Tạm hoãn xuất cảnh trong pháp luật hình sự
Xuất cảnh là quyền của công dân Việt Nam. Khi đáp ứng điều kiện xuất cảnh theo quy định pháp luật, công dân Việt Nam được quyền rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên nếu thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh thì quyền công dân này bị tạm ngừng. Vậy xuất cảnh bị tạm hoãn là gì? Khi nào bị công dân không được xuất cảnh theo pháp luật hình sự? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Tạm hoãn xuất cảnh là gì?
a. Xuất cảnh là gì?
Xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam. Công dân Việt Nam đủ các điều kiện tại Khoản 1 Điều 33 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thì được xuất cảnh, đó là:
- Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng;
- Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
b. Tạm hoãn xuất cảnh là gì?
Khoản 7 Điều 2 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 định nghĩa:
Tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.
Như vậy, công dân Việt Nam sẽ không được ra khỏi lãnh thổ Việt Nam cho đến khi quyết định tạm hoãn xuất cảnh bị hủy bỏ.
Việc xuất cảnh bị tạm hoãn là một biện pháp ngăn chặn, mục đích để:
- Kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử.
- Kịp thời ngăn chặn tội phạm sẽ tiếp tục phạm tội.
- Để bảo đảm thi hành án.
2. Ai bị tạm hoãn xuất cảnh?
Điều 36 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định những đối tượng sau sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh:
a. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
Các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, gồm có:
- Bị can, bị cáo.
- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
b. Theo quy định của Luật thi hành án hình sự
- Người được hoãn chấp hành án phạt tù.
- Người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách.
- Người được hưởng án treo trong thời gian thử thách.
- Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án.
- Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh
a. Đối với đối tượng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
Khoản 3 Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm hoãn như sau:
- Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
- Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
b. Đối với đối tượng theo quy định của Luật thi hành án hình sự
Căn cứ Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kết thúc khi người vi phạm, người có nghĩa vụ chấp hành xong bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
4. Ai có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh?
a. Người có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với đối tượng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
Khoản 2 Điều 124 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền tạm hoãn gồm có:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp.
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân.
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp.
- Hội đồng xét xử.
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
b. Người có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với đối tượng theo quy định của Luật thi hành án hình sự
Theo quy định khoản 2 Điều 37 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 về thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh như sau:
Cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, thi hành án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
5. Trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh
Theo quy định khoản 1 Điều 39 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm gửi văn bản theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị tạm hoãn xuất cảnh.
6. Trình tự, thủ tục gia hạn tạm hoãn xuất cảnh
Theo quy định khoản 3 Điều 39 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, thì trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, nếu cần gia hạn thì người có thẩm quyền gửi văn bản theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị gia hạn tạm hoãn xuất cảnh biết.
7. Trình tự, thủ tục hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh
Theo quy định khoản 2 Điều 39 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, yrong thời gian tạm hoãn xuất cảnh, khi có đủ căn cứ để hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh, người có thẩm quyền gửi văn bản hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo mẫu đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người đã bị tạm hoãn xuất cảnh biết.
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong các biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật hình sự. Luật sư tư vấn về tạm hoãn xuất cảnh sẽ hỗ trợ khách hàng nắm rõ quy định pháp luật liên quan đến điều kiện áp dụng, quy trình thực hiện, và những quyền lợi mà người bị tạm hoãn có thể được hưởng.
Trong quá trình tư vấn, luật sư sẽ giúp khách hàng xác định tính hợp pháp của quyết định tạm hoãn xuất cảnh, đề xuất phương án xử lý nếu quyết định này không chính đáng, cũng như hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục pháp lý để yêu cầu hủy bỏ hoặc thay đổi quyết định tạm hoãn.
Ngoài ra, luật sư cũng sẽ tư vấn về các biện pháp pháp lý khác nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, giúp họ có cái nhìn toàn diện và đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với pháp luật. Dịch vụ tư vấn từ luật sư không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi cá nhân mà còn giúp khách hàng tránh các rủi ro pháp lý không đáng có.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024