Một số quy định quan trọng về Công ty hợp danh

Cùng với các loại hình doanh nghiệp khác, Công ty hợp danh đã và đang hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường Việt Nam. Công ty hợp danh là dạng đặc trưng của công ty đối nhân nên tạo được lòng tin cho các đối tác trong các giao dịch mà Công ty tham gia. Bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An chúng tôi xin giới thiệu đến Quý bạn đọc các quy định pháp luật hiện hành về Công ty hợp danh.

1. Công ty hợp danh là gì?

Theo quy định tại Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 thì Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

  •  Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
  •  Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.

2. Công ty hợp danh có những đặc điểm nào?

Căn cứ theo luật doanh nghiệp công ty hợp danh, sau đây là những đặc điểm nổi bật của công ty hợp danh:

a. Công ty bắt buộc phải có thành viên hợp danh

Công ty hợp danh được tạo lập bởi thành viên hợp danh. Đây là loại thành viên chủ chốt bắt buộc phải có trong Công ty, không có thành viên này thì Công ty không được hình thành. Thành viên hợp danh phải là cá nhân và cá nhân này phải không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020.

b. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Rất nhiều người băn khoăn không biết Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân không ?Công ty hợp danh có phải là pháp nhân không? hay Công ty hợp danh có tài sản riêng không? vì thấy rằng trong Công ty hợp danh tài sản của Công ty không tách bạch với tài sản của thành viên hợp danh và Công ty hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn trong trường hợp Công ty chỉ có thành viên hợp danh, không có thành viên góp vốn.

Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 thì Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Có thể thấy rằng việc pháp luật công nhận Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân đã tạo được sự ổn định pháp lý trong suốt quá trình Công ty hoạt động, tạo vị thế thuận lợi cho Công ty khi tham gia vào các giao dịch cũng như tạo điều kiện để các chủ nợ có thể xử lý tài sản của Công ty khi thanh toán nợ.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 179 Luật doanh nghiệp 2020 thì tài sản của công ty hợp danh bao gồm:

  • Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;
  • Tài sản tạo lập được mang tên công ty;
  • Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;
  • Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Công ty hợp danh một chủ thể độc lập trước pháp luật, có tư cách pháp nhân, có tài sản riêng.

c. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Để huy động vốn điều lệ, công ty hợp danh có thể thực hiện bằng các cách như kết nạp thêm thành viên mới, tăng phần vốn góp của các thành viên cũ hay có thể vay vốn từ các tổ chức, cá nhân và nguồn khác để đáp ứng nhu cầu về vốn của công ty.

Công ty hợp danh
Công ty hợp danh có những ưu điểm và nhược điểm khi so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác. – ảnh minh hoạ: internet

3. Ưu và nhược điểm của Công ty hợp danh

Công ty hợp danh có ưu nhược điểm riêng biệt. Trước khi thành lập Công ty hợp danh, nhà đầu tư nên nắm rõ các ưu nhược điểm này để có những quyết định sáng suốt khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Cụ thể

a. Ưu điểm của công ty hợp danh

Sau đây là những ưu điểm của công ty hợp danh:

  • Công ty hợp danh là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do có chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh nên Công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các bạn hàng, đối tác kinh doanh.
  • Số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tin tưởng nhau nên việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp.
  • Thành viên hợp danh thường là những cá nhân có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp cao.
  • Nhờ có chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh nên Công ty hợp danh dễ được Ngân hàng cho vay vốn và giãn nợ.
  • Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, thích hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
  • Có tư cách pháp nhân nên công ty hợp danh được nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập. Việc này đem lại cho Công ty nhiều lợi ích trong quá trình hoạt động.

b. Nhược điểm của công ty hợp danh

Sau đây là những nhược điểm của công ty hợp danh:

  • Do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao.
  • Các thành viên hợp danh cùng là người đại diện theo pháp luật của công ty và cùng tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty  nên nếu không thống nhất được ý kiến sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
  • Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào, do đó, việc huy động vốn của công ty sẽ bị hạn chế.
  • Thành viên hợp danh rút khỏi công ty vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty hợp danh phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên trong thời hạn 02 năm
  • Công ty hợp danh không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản thành viên hợp danh nên dù có tư cách pháp nhân nhưng công ty hợp danh không độc lập trong việc chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty.

4. Các loại thành viên của Công ty hợp danh

Công ty hợp danh có 2 loại thành viên, đó là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

a. Thành viên hợp danh

  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
  • Thành viên hợp danh phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
  • Thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty.
  • Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2020 thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.
  • Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
  • Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
  • Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
  • Thành viên hợp danh có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 181 Luật doanh nghiệp 2020.

