Phạt vi phạm hợp đồng: Cần áp dụng cho đúng luật!

Trong hợp đồng, phạt vi phạm là một trong các loại chế tài do các bên tự lựa chọn, nhằm trừng phạt, răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm hợp đồng, nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên. Khi soạn điều khoản này, cần phải xem xét đến mối quan hệ, độ tin tưởng lẫn nhau của các bên mà quy định hoặc không quy định về vấn đề vi phạm. Trong bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An sẽ nêu ra 5 lưu ý về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng.

1. Phạt vi phạm hợp đồng là gì?

Điều khoản phạt vi phạm hợp đồng là điều khoản về sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ tại hợp đồng thì bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền phạt cho bên bị vi phạm.

Mục đích của việc quy định điều khoản này trong hợp đồng là nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ các cam kết đã ghi nhận trong hợp và trừng phạt bên có vi phạm hợp đồng.

2. Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng

Không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng phạt vi phạm hợp đồng mà cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

a. Áp dụng phạt vi phạm hợp đồng nếu hợp đồng có hiệu lực:

Phạt vi phạm chỉ được áp dụng đối với hợp đồng có hiệu lực. Điều khoản phạt vi phạm chỉ có giá trị khi hợp đồng có hiệu lực. Khi hợp đồng có hiệu lực thì các điều khoản mà các bên đã thỏa thuận mới có giá trị pháp lý ràng buộc giữa các bên. Ngược lại, nếu hợp đồng vô hiệu thì thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng cũng không có hiệu lực pháp luật.

>>> Xem thêm: Hợp đồng vô hiệu là gì ?

b. Áp dụng phạt vi phạm hợp đồng nếu có hành vi vi phạm hợp đồng:

Khoản 1 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”.

Với quy định trên, phạt vi phạm hợp đồng chỉ áp dụng khi có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Đây là điều kiện cần để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng.

Thế nào là vi phạm ? Đó là “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ” (theo Bộ luật dân sự 2015)  và “vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này” (theo Luật Thương mại 2005).

c. Áp dụng phạt vi phạm hợp đồng nếu có thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng:

Theo quy định của tại khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì phạt vi phạm hợp đồng chỉ được áp dụng khi có sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 thì

“phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”

Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như sau:

“1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.”

>>> Xem thêm: Miễn trách nhiệm pháp lý

3. Có thể phạt vi phạm hợp đồng ngay cả khi không có thiệt hại

Không có quy định nào ở Việt Nam yêu cầu phải chứng minh thiệt hại tồn tại để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng. Trong các điều luật nêu trên, các nhà làm luật quy định về việc áp dụng phạt vi phạm hợp đồng khi có vi phạm và không đề cập đến thiệt hại phát sinh từ việc vi phạm.

Điều này có nghĩa là kể cả trong trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng không gây ra thiệt hại thì phạt vi phạm vẫn được áp dụng. Đây là điểm khác biệt nữa giữa phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:

  • Trong bồi thường thiệt hại, cần có thiệt hại và sẽ không có bồi thường nếu không có thiệt hại
  • Trong phạt vi phạm hợp đồng thì không cần có thiệt hại cũng có thể phạt vi phạm

4. Mức phạt vi phạm hợp đồng

Cần lưu ý là mức phạt vi phạm hợp đồng rất khác nhau giữa các loại hợp đồng, do đó việc xác định loại hợp đồng là rất quan trọng. Cụ thể như sau

a. Mức phạt vi phạm hợp đồng dân sự

Căn cứ khoản 2 Điều 418 BLDS năm 2015, quy định về mức phạt vi phạm như sau:

Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

Theo đó, pháp luật dân sự thì không quy định cụ thể về mức phạt vi phạm mà đa số là thực hiện theo sự thỏa thuận của hai bên, trừ trường hợp một số ngành luật có quy định khác như:

b. Mức phạt vi phạm Hợp đồng thương mại

Khác với phạt vi phạm trong dân sự, luật thương mại khống chế mức phạt tối đa.

“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.” (Điều 301 Luật Thương mại 2005).

Như vậy, đối với Hợp đồng thương mại, các bên trong  hợp đồng có thể thỏa thuận về mức phạt vi phạm và phải tuân thể quy định về mức phạt tối đa nêu trên.

Phần không được vượt quá trong Luật thương mại là “8% giá trị phần nghĩa vụ họp đồng bị vi phạm” chứ không phải là 8% giá trị họp đồng. Điều đó có nghĩa là cần phải xác định mức phạt mà các bên đã thỏa thuận với “8% giá trị phần nghĩa vụ họp đồng bị vi phạm”.

c. Mức phạt vi phạm Hợp đồng dịch vụ giám định:

Ngoại lệ với việc kinh doanh dịch vụ giám định tại Điều 266 Bộ Luật dân sự 2015, Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định chịu phạt vi phạm nếu cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt sẽ không vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định.

d. Mức phạt vi phạm Hợp đồng xây dựng

Theo Luật Xây dựng năm 2014 thì đối với hợp đồng xây dựng đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Cụ thể như sau:

“Điều 146. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

  1. Thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.

  2. Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.”

