Các quy định mới nhất về đấu giá đất / đấu giá quyền sử dụng đất

Ngày nay, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai thì việc đấu giá đất / đấu giá quyền sử dụng đất đã trở nên phổ biến. Đấu giá đất có rất nhiều điểm khác với việc giao đất, cho thuê đất thông thường cả về điều kiện đấu giá đất, cũng như trình tự, thủ tục. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về đấu giá đất nhé!

1. Đấu giá đất và mục đích của đấu giá đất

Đấu giá đất là phương thức trao quyền sử dụng đất đặc biệt của Nhà nước. Theo đó, các chủ thể tham gia đấu giá đất phải tuân thủ những nguyên tắc và trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Người trúng đấu giá là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm trong trường hợp không có người trả giá cao hơn giá khởi điểm khi đấu giá theo phương thức trả giá lên; cá nhân, tổ chức chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.

Mục đích của việc đấu giá đất:

  • Giúp Nhà nước huy động tối đa nguồn thu cho ngân sách, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế;
  • Đưa tài sản tiếp cận với người có nhu cầu thực sự, giảm đầu cơ đất đai, phát huy cao giá trị của tài sản hàng hóa đặc biệt đó là đất đai;
  • Tạo lập sự ổn định, sự minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất.

2. Nguyên tắc đấu giá đất

Đấu giá đất phải được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định để đảm bảo quyền lợi của các chủ thể khi tham gia đấu giá đất.Theo quy định điều 117 Luật đất đai 2013 thì đấu giá đất phải đảm bảo được 2 nguyên tắc sau:

  • Đấu giá đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
  • Việc đấu giá đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản.

3. Điều kiện đấu giá đất là gì? 

a. Điều kiện để tổ chức thực hiện đấu đất

Tại khoản 1 Điều 119 Luật đất đai 2013 và Khoản 3 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP quy định điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất:

  • Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước;
  • Có phương án đấu giá đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá đất;
  • Việc đấu giá đất thực hiện đối với từng thửa đất;
  • Đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

b. Điều kiện đấu giá đất đối với cơ quan tổ chức đấu giá

Để có thể đưa đất ra đấu giá thì cơ quan tổ chức đấu giá phải đảm bảo là đã có phương án đấu giá đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

d. Điều kiện đấu giá đất đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá

Điều kiện đối với tổ chức tham gia đấu giá đất

Theo quy định tại Nghị định 10/2023/NĐ-CP thì tổ chức tham gia đấu giá đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai 2013. Trường hợp đấu giá một thửa đất hoặc một dự án gồm một hoặc nhiều thửa đất mà có hai (02) công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì chỉ được một công ty tham gia đấu đất trên;
  • Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Nghị định này;
  •  Phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá đất;
  • Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật;
  • Đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.

Điều kiện hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá đất:

Căn cứ Nghị định 10/2023/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá đất phải:

  • Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai
  • Không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật;
  • Đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.
  • Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai, khoản Nghị định 10/2023/NĐ-CP; đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
đầu giá quyền sử dụng đất
Đấu giá đất là bắt buộc trong một số trường hợp – Nguồn ảnh minh họa: Internet.

4.Trường hợp nào phải đấu giá và không phải đấu giá đất?

4.1 Trường hợp phải đấu giá đất

Tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá đất trong các trường hợp sau đây:

  • Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua;
  • Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê;
  • Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng;
  • Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;
  • Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
  • Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;
  • Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân;
  • Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

4.2 Trường hợp không đấu giá đất 

Các trường hợp không đấu giá đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm:

  • Giao đất không thu tiền sử dụng đất;
  • Sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 110 của Luật đất đai 2013
  • Sử dụng đất quy định tại các điểm b, g khoản 1 và khoản 2 Điều 56 của Luật đất đai 2013;
  • Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản;
  • Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ;
  • Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền;
  • Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
  • Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
  • Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá đất

Bước 1: Lập phương án đấu giá đất

Đơn vị đang được giao quản lý quỹ đất là đối tượng đấu giá đất tiến hành lập phương án đấu giá sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND cùng cấp theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP.

