Công ty kiểm toán: Điều kiện và thủ tục thành lập

Dịch vụ kiểm toán là một lĩnh vực kinh doanh khá phổ biến, yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ làm rõ những yêu cầu và tiêu chuẩn mà cá nhân/tổ chức phải tuân thủ và đáp ứng để thành lập và hoạt động công ty dịch vụ kiểm toán.

1. Căn cứ pháp lí điều chỉnh các quy định liên quan đến Công ty ty dịch vụ kiểm toán

Căn cứ pháp lí điều chỉnh các quy định liên quan đến Công ty ty dịch vụ kiểm toán là các văn bản pháp lý sau đây:

  • Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO;
  • Các Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia (FTAs);
  • Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS);
  • Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12;
  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Luật Đầu tư 2020;
  • Nghị định số 17/2012/NĐ-CP
  • Nghị định số 84/2016/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng
  • Nghị định số 151/2018/NĐ-CP
  • Thông tư số 150/2012/TT-BTC hướng dẫn cập nhật kiến thức hàng năm cho kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư số 202/2012/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề kiểm toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

2. Công ty kiểm toán là gì ?

Kiểm toán là quá trình đánh giá và xác minh tính chính xác của các thông tin tài chính doanh nghiệp, giúp phát hiện các sai sót và đề xuất giải pháp cải thiện. Dịch vụ kiểm toán bao gồm kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ, kiểm toán quản lý và tư vấn tài chính. Công ty kiểm toán là công ty hoạt động lĩnh vực kiểm toán nhằm đánh giá và xác minh tính chính xác của các thông tin tài chính doanh nghiệp.

Căn cứ Điều 20 Luật Kiểm toán độc lập 2011 thì các loại doanh nghiệp sau đây được kinh doanh thành lập công ty dịch vụ kiểm toán:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
  • Công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân.
  • Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam được kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật.
  • Doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì không được sử dụng cụm từ “kiểm toán” trong tên gọi.

3. Điều kiện thành lập công ty dịch vụ kiểm toán

Sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp với ngành nghề 692 – 6920 – 69200 (Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế..) bạn phải xin cấp Giấy chứng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ kiểm toán được quy định cụ thể tại Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011 đối với từng loại công ty:

a. Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất 05 kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn. Vốn góp của các kiểm toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty. Kiểm toán viên hành nghề không được đồng thời là thành viên góp vốn của hai doanh nghiệp kiểm toán trở lên.
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của Công ty trách nhiệm hữu hạn phải là kiểm toán viên hành nghề;
  • Bảo đảm vốn pháp định là 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam.
  • Trong quá trình hoạt động, công ty trách nhiệm hữu hạn phải luôn duy trì vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định. Doanh nghiệp kiểm toán phải bổ sung vốn nếu vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
  • Nếu tổ chức tham gia góp vốn thì phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên hành nghề, cụ thể là:
    • Thành viên là tổ chức được góp tối đa 35% vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán hai thành viên trở lên. Trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán hai thành viên trở lên.
    • Thành viên là tổ chức phải cử một người làm đại diện cho tổ chức vào Hội đồng thành viên. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên và phải đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán mà tổ chức tham gia góp vốn.
    • Kiểm toán viên hành nghề là người đại diện của thành viên là tổ chức không được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp kiểm toán đó với tư cách cá nhân.

b. Đối với công ty hợp danh

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên hợp danh;
  • Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là kiểm toán viên hành nghề;

c. Đối với doanh nghiệp tư nhân

  • Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
  • Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân;
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc.

d. Đối với Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Căn cứ khoản 4 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Điều 8 Nghị định 17/2012/NĐ-CP chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài có đủ các điều kiện sau đây thì được phép đề nghị cấp giấy chúng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán độc lập tại Việt Nam:

  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
  • Có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh;
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bảo đảm duy trì vốn không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.

Để có công văn chấp thuận của bộ tài chính đối với chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán, doanh nghiệp cần đạt các điều kiện sau:

  • Doanh nghiệp kiểm toán có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định tại Điều 21 của Luật kiểm toán độc lập;
  • Chi nhánh có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc chi nhánh. Hai kiểm toán viên hành nghề không được đồng thời là kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại trụ sở chính hoặc chi nhánh khác của doanh nghiệp kiểm toán.
  • Doanh nghiệp kiểm toán đăng ký cho chi nhánh được kinh doanh dịch vụ kiểm toán gửi đầy đủ hồ sơ đến Bộ Tài chính.

Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán mà doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì phải làm thủ tục xóa ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

e. Đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam

Căn cứ Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, Nhà đầu tư nước ngoài không được thành lập công ty dịch vụ kiểm toán 100% vốn nước ngoài. Họ chỉ có thể thành lập công ty dịch vụ kiểm toán với tối đa 35% vốn nước ngoài. Ngoài ra, các kiểm toán viên hành nghề trong doanh nghiệp bắt buộc phải chiếm >50% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dịch vụ kiểm toán tại Việt Nam chỉ được hoạt động trong các lĩnh vực sau:

Dịch vụ kiểm toán:

  • kiểm toán báo cáo tài chính
  • kiểm toán tuân thủ
  • kiểm toán hoạt động
  • kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành
  • báo cáo tài chính vì mục đích thuế
  • công việc kiểm toán khác

Dịch vụ báo cáo tài chính:

  • soát xét báo cáo tài chính
  • thông tin tài chính
  • các dịch vụ bảo đảm khác

Các loại dịch vụ khác:

