Hợp đồng uỷ quyền theo Pháp luật Việt Nam

Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, những giao dịch dân sự, thương mại diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào những chủ thể tham gia giao dịch cũng có thể trực tiếp tham gia mà việc thực hiện các giao dịch thường được thông qua Hợp đồng uỷ quyền. Vậy Hợp đồng uỷ quyền là gì? Đặc điểm của Hợp đồng uỷ quyền, những nội dung cần có trong Hợp đồng uỷ quyền là gì? Bài viết dưới đây chúng tôi xin chia sẻ với Quý bạn đọc một số hiểu biết về Hợp đồng uỷ quyền.

1. Thế nào là hợp đồng ủy quyền?

Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Như vậy, về bản chất, Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng cho phép một cá nhân hay pháp nhân thay mặt, nhân danh cá nhân hoặc pháp nhân khác thực hiện một công việc nhất định.

2. Vai trò của hợp đồng ủy quyền

Hiện nay rất nhiều người cần sử dụng hợp đồng uỷ quyền, lý do là:

  • Hợp đồng ủy quyền tạo điều kiện cho chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự tiết kiệm chi phí, tiền bạc cũng như thời gian.
  • Hợp đồng ủy quyền là một công cụ đắc lực góp phần thúc đẩy và phát triển các giao dịch dân sự trong xã hội. Mỗi cá nhân, tổ chức có thể là chủ thể của rất nhiều giao dịch nếu có hợp đồng uỷ quyền
  • Hợp đồng ủy quyền cũng là phương tiện ghi nhận một trong những quyền cơ bản trong quan hệ dân sự đó là quyền tự do khi tham gia quan hệ dân sự.

3. Hình thứccủa Hợp đồng uỷ quyền

Hình thức của Hợp đồng uỷ quyền 

Pháp luật không quy định là hợp đồng uỷ quyền phải thể hiện dưới một hình thức cụ thể nào. Điều này có nghĩa là hình thức của hợp đồng có thể là văn bản, hành vi, lời nói… miễn sao thể hiện được ý chí và nội dung giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, tranh chấp thì một hợp đồng uỷ quyền được lập thành văn bản chặt chẽ là là ưu tiên hàng đầu.

Hợp đồng uỷ quyền có phải công chứng không?

Pháp luật dân sự không có quy định Hợp đồng uỷ quyền bắt buộc phải công chứng. Đồng thời, Luật Công chứng năm 2014 chỉ quy định về thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền nhưng không có quy định về việc bắt buộc phải công chứng hợp đồng này.

Do đó, các bên có thể lựa chọn công chứng hoặc không công chứng hợp đồng ủy quyền ngoại trừ một số trường hợp Hợp đồng uỷ quyền bắt buộc như sau:

  • Trường hợp uỷ quyền xin cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch thì phải công chứng. Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực (căn cứ Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch).
  • Trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng (căn cứ khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Công chứng hợp đồng uỷ quyền ở đâu?

Theo Luật Công chứng 2014, khi thực hiện thủ tục công chứng nói chung và công chứng hợp đồng ủy quyền nói riêng thì nơi công chứng hợp đồng ủy quyền là tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm phòng công chứng công và văn phòng công chứng tư.

Tuy nhiên, đối với trường hợp người ủy quyền hoặc người được ủy quyền là người Việt Nam nhưng không cư trú tại Việt Nam mà ở nước ngoài thì tại khoản 1 Điều 78 Luật Công chứng 2014 quy định như sau: “Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng.

4. Nội dung của Hợp đồng uỷ quyền

Thông thường một Hợp đồng uỷ quyền cơ bản có các nội dung sau

a. Các bên trong Hợp đồng uỷ quyền

Các bên trong hợp đồng uỷ quyền có thể là cá nhân và/hoặc pháp nhân:

Nếu một hoặc các bên là pháp nhân thì hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau: Tên pháp nhân; Giấy chứng nhận đăng ký / Giấy phép hoạt động; Mã số thuế; ịa chỉ trụ sở chính; Điện thoại; Email; Người đại diện ký hợp đồng (là người đại diện theo pháp luật  hoặc người đại diện theo uỷ quyền. Nếu là người đại diện theo uỷ quyền thì cần đảm bảo là giấy uỷ quyền hợp lệ được cung cấp).