Phương án đấu giá bao gồm những nội dung chính sau đây:

  • Danh mục loại đất, vị trí, diện tích và hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với các thửa đất đấu giá (nếu có);
  • Mục đích, hình thức (giao đất hoặc cho thuê đất), thời hạn sử dụng của các thửa đất khi đấu giá;
  • Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện đấu giá các thửa đất;
  • Đối tượng và điều kiện được tham gia đấu giá; mức phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước phải nộp khi tham gia đấu giá;
  • Hình thức đấu giá được áp dụng khi thực hiện cuộc bán đấu giá;
  • Kinh phí, nguồn chi phí tổ chức thực hiện việc đấu giá;
  • Dự kiến giá trị thu được và đề xuất việc sử dụng nguồn thu từ kết quả đấu giá;
  • Phương thức lựa chọn đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá (đấu thầu rộng rãi hoặc giao đơn vị cụ thể thực hiện) hoặc đề xuất thành lập Hội đồng đấu giá trong trường hợp đặc biệt (đối với trường hợp được thành lập Hội đồng đấu giá đặc biệt theo quy định);
  • Đề xuất đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá đất.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đấu giá đất

Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP thì căn cứ phương án đấu giá đất đã được phê duyệt, đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá đất có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của các thửa đất đấu giá, gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường để thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá đất.

Hồ sơ đấu giá đất bao gồm:

  • Tờ trình và dự thảo quyết định đấu giá đất;
  • Giấy tờ liên quan đến hiện trạng quản lý, sử dụng thửa đất đấu giá và hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với thửa đất đấu giá (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền;
  • Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết liên quan đến thửa đất đấu giá đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
  • Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đấu giá trong trường hợp chưa có bản đồ địa chính;
  • Tên, địa chỉ của đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá đất.

Bước 3: Quyết định đấu giá đất

Căn cứ hồ sơ thửa đất đấu giá do đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá đất chuẩn bị và ý kiến thẩm định của cơ quan tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá đất theo Điều 8 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP.

Quyết định đấu giá đất được thể hiện bằng văn bản và có những nội dung chính sau đây:

  • Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định;
  • Danh mục, vị trí, diện tích thửa đất, hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với thửa đất (nếu có), mục đích, hình thức và thời hạn sử dụng đất được quyết định đấu giá;
  • Các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng thửa đất được quyết định đấu giá;
  • Tên, địa chỉ của đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá đất.

Bước 4: Xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá

Tại Điều 9 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP quy định căn cứ quyết định đấu giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm của thửa đất đấu giá (gồm giá đất, hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với đất nếu có) theo quy định của pháp luật và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Bước 5: Lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện đấu giá đất

Căn cứ phương thức lựa chọn đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá trong phương án đấu giá đất đã được phê duyệt; đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá đất có trách nhiệm tổ chức lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá đất theo quy định.

Đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá  đất phải:

  • Trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Tổ tư vấn đấu thầu để xây dựng và đánh giá hồ sơ mời thầu;
  • Thực hiện thông báo nội dung và hồ sơ mời thầu trên phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 02 lần;
  • Thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu theo nguyên tắc khách quan, trung thực và xác định đơn vị trúng thầu theo thang điểm, tiêu chí quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định cụ thể tại địa phương (nếu có).

Bước 6: Thực hiện cuộc bán đấu giá đất

Đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá đất có trách nhiệm thực hiện cuộc bán đấu giá đất và giám sát cuộc bằng cách cử người đại diện giám sát việc thực hiện cuộc bán đấu giá đất theo Điều 11 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP.

Bước 7: Phê duyệt kết quả đấu giá đất

Việc phê duyệt kết quả đấu giá đất được quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP như sau:

  • Đơn vị thực hiện việc bán đấu giá đất bàn giao hồ sơ và biên bản kết quả thực hiện việc bán đấu giá đất cho đơn vị tổ chức thực hiện việc bán đấu giá đất
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận tài liệu, Đơn vị tổ chức việc bán đấu giá đất lập hồ sơ gửi cơ quan tài nguyên môi trường để trình UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất.
  • Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ký ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất đã bán đấu giá thành công để gửi cho cơ quan tài nguyên và môi trường, đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá đất, cơ quan thuế và người đã trúng đấu giá đất.

Bước 8: Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất

Các công việc trong bước 8 được quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP như sau:

  • Cơ quan thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người đã trúng đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền
  • Người trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất vào Kho bạc nhà nước và chuyển chứng từ đã nộp tiền lên cơ quan tài nguyên và môi trường để làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 14 TTLT 14/2015/TT-BTNMT-BTP.

