Hợp đồng kinh tế: Những lưu ý quan trọng!
Với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường thì việc giao kết hợp đồng nói chung, hợp đồng kinh tế – thương mại diễn ra ngày càng nhiều. Trong đó, một số lượng khá lớn các doanh nghiệp, cá nhân vẫn đang sử dụng và ký kết các hợp đồng mang tên gọi “Hợp đồng kinh tế” dù chưa thực sự hiểu rõ loại Hợp đồng này. Vậy nên, trong bài viết sau, Công ty Luật Thái An™ sẽ cung cấp cho quý độc giả các thông tin liên quan đến việc soạn thảo Hợp đồng kinh tế.
1. Hợp đồng kinh tế là gì?
Pháp luật hiện hành không có quy định về định nghĩa cũng như việc đề cập đến thuật ngữ “Hợp đồng kinh tế” trong các văn bản pháp luật. Vậy, thuật ngữ “Hợp đồng kinh tế” này có nguồn gốc và được hiểu như thế nào?
Thuật ngữ “Hợp đồng kinh tế” được ghi nhận tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989. Theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 thì:
“Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.”
Tuy nhiên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 đã hết hiệu lực ngày 01/01/2006 còn Luật Thương mại, Bộ Luật dân sự có hiệu lực cùng các văn bản hướng dẫn có liên quan thì không còn đề cập đến thuật ngữ “Hợp đồng kinh tế”.
Thế nhưng đến nay trong quá trình tư vấn pháp lý, Công ty Luật Thái An vẫn được các rất nhiều yêu cầu và câu hỏi từ các doanh nghiệp về việc soạn thảo Hợp đồng kinh tế. Vậy nên, qua bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích và hướng dẫn cụ thể cho khách hàng để giúp các chủ doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát để làm sao ký kết hợp đồng đúng luật, tránh rủi ro pháp lý do hợp đồng vô hiệu.
2. Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc soạn thảo Hợp đồng kinh tế là gì?
Như đã đề cập ở trên, cơ sở pháp lý điều chỉnh việc soạn thảo Hợp đồng kinh tế là Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, Luật thương mại năm 1997 nhưng các văn bản pháp luật này đều đã hết hiệu lực.
Theo đó, hiện nay, tùy thuộc vào chủ thể ký kết hợp đồng, đối tượng của hợp đồng và các yếu tố khác cấu thành hợp đồng mà cơ sở pháp lý để soạn thảo các hợp đồng mang tính chất của Hợp đồng kinh tế là: Luật thương mại năm 2005, Bộ luật Dân sự 2015 hoặc luật chuyên ngành.
3. Những vấn đề cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng kinh tế?
Khi soạn thảo hợp đồng kinh tế, cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, khi soạn thảo Hợp đồng kinh tế phải sử dụng đúng tên loại hợp đồng ký kết:
Trước đây, khi ký các hợp đồng trong kinh doanh thì hầu như các doanh nghiệp đều lựa chọn tên “Hợp đồng kinh tế”. Giờ đây, khi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế hết hiệu lực thì về mặt pháp lý không thể tồn tại khái niệm hay tên gọi “Hợp đồng kinh tế”.
Dù việc lựa chọn không đúng tên hợp đồng sẽ không dẫn đến việc hợp đồng bị tuyên vô hiệu, tuy nhiên việc có thói quen sử dụng tên hợp đồng trong kinh doanh thương mại là “Hợp đồng kinh tế” là không nên.
Việc soạn thảo hợp đồng với tên gọi là “Hợp đồng kinh tế” sẽ khiến các đối tác nhận thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự cập nhật của bên soạn thảo hợp đồng.
Thứ hai, khi soạn hợp đồng cần chú ý về căn cứ/cơ sở pháp lý của hợp đồng:
Việc xác định và ghi nhận đúng căn cứ pháp lý giúp các bên áp dụng đúng các quy định pháp luật trong quá trình các bên thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng và cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp sau này.
