Tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm: Quy định mới nhất năm 2024

Những hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng mà cá nhân, tổ chức vẫn lén lút tàng trữ, vận chuyển thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm. Vậy nếu muốn biết pháp luật quy định thế nào về tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Hàng cấm và tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm là gì?

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa đưa ra khái niệm như thế nào được coi là hàng cấm, tuy nhiên tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì: Hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Luật thương mại năm 2005, Luật đầu tư 2020, Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thì hàng cấm bao gồm những hàng hoá sau:

  • Thuốc bảo vệ thực vật mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ;
  • Hàng hoá khác mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng như vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, chất cháy, chất độc;
  • Hàng hoá chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam;
  • Các chất ma tuý theo quy định tại Phụ lục 1 Luật đầu tư;
  • Các loại hoá chất, tiền chất và khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 Luật đầu tư;
  • Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp;
  • Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm 1 có nguồn gốc tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật đầu tư;
  • Mại dâm;
  • Người,mô, bộ phận cơ thể người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
  • Vật liệu nổ công nghiệp;
  • Pháo hoa;
  • Hàng hoá thuộc danh mục dự trữ quốc gia.

Tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm: được hiểu là hành vi cất giữ hoặc đưa từ nơi này đến nơi khác các loại hàng hóa mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng tại Việt Nam.

2. Cấu thành tội phạm của tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm

a. Khách thể của tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm

Tội tàng trữ vận chuyển hàng hoá xâm phạm trật tự, chính sách quản lý kinh tế của nhà nước, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước.

b. Mặt khách quan của tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm

Tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm có các dấu hiệu thuộc mặt khách quan như sau:

  • Tàng trữ hàng cấm: Là cất giữ trái phép hàng cấm trong người, trong nhà hoặc một nơi nào đó không kể thời gian bao lâu, không vì mục đích sản xuất hay buôn bán.
  • Vận chuyển hàng cấm: Là việc đưa hàng cấm từ địa điểm này đến địa điểm khác bằng các hình thức khác nhau mà không có giấy phép hợp lệ nhưng không có mục đích buôn bán tàng trữ. Hình thức vận chuyển hàng cấm có thể là bất kỳ hình thức nào như mang theo người, chuyển phát nhanh…

Hậu quả của tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm: Gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại và sự phạt triển của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất của các thành phần kinh tế.

c. Chủ thể của tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm

Đối với chủ thể của tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm là cá nhân: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ 16 tuổi)

Đối với chủ thể của tội sản xuất buôn bán hàng cấm là pháp nhân: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Bộ luật hình sự 2015 quy định chỉ pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật dân sự 2015 thì:

  • Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
  • Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
  • Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:

  • Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
  • Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
  • Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Lưu ý:  Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân

d. Mặt chủ quan của tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm

Lỗi của người phạm tội: Là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi tàng trữ vận chuyển hàng cấm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật, thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện.

Mục đích của người phạm tội: Vì mục đích lợi nhuận, người phạm tội có thể sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau từ đơn giản đến tih vi xảo quyệt.

3. Hình phạt đối với tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm là gì? 

Tại Điều 191 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định hình phạt đối với tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm bao gồm hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân thương mại phạm tội. Cụ thể như sau:

3.1 Hình phạt đối với cá nhân phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm

a. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  •  Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
  • Pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
  • Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
  • Hàng hóa dưới mức quy định trên khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 191 về tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm này hoặc tại một trong các tội sau:
    • Tội buôn lậu;
    • Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới;
    • Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm;
    • Tội sản xuất, buôn bán hàng giả;
    • tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
    • tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
    • tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; tội đầu cơ;
    • tội trốn thuế

Lưu ý: Trường hợp này, hành vi tàng trữ của người phạm tội phải không thuộc trong nhóm các tội sau:

  • Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản;
  • Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã;
  • Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam;
  • Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm;
  • Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại;
  •  Tội tàng trữ trái phép chất ma túy;
  • Tội vận chuyển trái phép chất ma túy;
  • Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;
  • Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
  • Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự;
  • Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ;
  •  Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ;
  • Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân;
  • Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc

b. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

  • Có tổ chức;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
  • Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
  • Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
  • Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
  • Tái phạm nguy hiểm.

c.  Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

  • Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
  • Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
  • Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
  • Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

3.2 Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm

a. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng

Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại tiểu mục (a) mục 3.1 của bài viết này thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng.

b, Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
  • Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
  • Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
  • Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
  • Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
  • Tái phạm nguy hiểm.

c. Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm

Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại tiểu mục (iii) mục 3.1 của bài viết này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

d. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

hàng cấm
Tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm bị xử phạt nghiêm minh – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4. Hình phạt bổ sung đối với tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm 

Cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm thì ngoài hình phạt chính còn có thể chịu hình phạt bổ sung như sau:

Đối với cá nhân:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại:

  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
  • Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc
  • Cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

5. Khi nào người phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Người phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

6. Khi nào người phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm được miễn trách nhiệm hình sự 

Người phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

  •  Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
  • Khi có quyết định đại xá.

Người phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

  • Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
  • Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
  • Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác,người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

7. Người che dấu tội phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm sẽ bị xử lý thế nào? 

Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu tội phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 191 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Trường hợp người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

8. Đồng phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm sẽ bị xử lý thế nào?

Đồng phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện tàng trữ vận chuyển hàng cấm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

  • Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
  • Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
  • Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
  • Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Đồng phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với phần đóng góp của mình trong vụ án dù tham gia ít hay nhiều.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án sẽ xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

>>> Xem thêm: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

>>> Xem thêm: Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

9. Cùng lúc phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm và nhiều tội khác sẽ bị xử lý thế nào?

Nếu cùng lúc phạm tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm và các tội khác thì Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt như sau, căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự 2015:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
  • Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
  • Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

Lưu ý quan trọng: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.

10. Dịch vụ tư vấn pháp luật về tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm 

Bạn đang gặp những rắc rối liên quan đến tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm hay bạn đang loay hoay với những câu hỏi liên quan đến tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm, đừng ngại ngần hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi.

Đến với chúng tôi, bạn sẽ được các Luật sư có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi tư vấn, giải đáp tất cả những vấn đề có liên quan tới pháp luật. Thậm chí nếu bạn đang tìm dịch vụ Luật sư bào chữa tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm hay bất kỳ tội nào khác, Luật Thái An cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của bạn với một dịch vụ Luật sư bào chữa uy tín, chất lượng, hiệu quả. Sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa, người phạm tội sẽ được bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình một cách tối đa.

Đàm Thị Lộc