Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự: Quy định mới nhất!

Để đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước trong việc quản lý hành chính về đăng ký nghĩa vụ quân sự, đồng thời để răn đe tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Hãy cùng Luật Thái An chúng tôi tìm hiểu tội phạm này trong bài viết dưới đây.

1. Nghĩa vụ quân sự, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là gì? 

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3, Khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì:

Nghĩa vụ quân sự : là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự: là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

2. Cơ sở pháp lý quy định tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Cơ sở pháp lý quy định tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự là Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

3. Cấu thành tội phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

a. Khách thể của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự xâm phạm đến chế độ đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ, gọi tập trung huấn luyện quân dự bị.

b. Mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự được thể hiện ở một trong các hành vi sau đây:

Không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự:  là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật, ví dụ như đã có lệnh gọi, nhưng không đến cơ quan quân sự có thẩm quyền để đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc đến không đúng thời gian, địa điểm đăng ký…

Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ: là hành vi của người đăng ký nghĩa vụ quân sự, đã có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ.

Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện: là trường hợp người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 phải có nghĩa vụ huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được chương trình huấn luyện.

Điều kiện để những hành vi trên bị coi là tội phạm là:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự hoặc
  • Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Lưu ý: Việc xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện được điều chỉnh bởi Nghị định 120/2013/NĐ-CP năm 2013, Nghị định 37/2022/NĐ-CP năm 2022 sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam.

c. Mặt chủ quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Mục đích của tội phạm là trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Nếu không có mục đích này thì không cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

d. Chủ thể của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào còn trong độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, chủ thể của hành vi không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự là công dân Việt Nam, nam từ đủ 17 tuổi, Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi.

Chủ thể của hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là công dân Việt Nam, nam từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; đối với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì đến hết 27 tuổi.

4. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?

a. Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

b. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
  • Phạm tội trong thời chiến;
  • Lôi kéo người khác phạm tội.
Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Người phạm phải tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị kết án 5 năm tù – Nguồn ảnh minh họa: Internet

5. Căn cứ để Toà án quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự là gì?

Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 332 Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

a. Các tình tiết tăng nặng đối với tội trốn tránh nghĩa vụ

Các tình tiết tăng nặng đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể là:

  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

và các tình tiết tăng nặng khác được quy định tại Điều 52 Bộ Luật hình sự 2015

b. Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Các tình tiết giảm nhẹ được quy định Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, các tình tiết giảm nhẹ có thể là:

  • Người phạm tội tự thú;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

6. Khi nào tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự không bị truy cứu trách nhiệm hình sự 

Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện hành vi phạm tội mà cá nhân người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước về hành vi phạm tội của mình.

Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

7. Đã tham gia quân ngũ nhưng lại bỏ trốn thì có phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự không?

Trường hợp đã tham gia quân ngũ nhưng trong quá trình thực hiện nghĩa vụ lại bỏ trốn, hành vi này gọi là đào ngũ và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đào ngũ quy định tại Điều 402 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức hình phạt nhẹ nhất là  phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm,mức phạt cao nhất là 12 năm tù.

8. Dịch vụ luật sư bào chữa hình sự của Luật Thái An

Để có thể bảo vệ quyền lợi ích của mình một cách tốt nhất khi có liên quan đến tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự hay bất kỳ tội nào mà Bộ luật hình sự quy định, bạn nên tìm đến những văn phòng luật sư hay công ty luật uy tín hoặc những Luật sư có kinh nghiệm dày dặn để thực hiện tư vấn, hỗ trợ, bào chữa.

Luật Thái An là công ty Luật uy tín hàng đầu Việt Nam không chỉ tư vấn luật hình sự mà còn có bề dày kinh nghiệm trong vai trò là Luật sư bào chữa của nhiều vụ án Hình sự trên cả nước.

Những lý do bạn nên chọn dịch vụ luật sư bào chữa của Công ty Luật Thái An chúng tôi:

  • Được tư vấn đầy đủ và toàn diện về vụ việc của mình
  • Chi phí Luật sư bào chữa hết sức hợp lý
  • Các luật sư hình sự giàu kinh nghiệm bảo vệ tối đa lợi ích của thân chủ
  • Được hướng dẫn và tư vấn về các vấn đề khác liên quan, không chỉ hạn chế trong vụ việc
  • Được lựa chọn sử dụng toàn bộ dịch vụ luật sư bào chữa hoặc chỉ một vài hạng mục công việc. Các luật sư giàu kinh nghiệm của Công ty Luật Thái An sẽ thực hiện công việc theo quy trình chuẩn mực nhằm tiết kiệm chi phí và giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục cho khách hàng.
  • Và còn rất nhiều lợi ích khách khi sử dụng dịch vụ Luật sư bào chữa của Công ty Luật Thái An.

HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VỀ TỘI TRỐN TRÁNH NGHĨA VỤ QUÂN SỰ!

Đàm Thị Lộc