Lưu ý: Về nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật, thì mức phạt theo pháp luật chuyên ngành (Luật Thương mại, luật xây dựng) phải được ưu tiên áp dụng so với quy định tại bộ luật dân sự. Trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm hợp đồng vượt quá mức tối đa theo quy định pháp luật thì thỏa thuận về mức phạt ấy bị vô hiệu.

Mức phạt vi phạm hợp đồng
Pháp luật quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng. – ảnh: Luật Thái An

5. Không được tính tiền lãi trên khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng

Vấn đề này không được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự 2015, Luật Thương mại năm 2005 hay các văn bản luật khác mà được ghi nhận tại án lệ. Điều này là bởi thực tế xét xử đã có nhiều tranh cãi trong thời gian dài tại Toà án mà các bên gặp phải và do đó đã được cụ thể hoá ban hành thành án lệ là không tính lãi chậm trả phát sinh đối với khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Tại Án lệ số 09/2016, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nhận định:

Về phạt vi phạm hợp đồng: hai bên thỏa thuận: Bên B phải chịu phạt 2% giá trị đơn hàng đã được xác nhận khi bên B vi phạm một trong các trường hợp sau: giao hàng không đúng chủng loại, không giao hàng.

Như vậy, Công ty kim khí Hưng Yên không giao đủ hàng cho Công ty thép Việt Ý thì phải bị phạt vi phạm là 2% trên giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định tại Điều 300 và Điều 301 Luật thương mại năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng của Công ty thép Việt Ý là có căn cứ tuy nhiên lại tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng là không đúng”.

Theo Án lệ 09/2016 nêu trên, không được tính tiền lãi trên khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Như vậy, để ràng buộc trách nhiệm pháp lý cao hơn giữa các bên trong hợp đồng, việc quy định phạt vi phạm là cần thiết nhưng cũng cần xem xét mức phạt hợp lý để vừa phù hợp với quy định của pháp luật vừa hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp khi khởi kiện yêu cầu mức phạt vượt quá mức tối đa pháp luật cho phép hoặc yêu cầu tính tiền lãi đối với khoản tiền phạt và phải nộp án phí cho phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận.

6. Phân biệt chế tài phạt vi phạm trong hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại

Thực tiễn, các bên thường có nhầm lẫn trong việc xác định mức phạt vi phạm hợp đồng trong hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự. Vậy nên, để làm rõ vấn đề này, chúng tôi sẽ phân biệt theo các tiêu chí sau:

Tiêu chí Luật thương mại Bộ luật dân sự
Căn cứ pháp lý Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 Khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015
Đối tượng áp dụng Quan hệ hợp đồng thương mại Quan hệ dân sự
Mức phạt vi phạm Không quá 8% nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm Do các bên thỏa thuận
Quan hệ với chế tài bồi thường thiệt hại – Không có thỏa thuận phạt vi phạm thì chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại;

– Có thỏa thuận phạt vi phạm thì có thể áp dụng cả hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

– Bên vi phạm có thể chỉ chịu hình thức chế tài phạt vi phạm hoặc đồng thời hai chế tài nếu các bên có thỏa thuận;

– Nếu không có thỏa thuận về việc chịu đồng thời 2 loại chế tài thì chỉ được áp dụng chế tài phạt vi phạm.

7. Các biện pháp chế tài khác được áp dụng đồng thời với phạt vi phạm hợp đồng

Ngoài việc phạt vi phạm, bộ luật dân sự có quy định về các chế tài khác có thể được áp dụng đồng thời với chế tài phạt vi phạm. Cụ thể như sau:

a. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

  • Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác.
  • Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được quyền áp dụng các chế tài khác nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

>>> Xem thêm:Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

b. Chế tài bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp luật có quy định khác, nếu các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

>>> Xem thêm:Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

So sánh chế tài phạt vi phạm với chế tài bồi thường thiệt hại

Phạt vi phạm Bồi thường thiệt hại
Căn cứ phát sinh –         Có thỏa thuận;

–         Có hành vi vi phạm hợp đồng

–         Có hành vi vi phạm hợp đồng
Giá trị bồi thường Căn cứ vào mức phạt vi phạm, nhưng không quá 8% giá trị nghĩa vụ vi phạm Bao gồm giá trị tổn thất trực tiếp và khoản lợi trực tiếp đãng lẽ được hưởng
Thực hiện chế tài Theo hợp đồng Bên bị vi phạm phải chứng minh tổn thất và đã thực hiện hành động hạn chế tổn thất
Mục đích áp dụng Ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng Khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây nên

 

KẾT LUẬN:

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, việc xây dựng và giám sát hợp đồng trở nên cực kỳ quan trọng. Để đảm bảo rằng các bên tuân thủ cam kết của mình, luật sư chuyên nghiệp thường xây dựng các điều khoản phạt cho vi phạm hợp đồng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên mà còn tạo ra một cơ chế rõ ràng để giải quyết tranh chấp và khuyến khích tuân thủ hợp đồng. Bạn đọc tham khảo dịch vụ soạn thảo hợp đồng của chúng tôi !

Nguyễn Văn Thanh