Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu qua 2 bước
Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu đó trong một phạm vi nhất định theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng. Tuy nhiên, quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn thuộc về chủ sở hữu ban đầu.
Vậy hồ sơ, thủ tục chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu như nào? Có những lưu ý gì khi thực hiện chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu? Để tìm hiểu về vấn đề này, Công ty Luật Thái An mời bạn cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.
1. Nhãn hiệu là gì? Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là gì?
Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được quy định tại Khoản 1 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Bên chuyển nhượng vẫn là chủ sở hữu nhãn hiệu, bên nhận chuyển nhượng có quyền sử dụng nhãn hiệu trong một thời gian nhất định theo thoả thuận giữa các bên.
2. Việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có những hạn chế gì?
Việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu cần lưu ý những hạn chế quy định tại Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:
- Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.
- Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.
- Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
3. Các bước chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
2 bước chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu gồm (i) ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (ii) đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu với cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể sau đây:
a. Giao kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
Các dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải được thể hiện bằng văn bản, gồm các dạng quy định tại Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:
- Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
- Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác;
- Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.
Nội dung hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
Khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hợp đồng sử dụng nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
- Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
- Dạng hợp đồng;
- Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
- Thời hạn hợp đồng;
- Giá chuyển giao quyền sử dụng;
- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
Lưu ý: Hợp đồng sử nhãn hiệu không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:
- Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó;
- Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;
- Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.
b. Đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ
Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Hồ sơ yêu cầu chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu quy định tại Khoản 2 Điều 58 Nghị định số 65/NĐ-CP, bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu;
- 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, nếu quyền thuộc sở hữu chung;
- Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
Lưu ý: Mỗi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền chỉ được ghi nhận cho một bước chuyển giao. Trường hợp nhãn hiệu được chuyển giao nhiều bước thì mỗi bước chuyển giao phải nộp một hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền riêng.
Thời hạn xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là 02 tháng (không bao gồm thời gian người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót tài liệu).
4. Luật sư tư vấn về chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu
Nhãn hiệu là tài sản trí tuệ quan trọng, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tạo dựng niềm tin với khách hàng. Để tối ưu hóa giá trị của nhãn hiệu, việc chuyển quyền sử dụng cho đối tác là một giải pháp hiệu quả. Luật Thái An cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu toàn diện, giúp doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ một cách hợp pháp và an toàn.
Dịch vụ của Luật Thái An bao gồm:
- Tư vấn điều kiện và phạm vi chuyển quyền: Đánh giá khả năng chuyển quyền sử dụng và xác định phạm vi, thời gian phù hợp theo yêu cầu khách hàng.
- Soạn thảo và rà soát hợp đồng chuyển quyền: Đảm bảo hợp đồng đầy đủ nội dung pháp lý, bảo vệ quyền lợi của cả hai bên, hạn chế rủi ro tranh chấp.
- Hỗ trợ đăng ký hợp đồng tại Cục Sở hữu trí tuệ: Đảm bảo hợp đồng được ghi nhận hợp pháp, bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước bên thứ ba.
- Giải quyết tranh chấp phát sinh: Đại diện khách hàng giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu, bảo vệ quyền lợi một cách tối đa.
- Tư vấn chiến lược quản lý và phát triển nhãn hiệu: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững, nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường.
Với đội ngũ luật sư am hiểu sâu sắc về lĩnh vực luật sở hữu trí tuệ, Luật Thái An cam kết cung cấp giải pháp pháp lý tối ưu, hiệu quả và bảo mật tuyệt đối. Chúng tôi đồng hành cùng doanh nghiệp từ khâu tư vấn, chuẩn bị hồ sơ đến khi hợp đồng được ghi nhận, đảm bảo mọi thủ tục diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
Hãy liên hệ Luật Thái An ngay hôm nay để được tư vấn chi tiết và bảo vệ tốt nhất cho nhãn hiệu của bạn!
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021