Tìm hiểu 14 quyền nhân thân theo quy định hiện hành
Quyền nhân thân đóng vai trò cơ bản trong việc bảo vệ phẩm giá, danh dự, quyền riêng tư và quyền tự do của cá nhân. Những quyền này rất cần thiết để duy trì phẩm giá con người và đảm bảo rằng cá nhân được tôn trọng trong cả tương tác cá nhân và xã hội. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật cung cấp sự bảo vệ rộng rãi cho các quyền nhân thân, nhưng vẫn còn những thách thức trong việc thực thi, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số.
Bài viết này của Công ty Luật Thái An sẽ tìm hiểu khái niệm về quyền nhân thân, khuôn khổ pháp lý để bảo vệ các quyền này tại Việt Nam, các loại quyền cá nhân, cơ chế thực thi và những thách thức mà cá nhân phải đối mặt khi bảo vệ các quyền này.
1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về quyền nhân thân
Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về quyền nhân thân là các văn bản pháp luật sau đây:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022;
- Luật quốc tịch Việt Nam 2008;
- Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006
2. Quyền nhân thân là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải thông qua người đại diện theo pháp luật của người đó.
Cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Đối với quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
- Đối với quyền nhân thân của của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì:
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
3. Các quyền nhân thân của cá nhân
Các quyền nhân thân của cá nhân được đề cập từ Điều 26 đến Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
3.1. Quyền có họ, tên
Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
- Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
- Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015.
- Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
- Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.
- Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
3.2. Quyền thay đổi họ
Căn cứ Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
- Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
- Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
- Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
- Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
- Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.
3.3. Quyền thay đổi tên
Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
3.4. Quyền xác định, xác định lại dân tộc
Căn cứ Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
- Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.
- Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
- Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.
- Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.
- Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.
3.5. Quyền được khai sinh, khai tử
- Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.
- Cá nhân chết phải được khai tử.
- Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
- Việc khai sinh, khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định.
3.6. Quyền đối với quốc tịch
- Cá nhân có quyền có quốc tịch.
- Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam 2008 quy định.
- Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.
3.7. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
3.8. Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể
Điều 33 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.
Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý.
Trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có sự đồng ý của người đó trước khi chết;
- Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết;
- Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định.
3.9. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình: Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
- Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
- Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
(căn cứ điều 34 Bộ Luật dân sự 2015)
3.10. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
- Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
- Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
- Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 và luật khác có liên quan.
3.11. Quyền xác định lại giới tính
- Cá nhân có quyền xác định lại giới tính: Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
- Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan.
3.12. Chuyển đổi giới tính
Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và luật khác có liên quan.
3.13. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
- Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3.14. Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình
- Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.
- Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật hôn nhân và gia đình 2014 và luật khác có liên quan.
4. Quyền nhân thân trong sở hữu trí tuệ
4.1. Quyền nhân thân của tác giả tác phẩm
Quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), cụ thể như sau:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
So với Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) thì Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, ngoài việc tác giả đặt tên cho chính tác phẩm của mình, tác giả còn có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền tài sản)
4.2. Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
Cụ thể tại khoản 2 Điều 122 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí gồm các quyền sau đây:
- Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
- Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.
5. Thách thức trong việc bảo vệ quyền nhân thân
Mặc dù khuôn khổ pháp lý về quyền cá nhân tại Việt Nam đã được thiết lập tốt, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đáng kể trong việc thực thi các quyền này. Một trong những vấn đề lớn nhất là sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số, nơi thông tin, hình ảnh và danh tiếng cá nhân có thể dễ dàng bị xâm phạm. Dưới đây là một số thách thức:
- Vi phạm quyền riêng tư kỹ thuật số: Sự phát triển nhanh chóng của internet và phương tiện truyền thông xã hội đã khiến việc bảo vệ quyền cá nhân ngày càng trở nên khó khăn. Các nền tảng trực tuyến đã trở thành con đường chính cho hành vi phỉ báng, sử dụng hình ảnh trái phép và vi phạm quyền riêng tư. Người dùng phương tiện truyền thông xã hội thường chia sẻ thông tin cá nhân hoặc ảnh mà không được sự đồng ý, dẫn đến tổn hại danh tiếng tiềm ẩn hoặc khai thác hình ảnh cá nhân.
- Luật An ninh mạng cố gắng giải quyết những vấn đề này, nhưng việc thực thi vẫn là một thách thức. Hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thích ứng với sự phức tạp của các hành vi vi phạm quyền riêng tư trực tuyến và nhiều trường hợp phỉ báng hoặc đánh cắp danh tính trực tuyến không bị trừng phạt do tính ẩn danh của các nền tảng kỹ thuật số.
