Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Trong hoạt động kinh doanh thương mại thường có bất đồng, xung đột về lợi ích dẫn đến tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh có thể xảy ra bất cứ khi nào và trên bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội. Vậy làm thế nào giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại? Hãy cùng tìm hiểu dịch vụ giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại trong bài giới thiệu dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là các văn bản pháp lý sau:
- Luật Thương mại năm 2005;
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật Trọng tài Thương Mại 2010;
- Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015
- Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014
2. Khái niệm về Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu “hoạt động thương mại” là gì?
Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại năm 2005 quy định:
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, trong hoạt động kinh doanh thương mại thường phát sinh tranh chấp. Tranh chấp kinh doanh thương mại được hiểu là các phát sinh mâu thuẫn, xung đột, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể với nhau trong hoạt động kinh doanh thương mại (hoạt động thương mại).
Theo Điều 30, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, tranh chấp kinh doanh thương mại là “các tranh chấp giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”.
Theo Điều 2 Nghị quyết số 03/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: tranh chấp kinh doanh thương mại bao gồm cả các tranh chấp giữa “một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”. Điều này cho thấy: tranh chấp phát sinh giữa các bên có ký hợp đông hoặc không cùng ký kết hợp đồng, có đăng ký kinh doanh hoặc không có đăng ký kinh doanh, nhưng các bên đều phải có cùng mục đích là lợi nhuận.
3. Đặc điểm của tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?
Chủ thể của tranh chấp thương mại
Chủ thể chủ yếu trong tranh chấp kinh doanh thương mại là thương nhân – các chủ thể chính trong quan hệ thương mại.
Quan hệ thương mại là quan hệ được thiết lập giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với bên không phải thương nhân. Do đó, tranh chấp được coi là tranh chấp kinh doanh thương mại khi có ít nhất một bên trong quan hệ tranh chấp là thương nhân.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp, các cá nhân tổ chức khác cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại như: giữa các thành viên công ty với nhau có liên quan đến hoạt động, giải thể, chia tách,… công ty; giữa công ty – thành viên trong công ty;…
Căn cứ phát sinh tranh chấp thương mại
Căn cứ làm phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Bản chất của tranh chấp kinh doanh thương mại là những xung đột như về quyền, nghĩa vụ và về lợi ích của các bên trong hoạt động kinh doanh thương mại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các bên. Tuy nhiên, thực tế cũng có thể có những vi phạm xâm hại lợi ích của các bên, nhưng không làm phát sinh tranh chấp.
Một số căn cứ cụ thể làm phát sinh tranh chấp kinh doanh thương mại, tranh chấp hợp đồng như:
- Tranh chấp giữa các bên do vi phạm hợp đồng như chậm giao hàng, giao hàng không đúng địa điểm, vi phạm nghĩa vụ thanh toán, thực hiện công việc không đúng theo thỏa thuận của hợp đồng, hàng hóa kém chất lượng…
- Tranh chấp do có hành vi vi phạm pháp luật thể hiện ở một số hành vi như: Vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh của thương nhân; Vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ kinh doanh trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu; Vi phạm chế độ thuế, hóa đơn, chứng từ; vi phạm liên quan đến buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu…
4. Phân loại tranh chấp kinh doanh thương mại:
Tùy thuộc vào một số tiêu chí nhất định mà tranh chấp kinh doanh thương mại được chia thành các loại sau:
- Căn cứ vào số lượng các bên tranh chấp: tranh chấp kinh doanh thương mại bao gồm tranh chấp kinh doanh thương mại 2 bên và tranh chấp kinh doanh thương mại nhiều bên.
- Căn cứ theo phạm vi lãnh thổ sẽ bao gồm: tranh chấp kinh doanh thương mại trong nước và tranh chấp kinh doanh thương mại quốc tế.
- Căn cứ vào lĩnh vực tranh chấp: tranh chấp thương mại gồm tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán, tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đầu tư, tài chính, liên kết kinh doanh…
- Căn cứ vào quá trình thực hiện có thể bao gồm các tranh chấp trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng và tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng…
5. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Nhanh chóng, chính xác, phù hợp với các quy định của pháp luật
- Hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh
- Đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên với mức chi phí thấp nhất
- Linh hoạt, có thể kết hợp nhiều hình thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại khác nhau
- Bảo vệ uy tín, danh dự của các bên và giữ bí mật kinh doanh của các bên
- Đạt hiệu được thỏa thuận giữa các bên mang tính khả thi
6. Các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
Trong thực tế, có 04 phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại như sau:
Phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng thương lượng:
Đây là phương thức được Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp lựa chọn trước tiên, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Thực tiễn, phần lớn các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại được giải quyết bằng phương thức này.