Việc xác định đúng, áp dụng đúng, ký kết đúng hợp đồng kinh doanh thương mại ngay từ đầu sẽ định hướng tốt cho mỗi doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, soạn hợp đồng kinh tế theo đúng quy định về hình thức:
Khi soạn thảo Hợp đồng kinh tế các loại cần đúng quy cách, đúng yêu cầu về mặt hình thức của mỗi loại hợp đồng kinh tế – kinh doanh thương mại, có đầy đủ các nội dung cơ bản trong hợp đồng như tên hợp đồng, thông tin các bên, đối tượng hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên, chữ ký các bên…
Thứ tư: Lưu ý về ngôn ngữ khi soạn thảo hợp đồng kinh tế
Ngôn từ khi soạn thảo Hợp đồng kinh tế các loại cần chuẩn chỉnh, rõ ràng, tránh dùng từ đa nghĩa dễ gây hiểu lầm cho người đọc, phải đúng chính tả …
Hiện nay các quy định pháp luật trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh – thương mại được ban hành với số lượng lớn và có có xu hướng thay đổi nhanh. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế của đất nước, các mối quan hệ hợp tác quốc tế với sự đa dạng những quy phạm pháp luật quốc tế (điều ước quốc tế, tập quán quốc tế…) thì các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và áp dụng cho đúng.
Theo đó, việc sử dụng dịch vụ tư vấn hợp đồng bởi những luật sư, chuyên viên tư vấn trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết, thực hiện hoặc giải quyết tranh chấp hợp đồng của các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết.
Thứ năm: Kiểm tra các thông tin về tư cách chủ thể hợp đồng của các bên
Các thông tin cần kiểm tra bao gồm:
- Đối với doanh nghiệp: Tên, trụ sở, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (giấy phép thành lập), Giấy chứng nhận đăng ky đầu tư, Giấy phép con (neus có), Người đại diện theo pháp luật, Giấy ủy quyền ký hợp đồng (nếu có); Văn bản chấp thuận giao kết hợp đồng (đối với giao dịch lớn)…
- Đối với cá nhân: Họ tên, Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân), địa chỉ thường trú…
Thứ sáu: Nên soạn dự thảo hợp đồng kinh tế trước khi đàm phán
Đây là bước đầu tiên, trước khi các bên đàm phán, sửa đổi bổ sung hợp đồng và ký kết hợp đồng.
Soạn một bản dự thảo hợp đòng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động khi đàm phán với đối tác. Có thể nói, với một bản dự thảo hợp đồng tốt thì coi như doanh nghiệp đã đạt được tới 1/2 công việc đàm phán và ký kết hợp đồng. Bước này là rất quan trọng, đặc biệt đối với các thương vụ lớn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối tác, bạn hàng, nhà cung cấp của Quý khách hàng lại đưa ra bản dự thảo hợp đồng của họ (thực chất là họ đã giành được ưu thế khi các bên thương lượng hợp đồng). Vậy nên, để đảm bảo quyền lợi của mình trong thương vụ đó, doanh nghiệp cần rất cẩn trọng xem xét và rà soát bản dự thảo hợp đồng đó một cách kỹ lưỡng.
Thứ bẩy: Hiệu lực của hợp đồng
Về nguyên tắc hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên sau cùng ký vào bản hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, đối với một số hợp đồng mà pháp luật có quy định phải công chứng, chứng thực như Hợp đồng mua bán căn hộ, Hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản, Hợp đồng chuyển giao công nghệ… chỉ có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực.
Cần lưu ý, đối với các bên trong hợp đồng là doanh nghiệp: Cùng với chữ ký của người có thẩm quyền và con dấu của doanh nghiệp là không thể thiếu để hợp đồng có hiệu lực.
4. Hướng dẫn soạn thảo Hợp đồng kinh tế
Việc soạn thảo hợp đồng kinh tế nói chung phải đảm bảo những nội dung chính như sau để tránh việc hợp đồng bị vô hiệu:
- Tên gọi hợp đồng:
- Như đã phân tích ở trên, khi soạn thảo Hợp đồng, khách hàng không nên quy định chung chung là “Hợp đồng kinh tế” mà nên căn cứ vào mục đích, đối tượng, văn bản căn cứ để xác định tên gọi Hợp đồng chính xác và đúng quy định.
- Chẳng hạn, nếu dự định soạn thảo Hợp đồng kinh tế nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (dựa trên các quy định của Luật Thương mại) thì có thể soạn thảo Hợp đồng mua bán hàng hoá; Hợp đồng dịch vụ; Hợp đồng hợp tác nghiên cứu thị trường; Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại; Hợp đồng dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại…
- Thời gian ký hợp đồng.
- Ghi rõ thông tin doanh nghiệp, địa chỉ, mã số thuế, người đại diện theo pháp luật….
- Thông tin đối tượng của hợp đồng: Ví dụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì cần có các thông tin về số lượng, trọng lượng, kích cỡ, màu sắc, tính chất…của hàng hoá. Với hợp đồng dịch vụ cần nêu rõ về các tiêu chí thực hiện, khối lượng công việc, …
- Phương thức thanh toán.