Nếu điều lệ của pháp nhân quy định việc giao kết hợp đồng (thường với giá trị lớn) cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nội bộ (như hội đồng thành viên trong công ty TNHH hay đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị trong công ty cổ phần) thì việc giao kết hợp đồng uỷ quyền cũng cũng cần được chấp thuận như vậy.

Lưu ý quan trọng: Hợp đồng uỷ quyền sẽ không có hiệu lực nếu các bên (hoặc người đại diện của các bên) không có thẩm quyền giao kết hợp đồng. Hay nói cách khác, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu và hậu quả là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường.

Nếu một hoặc các bên là cá nhân thì hợp đồng cần có các thông tin cơ bản sau: Họ tên; Ngày tháng năm sinh; Giới tính; Căn cước công dân; Địa chỉ; Điện thoại

Khi một bên là cá nhân trong hợp đồng thì cần đảm bảo cá nhân đó là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nếu không thì hợp đồng có thể bị vô hiệu. Lưu ý các trường hợp sau:

  • Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng uỷ quyền là người bị mất hành vi dân sự (mắc bệnh tâm thần, mất trí, người sống thực vật…), bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (người nghiện, người thiểu năng trí tuệ…), thì ký hợp đồng thông qua người đại diện hợp pháp.
  • Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng uỷ quyền là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc ký hợp đồng phải thực hiện bởi người đại diện hợp pháp
  • Một người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thực hiện hợp đồng bằng tài sản riêng của mình thì mới đủ năng lực ký kết hợp đồng.

>>> Xem thêm: Hợp đồng vô hiệu

b. Công việc ủy quyền, phạm vi uỷ quyền

Phần này quy định các công việc trong phạm vi ủy quyền.

Lưu ý: Mặc dù công việc mà một bên yêu cầu bên kia thực hiện là do hai bên thoả thuận nhưng cũng không được vi phạm pháp luật, trái với đạo đức. Nếu công việc uỷ quyền thuộc một trong các trường hợp này thì hợp đồng uỷ quyền sẽ vô hiệu.

===>>> Xem thêm: Hợp đồng vô hiệu

c. Thời hạn uỷ quyền

Hợp đồng cần quy định thời hạn uỷ quyền: thời hạn có thể được tính bằng năm, tháng, hoặc quy định thời hạn kết thúc khi công việc uỷ quyền hoàn thành.

Lưu ý: Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền, căn cứ điều 563 Bộ luật dân sự 2015.

d. Thù lao, phương thức thanh toán trong hợp đồng ủy quyền

Thù lao ủy quyền do các bên thỏa thuận. Thù lao cần xác định rõ là theo khối lượng công việc thực hiện hoặc theo một khoản tiền nhất định.

Về việc thanh toán, các bên thoả thuận thời gian, phương thức thanh toán cũng như thoả thuận việc thanh toán các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

e. Quyền và nghĩa vụ của các bên 

Bên uỷ quyền:

Quyền của bên ủy quyền được quy định tại điều 565 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền.

  • Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

  • Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 565 của Bộ luật này.

Nghĩa vụ của bên ủy quyền được quy định tại điều 567 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc.

  • Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền.

  • Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao.

hợp đồng ủy quyền
Nếu bạn không có hợp đồng ủy quyền thì người được giao không thể thay bạn thực hiện một số giao dịch nhất định – Ảnh minh họa: Internet.

Bên được uỷ quyền:

Quyền của bên được ủy quyền được quy định tại điều 566 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền.

  • Được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền; hưởng thù lao, nếu có thỏa thuận.

Nghĩa vụ của bên được ủy quyền được quy định tại điều 565 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.

  • Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.

  • Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.

  • Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.

  • Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

  • Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.

f. Ủy quyền lại (nếu có)

Bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp nếu có sự đồng ý của bên uỷ quyền. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Lưu ý: Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu: nếu hợp đồng uỷ quyền được công chứng, chứng thực thì hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải được công chứng, chứng thực.

h. Chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

Các bên thoả thuận về việc chấm dứt hợp đồng uỷ quyền: chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo thoả thuận hoặc một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng. Về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng uỷ quyền, pháp luật có những quy định sau:

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền có thù lao

Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.

