Tổ chức lại doanh nghiệp với 5 hình thức
Tổ chức lại doanh nghiệp (còn gọi là tái cấu trúc doanh nghiệp hoặc cải tổ doanh nghiệp) là một biện pháp giúp nhà đầu tư có thể thay đổi hình thức kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường. Tùy vào điều kiện kinh doanh thực tế mà mỗi doanh nghiệp có những lựa chọn khác nhau cho việc tổ chức lại doanh nghiệp. Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những quy định khá đầy đủ về tổ chức lại doanh nghiệp. Hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây của chúng tôi.
1. Tổ chức lại doanh nghiệp là gì/ Tổ chức lại Công ty là gì?
Theo quy định tại khoản 31 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy việc tổ chức lại doanh nghiệp có thể làm thay đổi quy mô kinh doanh của doanh nghiệp, từ công ty có quy mô lớn thành công ty có quy mô nhỏ hơn và ngược lại; hình thành các doanh nghiệp mới và chấm dứt các doanh nghiệp đang tồn tại; làm thay đổi loại hình doanh nghiệp.
Nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh, trong đó có quyền Tổ chức lại doanh nghiệp.
2. Tại sao phải tổ chức lại doanh nghiệp
Có rất nhiều lý do để tổ chức lại doanh nghiệp, nhưng thông thường các trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp được đặt ra khi:
- Công ty quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh;
- Nhu cầu quản trị Công ty thay đổi
- Các chủ sở hữu Công ty phát sinh mâu thuẫn
- Công ty thiếu thành viên dẫn đến không đủ số lượng thành viên tối thiểu. Ví dụ như Công ty cổ phần không đủ số lượng thành viên tối thiểu là 3 cổ đông, hay như Công ty TNHH 02 thành viên trở lên không đủ thành viên tối thiểu là 2 thành viên
- Do nhu cầu của chủ sở hữu Công ty muốn tổ chức lại doanh nghiệp
- Nâng cao năng lực cạnh tranh
- …
3. Ý nghĩa của việc tổ chức lại doanh nghiệp
Tổ chức lại doanh nghiệp mang lại khá nhiều các ý nghĩa khác nhau, tiêu biểu như:
Thứ nhất, tổ chức lại doanh nghiệp giúp thay đổi quy mô hoặc loại hình doanh nghiệp theo quyết định của chủ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn kinh doanh. Không chỉ vậy tổ chức lại doanh nghiệp còn thể hiện được quyền tự do kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Thứ hai, tổ chức lại doanh nghiệp cũng giải quyết được vấn đề mâu thuẫn nội bộ giữa các chủ đầu tư trong doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp rơi vào tình trạng giải thể hoặc phá sản.
Thứ ba, tổ chức lại doanh nghiệp đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp không đáp ứng được đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật (chuyển đổi loại hình doanh nghiệp).
Thứ tư, tổ chức lại doanh nghiệp có thể giúp thay đổi quy mô kinh doanh ( từ công ty có quy mô lớn thành công ty có quy mô nhỏ hơn hoặc ngược lại). Ví dụ như việc chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH; hình thành các doanh nghiệp mới trên thị trường hoặc chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp: Chia, hợp nhất, sáp nhập.
4. Điều kiện tổ chức lại doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện theo luật định thì mới có thể tổ chức lại theo một mô hình cụ thể.
Thí dụ:
- Để có thể hợp nhất/sáp nhập công ty thì phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh, do việc hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp là hoạt động tập trung sức mạnh kinh tế.
Tại Điều 30 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định về việc tập trung kinh tế bị cấm, cụ thể là trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam, và việc đánh giá này sẽ do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đánh giá theo các quy định cụ thể của pháp luật.
Để có thể chuyển đổi từ công ty cổ phần sang công ty TNHH 1 thành viên và chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang các loại hình công ty, thì doanh nghiệp phải:
- Bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
- Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba, bao gồm:
- Thành viên, cổ đông công ty;
- Người lao động trong công ty;
- Các chủ nợ của công ty cũng như các đối tác của công ty;
- Quyền lợi chung của Nhà nước và các chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Ngoài ra, việc tổ chức lại doanh nghiệp phải tuân thủ về thời gian, thủ tục tiến hành theo quy định của pháp luật.
5. Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp
Về nguyên tắc, tổ chức lại doanh nghiệp có thể diễn ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, song xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu điều chỉnh pháp luật, mỗi hình thức tổ chức lại doanh nghiệp có thể chỉ được diễn ra ở một hoặc một số loại hình doanh nghiệp nhất định. Cụ thể như sau:
a. Chia Công ty
Tại Khoản 1 Điều 198 Luật doanh nghiệp 2020 về chia Công ty như sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị chia) để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.
Xem thêm:
b. Tách Công ty
Việc tách Công ty được quy định tại Điều 199 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có); đồng thời đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được tách.
Xem thêm:
c. Sáp nhập Công ty
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2020 thì một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Xem thêm:
d. Hợp nhất Công ty
Hợp nhất Công ty được quy định tại khoản 1 Điều 200 Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể là: Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.
Xem thêm:
e. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Không phải loại hình doanh nghiệp nào cũng có thể chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp khác. Theo Luật doanh nghiệp 2020 thì chỉ có 04 trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp bao gồm:
- Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY
- Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY
- Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, chi tiết có tại BÀI VIẾT NÀY
Lưu ý:
- Đối với các trường hợp công ty TNHH chuyển đổi thành công ty cổ phần; công ty cổ phần chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên thì công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, Hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.
- Đối với chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh thì công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ công ty tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
6. Hệ quả của việc tổ chức lại doanh nghiệp
Tổ chức lại doanh nghiệp gây ra những hậu quả pháp lý sau:
- Làm thay đổi quy mô kinh doanh (từ doanh nghiệp có quy mô lớn thành doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn và ngược lại): Đối với trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập công ty.
- Hoặc làm thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp như việc chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp này sang loại hình doanh nghiệp khác (thí dụ: Chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH).
- Hoặc dẫn đến việc hình thành các doanh nghiệp mới trên thị trường hoặc chấm dứt các doanh nghiệp đang tồn tại (trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp).
- Hoặc ảnh hưởng đến việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường (trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp).
7. Vai trò của luật sư trong việc tổ chức lại doanh nghiệp
Luật sư, với vai trò là chuyên gia pháp lý, đóng một phần không thể thiếu trong quá trình hỗ trợ tổ chức lại doanh nghiệp. Họ cung cấp lời khuyên pháp lý, đảm bảo các quyết định tái cơ cấu tuân thủ luật doanh nghiệp và các quy định liên quan khác. Từ việc đánh giá tác động pháp lý của các chiến lược tái cấu trúc, đến việc xử lý các vấn đề về hợp đồng, lao động, thuế, cổ phần và nợ, luật sư có vai trò là người định hình kế hoạch tổ chức lại một cách hợp pháp và hiệu quả.
Cụ thể, luật sư giúp doanh nghiệp nắm rõ các quy định pháp lý về sáp nhập, mua bán, chia tách, hợp nhất doanh nghiệp, thay đổi về cơ cấu tổ chức hay thậm chí là giải thể. Họ cũng hỗ trợ trong việc soạn thảo và xem xét các tài liệu cần thiết, thương lượng với các bên liên quan, và đại diện cho doanh nghiệp trước pháp luật.
Luật sư cũng tư vấn về việc bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, như cổ đông, đối tác và nhân viên, trong suốt quá trình tái cơ cấu. Hơn nữa, trong một số trường hợp đặc biệt như phá sản hoặc tái cấu trúc nợ, luật sư sẽ là người dẫn dắt doanh nghiệp thông qua các quy trình phức tạp để giảm thiểu rủi ro và tận dụng tối đa lợi ích pháp lý.
Qua đó, việc hợp tác với luật sư không chỉ là một lựa chọn khôn ngoan mà còn là yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình tổ chức lại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu đề ra một cách mạch lạc và đảm bảo pháp lý.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024