Địa điểm kinh doanh – Tổng hợp các quy định mới nhất

Địa điểm kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bởi nó giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường, khách hàng mới, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Tuy vậy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết hết những kiến thức pháp lý về địa điểm kinh doanh và đăng ký địa điểm kinh doanh. Nếu vậy, hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để biết thêm chi tiết.

1. Địa điểm kinh doanh là gì?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật doanh nghiệp 2020 thì Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

Doanh nghiệp nên thành lập địa điểm kinh doanh khi:

  • Muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại những địa bàn cùng tỉnh thành phố hoặc khác tỉnh thành phố với nơi đặt trụ sở chính.
  • Muốn thực hiện các thủ tục pháp lý nhanh chóng, đơn giản và tiết kiệm thời gian.
  • Muốn giảm các loại chi phí phát sinh và những thủ tục kê khai thuế phức tạp.

2. Những ưu điểm của địa điểm kinh doanh so với văn phòng đại diện, chi nhánh 

Khi so sánh địa điểm kinh doanh với văn phòng đại diện, chi nhánh, ta nhận thấy một số ưu việt của địa điểm kinh doanh, đó là:

  • Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh nhanh chóng và tiện lợi hơn văn phòng đại diện, chi nhánh.
  • Chế độ kế toán đơn giản, không phức tạp.
  • Khi doanh nghiệp không có nhu cầu kinh doanh tại địa điểm kinh doanh thì làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh, thủ tục gọn nhẹ, nhanh chóng, không phải làm thủ tục chốt thuế.
  • Nếu địa điểm kinh doanh cùng tỉnh, phát sinh hoạt động kinh doanh thì toàn bộ hoạt động kinh doanh có thể kê khai chung với công ty mẹ mà không phải kê khai thuế riêng và nộp thuế riêng như hoạt động của chi nhánh.

Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh không thể thay thế được chi nhánh hay văn phòng đại diện, vì mỗi loại hình có những chức năng đặc thù:

  • Chi nhánh thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Trong khi đó, địa điểm kinh doanh chỉ được phép kinh doanh thuần tuý, không có chức năng đại diện theo uỷ quyền. Xem thêm: Quy định về chi nhánh công ty
  • Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ thực hiện xúc tiến thương mại. Xem thêm: Quy định về văn phòng đại diện công ty

Nếu như chi nhánh và văn phòng đại diện có con dấu riêng thì địa điểm kinh doanh lại không có.

3. Đăng ký địa điểm kinh doanh như thế nào ?

Khi đăng ký địa điểm kinh doanh, cần lưu ý những vấn đề sau:

3.1 Về tên địa điểm kinh doanh

Căn cứ quy định tại Điều 40 Luật doanh nghiệp 2020, Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì tên địa điểm kinh doanh cần đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
  • Phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “cụm từ “Địa điểm kinh doanh”.
  • Ngoài tên bằng tiếng Việt, có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
  • Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
  • Tên phải được viết hoặc gắn tại địa điểm kinh doanh.

3.2 Nơi đặt địa điểm kinh doanh

Theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hiện nay doanh nghiệp có thể lập thành lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh hoặc thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Không có giới hạn về số lượng địa điểm kinh doanh mà mỗi công ty được lập. Theo đó, công ty có thể lập số địa điểm kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.

Quy định này đã nới rộng phạm vi đặt địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được phát triển. Khác với quy định tại tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP trước đây khi doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Ngoài ra, doanh nghiệp không được đặt địa điểm kinh doanh tại căn hộ chung cư, tuy nhiên có thể đặt địa điểm kinh doanh tại khu vực thương mại của khu chung cư.

địa điểm kinh doanh
Doanh nghiệp có thể thành lập địa điểm kinh doanh với số lượng không hạn chế. – ảnh nguồn internet

3.3 Ngành nghề của địa điểm kinh doanh

Địa điểm kinh doanh được phép kinh doanh những ngành nghề mà công ty mẹ đã đăng ký. Theo đó, hiện nay Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành nghề Việt Nam đã có hiệu lực nên khi thành lập mới địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải cập nhật ngành nghề đăng ký kinh doanh quy định theo quyết định mới.