Chi tiết có tại:

Thành viên hợp danh trong công ty hợp danh

b. Thành viên góp vốn

  • Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Tổ chức, cá nhân là thành viên góp vốn phải không thuộc đối tượng bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020
  • Thành viên góp vốn có thể có hoặc không có trong công ty hợp danh nhưng loại thành viên này giúp khả năng huy động vốn của công ty tốt hơn.
  • Thành viên góp vốn không buộc phải liên kết về nhân thân và cũng không phải bắt buộc là cá nhân như thành viên hợp danh.
  • Thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
  • Thành viên góp vốn có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 187 Luật doanh nghiệp 2020.

5. Cơ cấu tổ chức của Công ty hợp danh

Cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh sẽ bao gồm: Hội đồng thành viên với người đứng đầu sẽ là Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

  • Hội đồng thành viên sẽ bao gồm tất cả các thành viên (kể cả các thành viên hợp danh và các thành viên góp vốn).
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: có thể do chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm nếu điều lệ Công ty không có quy định khác, có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty, thực hiện việc quản lí, điều hành công ty. Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 4, điều 184, Luật Doanh nghiệp 2020.

6. Đăng kí thành lập, tổ chức lại và chấm dứt công ty hợp danh

a. Đăng kí thành lập công ty hợp danh

Để thành lập công ty, các thành viên phải tiến hành đăng kí doanh nghiệp tại cơ quan đăng kí kinh doanh có thẩm quyền bằng một bộ hồ sơ hợp lệ. Hồ sơ đăng kí doanh nghiệp đối với công ty hợp danh quy định tại điều 22 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Hồ sơ thành lập công ty hợp danh gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
  • Danh sách thành viên hợp danh;
  • Điều lệ công ty;
  • Bản sao hợp lệ một số giấy tờ:
    • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu đối với thành viên công ty là cá nhân;
    • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với thành viên công ty là tổ chức;
    • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;
    • Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự, được công chứng và dịch ra tiếng Việt;
    • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành; 
    • Chứng chỉ hành nghề, giấy phép khác đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Để thành lập công ty hợp danh bạn cần nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở kế hoạch và đầu tư) cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ: Phòng đăng ký kinh doanh ra thông báo bằng văn bản về nội dung cần sửa đổi, bổ sung; 

Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp: Phòng đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

b. Tổ chức lại công ty hợp danh:

Pháp luật không cho phép Công ty hợp danh tổ chức lại dưới hình thức chia, tách và chuyển đổi. Công ty hợp danh chỉ có thể thực hiện các thủ tục tổ chức lại là sáp nhập và hợp nhất.

c. Chấm dứt công ty hợp danh:

Công ty hợp danh chấm dứt hoạt động khi Công ty hợp danh phá sản hoặc giải thể. Thủ tục phá sản, giải thể được thực hiện theo quy định tại Luật phá sản 2014, Luật doanh nghiệp 2020.

7. Giải đáp những thắc mắc về Công ty hợp danh

Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, chúng tôi nhân được nhiều thắc mắc về công ty hợp danh. Sau đây chúng tôi xin trả lời những thắc mắc phổ biến nhất:

a. Công ty hợp danh được phát hành trái phiếu không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 thì: Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành

Như vậy, trái phiếu được xem là một loại chứng khoán, mà theo quy định tại khoản 3 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Do đó, công ty hợp danh không được phát hành trái phiếu.

b. Công ty hợp danh có được thuê Giám đốc không? 

Theo quy định tại Điều 181 Luật doanh nghiệp 2020 thì thành viên hợp danh có quyền và nghĩa vụ: Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; Nhân danh công ty kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty; Tiến hành quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;…

Theo đó, thành viên hợp danh dù không giữ chức vụ gì trong công ty cũng có quyền đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, đồng thời chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty hợp danh cũng có thể thực hiện quản lý, điều hành công ty với tư cách là thành viên hợp danh.

Tại khoản 4 Điều 184 Luật doanh nghiệp 2020 quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:

  • Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh;
  • Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
  • Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh;
  • Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;
  • Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;

Có thể thấy giám đốc công ty hợp danh bắt buộc phải là thành viên hợp danh. Bởi lẽ các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn với toàn bộ tài sản của mình đối với nghĩa vụ nợ của công ty. Đồng thời bản chất của công ty hợp danh là công ty đối nhân nên không thể có trường hợp ngoài thành viên hợp danh trở thành giám đốc hoặc tham gia vào quản lý việc kinh doanh.

c. Tại sao công ty hợp danh không được chia tách ?      