- Ưu điểm của việc sử dụng phương thức này là nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo tính bí mật, an toàn về thông tin .
- Nhược điểm: Kết quả của quá trình thương lượng hoàn toàn phụ thuộc sự hiểu biết và thái độ thiện chí hợp tác của các bên tranh chấp.
Phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại thông qua hòa giải:
Hòa giải là các bên tranh chấp thông qua bên trung gian (Hòa giải viên/ trung tâm hòa giải) cùng nhau thỏa thuận, bàn bạc để đi đến thống nhất một phương án giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các bên và tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải.
- Ưu điểm: Nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả, ít tốt kém. Do có sự xuất hiện của bên chủ thể thứ ba với vai trò trung gian nên có thể giúp cho chủ thể dễ dàng đi đến kết quả giải quyết thống nhất và tôn trọng kết quả hòa giải hơn.
- Nhược điểm: Chi phí tốn kém hơn so với phương thức thương lượng và kết quả của việc hòa giải cũng như việc thực thi kết quả hòa giải cũng chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác của các bên tranh chấp.
Phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Trọng tài
Tranh chấp sẽ được giải quyết bằng phương thức Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài được quy định trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
- Ưu điểm: Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo tính bí mật, phán quyết của Trọng tài thương mại có tính chung thẩm.
- Nhược điểm: Chi phí cao, Phán quyết chung thẩm nhưng có thể bị tòa án xem xét hủy.
Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Tòa án
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên thông qua cơ quan tiến hành tố tụng – Tòa án để giải quyết..
Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại sẽ căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Ưu điểm: Phán quyết của tòa án có tính cưỡng chế cao.
- Nhược điểm: Thủ tục tại tòa án thiếu linh hoạt do phải tuân theo quy định của pháp luật quy định; thời gian kéo dài. Nguyên tắc xét xử công khai của tòa án đôi khi lại là cản trở đối với doanh nhân khi những bí mật kinh doanh bị tiết lộ;…
Trên đây là phần tư vấn về vấn đề giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Để được tư vấn chi tiết hơn và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật thương mại. Luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.
7. Các vấn đề cần lưu tâm khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại là gì?
Thứ nhất, lưu ý về quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, việc các đương sự (thường là các thương nhân) trong nền kinh tế thị trường thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án có ý nghĩa quan trọng. Các bên trong tranh chấp kinh doanh thương mại là chủ thể có quyền cao nhất để tự định đoạt việc giải quyết tranh chấp (trừ những quan hệ hợp đồng ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước).
Điều này thể hiện ở việc các bên có thể lựa chọn một phương thức giải quyết tranh chấp theo ý chí của mình, trong đó có thể kể đến các hình thức sau đây: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án…. Tùy thuộc vào mức độ và tính chất phức tạp của tranh chấp kinh doanh thương mại mà các bên có thể chủ động cân nhắc những phương án nói trên để phù hợp với hoàn cảnh thực tế mà vốn dĩ không ai có quyền thay thế định đoạt.
Thứ hai, lưu ý về thời hiệu khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại.
Theo quy định tại Điều 319 của Luật Thương mại 2005, thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về hợp đồng thương mại là 2 năm kể từ ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp của một bên của hợp đồng bị xâm phạm. Do đó, khi phát sinh tranh chấp, các bên cần lưu tâm đến vấn đề thời hiệu để kịp thời tiến hành khởi kiện vụ án ra các cơ quan tài phán, tránh trường hợp để kéo dài thời gian dẫn đến mất quyền khởi kiện.
Thứ ba, cơ quan và địa điểm giải quyết tranh chấp là một trong những vấn đề mà các bên thận trọng cân nhắc.
Trong quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế, các bên tham gia sẽ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, vì vậy, trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể, rõ ràng thì việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ gây ra tranh cãi. Các bên khó có thể am hiểu được pháp luật của một quốc gia khác để tự bảo vệ cho quyền lợi của mình trước bên đối tụng.
