Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội: Cấu thành tội phạm và hình phạt
Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là một trong những tội danh mới được quy định trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Việc bổ sung quy định tội trốn đóng bảo hiểm này đã tạo ra cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm, đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Hãy cùng Công ty Luật Thái An chúng tôi tìm hiểu tội trốn đóng bảo hiểm xã hội trong bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý quy định đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội
Cơ sở pháp lý quy định đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Trốn đóng bảo hiểm xã hội là gì?
Theo Khoản 10 Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP thì Trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội.
3.Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội bị xử phạt thế nào?
3.1 Hình phạt đối với cá nhân phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội
a) Phạt tiền từ 50 triệu VNĐ đến 200 triệu VNĐ, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm
Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
- Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
b) Phạt tiền từ 200 triệu VNĐ đến 500 triệu VNĐ hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm
Người nào phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu VNĐ đến 500 triệu VNĐ hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
- Phạm tội trốn đóng bảo hiểm 02 trở lên: là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu VNĐ đến dưới 1.000 triệu VNĐ;
- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động từ 50 triệu VNĐ đến dưới 300 triệu VNĐ hoặc của từ 10 người đến dưới 50 người lao động. Đây là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm
c) Phạt tiền từ 500 triệu VNĐ đến 1.000 triệu VNĐ hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Người nào phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu VNĐ đến 1.000 triệu VNĐ hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Trốn đóng bảo hiểm 1ỷ VNĐ trở lên;
- Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
- Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động từ 300 triệu VNĐ đến dưới 1 tỷ VNĐ hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của từ 50 người đến dưới 200 người lao động. Đây là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm
Ngoài ra, người phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội còn có thể phải chịu một hoặc một vài hình phạt bổ sung sau đây:
- Phạt tiền từ 20 triệu VNĐ đến 100 triệu VNĐ
- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 05 năm
3.2. Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội
Pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội phải chịu hình phạt sau đây:
- Phạm tội thuộc trường hợp tại tiểu mục a mục 3.1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu VNĐ đến 500 triệu VNĐ;
- Phạm tội thuộc trường hợp tại tiểu mục b mục 3.1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 500 triệu VNĐ đến 1.000 triệu VNĐ;
- Phạm tội thuộc trường hợp tại tiểu mục c mục 3.1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 1.000 triệu VNĐ đến 3.000 triệu VNĐ.
4. Điều kiện cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội
a. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trật tự quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm. Theo đó đối tượng tác động của tội phạm là quỹ bảo hiểm xã hội.
b. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội là người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động
Như vậy, chủ thể phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể là pháp nhân hoặc cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
Nếu là pháp nhân thì phải là pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
c. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là hành vi của người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định.
- Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội: là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội với cơ quan có thẩm quyền.
- Không đóng tiền bảo hiểm xã hội: là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
- Không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội: là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
Hành vi phạm tội ở đây là dưới dạng không hành động – không thực hiện một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc trong khi có đủ điều kiện thực hiện.
Hậu quả: Người lao động bị mất các quyền lợi bảo hiểm xã hội, gây thâm hụt về quỹ bảo hiểm xã hội, dẫn đến những rối loạn trong lĩnh vực bảo hiểm. Nhà nước sẽ không thu được đủ số tiền cần phải thu từ những người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội.
d. Mặt chủ quan của tội phạm
Chủ thể thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là chủ thể nhận thức rõ về hành vi của mình là hành vi trái pháp luật, thấy trước được hậu quả của hành vi gian dối trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Động cơ mục đích phạm tội là nhằm thu lợi.
5. Trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì bị xử lý thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP thì đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/ 01/2018 thì không xử lý về hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự, tuỳ từng trường hợp sẽ bị xử lý như sau:
- Trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
- Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn. Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
6. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu năm?
Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện
Thời hiệu này có thể được tính lại trong trường hợp sau đây:
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
- Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
7. Các căn cứ để quyết định hình phạt đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là gì?
Khi quyết định hình phạt đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, Tòa án căn cứ vào:
- Quy định Điều 216 Bộ luật hình sự;
- Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
- Nhân thân người phạm tội;
- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
a. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội
Các tình tiết sau đây có thể là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, được quy định tại khoản 1 điều 51 Bộ Luật hình sự 2015:
- Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
- Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
- Người phạm tội là phụ nữ có thai;
- Người phạm tội tự thú;
- Người phạm tội thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải;
- Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án
- Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
- Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
- Người phạm tội đầu thú
- …
Lưu ý quan trọng:
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
b. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội
Các tình tiết sau đây có thể là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội:
- Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
- Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
và các tình tiết tăng nặng khác được quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015.
8. Dịch vụ Luật sư bào chữa của Công ty Luật Thái An
Để xác định hành vi phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội có phải truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, cần xem xét kỹ các yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu không có đủ các yếu tố trên sẽ không phải chịu các hình phạt được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Nếu cần tư vấn để biết trường hợp của bạn hay người thân của bạn có đủ yếu tố cấu thành tội tội trốn đóng bảo hiểm xã hội hay không hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi. Luật Thái An có các Luật sư đều là những người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giải quyết các vụ án hình sự, chắc chắn bạn sẽ được tư vấn pháp luật một cách nhanh chóng, chính xác.
Trường hợp bạn cần một Luật sư bào chữa vụ án liên quan đến tội trốn đóng bảo hiểm thì Luật Thái An cũng là một lựa chọn không thể tốt hơn. Các Luật sư của Luật Thái An có thể tham gia vào vụ án hình sự trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, giúp bảo vệ quyền và lợi ích tối đa, trên cơ sở các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và các quy định của pháp luật.
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021