Cần lưu ý là ngành nghề kinh doanh của địa điểm kinh doanh không được vượt quá phạm vi ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ. Nếu muốn bổ sung ngành nghề không có trong ngành nghề kinh doanh của Công ty mẹ thì cần làm thủ tục bổ sung ngành nghề đó trước cho công ty mẹ xong rồi sau đó mới thực hiện bổ sung ngành nghề kinh doanh cho địa điểm kinh doanh.

Xem thêm:

Ngành nghề đầu tư kinh doanh – Lựa chọn thế nào để hợp pháp

3.4 Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Thành phần hồ sơ bao gồm:

  • Thông báo lập địa điểm kinh doanh: Thông báo này do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.
  • Văn bản ủy quyền (trường hợp người nộp hồ sơ được ủy quyền)
  • Hợp đồng dịch vụ với đơn vị tư vấn luật và giấy giới thiệu (trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ thành lập địa điểm kinh doanh).
  • Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ kèm theo các tài liệu sau: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện do cơ quan đăng ký đầu tư cấp; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế; Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động đối với chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư.
  • Trường hợp doanh nghiệp là tổ chức tín dụng thuộc loại hình công ty: Hồ sơ kèm theo Bản sao hợp lệ Giấy phép hoặc văn bản Chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bước 2: Nộp hồ sơ (trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh) theo 02 cách: 

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi doanh nghiệp đặt địa điểm kinh doanh.Trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh: Nộp hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh đặt trụ sở
  • Cách 2: Đăng ký qua mạng điện tử Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (thông qua chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh). Đối với TP. Hà Nội và HCM: việc nộp hồ sơ qua mạng là bắt buộc);

Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh (thuộc Sở kế hoạch và đầu tư) kiểm tra tính hợp lệ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp;

Bước 4: Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định;

Bước 5: Doanh nghiệp nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh hoặc nhận kết quả thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. 

4. Các công việc cần làm sau khi thành lập địa điểm kinh doanh

Sau khi thành lập địa điểm kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì Doanh nghiệp cần phải thực hiện các công việc sau:

  • Làm bảng hiệu và treo tại nơi đặt địa điểm kinh doanh
  • Đăng ký địa điểm kinh doanh với cơ quan thuế quản lý của địa điểm kinh doanh nếu phát sinh hoạt động kinh doanh.
  • Thực hiện kê khai, đóng thuế theo quy định của pháp luật.

5. Địa điểm kinh doanh có được thay đổi nội dung đăng ký hoạt động không?

Trong quá trình hoạt động, địa điểm kinh doanh hoàn toàn có thể thay đổi nội dung đăng ký hoạt động. Khi có thay đổi, doanh nghiệp cần phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo đó thì thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động quy định tại Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

  • Doanh nghiệp nộp Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh tơi Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.
  • Khi nhận được Thông báo của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh.

Lưu ý: Doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của địa điểm kinh doanh trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi. Quá 10 ngày, doanh nghiệp mới đăng ký thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP (phạt tiền từ 3 triệu đồng tới 30 triệu đồng nếu không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh, tuỳ vào mức độ vi phạm.)

6. Các vấn đề liên quan tới lập địa điểm kinh doanh cần lưu ý 

Trong quá trình tư vấn, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của khách hàng liên quan tới địa điểm kinh doanh. Sau đây là một số câu hỏi thường gặp nhất:

a. Các câu hỏi về kế toán, tài chính, thuế:

Địa điểm kinh doanh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc, không phải nộp thuế GTGT. Để kê khai thuế, doanh nghiệp thực hiện tại cơ quan quản lý trực tiếp của đơn vị (nếu địa điểm kinh cùng cùng tỉnh với trụ sở chính) hoặc tại tỉnh nơi đặt địa điểm kinh doanh (nếu địa điểm kinh doanh đặt khác tỉnh đặt trụ sở chính).

Địa điểm kinh doanh có mã số thuế không ? Địa điểm kinh doanh không có mã số thuế mà hạch toán cùng với trụ sở chính của doanh nghiệp (căn cứ Thông tư 105/2020/TT-BTC).

