Kháng nghị phúc thẩm hình sự như thế nào?

Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 đã có sự điều chỉnh các quy định về kháng nghị phúc thẩm hình sự, nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Bài viết kháng nghị phúc thẩm hình sự: Tổng hợp các quy định dưới đây sẽ giúp khách hàng hiểu và nắm rõ các quy định hiện hành về nội dung này.

1. Kháng nghị phúc thẩm hình sự là gì?

Kháng nghị phúc thẩm hình sự là quyền Nhà nước giao cho Viện kiểm sát thực hiện kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm. Đây là căn cứ để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật. Nhằm đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

XEM THÊM:

Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

2. Thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Như vậy, có hai chủ thể có quyền kháng nghị là Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

Nội dung chính của quyết định kháng nghị gồm có:

  • Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị;
  • Số của quyết định kháng nghị;
  • Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;
  • Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm;
  • Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện kiểm sát;
  • Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng nghị.

XEM THÊM:

Chức năng của viện kiểm sát trong vụ án dân sự là gì?

kháng nghị
Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm.

3. Căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự

Theo quy định của Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân 2014, dựa trên những cơ sở sau đây Viện kiểm sát được quyền kháng nghị phúc thẩm hình sự:

  • Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;
  • Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật;
  • Bản án, quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
  • Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

4. Thời hạn kháng nghị phúc thẩm hình sự

a. Kháng nghị phúc thẩm hình sự đối với BẢN ÁN của Tòa án cấp sơ thẩm

Thời hạn kháng nghị đối với bản án sơ thẩm được quy định tại Điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp: 15 ngày, kể từ ngày Tòa tuyên án.
  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp: 30 ngày, kể từ ngày Tòa tuyên án.

b. Kháng nghị phúc thẩm hình sự đối với QUYẾT ĐỊNH của Tòa án cấp sơ thẩm

Thời hạn kháng nghị đối với quyết định sơ thẩm được quy định Điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp: 07 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp: 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

5. Gửi quyết định kháng nghị phúc thẩm hình sự như thế nào ?

Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định kháng nghị, Viện kiểm sát phải gửi:

  • Quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm.
  • Gửi quyết định kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị.

Người tham gia tố tụng nhận được thông báo về kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Ý kiến của họ sẽ được đưa vào hồ sơ vụ án.

6. Hậu quả của kháng nghị phúc thẩm hình sự

Điều 339 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định hậu quả của việc kháng nghị như sau:

Những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này.”

Như vậy, khi có kháng nghị của Viện kiểm sát thì một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định bị kháng nghị sẽ chưa có hiệu lực pháp luật và chưa được đưa ra thi hành, trừ các trường hợp quy định tại Điều 363 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, đó là:

  • Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án;
  • Tuyên bị cáo không có tội;
  • Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo;
  • Hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam.
  • Hình phạt cảnh cáo.

Bản án, quyết định của Tòa án quy định tại Điều 363 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 mặc dù được thi hành ngay nhưng vẫn có thể bị kháng nghị từ Viện kiểm sát.

7. Quy định về thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị phúc thẩm hình sự

Căn cứ Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.

Việc này phải thực hiện trước phiên toà xét xử phúc thẩm thông qua văn bản gửi tới Toà án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan.

8. Dịch vụ Luật sư bào chữa, Luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại phiên tòa có kháng nghị phúc thẩm hình sự

Luật Thái An chúng tôi với đội ngũ Luật sư giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong các vụ án có kháng nghị phúc thẩm hình sự. Luật Thái An cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quý khách hàng toàn diện, theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt với bảng phí dịch vụ phù hợp cùng quy trình thực hiện chuyên nghiệp, Luật Thái An sẽ giúp khách hàng hài lòng với dịch vụ tư vấn pháp lý mà chúng tôi cung cấp.

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và sử dụng dịch vụ.

Nguyễn Văn Thanh