>>> Xem thêm: Các phương thức thanh toán trong hợp đồng
- Quyền và nghĩa vụ các bên tham gia ký kết hợp đồng.
- Điều khoản giải quyết tranh chấp.
>>> Xem thêm: Giải quyết tranh chấp hợp đồng
- Hiệu lực hợp đồng, địa điểm ký kết.
5. Tại sao doanh nghiệp cần dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng kinh tế?
Hầu hết ở các nước phát triển các doanh nghiệp, cá nhân luôn chú trọng việc soạn thảo và ký kết hợp đồng kinh tế. Các hợp đồng này thường rất chi tiết, trong đó dự liệu các tình huống hay hoặc thậm chí hiếm khi xảy ra.
Trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam hiện tại chưa thực sự quan tâm đến soạn thảo hợp đồng kinh tế nói riêng, hợp đồng nói chung. Trên thực tế, để tiết kiệm chi phí tư vấn hợp đồng, nhiều chủ doanh nghiệp cho nhân viên kế toán hoặc nhân viên hành chính tìm kiếm trên mạng các mẫu hợp đồng với những điều khoản rất đơn giản hoặc đã lạc hậu hoặc không bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp… Hậu quả là doanh nghiệp ký những hợp đồng kinh tế đầy rủi ro mà không hay biết. Đến khi việc thực hiện hợp đồng không được “xuôi chèo mát mái”, phát sinh tranh chấp thì họ thường thua thiệt…
Như vậy, một yếu tố quan trọng đảm bảo sự ổn định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sự chặt chẽ của hợp đồng kinh tế được ký giữa doanh nghiệp và các đối tác, bạn hàng, nhà cung cấp. Đôi khi chỉ cần một sai sót nhỏ trong hợp đồng có thể dẫn đến thất thoát lớn về tài sản, mất mát về uy tín và tổn hại về thương hiệu. Thực tế cho thấy, tất cả các tranh chấp đều bắt nguồn từ những bất cập của hợp đồng.
Để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” thì các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc tư vấn soạn thảo hợp đồng kinh tế ngay từ đầu.
Qua kinh nghiệm tư vấn hợp đồng Công ty luật Thái An đúc kêt các nguyên nhân tình trạng doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng việc soạn thảo hợp đồng kinh tế như sau:
- Do ảnh hưởng văn hóa nho giáo “trọng tín hơn trọng lý”;
- Doanh nghiệp thường có quy mô nhỏ, chưa dự trù kinh phí phù cho tư vấn luật kinh doanh;
- Thái độ bị động “nước chưa đến chân” – chưa nhảy;
- Chưa có bài học đau đơn trong giao thương quốc tế;
- Hiểu biết pháp luật của chủ (ban lãnh đạo) doanh nghiệp còn hạn chế;
- Kiến thức về hợp đồng cũng như kỹ năng soạn thảo hợp đồng còn thiếu…
Dịch vụ Tư vấn soạn thảo hợp đồng kinh tế đem lại cho khách hàng những lợi ích cơ bản như sau:
- Hợp đồng không bị vô hiệu và có tính khả thi;
- Phòng ngừa rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng;
- Tối đa hóa quyền và lợi ích của khách hàng
- Doanh nghiệp không bị “thua ngay trên sân nhà” khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài…
- Tiết kiệm được thời gian, tiền bạc…
6. Nội dung dịch vụ soạn thảo hợp đồng kinh tế tại Công ty luật Thái An
- Chuẩn bị các cơ sở pháp lý điều chỉnh hợp đồng và các vấn đề liên quan;
- Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin liên quan về các bên tham gia hợp đồng;
- Soạn thảo dự thảo hợp đồng đảm bảo lợi ích tối đa cho khách hàng
- Thẩm định các nội dung, rà soát các điều khoản dự thảo hợp đồng (trường hợp đối tác đề xuất dự thảo);
- Lên lịch và nội dung đàm phán hợp đồng cho khách hàng;
- Lưu ý các điều khoản hợp đồng quan trọng để khách hàng dự liệu đàm phán với đối tác (ví dụ, điều khoản giá cả, thanh toán, phạt vi phạm hợp đồng, luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp…)
- Cử luật sư hướng dẫn cụ thể để khách hàng tự đàm phán hợp đồng hoặc tham gia cùng khách hàng trong bước này;
- Điều chỉnh nội dung các điều khoản đã được các bên thỏa thuận theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, ít nhất để cân bằng quyền lợi giữa khách hàng và đối tác;
- Dự liệu các rủi ro pháp lý cho khách hàng hoặc các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Chi tiết có tại bài viết:
HÃY LIÊN HỆ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ!
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024