Ngoài ra, việc địa điểm giải quyết tranh chấp thuộc lãnh thổ của một quốc gia khác còn gây tốn thời gian và hao tổn chi phí cho việc di chuyển, tham gia tố tụng, những khoản tiền này thậm chí có thể nhiều hơn giá trị lợi ích mà các bên có thể đạt được khi tranh chấp được giải quyết.
Thứ tư, tranh chấp kinh doanh thương mại luôn gắn liền với lợi ích của các bên, do đó các bên cần cân nhắc các giải pháp dựa trên cơ sở lợi ích của các bên và phù hợp với cả hai phía. Trong kinh doanh, quan hệ hợp tác, duy trì đối tác kinh doanh để phát triển giữ vai trò quan trọng, do đó, việc các bên hòa giải được với nhau về tranh chấp đã phát sinh sẽ giúp các bên duy trì được mối quan hệ bạn hàng vốn có.
Thứ năm, các tranh chấp về kinh doanh, thương mại chủ yếu là các tranh chấp về hợp đồng trong kinh doanh, mà các hợp đồng trong lĩnh vực này thông thường là dài và phức tạp, thời gian thực hiện hợp đồng có thể qua nhiều năm. Vậy nên, các bên nên lựa chọn dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại để đưa ra các phương án, cách thức giải quyết tranh chấp giúp bảo vệ lợi ích, tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
8. Dịch vụ giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại của Công ty Luật Thái An
- Tư vấn về các quyền, nghĩa vụ các bên liên quan đến tranh chấp kinh doanh thương mại
- Tư vấn xác định nguyên nhân tranh chấp và căn cứ pháp luật để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
- Tư vấn các phương thức giải quyêt tranh chấp để khách hàng lựa chọn cho phù hợp
- Hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp
- Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị đàm phán với các bên liên quan để giải quyết tranh chấp
- Hướng dẫn khách hàng thương lượng hoặc tham gia hòa giải các bên để giải quyết tranh chấp
- Trường hợp hòa giải, thương lượng không thành: Luật sư tư vấn cho khách hàng về thủ tục khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện, chủ thể khởi kiện, soạn đơn khởi kiện…
- Hướng dẫn khách hàng kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khi ban hành những quyết định không đúng pháp luật mà có ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng
- Cử luật sư tham gia tố tụng tại tòa án, trung tâm trọng tài để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi hợp pháp của khách hàng
- Hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn thi hành án (nếu có)
9. Lý do khách hàng lựa chọn Công ty luật Thái An giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại
- Khách hàng được đánh giá toàn diện về vụ việc tranh chấp, hiểu rõ nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tranh chấp, hậu quả pháp lý…
- Khách hàng được hướng dẫn để không đưa ra các quyết định vội vã và không có cách hành xử sai ảnh hướng đến danh tiếng và tín nhiệm của nhau
- Trường hợp vẫn còn cơ hội để các bên đối thoại trực tiếp hoặc hòa giải: luật sư sẽ nỗ lực để khách hàng cùng bên tranh chấp giải quyết khủng hoảng mà không cần phải sử dụng các công cụ pháp lý
- Khách hàng được tư vấn về ưu điểm, khuyết điểm của từng phương thức giải quyết tranh chấp để cân nhắc về chi phí, thời gian, nhân lực, vật lực, tính bảo mật và truyền thông, phản ứng tiêu cực của đối tác, khách hàng cũng như phản ứng của hiệp hội, thị trường liên quan đến việc giải quyết tranh chấp
- Khách hàng được tư vấn sử dụng các công cụ pháp lý phù hợp và hợp pháp để giải quyết tranh chấp, tránh cho doanh nghiệp rơi vào các vướng mắc pháp lý sau này
- Khách hàng được đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trực tiếp tư vấn và hỗ trợ pháp lý
- Khách hàng vừa tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đồng thời vẫn giữ được danh tiếng để hoạt động kinh doanh
- Khách hàng được giảm tới 25% phí dịch vụ cho việc sử dụng các dịch vụ tiếp theo.
Quý khách vui lòng liên hệ ngay với Công ty luật Thái An để tư vấn luật và hỗ trợ giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
- Vụ án ly hôn đơn phương giành quyền nuôi con - 04/06/2024
- LY HÔN VỚI CHỒNG ĐANG ĐI TÙ: THÀNH CÔNG BẤT CHẤP MỌI KHÓ KHĂN! - 04/06/2024
- Luật sư giúp khách hàng trong tranh chấp với Thẩm mỹ viện - 25/01/2024