Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng

Trong môi trường kinh doanh và giao dịch thương mại, việc gặp phải tranh chấp hợp đồng không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng đúng cách lại mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong những tình huống này, luật sư thường đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết và dàn xếp mâu thuẫn, giúp các bên tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

1. Tranh chấp hợp đồng là gì và xẩy ra khi nào?

Hiện tại pháp luật chưa có quy định khái niệm tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, từ thực tiễn chúng ta có thể hiểu Tranh chấp Hợp đồng là những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của các bên trong quan hệ hợp đồng với nhau chủ yếu liên quan đến việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng có thể xảy ra ở các giai đoạn hợp đồng, nhưng thường phát sinh sau khi hợp đồng có hiệu lực và trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đôi khi tranh chấp cũng xảy ra khi các bên chỉnh sửa, bổ sung hợp đồng (ký Phụ lục hợp đồng), hoặc một bên tạm dừng hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc tranh chấp có liên quan đến bên thứ ba…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng, nguyên nhân chủ quan và khách quan:

Có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng, đó là:

  • Hiểu biết pháp luật còn hạn chế;
  • Chưa chú trọng vấn đề pháp lý của hợp đồng mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận;
  • Hiểu lầm về nội dung hợp đồng
  • Không tuân thủ điều khoản và điều kiện

Ngoài ra, nguyên nhân khách quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng cũng đa dạng:

  • Thay đổi trong hoàn cảnh thực thi hợp đồng
  • Các rủi ro khách quan như các sự kiện bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh…dẫn đến vi phạm hợp đồng;
  • Chính sách pháp luật thay đổi khiến doanh nghiệp không thể cập nhập và áp dụng pháp luật đúng;

2. Các loại tranh chấp hợp đồng phổ biến

Các loại tranh chấp hợp đồng rất đa dạng. Nhìn chung thì có hai loại tranh chấp phổ biến, đó là:

Tranh chấp hợp đồng do vi phạm quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, thí dụ: tranh chấp do 1 bên bán, cung cấp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung hợp đồng; hoặc tranh chấp do bên mua, sử dụng dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng do vi phạm tính pháp lý của hợp đồng:

  • Tranh chấp do vi phạm nguyên tắc ký kết hợp đồng, chủ thể ký kết hợp đồng…
  • Tranh chấp liên quan đến các điều khoản của hợp đồng không hợp pháp;
  • Tranh chấp liên quan đến cách thức ký kết hợp đồng;
  • Tranh chấp liên quan đến hình thức hợp đồng…

3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng

Ai cũng mong muốn giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng. Nhưng để làm được điều đó, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc giải quyết tranh chấp hợp đồng, đó là:

  • Đảm bảo nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật;
  • Quyết định về giải quyết các tranh chấp hợp đồng phải mang tính khả thi cao (thi hành được);
  • Đảm bảo tính dân chủ và quyền tự định đoạt của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp;
  • Chi phí giải quyết tranh chấp thấp.
giai-quyet-tranh-chap-hop-dong
Dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng được nhiều cá nhân và doanh nghiệp quan tâm

4. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

Nhiều người nghĩ ngay tới kiện tụng tại tòa, lựa chọn Tòa án. Nhưng đó không phải là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng duy nhất. Vậy thì ta nên cần biết những phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trước khi quyết định lựa chọn một phương thức phù hợp nhất.

a. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua thương lượng:

Các bên trong hợp đồng tự đàm phán để đưa ra phương án xử lý tranh chấp mà không cần đến sự trợ giúp của bên thứ ba. Phương thức giải quyết tranh chấp này giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng trong nhiều trường hợp không hiệu quả vì  phụ thuộc vào thiện chí của các bên trong hợp đồng.

b. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hoà giải:

Có thêm sự tham gia của bên thứ ba. Hòa giải viên với vai trò trung gian sẽ giúp các bên đưa ra cách giải quyết mâu thuẫn, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào hai bên tranh chấp. Cũng giống như thương lượng, phương thức hòa giải chỉ phát huy tác dụng khi các bên có thiện chí. Chi tiết có tại:

Hoà giải tranh chấp hợp đồng thương mại

Nếu các bên không tự thương lượng, hoà giải được mà phải nhờ tới cơ quan có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thuộc về Toà án (trong mọi trường hợp) và Trọng tài thương mại (khi các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài).

c. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua trọng tài:

Các bên đưa mâu thuẫn, bất đồng nhờ bên thứ ba là các trọng tài viên hoặc các trung tâm trọng tài giải quyết. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ được áp dụng khi các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua trọng tại phải tuân thủ các quy định của Luật trọng tài thươg mại 2010.