Theo quy định tại Điều 198, Điều 199 Luật doanh nghiệp 2020 thì loại hình doanh nghiệp có thể chia, tách là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Do đó công ty hợp danh thì không được thực hiện chia tách. Mặt khác, dù có tư cách pháp nhân nhưng tài sản của Công ty và tài sản của thành viên hợp danh không được tách bạch rõ ràng nên đây cũng là một trong những lý khiến cho Công ty hợp danh không thể bị chia tách.

d. Công ty hợp danh giống và khác gì so với công ty TNHH 2 thành viên trở lên ?

Công ty hợp danh có những điểm giống và khác so với công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Điểm khác nhau lớn nhất là việc thành viên hợp danh có quyền nhân danh công ty, sử dụng con dấu, tài sản của công ty tiến hành hoạt động kinh doanh. Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

Bảng so sánh dưới đây sẽ cho bạn một hình dung cụ thể hơn:

Tiêu chí Công ty hợp danh Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Khái niệm Là công ty đối nhân, bao gồm các thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn. Mỗi loại thành viên có quyền và nghĩa vụ khác nhau đối với công ty. Công ty không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Là công ty vừa đối vốn, vừa đối nhân. Số lượng thành viên không vượt quá 50 có thể bao gồm tổ chức hoặc cá nhân. Các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn với số vốn đã góp. Công ty không được phát hành cổ phiếu, nhưng có thể phát hành được các loại chứng khoán khác.
Các loại thành viên Có hai loại thành viên là:

– Thành viên hợp danh: Phải là cá nhân, tối thiểu 2 thành viên, không giới hạn tối đa.

– Thành viên góp vốn: Có thể có hoặc không, không giới hạn số lượng, có thể là cá nhân hoặc tổ chức

– Không phân biệt các loại thành viên

– Thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức

– Số lượng từ 2 đến 50 thành viên

Quyền lợi của thành viên 1. Thành viên hợp danh

Quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 176 Luật Doanh nghiệp. Trong đó quan trọng nhất là các thành viên hợp danh có quyền nhân danh công ty, sử dụng con dấu, tài sản của công ty tiến hành hoạt động kinh doanh; đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty.

Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

2. Thành viên góp vốn

Không được tham gia quản lý hoặc đại diện công ty. Chỉ được tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên và nhận những lợi ích tương ứng với phần vốn góp(Cụ thể tại Khoản 1 Điều 182 Luật Doanh nghiệp)

Quy định cụ thể tại Điều 50 Luật Doanh nghiệp.

– Nhìn chung các thành viên có quyền lợi phụ thuộc vào số vốn góp trong công ty. Cụ thể là quyền biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên với số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn góp.

– Thành viên không đương nhiên có quyền nhân danh công ty như thành viên hợp danh. Chỉ có Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Nghĩa vụ của thành viên 1. Thành viên hợp danh

– Chịu trách nhiệm vô hạn đối với những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty. (Cụ thể quy định tại Khoản 2 Điều 176 Luật Doanh nghiệp)

– Chịu một số hạn chế về việc góp vốn và tham gia một số doanh nghiệp khác

2. Thành viên góp vốn

Chỉ chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã góp. (Cụ thể Khoản 2 Điều 182)

Quy định cụ thể tại Điều 51 Luật Doanh nghiệp

– Thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số tài sản đã góp vào công ty.

– Việc rút vốn ra khỏi công ty bị hạn chế, chuyển nhượng vốn phải tuân thủ theo những nguyên tắc chặt chẽ của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức Cơ cấu tổ chức bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty, không có ban kiểm soát. Cơ cấu tổ chức bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, có thể có ban kiểm soát
Điều chỉnh vốn góp 1. Huy động vốn

– Không được phát hành bất cứ loại chứng khoán nào để công khai huy động vốn trong công chúng.

 

2. Chuyển nhượng, rút vốn

– Thành viên hợp danh tự nguyện rút vốn và phải được Hội đồng thành viên chấp thuận.

– Thành viên góp vốn có thể tự do định đoạt phần vốn góp của mình.

1. Huy động vốn

– Không được phép phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên công ty được phép phát hành trái phiếu, các loại chứng khoán khác để huy động vốn

2. Chuyển nhượng, rút vốn

– Thành viên rút vốn bằng cách yêu cầu công ty mua lại vốn góp; chuyển nhượng phần vốn góp; công ty hoàn trả vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt.

– Việc chuyển nhượng vốn phải tuân thủ theo nguyên tắc quy định tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp

 

Qua bài viết trên, Công ty Luật Thái An hy vọng bạn sẽ nắm được các quy định pháp luật về Công ty hợp danh. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ với Công ty Luật Thái An để có thể được tư vấn, giải đáp nhanh chóng.

Nguyễn Văn Thanh