- Nhận thức và nhận thức của công chúng: Một thách thức khác trong việc bảo vệ quyền cá nhân là sự thiếu nhận thức của công chúng. Nhiều cá nhân không được thông báo đầy đủ về quyền của mình hoặc cách tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý trong trường hợp bị vi phạm. Sự thiếu hiểu biết này thường dẫn đến việc báo cáo không đầy đủ về các hành vi vi phạm quyền cá nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực phỉ báng và quyền riêng tư.
- Thực thi các biện pháp khắc phục pháp lý: Mặc dù các biện pháp bảo vệ pháp lý rất mạnh mẽ, nhưng việc thực thi có thể chậm và các cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc chứng minh các vụ việc của mình. Gánh nặng chứng minh thường thuộc về nạn nhân, điều này có thể là rào cản đối với những người không được tiếp cận với đại diện pháp lý hoặc không có đủ nguồn lực để theo đuổi việc kiện tụng.
6. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật quyền nhân thân
Khi xã hội tiếp tục phát triển, đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ số, những quyền này ngày càng có nguy cơ bị xâm phạm. Trong những trường hợp như vậy, dịch vụ tư vấn pháp lý trở nên quan trọng để bảo vệ quyền cá nhân của cá nhân và đảm bảo chúng được pháp luật bảo vệ
Việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật về quyền nhân thân giúp:
- Hiểu về quyền cá nhân và tầm quan trọng của quyền nhân thân
- Đại diện pháp lý hiệu quả: Khi quyền cá nhân bị vi phạm, cá nhân có thể cần theo đuổi hành động pháp lý thông qua tòa án. Các chuyên gia pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc đại diện cho khách hàng trong các vụ kiện, đảm bảo rằng mọi thủ tục đều được tuân thủ và quyền của khách hàng được bảo vệ hiệu quả. Các cố vấn pháp lý có thể giúp thu thập bằng chứng, xây dựng một vụ kiện vững chắc và ủng hộ việc bồi thường công bằng.
- Bảo vệ quyền riêng tư: Các nền tảng truyền thông xã hội và trang web có thể được sử dụng để phát tán thông tin sai lệch, chia sẻ hình ảnh cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc xâm phạm quyền riêng tư bằng cách rò rỉ dữ liệu cá nhân. Các dịch vụ tư vấn pháp lý rất cần thiết để giải quyết những vi phạm này. Các luật sư chuyên về quyền riêng tư kỹ thuật số có thể giúp các cá nhân hiểu được các quyền của họ theo luật như Luật An ninh mạng và hỗ trợ thực hiện hành động pháp lý chống lại những người vi phạm quyền riêng tư kỹ thuật số.
- Ngăn ngừa vi phạm quyền cá nhân: Các dịch vụ tư vấn pháp lý không chỉ hữu ích sau khi xảy ra vi phạm quyền cá nhân mà còn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các vi phạm đó. Luật sư có thể tư vấn cho cá nhân về cách bảo vệ dữ liệu cá nhân của họ, tránh chia sẻ thông tin nhạy cảm và duy trì quyền riêng tư của họ trong cả không gian ngoại tuyến và trực tuyến.
Trong một thế giới mà quyền cá nhân ngày càng dễ bị xâm phạm, đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số, các dịch vụ tư vấn pháp lý trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Luật sư cung cấp chuyên môn và hỗ trợ có giá trị trong việc giúp cá nhân hiểu, bảo vệ và thực thi các quyền của họ khi bị xâm phạm.
Kết luận
Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật dân sự nói riêng cung cấp một khuôn khổ vững chắc để bảo vệ quyền nhân thân, bao gồm quyền đối với tên, hình ảnh, danh tiếng và quyền riêng tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là với sự gia tăng của các nền tảng kỹ thuật số và sự phức tạp ngày càng tăng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Khi Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa và hội nhập sâu hơn vào cộng đồng toàn cầu, việc bảo vệ quyền nhân thân sẽ trở nên quan trọng hơn nữa. Điều quan trọng là cá nhân phải nhận thức được quyền của mình và hiểu được các con đường pháp lý có sẵn để thực hiện.
Đội ngũ chuyên gia pháp lý của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý liên quan đến quyền nhân thân —hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý phù hợp!
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan - 31/10/2022
- Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai - 19/03/2022
- Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay? - 31/10/2021