Tội gây rối trật tự công cộng- Dấu hiệu nhận biết

An toàn công cộng, trật tự công cộng là điều kiện đảm bảo cho mọi công dân sống một cuộc sống lành mạnh, ấm no, hạnh phúc. Để đảm bảo an toàn công cộng, trật tự công cộng, Đảng và nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các văn bản có liên quan đến vấn đề này, trong đó có quy định của Bộ luật hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng. Vậy như thế nào là tội gây rối trật tự công cộng, hình phạt đối với tội phạm này là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau đây.

1. Cơ sở pháp lý quy định tội gây rối trật tự công cộng

Cơ sở pháp lý quy định tội gây rối trật tự công cộng là Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

2. Khái niệm tội gây rối trật tự công cộng

Tội gây rối trật tự công cộng là hành vi làm náo động, phá phách, hò hét, hành hung người khác hoặc các hành vi khác làm rối loạn các hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng, xâm phạm đến an toàn công cộng, nếp sống văn minh, đe doạ hoặc xâm phạm đến tài sản của cá nhân, tổ chức, nhà nước, đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

3. Các đặc trưng pháp lý của tội gây rối trật tự công cộng

Khi xác định tội gây rối trật tự công cộng cần phải xác định các yếu tố cấu thành tội phạm. Việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm là một việc làm vô cùng quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Cũng giống như các loại tội phạm khác, tội gây rối trật tự công cộng có 4 yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

a. Khách thể của tội phạm

Tội gây rối trật tự công cộng xâm phạm đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh, quy tắc cuộc sống, gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của mọi người ở nơi công cộng. Ngoài ra còn có trường hợp gây khó khăn, trở ngại cho những người làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng.

b. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng là bất kỳ người nào, chỉ cần người này có hành vi gây rối trật tự công cộng đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự thì đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

c. Mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng bằng nhiều phương thức khác nhau như: Tụ tập nhiều người làm náo loạn, gây ồn ào, dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng. v.v…

Khi xác định hành vi gây rối trật tự công cộng cần phải phân biệt với hành vi tuy có gây rối trật tự công cộng nhưng đã cấu thành một tội khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà họ đã thực hiện, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Hậu quả của tội gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này:

  • Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.
  • Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

d. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội biết rõ hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, lối sống lành mạnh, sự ổn định của xã hội, quy tắc sinh hoạt, đi lại vui chơi của người khác nhưng vẫn thực hiện.

4. Các khung hình phạt đối với tội gây rối trật tự công cộng 

a. Phạt tiền từ 5 triệu VNĐ đến 50 triệu VNĐ, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

Người nào phạm tội gây rối trật tự công cộng thì bị phạt tiền từ 5 triệu VNĐ đến 50 triệu VNĐ, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

b. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Người nào phạm tội gây rối trật tự công cộng mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Gây rối trật tự công cộng một cách có tổ chức
  • Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách để gây rối trật tự công cộng;
  • Gây rối trật tự công cộng, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
  • Xúi giục người khác gây rối nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng;
  • Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
  • Tái phạm nguy hiểm.

5. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội gây rối trật tự công cộng

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với tội gây rối trật tự công cộng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

6. Khi quyết định hình phạt đối với tội gây rối trật tự công cộng Toà án dựa trên những căn cứ nào?

Khi quyết định hình phạt đối với tội gây rối trật tự công cộng, Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 318 nêu trên, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra khi uyết định áp dụng hình phạt tiền, Tòa án còn căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.

6.1 Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội gây rối trật tự công cộng và nhiều tội khác cùng lúc.

Nếu phạm tội gây rối trật tự công cộng và các tội khác đồng thời thì Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt như sau, căn cứ Điều 55 Bộ luật hình sự 2015:

  • Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
  • Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
  • Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
  • Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
  • Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.

Lưu ý quan trọng: Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.

6.2 Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm tội gây rối trật tự công cộng

Đồng phạm tội gây rối trật tự công cộng là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện gây rối trật tự công cộng. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

  • Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
  • Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
  • Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
  • Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Đồng phạm tội gây rối trật tự công cộng thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với phần đóng góp của mình trong vụ án dù tham gia ít hay nhiều.

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án sẽ xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

7. Các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ đối với tội gây rối trật tự công cộng

a. Các tình tiết tăng nặng đối với tội gây rối trật tự công cộng

Các tình tiết tăng nặng đối với tội gây rối trật tự công cộng có thể là:

  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Dùng thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
  • Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

và các tình tiết tăng nặng khác được quy định tại Điều 52 Bộ Luật hình sự 2015

b. Các tình tiết giảm nhẹ đối với tội gây rối trật tự công cộng

Các tình tiết giảm nhẹ được quy định Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Đối với tội gây rối trật tự công cộng, các tình tiết giảm nhẹ có thể là:

  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
  • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
  • Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
  • Người phạm tội tự thú;
  • Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
  • Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
  • Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
  • Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
  • Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

Những lưu ý quan trọng:

Khi quyết định mức hình phạt đối với bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng, Toà án có thể dựa vào Điều 54 Bộ luật hình sự 2015 để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đó là:

  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015.
  • Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

8. Phạm tội gây rối trật tự công cộng có thể được hưởng án treo không?

Đối với trường hợp người phạm tội gây rối trật tự công cộng bị phạt tù không quá 03 năm thì có thể được hưởng án treo theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (được sửa đổi bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP) nếu đảm bảo đáp ứng các điều kiện hưởng án treo như:

  • Ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
  • Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
  • Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
    • Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
    • Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

9. Khi nào được miễn trách nhiệm hình sự đối với tội gây rối trật tự công cộng?

Căn cứ quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 thì:

Người phạm tội gây rối trật tự công cộng được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

  •  Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
  • Khi có quyết định đại xá.

Người phạm tội gây rối trật tự công cộng có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

  • Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
  • Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
  • Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Ngoài ra. nếu người thực hiện tội gây rối trật tự công cộng thuộc trường hợp ít nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

10. Dịch vụ Luật sư bào chữa vụ án hình sự

Qua bài viết trên, Công ty Luật Thái An hy vọng Quý bạn đọc sẽ nắm được những thông tin về tội gây rối trật tự công cộng. Nếu Quý bạn đọc còn có bất kỳ thắc mắc gì liên quan tới tội gây rối trật tự công cộng hay liên quan tới pháp luật hình sự, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi để được tư vấn, giải đáp.

Trường hợp Quý bạn đọc đang muốn tìm một Luật sư bào chữa vụ án hình sự thì Công ty Luật Thái An chúng tôi là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. Tự hào sở hữu một đội ngũ Luật sư bào chữa vụ án hình sự đông đảo,có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm bào chữa cho hàng trăm vụ án hình sự trên mọi miền của tổ quốc, chắn chắn Luật Thái An sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn một cách tối đa dựa trên cơ sở các quy định pháp luật và các tình tiết chứng cứ của vụ án.

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Đàm Thị Lộc