Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cần có những nội dung gì?

Trong những năm gần đây, đầu tư xây dựng là lĩnh vực vô cùng phát triển, với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp lớn. Các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cũng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển của thị trường và đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho quý khách hàng một số lưu ý quan trọng trong quá trình xây dựng Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của doanh nghiệp như sau.

1. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng là gì ?

Trên cơ sở các quy định pháp luật được nhà nước ban hành, tùy thuộc vào mô hình kinh doanh, mục tiêu phát triển của từng doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp sẽ xây dựng cho mình các Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng riêng để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình.

Hiểu một cách chung nhất, Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng là quy định nội bộ của công ty liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng; bao gồm các quy định về công tác quy hoạch, kế hoạch, phân cấp đầu tư, quản lý dự án đầu tư, quản lý đấu thầu, quản lý thi công, quyết toán dự án/công trình xây dựng, giám sát đầu tư và đánh giá hiệu quả sau khi kết thúc đầu tư xây dựng, báo cáo đầu tư xây dựng, công tác xử lý vi phạm và các quy định khác trong đầu tư xây dựng.

quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng theo pháp luật hiện hành mới nhất 2021 – Ảnh minh họa: Internet.

2. Các quy định pháp luật điều chỉnh Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng

Tùy thuộc vào nguồn vốn và hình thức đầu tư đối với các dự án mà doanh nghiệp dự kiến triển khai hoặc hướng tới, sẽ có các quy định pháp luật khác nhau điều chỉnh đối với Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về cơ bản Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của doanh nghiệp có thể xây dựng dựa trên các văn bản pháp luật sau:

  • Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);
  • Luật Đầu tư công năm 2019;
  • Luật Đầu tư năm 2020;
  • Luật Đất đai năm 2013;
  • Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
  • Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013);
  • Luật Nhà ở năm 2014;
  • Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
  • Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 của Chính phủ quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
  • Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
  • Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư;
  • Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư;
  • Các Thông tư hướng dẫn của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng.

3. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng có những nội dung gì?

Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cần có 5 nội dung cơ bản sau đây:

a. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng quy định thẩm quyền quyết định trong đầu tư xây dựng

Tại nội dung này doanh nghiệp cần phân định rõ thẩm quyền quyết định của dự án theo quy mô đầu tư xây dựng cho các cấp lãnh đạo trong doanh nghiệp như Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc…. Thông thường với dự án đầu tư xây dựng có quy mô vốn lớn thì cấp cao nhất của công ty sẽ là cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, cụ thể là Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước thì có thể bổ sung thêm các quy định về trình, phê duyệt của các cơ quan nhà nước quản lý như Ủy ban Quản lý vốn hoặc Bộ, ngành quản lý đối với doanh nghiệp đó.

b. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng quy định việc lập kế hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng

Quy định về lập kế hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng gồm các nội dung chủ yếu sau:

  • Lập dự án đầu tư xây dựng bam gồm việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng tùy thuộc vào quy mô dự án.
  • Các công việc cần thiết để chuẩn bị đầu tư xây dựng: Bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao và chuẩn bị mặt bằng dự án, giao đất hoặc thuê đất, rà phá bom mìn (nếu có), khảo sát và đầu tư xây dựng…
quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
Những điều mà bạn cần biết về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng mà chỉ chúng tôi mới cho bạn biết – Ảnh minh họa: Internet.

c. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng quy định việc thực hiện và quản lý thi công

Tại nội dung này, Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cần quy định về các nội dung như lựa chọn nhà thầu thiết kết, thi công và tư vấn giám sát, ký kết Hợp đồng với nhà thầu, các công tác vận chuyển vật liệu thiết bị, công tác quản lý chất lượng, quản lý tiến độ, an toàn lao động, môi trường xây dựng…

Bên cạnh đó, Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cũng cần có quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa các đơn vị, phòng ban của doanh nghiệp. Đặc biệt, Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng cần bổ sung những quy định phối hợp giữa chính doanh nghiệp với các nhà thầu thi công để có sở triển khai thực hiện.

d. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng quy định việc giám sát thi công

Mặc dù đã có các quy định để quản lý thi công nhưng Luật xây dựng cũng yêu cầu cần phải có chủ thể đứng ra giám sát thi công đầu tư xây dựng (thường là các chủ thể có tính độc lập hoặc độc lập tương đối) để đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của dự án. Nội dung giám sát thi công hướng tới các quy định về phạm vi giám sát thi công cũng như quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình này.

e. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng quy định việc nghiệm thu và quyết toán dự án đầu tư xây dựng

Một trong những nội dung dễ xảy ra vướng mắc hoặc tranh chấp trong quá trình đầu tư xây dựng là nghiệm thu và quyết toán. Do đó, nội dung này phải được quy định cụ thể, rõ ràng về phần nào được nghiệm thu và thanh toán; phần nào không đủ điều kiện nghiệm thu và cần phải khắc phục, hoàn thiện; hồ sơ thanh toán và thời hạn thanh toán…

Bênh cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể bổ sung quy định về bảo hành sau khi nghiệm thu tại nội dung này.

4. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng có bắt buộc hay không ?

