Giao kết hợp đồng lao động thế nào cho đúng ?
Giao kết hợp đồng lao động là một quá trình quan trọng trong quản lý nhân sự, nhằm xác định quyền lợi và nghĩa vụ của cả người lao động và người sử dụng lao động. Việc giao kết hợp đồng lao động không chỉ đảm bảo tính pháp lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, phát triển bền vững giữa hai bên. Để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, hợp đồng lao động cần được thảo luận kỹ lưỡng và đồng thuận từ cả hai phía, và phải tuân thủ Luật lao động mới nhất.
1. Nguyên tắc giao kết Hợp đồng lao động
Tại Điều 15 Bộ Luật lao động 2019 quy định nguyên tắc giao kết Hợp đồng lao động như sau:
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực: Nguyên tắc này thể hiện là các bên sẵn sàng chấp nhận chịu sự ràng buộc trong các điều khoản của Hợp đồng lao động giao kết, không bên nào bị ép buộc. Người lao động và người sử dụng lao động có vị thể ngang bằng nhau khi giao kết hợp đồng để hướng tới mục đích đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng là tốt nhất cho các bên.
- Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội: Đây là nguyên tắc ảnh hưởng tới lợi ích của các bên và lợi ích chung của xã hội. Mọi điều khoản về quyền lợi được thoả thuận ngoài việc không trái quy định pháp luật, đạo đức xã hội, còn không được thấp hơn quyền lợi đã được xác lập trong thoả ước lao động tập thể.
2. Các chủ thể có quyền giao kết Hợp đồng lao động
Không phải ai cũng có quyền ký kết hợp đồng lao động. Chủ thể có thẩm quyền giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
Về phía người lao động
Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng. Cụ thể là
- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
- Trong trường hợp công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động;
Lưu ý: Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác
Về phía người sử dụng lao động
Người giao kết hợp đồng bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
3. Nội dung của Hợp đồng lao động được giao kết
Nội dung của hợp đồng lao động được giao kết do các bên thoả thuận. Tuy nhiên một hợp đồng lao động phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại Điều 21, Bộ luật lao động năm 2019, Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH như:
- Thông tin của người sử dụng lao động;
- Thông tin của người lao động. Lưu ý đối với Hợp đồng với người nước ngoài cần phải ghi số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người nước ngoài;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng;
- Mức lương, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Xem thêm: MẪU HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
4. Hình thức của Hợp đồng lao động được giao kết
Theo quy định tại Điều 14 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động có thể có những hình thức như sau:
- Giao kết bằng văn bản;
- Giao kết bằng lời nói: Hình thức hợp đồng này được sử dụng trong trường hợp hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng trừ trường hợp giao kết hợp đồng với nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, dưới 12 tháng; hợp đồng với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; hợp đồng là người giúp việc gia đình (quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật lao động 2019).
- Giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
5. Trình tự giao kết Hợp đồng lao động
Việc giao kết Hợp đồng lao động hoàn toàn đến từ sự tự do tự nguyện của các bên. Thông thường trình tự giao kết Hợp đồng được diễn ra như sau:
- Bước 1: Các bên bày tỏ mong muốn thiết lập Hợp đồng lao động
- Bước 2: Người sử dụng lao động và Người lao động hẹn gặp mặt, trao đổi, phỏng vấn
- Bước 3: Các bên thương lượng, đàm phán nội dung của Hợp đồng lao động
- Bước 4: Các bên giao kết Hợp đồng sau khi đã thống nhất được nội dung
Tuỳ vào kết quả thương lượng, đàm phán mà các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Đây là bước quan trọng nhất , bởi nó liên quan đến việc phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
6. Hiệu lực của Hợp đồng lao động được giao kết
Theo quy định tại Điều 23 Bộ luật lao động năm 2019 thì Hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày hai bên giao kết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Hợp đồng lao động có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Căn cứ quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động năm 2019 thì:
- Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ: Toàn bộ nội dung của hợp đồng vi phạm pháp luật; Người giao kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng; Công việc đã giao kết trong hợp đồng là công việc mà pháp luật cấm.
- Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần: Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng. Theo đó, chỉ phần nội dung vi phạm bị vô hiệu, các phần còn lại vẫn có hiệu lực áp dụng.
7. Có thể giao kết nhiều Hợp đồng lao động không?
Tại Điều 19 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:
Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, người lao động hoàn toàn có thể giao kết nhiều Hợp đồng lao động.
Luật sư tư vấn giao kết hợp đồng lao động đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hợp pháp và công bằng của các thỏa thuận lao động. Họ giúp cả người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thời cung cấp các giải pháp pháp lý phù hợp.
Luật sư uy tín của Công ty Luật Thái An có thể bạn bằng cách kiểm tra các điều khoản trong hợp đồng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tránh các rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Sự tư vấn của luật sư giúp quá trình giao kết hợp đồng diễn ra thuận lợi, minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả hai bên.
XEM THÊM: DỊCH VỤ TƯ VẤN SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024