Lưu ý:

  • Trọng tài có nhiều ưu điểm nổi trội như thời gian giải quyết nhanh, các trọng tài viên thường có chuyên môn cao, đảm bảo bí mật, tính chung thẩm…
  • Tuy nhiên, chi phí để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường khá cao, hiệu lực phán quyết của trọng tài thường không cao bằng tòa án.

Chi tiết có tại:

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại: Ưu điểm và nhược điểm

d. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua Toà án:

Tòa án là cơ quan nhân danh quyền lực nhà nước. Khi có tranh chấp, một bên có quyền khởi kiện bên kia ra tòa án có thẩm quyền. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp thường được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng. Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua Toà án phải tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Giải quyết tranh chấp thông qua tòa án có những ưu, khuyết điểm sau: Các quyết định của Tòa án nhân danh Nhà nước có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên; Với nguyên tắc 2 cấp xét xử, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp cấp sơ thẩm có khả năng được khắc phục tại cấp sơ thẩm; Án phí (tại Việt Nam) thấp hơn phí Trọng tài.

Tuy nhiên, hạn chế của phương thức giải quyết này là: Thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài, do thủ tục tố tụng rất nghiêm ngặt.

5. Luật sư tư vấn và hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng

Luật sư đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng như thế nào ?

Đầu tiên, khi được tiếp xúc với một vụ tranh chấp, luật sư cần nắm bắt thông tin chi tiết về hợp đồng và những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Điều này đòi hỏi sự tinh ý và kiến thức chuyên sâu về pháp luật. Luật sư sẽ phân tích hợp đồng, xác định những điểm mâu thuẫn, nguyên tắc và quy định của pháp luật liên quan.

Tiếp theo, luật sư thường khuyến nghị việc đàm phán giữa các bên để tìm ra giải pháp thỏa đáng mà không cần phải tiến hành kiện tụng tại tòa án. Đàm phán sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và năng lượng cho cả hai bên. Trong quá trình này, luật sư sẽ hỗ trợ đại diện cho bên mình, đề xuất các giải pháp phù hợp và tham mưu về pháp lý để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên, nếu việc đàm phán không đạt được thỏa thuận, việc khởi kiện tại tòa án sẽ là bước tiếp theo. Luật sư sẽ tham gia quá trình soạn thảo đơn kiện, thu thập chứng cứ và tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết. Trong quá trình xét xử, luật sư sẽ bảo vệ quyền lợi của khách hàng mình, thuyết trình trước tòa và thách thức những luận điểm của bên đối diện.

Một yếu tố quan trọng khác trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng là việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Trong một số trường hợp, việc sử dụng trọng tài sẽ hiệu quả hơn việc giải quyết tại tòa án. Luật sư cũng có thể giúp khách hàng hiểu rõ về lợi ích và rủi ro của mỗi phương thức.

Tóm lại, luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng không chỉ là việc đại diện cho khách hàng trước tòa, mà còn liên quan đến việc tư vấn, đàm phán và tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi tình huống cụ thể. Sự am hiểu về pháp luật, kỹ năng giao tiếp và đàm phán cùng với sự tận tâm và trách nhiệm đều đóng góp vào việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong mỗi vụ tranh chấp hợp đồng.

Công ty Luật Thái An với trên 15 năm kinh nghiệm là đối tác tin cậy giúp khách hàng xử lý rất nhiều tranh chấp, trong đó có tranh chấp hợp đồng. Tuỳ từng loại tranh chấp mà cách xử lý rất đa dạng: tư vấn thương lượng, trung gian hoà giải, khởi kiện tại Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Toà án. Nhiều trường hợp, những tranh chấp dai dẳng và gay gắt lại được giải quyết mà không phải đưa ra xét xử tại Toà – kỹ năng nghề nghiệp của luật sư là ở chỗ này!

Nguyễn Văn Thanh