  • Tư vấn kinh tế, thuế, tài chính;
  • Tư vấn quản lý, chuyển đổi và tái cơ cấu doanh nghiệp;
  • Tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị;
  • Thẩm định giá tài sản và đánh giá rủi ro kinh doanh;
  • Dịch vụ kế toán;
  • Dịch vụ bồi dưỡng kiến thức tài chính, kiểm toán, kế toán;
  • Dịch vụ khác liên quan.
Công ty dịch vụ kiểm toán
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam – Nguồn: Luật Thái An

đ. Đối với công ty kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam

Nếu công ty kinh doanh dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính;
  • Có văn bản của cơ quan quản lý hành nghề kiểm toán (cơ quan quản lý nhà nước về kiểm toán độc lập hoặc tổ chức nghề nghiệp) nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cho phép cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam và xác nhận không vi phạm các quy định về hoạt động kiểm toán độc lập và quy định pháp luật khác của nước ngoài trong vòng 3 năm liền kề năm đề nghị cấp giấy chứng nhận được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới;
  • Có ít nhất 5 (năm) kiểm toán viên được Bộ Tài chính Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, trong đó có người đại diện theo pháp luật;
  • Có vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán tương đương 500.000 (năm trăm nghìn) đô la Mỹ vào cuối năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới tại Việt Nam;
  • Có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam;
  • Ký quỹ bắt buộc số tiền tương đương vốn pháp định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn là 3 (ba) tỷ đồng Việt Nam; từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, vốn pháp định là 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và có thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng này cam kết thanh toán trong trường hợp trách nhiệm của các hợp đồng kiểm to
  • Phương thức cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP.

Lưu ý: Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán đối với Kiểm toán viên:

  • Là kiểm toán viên;
  • Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu tháng trở lên theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 202/2012/TT-BTC;
  • Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 150/2012/TT-BTC.
  • Không thuộc các trường hợp sau:
    • Cán bộ, công chức, viên chức;
    • Người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục;
    • Người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên;
    • Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt;
    • Người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán.

Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.

5. Thủ tục thành lập công ty dịch vụ kiểm toán 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp cho công ty dịch vụ kiểm toán

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty (Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh);
  • Danh sách thành viên (Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh);
  • Văn bản xác nhận vốn pháp định (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);
  • Bản sao hợp lệ các giấy tờ như sau: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thanh viên là cá nhân, quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương, giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu…
  • Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp
  • Giấy tờ cần thiết khác ( nếu có)

Bước 2: Nộp hồ sơ và Nhận kết quả đăng ký

Nơi có thẩm quyền đăng ký thành lập công ty kiểm toán: Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trong thời gian từ 03 – 05 ngày làm việc, công ty sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty dịch vụ kiểm toán nếu hồ sơ hợp lệ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ.

Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai, doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh.

Bước 4: Khắc con dấu, đăng ký khai thuế ban đầu tại cơ quan thuế

Theo quy định mới thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện khắc dấu và thông báo mẫu con dấu với Sở kế hoạch và đầu tư hoặc ủy quyền cho cá nhân, đơn vị dịch vụ khác.

Sau khi xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty dịch vụ kiểm toán thì doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán dưới đây để hoạt động hợp pháp.

Bước 5: Xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán 

Công ty dịch vụ kiểm toán gửi bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán đến Bộ Tài Chính. Căn cứ Điều 22 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề;
  • Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian của các kiểm toán viên hành nghề;
  • Tài liệu chứng minh về vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Các giấy tờ khác do Bộ Tài chính quy định.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán cho doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; trường hợp từ chối, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán giải trình.

Lưu ý quan trọng: Nếu thành lập công ty dịch vụ kiểm toán có vốn nước ngoài thì trước tiên phải xin chấp thuận của Sở Kế hoạch Đầu tư, sau đó mới tiến hành các bước như trên.

6. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn thành lập Công ty dịch vụ kiểm toán

Sự cần thiết của việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn trong quá trình thành lập công ty dịch vụ kiểm toán không thể phủ nhận. Trong một thế giới ngày càng phức tạp về mặt pháp lý, việc đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh tuân thủ luật pháp là một yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

  • Tư vấn pháp lý: Pháp luật và các quy định về thành lập và hoạt động của công ty dịch vụ kiểm toán thường phức tạp và thay đổi liên tục. Một luật sư có kinh nghiệm sẽ giúp bạn hiểu rõ các yêu cầu pháp lý và đảm bảo rằng quá trình thành lập công ty tuân thủ đúng pháp luật.
  • Luật sư tư vấn cung cấp cho doanh nghiệp kiến thức chuyên môn sâu sắc, giúp họ nắm vững các quy định pháp luật, từ đó tránh được những sai sót có thể dẫn đến rủi ro pháp lý, phạt tiền hoặc thậm chí là việc đình chỉ hoạt động kinh doanh.
  • Luật sư tư vấn giúp tối ưu hóa quy trình đăng ký kinh doanh, soạn thảo và kiểm tra các hợp đồng kinh tế, lao động sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
  • Doanh nghiệp có thể tránh được các tranh chấp pháp lý không đáng có, giảm thiểu thời gian và chi phí cho các vấn đề pháp lý sau này. Đồng thời, luật sư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong các thỏa thuận, đảm bảo rằng mọi giao dịch đều mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty mình.
  • Việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn còn giúp công ty dịch vụ kiểm toán xây dựng được một nền tảng pháp lý vững chắc ngay từ những bước đầu tiên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững trong tương lai.

Tóm lại, việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn trong quá trình thành lập và vận hành công ty dịch vụ kiểm toán là một quyết định sáng suốt, giúp doanh nghiệp định hình và bảo vệ vững chắc vị thế pháp lý của mình trong môi trường kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh.

Bui Linh