Bước 9: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất trên thực địa cho người trúng đấu giá đất

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất trên thực địa cho người trúng đấu giá đất được quy định tại Điều 14 Thông tư liên tịch 14/2015/TT-BTNMT-BTP như sau:

  • Sau khi đã nhận được chứng từ nộp đủ tiền trúng đấu giá đất của người trúng đấu giá, cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất theo quy định tại Điểm d Khoản 5 Điều 68 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP .
  • Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, cơ quan tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá đất và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất đấu giá, tổ chức thực hiện bàn giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đã trúng đấu giá đất.

6. Để được tham gia đấu giá đất cần phải làm gì? 

Bước 1: Phải biết được thông tin về việc đấu giá đất

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sẽ được tiếp cận thông tin về việc bán đấu giá được niêm yết tại trụ sở UBND xã, có thể nộp hồ sơ đấu giá đất, cụ thể là:

  • Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tham gia đấu giá đất biết được thông tin buổi đấu giá đất thông qua văn bản niêm yết công khai, báo hoặc trang thông tin điện tử.
  • Việc tổ chức thực hiện trong thủ tục đấu giá đất phải được niêm yết tại trụ sở của tổ chức thực hiện việc bán trong thủ tục đấu giá đất, nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND cấp xã ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá theo Điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật đấu giá tài sản 2016.
  • Tổ chức thực hiện việc bán trong thủ tục đấu giá đất phải thông báo công khai ít nhất 02 lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc theo Khoản 1 Điều 57 Luật đấu giá tài sản 2016. Nếu tiến hành đấu giá theo thủ tục rút gọn thì việc thông báo phải thực hiện trước 15 ngày.

Bước 2 Nộp và nhận hồ sơ đấu giá đất

  • Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia thủ tục đấu giá bằng việc nộp hồ sơ đấu giá và tiền đặt trước tới đơn vị thực hiện thủ tục đấu giá đất.

Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Phương thức thanh toán tiền đặt cọc có thể qua tài khoản thanh toán; nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản (khi tiền đặt cọc dưới 5 triệu đồng); bảo lãnh ngân hàng (nếu có thỏa thuận).

  • Tổ chức thực hiện trong thủ tục đấu giá đất bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày.
  • Tổ chức thực hiện thủ tục đấu giá đất chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá (trừ trường hợp có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá).

7. Giải đáp một số thắc mắc về đấu giá đất

7.1 Có những hình thức và phương thức đấu giá đất nào?

Theo quy định tại Điều 40 Luật đấu giá tài sản thì đấu giá đất có thể tổ chức theo 4 hình thức và 2 phương thức như sau:

  • Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
  • Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
  • Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
  • Đấu giá trực tuyến.

Hai phương thức đấu giá bao gồm:

  • Phương thức trả giá lên;
  • Phương thức đặt giá xuống

7.2 Vi phạm quy định về đấu giá đất bị xử lý thế nào?

Nếu vi phạm những quy định về đấu giá đất thì tuỳ từng mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Ví dụ như:

  • Đối với hành vi cho phép người không đủ điều kiện tham gia đấu giá tham gia cuộc đấu giá sẽ bị phạt hạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
  • Cho người không được đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà tham gia đấu giá bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
  • Bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản sẽ bị xử lý đối với hành vi: lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; không đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

7.3 Đất trúng đấu giá có thể mua bán, chuyển nhượng được không?

Việc mua bán, chuyển nhượng đất do đấu giá cũng sẽ phải đáp ứng điều kiện chung để chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo đó, các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 đó là để chuyển nhượng thì cần đáp ứng cácnhư sau:

  • Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ);
  • Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

8. Dịch vụ tư vấn đấu giá đất của Công ty Luật Thái An

Trên đây là những quy định về đấu giá đất, hy vọng bài viết có ích cho Quý độc giả. Nếu Quý độc giả đang có nhu cầu đầu tư vào đất đấu giá hoặc vẫn còn có những thắc mắc về đấu giá đất, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An chúng tôi để được đội ngũ luật sư, luật gia và chuyên viên pháp lý trình độ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm tư vấn, giải đáp.

Đến với dịch vụ tư vấn đấu giá đất của Luật Thái An, Quý độc giả không cần phải lo lắng về bất cứ điều gì, bởi chúng tôi cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, mức chi phí vô cùng phải chăng cùng với đó là sự chuyên nghiệp, tận tâm, nhiệt tình, chu đáo trong quá trình thực hiện.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ ĐẤU GIÁ ĐẤT!

Nguyễn Văn Thanh