm;
-
Phương án sản xuất, kinh doanh;
-
Đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất;
-
Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên doanh, liên kết; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; tham gia liên hiệp hợp tác xã, tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
-
Tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; thẩm quyền quyết định và phương thức huy động vốn;
-
Xác định giá trị tài sản và tài sản không chia;
-
Cơ cấu tổ chức của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
-
Việc thành viên hội đồng quản trị đồng thời là giám đốc (tổng giám đốc) hoặc thuê giám đốc (tổng giám đốc);
-
Bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tăng, giảm số lượng thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát;
-
Chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản cố định;
-
Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hợp tác xã, phá sản hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
-
Sửa đổi, bổ sung điều lệ;
-
Mức thù lao, tiền thưởng của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; tiền công, tiền lương và tiền thưởng của giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc) và các chức danh quản lý khác theo quy định của điều lệ;
-
Chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Luật này;
-
Những nội dung khác do hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên đề nghị.”:
-
Các vấn đề khác liên quan đến đại hội thành viên
b. Điều kiện tổ chức cuộc họi Đại hội thành viên hợp tác xã:
Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì có thể tổ chức Đại hội thành viên hợp tác xã khi đáp ứng điều kiện về số lượng đại biểu tham dự, cụ thể là:
- Đối với HTX có từ 100 đến 300 thành viên thì số thành viên tham gia họp Đại hội không được ít hơn 30% tổng số thành viên;
- Đối với HTX có từ 300 đến 1000 thành viên thì số thành viên tham gia họp Đại hội không được ít hơn 20% tổng số thành viên;
- Đối với HTX có từ 1000 thành viên thì số thành viên tham gia họp Đại hội không được ít hơn 200 người;
c. Triệu tập đại hội thành viên hợp tác xã
Có hai loại đại hội thành viên hợp tác xã, đó là:
Triệu tập đại hội thành viên hợp tác xã thường niên
Đại hội thành viên thường niên phải được họp trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Hội đồng quản trị hợp tác xã có thẩm quyền và trách nhiệp triệu tập họp đại hội.
Triệu tập đại hội thành viên hợp tác xã bất thường
Đại hội thành viên bất thường do hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên hoặc thành viên đại diện của ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên triệu tập.
Hội đồng quản trị triệu tập đại hội thành viên bất thường trong những trường hợp sau đây:
- Giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của hội đồng quản trị;
- Hội đồng quản trị không tổ chức được cuộc họp định kỳ sau hai lần triệu tập;
- Theo đề nghị của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
- Theo đề nghị của ít nhất một phần ba tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên.
Đại hội thành viên được tiến hành khi có ít nhất 75% tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự; trường hợp không đủ số lượng thành viên thì phải hoãn đại hội thành viên.
Trường hợp cuộc hợp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Cuộc họp của đại hội thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có ít nhất 50% tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự.
Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành thì triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai. Trong trường hợp này, cuộc họp của đại hội thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên tham dự.
Qua bài viết nêu trên, Công ty Luật Thái An tin rằng Quý bạn đọc đã hiểu các vấn đề pháp lý liên quan tới thành viên hợp tác xã. Nếu bạn vẫn còn có vướng mắc hoặc bạn có nhu cầu muốn được tham gia vào Hợp tác xã nhưng vẫn chưa hiểu toàn diện về khía cạnh pháp lý của việc tham gia này, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An.
Chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những sự tư vấn, giải pháp pháp lý tốt nhất với một mức chi phí trọn gói hợp lý, giúp công việc của bạn được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.
Xem thêm:
Dịch vụ thành lập hợp tác xã: Đáp ứng nhu cầu của người dân!
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024