Thủ tục phá sản doanh nghiệp theo Luật phá sản 2014

Khi doanh nghiệp và hợp tác xã mất khả năng thanh toán và không khắc phục được thì buộc phải tiến hành thủ tục phá sản. Đây là một thủ tục phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp và hợp tác xã dưới đây:

1. Thế nào được coi là phá sản ?

Điều 4 Luật phá sản 2014 quy định như sau:

“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

2. Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”

Như vậy, một doanh nghiệp bị coi là phá sản khi có đủ hai điều kiện sau:

  • Không thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong vòng ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán;
  • Bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Không phải cứ mât khả năng thanh toán thì được coi là phá sản. Một doanh nghiệp chỉ được tuyên bố phá sản sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là của Tòa án nhân dân.

Doanh nghiệp được xem xét tuyên bố phá sản khi có đơn yêu cầu gửi tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Vậy ai có quyền nộp đơn ?

2. Ai có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ?

Căn cứ Điều 5 Luật phá sản 2015, những đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản là:

  • Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà không được thanh toán.

  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

  • Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

thủ tục phá sản
Muốn tuyên bố phá sản, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục phá sản.

3. Thẩm quyền tuyên bố mở thủ tục phá sản:

Khi nộp đơn mở thủ tục phá sản, cần xác định đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Điều 8 Luật phá sản 2014 quy định như sau về thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân:

“1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;

d) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, có thể hiểu là Tòa án nhân dân cấp huyện có quyền giải quyết việc phá sản không thuộc một trong các trường hợp liệt kê tại khoản 2 Điều 8 nêu trên. Nếu đơn gửi nhầm địa chỉ thì sẽ bị trả lại, hoặc Tòa án nhận đơn sẽ chuyển sang Tòa án khác có thẩm quyền.

4. Tòa án xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như thế nào ?

Tòa án xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo các bước sau đây:

a. Toà nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Toà án sẽ thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản nếu đơn yêu cầu hợp lệ, có quyền yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn nếu có thiếu sót.

Toà án chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Toà án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân khác; và Toà án cũng có thể trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi xảy ra các trường hợp sau:

  • Người nộp đơn không đúng theo quy định hoặc không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu;
  • Tòa án nhân dân khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
  • Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu;
  • Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;

b. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Trong bước mở thủ tục phá sản, Toà án đã thụ lí đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Nếu ra quyết định mở thủ tục phá sản, trong thời hạn pháp luật quy định, Thẩm phán cùa Toà án thụ lí đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lí, thanh lí tài sản.

c. Tòa án triệu tập Hội nghị chủ nợ để giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Toà án có thẩm quyền triệu tập Hội nghị chủ nợ để giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thành phần tham gia Hội nghị chủ nợ trong thủ tục phá sản

Thành phần tham gia Hội nghị chủ nợ gồm:

  • Thẩm phán
  • Quản tài viên, doanh ngiệp quản lí, thanh lí tài sản là những cá nhân hay tổ chức có nhiệm vụ quản lí tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lí tài sàn của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Để hiểu hơn, bạn vui lòng đọc bài viết Quyền hạn và nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh ngiệp quản lí, thanh lí tài sản
  • Chủ nợ
  • Con nợ (doanh nghiệp, họp tác xã mất khả năng thanh toán nợ)
  • Cơ quan thi hành án dân sự

Nội dung của Hội nghị chủ nợ trong thủ tục phá sản

Hội nghị chủ nợ có thể đưa ra kết luận đề nghị Toà án đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu kể từ ngày Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đó không mất khả năng thanh toán.

Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra nghị quyết đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp này, Hội nghị chủ nợ thấy rằng doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng trả được nợ nếu áp dụng các biện pháp khắc phục để cứu vãn tình trạng làm ăn thua lỗ và mất khả năng thanh toán.

Việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Hội nghị chủ nợ có thể ra nghị quyết đề nghị Toà án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản nếu thấy không còn khả năng cứu vãn, kể cả trường hợp có áp dụng các biện pháp phục hội hoạt động kinh doanh.

d. Tòa án tuyên bố mở thủ tục phá sản

Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản trong các trường hợp sau đây:

Doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Toà án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản trong các trường hợp:

  • Triệu tập Hội nghị chủ nợ lần hai mà vẫn không đủ số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm, thì Toà án có thể ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;
  • Hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết. Lý do không thông qua được nghị quyết có thể vì không có đủ quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt, vì các chủ nợ đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên không biểu quyết tán thành;
  • Hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết theo đó quyết định phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết theo đó tuyên bố mở thủ tục phá sản

Trường hợp Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết theo đó sẽ tuyên bố phá sản thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngàý nhận được nghị quyết, Toà án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

phá sản
Thủ tục phá sản phải qua nhiều bước – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

7. Quyết định mở thủ tục phá sản có thể được xem xét lại không ?

Không phải các quyết định tuyên bố phá sản đều có hiệu lực ngay, vì quyết định đó có thể bị khiếu nại bởi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các chủ nợ, ngựời nộp đơn. Quyết định tuyên bố phá sản cũng có thể bị kháng nghị bởi Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Toà án ra quyết định tuyên bố phá sản.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị xem  xét lại, kháng nghị, Toà án gửi hồ sơ vụ việc phá sản kèm 1 theo đơn đề nghị, kháng nghị cho Toà án cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị, kháng nghị, Tổ Thẩm phán phải tổ chức phiên họp và ra một trong các quyết định:

  • Không chấp nhận đơn đề nghị,
  • Kháng nghị và giữ nguyên quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;
  • Sửa quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;
  • Huỷ quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

Ngoài ra, nếu có căn cứ cho thấy là quyết định của tòa án cấp trên là vi phạm pháp luật thì có thể tiếp tục khiếu nại, kháng nghị lên Tòa án nhân dân cấp cao. Quyết định giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

8. Thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Các bước thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là:

a. Xác định tài sản phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã

Bạn có thể tìm hiểu thêm khi đọc bài viết Xác định tài sản phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã của chúng tôi.

Xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản như thế nào?

b. Thi hành quyết định tuyên bố phá sản

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bổ phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có ttách nhiệm ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

Sau khi nhận được quyết định phân công của Thủ ttưởng cơ quan thi hành án dẫn sự, Chấp hành viên thực hiện các nhiệm vụ sau:

  • Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;
  • Giám sát, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lí, thanh lí tài sàn thực hiện thanh lí tài sản;
  • Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sần, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
  • Dựa trên báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lí, thanh lí tài sản về kết quả thanh lí tài sản, Chấp hành viên thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Việc phân chia tài sản phải thực hiện theo thứ tự do pháp luật quy định. Nểu giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỉ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

9. Các trường hợp thực hiện thủ tục phá sản đặc biệt

Có thể thấy rằng nếu Tòa án giải quyết phá sản doanh nghiệp theo thủ tục thông thường thì sẽ tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Trình tự, thủ tục phá sản thì phức tạp, chi phí phá sản thì cao bao gồm nhiều loại như lệ phí Tòa án, chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí đăng báo, chi phí kiểm toán…

Do đó pháp luật đã quy định về thủ tục phá sản doanh nghiệp rút gọn để giải quyết vấn đề này. Theo quy định tại Điều 105 Luật Phá sản 2014 thì Tòa án có thể áp dụng thủ tục phá sản doanh nghiệp rút gọn trong một số trường hợp. Chi tiết có tại bài viết sau:

Thủ tục phá sản rút gọn theo quy định của pháp luật

 

Trên đây là phân tư vấn của chúng tôi về thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp và hợp tác xã. Hãy gọi Tổng đài tư vấn Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư  – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này. Bạn cũng có thể tham khảo các bài viết khác cùng chuyên mục:

 

Trong bối cảnh kinh doanh sôi động, doanh nghiệp càng phát triển thì việc kinh doanh và quản trị doanh nghiệp càng khó khăn, phức tạp. Một trong các thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp là bảo đảm hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.

Làm được điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý như bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như phòng ngừa ranh chấp lao động, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp hoặc các kiện tụng từ phía khách hàng, đối tác…

Nguyễn Văn Thanh