Lưu ý: Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền không có thù lao

Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý.

 

hợp đồng ủy quyền
Việc ủy quyền cho người khác làm công việc của mình thì phải soạn một hợp đồng ủy quyền có chữ ký xác nhận – Ảnh minh họa: Internet

5. Hiệu lực của Hợp đồng uỷ quyền

a. Hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực khi nào?

Một Hợp đồng đáp ứng đầy đủ các điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực thì sẽ phát sinh hiệu lực theo thoả thuận của hai bên trong Hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Hai bên có thể thoả thuận Hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc kể từ một thời gian cụ thể hoặc trong một số trường hợp pháp luật sẽ quy định hiệu lực của Hợp đồng.

b. Hợp đồng uỷ quyền khi một bên chết có còn hiệu lực không?

Căn cứ quy định tại Điều 372 Bộ luật Dân sự 2015 về căn cứ chấm dứt nghĩa vụ thì nghĩa vụ chấm dứt trong trường hợp:

  • Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  • Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;

Đồng thời, tại Điều 382 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định Chấm dứt nghĩa vụ khi bên có quyền là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại. Cụ thể: Khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.

Do đó, Hợp đồng uỷ quyền sẽ chấm dứt, không còn hiệu lực khi một bên trong Hợp đồng chết.

c. Hợp đồng uỷ quyền hết hiệu lực khi nào?

Hợp đồng uỷ quyền cũng là một loại Hợp đồng dân sự, theo đó tại Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 quy định Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  • Hợp đồng đã được hoàn thành;
  • Theo thỏa thuận của các bên;
  • Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
  • Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
  • Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
  • Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật dân sự 2015;
  • Trường hợp khác do luật quy định.

d. Hợp đồng uỷ quyền vô hiệu khi nào?

Tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

  • Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
    • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
    • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
    • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
    • Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Như vậy theo quy định trên hợp đồng ủy quyền sẽ vô hiệu nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây:

  • Chủ thể của hợp đồng uỷ quyền không đủ điều kiện hoặc không đảm bảo: Không đảm bảo năng lực hành vi dân sự phù hợp, không tự nguyện, Do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
  • Vi phạm điều cấm của Luật, trái đạo đức xã hội: Hiện nay, pháp luật đặt ra những quy định mà mỗi cá nhân, tổ chức đều phải thực hiện theo. Do đó, cũng như các giao dịch khác, hợp đồng uỷ quyền cũng cần phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của luật, đạo đức xã hội.
  • Do giả tạo: Nhằm để che giấu một hợp đồng khác đằng sau hợp đồng uỷ quyền (ví dụ hợp đồng mua bán…) mà các bên lập hợp đồng uỷ quyền thì hợp đồng này cũng sẽ bị tuyên vô hiệu.
  • Do không đảm bảo về hình thức của hợp đồng uỷ quyền

>>> Xem thêm: Hợp đồng vô hiệu

6. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng uỷ quyền

Trên đây là những quy định pháp luật về hợp đồng ủy quyền. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ, nắm bắt được các thông tin liên quan đến hợp đồng ủy quyền. Trong trường hợp bạn còn thắc mắc gì về Hợp đồng uỷ quyền hay muốn tư vấn, soạn thảo, rà soát Hợp đồng uỷ quyền, hãy liên hệ ngay với Công ty luật Thái An chúng tôi.

Công ty Luật Thái An là đơn vị chuyên tư vấn, soạn thảo, rà soát các loại Hợp đồng uỷ quyền như:

  • Hợp đồng uỷ quyền mua bán đất
  • Hợp đồng uỷ quyền mua bán nhà đất
  • Hợp đồng ủy quyền giữa hai công ty
  • Hợp đồng ủy quyền thu hộ chi hộ
  • . ….

Công ty Luật Thái An cam kết đem đến chất lượng dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng. Hãy liên hệ ngay với Luật Thái An để được tư vấn hợp đồng uỷ quyền đảm bảo quyền và lợi ích!

Nguyễn Văn Thanh