Về mức thuế môn bài: Theo Điểm c Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, quy định mức thuế môn bài địa điểm kinh doanh phải nộp là 1.000.000 VNĐ/năm. Nếu thành lập trong 6 tháng đầu năm thì nộp thuế môn bài cho cả năm, nếu thành lập trong 6 tháng cuối năm: Nộp thuế môn bài 50% cả năm.

Thời hạn nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm. Trường hợp địa điểm thành lập mới, nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế môn bài (tức là trước ngày 30/01 của năm sau năm mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập)

b. Địa điểm kinh doanh có được sử dụng con dấu không ?

Địa điểm kinh doanh không phải là một pháp nhân mà căn bản chức năng chỉ là cơ sở để hoạt động về một hoạt động kinh doanh nhất định. Việc hoạt động phải phụ thuộc hoàn toàn vào công ty mẹ nên địa điểm kinh doanh không được sử dụng con dấu.

Nếu có con dấu thì con dấu đó cũng chỉ có giá trị nội bộ, không có giá trị khi thực hiện giao dịch với bên ngoài.

c. Địa điểm kinh doanh có được ký hợp đồng không ?

Do địa điểm kinh doanh không có con dấu, không có pháp nhân độc lập nên không thể tiến hành ký kết hợp đồng được. Việc ký kết hợp đồng hoàn toàn là do công ty mẹ thực hiện.

Trường hợp người đứng đầu địa điểm kinh doanh có thể đứng ra ký kết hợp đồng được nhưng phải có sự ủy quyền của người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền thì mới được phép đứng ra ký kết  hợp đồng.

7. Chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh như thế nào ?

Theo quy định tại Điều 213 Luật doanh nghiệp 2020 thì địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo về việc chấm dứt đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh (Căn cứ khoản 2 Điều 72 Nghị định 01/2021/NĐ-CP). Các bước cụ thể sẽ như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ chấm dứt địa điểm kinh doanh theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP

Hồ sơ chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh bao gồm các giấy tờ sau:

  • Thông báo chấm dứt địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-22, Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của địa điểm kinh doanh;
  • Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ và nhận kết quả (nếu không phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp).

Tải mẫu Thông báo chấm dứt địa điểm kinh doanh tại LINK NÀY

Bước 2: Nộp hồ sơ (trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định chấm dứt địa điểm kinh doanh) theo 02 cách: 

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi doanh nghiệp đặt địa điểm kinh doanh.Trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh: Nộp hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh đặt trụ sở
  • Cách 2: Đăng ký qua mạng điện tử Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (thông qua chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh). Đối với TP. Hà Nội và HCM: việc nộp hồ sơ qua mạng là bắt buộc);

Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh (thuộc Sở kế hoạch và đầu tư) kiểm tra tính hợp lệ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp;

Bước 4: Nộp đủ lệ phí theo quy định;

Bước 5: Doanh nghiệp nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh hoặc nhận kết quả thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. 

Lưu ý: Trường hợp chấm dứt nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thì có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (căn cứ điểm b khoản 1 Điều 54 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

8. Tư vấn thành lập /đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động / chấm dứt địa điểm kinh doanh

Là một trong những đơn vị tư vấn Luật doanh nghiệp hàng đầu, Công ty Luật Thái An chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn thành lập/đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động / chấm dứt địa điểm kinh doanh. Đến với Luật Thái An, Quý khách hàng sẽ được đội ngũ Luật sư của chúng tôi tư vấn tận tình và nhanh chóng, các vấn đề như:

  • Tư vấn thủ tục thành lập/thay đổi nội dung đăng ký hoạt động / chấm dứt địa điểm kinh doanh cho công ty;
  • Soạn thảo hồ sơ về thủ tục thành lập/thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh cho công ty;
  • Thay mặt khách hàng nộp hồ sơ, theo dõi hồ sơ;
  • Nhận và bàn giao kết quả cho khách hàng
  • Tư vấn các công việc khác liên quan

Ngoài ra, Công ty Luật Thái An cũng cung cấp tất cả các dịch vụ thành lập, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp doanh nghiệp, tư vấn, giải quyết các tranh chấp pháp lý phát sinh trong mọi lĩnh vực pháp luật đặc biệt là pháp luật doanh nghiệp.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH !

Nguyễn Văn Thanh