Hiện nay, pháp luật không bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng trong nội bộ doanh nghiệp mình. Nhưng đây là một quy định nên có nếu như đầu tư xây dựng là ngành nghề hoặc mảng kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp. Sau đây là các lý do:

a. Cần có quy chế quản lý đầu tư và xây dựng vì xây dựng là một lĩnh vực phức tạp, được điều chỉnh bằng nhiều nguồn luật khác nhau

Để triển khai đầu tư xây dựng phải trải qua rất nhiều giai đoạn từ chấp chuận chủ trương đầu tư; đánh giá tác động môi trường; bồi thường giải phóng mặt bằng; giao đất, lựa chon nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị; triển khai, quản lý và giám sát thi công xây lắp; nghiệm thu công trình; nghiệm thu phòng cháy chữa cháy…. Mỗi bước thực thiện lại có những nguồn luật khác nhau điều chỉnh tương ứng như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy… và chỉ điều chỉnh riêng lĩnh vực cụ thể. Do đó, cần xây dựng Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng của riêng doanh nghiệp để hệ thống các quy định liên quan cho toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng và là cơ sở để triển khai thực hiện.

b. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần có quy chế quản lý đầu tư và xây dựng để quản lý nguồn vốn hiệu quả

Không chỉ ở các quy định điều chỉnh quá trình đầu tư xây dựng mà đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, quy định đầu tư xây dựng trở nên phức tạp hơn khi chịu sự điều chỉnh bởi nguồn vốn và hình thức đầu tư dự án như dự án đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân vốn vay ưu đãi (ODA), dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Do đó, nếu không xây dựng Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng để quản lý hiệu quả nguồn vốn dự án thì rất dễ dẫn đến lúng túng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Thậm chí, trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến thất thoát nguồn vốn và dẫn đến trách nhiệm của người đứng đầu.

Vì vậy, tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước luôn, nhu cầu xây dựng và hoàn thiện Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng luôn là vấn đề được người đứng đầu quan tâm.

Có thể kết luận rằng: Do tính chất phức tạp của lĩnh vực đầu tư xây dựng, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp nên xây dựng riêng cho mình bộ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng để hệ thống lại quy định pháp luật liên quan và tạo thuận lợi chính doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình triển khai dự án.

5. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng là một bộ phận của Quy chế hoạt động công ty

Quy chế công ty là những quy ước, quy định, chế độ, chính sách do một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của công ty ban hành theo trình tự, thủ tục nhất định và có hiệu lực trong phạm vi của công ty đó. Quy chế quản lý hợp đồng là một cấu thành của Quy chế công ty, bên cạnh các quy chế khác như:

quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
Với mỗi công trình xây dựng lớn thì đều có quy chế quản lý đầu tư và xây dựng riêng và mang tính bắt buộc – Ảnh minh họa: Internet.
  • Quy chế tổ chức quản lý và quan hệ điều hành doanh nghiệp;
  • Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên;
  • Quy chế mối quan hệ công tác giữa Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên với giám đốc
  • Quy chế hoạt động của Ban giám đốc;
  • Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát;
  • Quy chế phân cấp, phân công chức năng nhiệm vụ của các phòng ban, đơn vị trực thuộc;
  • Quy chế quản trị hành chính;
  • Quy chế quản lý nhân sự;
  • Quy chế tuyển dụng và đào tạo nhân lực;
  • Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, từ chức, miễn nhiệm chức vụ;
  • Quy chế lương, phụ cấp, nâng lương, nâng bậc, tiêu chuẩn chức danh công việc;
  • Quy chế chấm công lao động;
  • Quy chế khoán việc;
  • Quy chế quản lý tài chính, kế toán;
  • Quy chế quản lý vốn, tài sản và thanh lý tài sản;
  • Quy chế quản lý và sử dụng máy tính của công ty;
  • Quy chế quản lý, sử dụng quỹ phúc lợi;
  • Quy chế công tác phí và tiếp khách;
  • Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại;
  • Quy chế soạn thảo văn bản, hướng dẫn áp dụng biểu mẫu công ty;
  • Nội quy lao động;
  • Quy chế quản lý lao động và sử dụng lao động
  • Thỏa ước lao động tập thể;
  • Quy chế đầu tư;
  • Quy chế văn hóa doanh nghiệp;
  • Quy tắc ứng xử với khách hàng;
  • Quy chế thực hiện dân chủ doanh nghiệp;
  • Quy chế bảo vệ bí mật nội bộ;

6. Dịch vụ luật sư tư vấn xây dựng Quy chế nội bộ của Luật Thái An

Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn xây dựng Quy chế nội bộ là một lựa chọn hợp lý bởi luật sư sẽ giúp bạn xây dựng bộ Quy chế được đầy đủ và chính xác hơn.

Nếu chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì việc tự tìm hiểu và xây dựng sẽ rất khó khăn vì đầu tư xây dựng là một lĩnh vực chuyên ngành và phức tạp với vô vàn các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh.

Với các luật sư có lâu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và cung cấp cho doanh nghiệp bạn tư vấn tốt nhất khi xây dựng Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng để phù hợp riêng với đặc thù tổ chức và hoạt động của công ty. 

Lưu ý

  • Bài viết trên được các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Thái An – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thực hiện phục vụ với mục đích phố biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng hoặc nghiên cứu khoa học, không có mục đích thương mại.
  • Bài viết căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại thời điểm Bạn đọc bài viết này, rất có thể các quy định pháp luật đã bị sửa đổi hoặc thay thế.
  • Để giải đáp pháp lý cho từng vụ việc, Bạn hãy liên hệ với Công ty Luật Thái An qua Tổng đài tư vấn pháp luật. Nếu bạn cần dịch vụ, Bạn để lại tin nhắn hoặc gửi thư tới contact@luatthaian.vn.
Đàm Thị Lộc

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG 

Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.

  • Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
  • Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
  • Để được Cung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)






    1900633725
    Yêu cầu dịch vụ

    Gọi điện cho luật sư
    Gọi cho luật sư

    Tư vấn văn bản
    Tư vấn văn bản

    Dịch vụ trọn gói
    Dịch vụ trọn gói