Xây dựng Quy chế trả lương theo KPI

Quy chế trả lương luôn là mối quan tâm hàng đầu của người lao động trong doanh nghiệp cũng như chủ doanh nghiệp.  Một cơ chế trả lương phù hợp có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng lao động, giúp doanh nghiệp thu hút nhân viên giỏi. Theo đó, việc tính lương theo KPI đã trở thành xu hướng phổ biến để các doanh nghiệp trả lương xứng đáng cho những nhân viên có năng lực. Vì vậy, trong bài viết dưới đây, Công ty Luật Thái An sẽ cung cấp cho khách hàng những thông tin cơ bản về việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI.

1.Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI

Cơ sở pháp lý điều chỉnh việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI là các văn bản pháp lý sau:

  • Bộ Luật Lao động năm 2019
  • Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

2. Quy chế trả lương theo KPI là gì?

KPI (Key Performance Indicator) là thuật ngữ đại diện cho những chỉ số đánh giá về hiệu quả công việc.

KPI được thể hiện dưới dạng số liệu để đánh giá một cách khách quan về hiệu quả công việc của một người, một bộ phận hay toàn công ty. Thông thường, các công ty đặt ra KPI như một mục tiêu ban đầu để nhân viên theo đó mà thực hiện. Đó sẽ là thước đo khách quan nhất về hiệu quả công việc của nhân viên.

Quy chế trả lương theo KPI có thể hiểu là văn bản nội bộ trong doanh nghiệp quy định về nguyên tắc, cách thức tính lương, chi trả lương cho nhân viên theo các chỉ số đánh giá về tính hiệu quả công việc (theo KPI).

3. Lợi ích của việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI

Quy chế trả lương theo KPI sẽ giúp tạo cơ sở pháp lý để thực hiện cơ chế tính lương, trả lương đối với cán bộ, nhân viên trong công ty

Quy chế trả lương theo KPI sẽ giúp đo lường hiệu quả hiệu suất làm việc của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp so với mục tiêu đề ra

Quy chế trả lương theo KPI sẽ giúp cấp quản lý đưa ra chế độ lương thưởng hợp lý, từ đó có thể tạo động lực cho nhân viên hoàn thành tốt công việc được giao.

Quy chế trả lương theo KPI giúp góp phần giúp đội ngũ nhân viên có cái nhìn tổng thể về mục tiêu công việc, các nhân tố quan trọng và các công việc ưu tiên cần làm trước để hoàn thành mục tiêu.

4. Các vấn đề cần xem xét trong việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI?

Quy chế trả lương theo KPI cần xem xét 8 vấn đề cơ bản sau:

4.1. Quy chế trả lương theo KPI cần dựa trên ặt bằng lương chung của xã hội của ngành và khu vực:

Việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI cần tiến hành trên cơ sở xem xét, tìm hiểu mức lương bình quân của các vị trí lao động trong cùng ngành và trong cùng khu vực địa lý. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra được các mức tiền lương cạnh tranh, có khả năng thu hút và lưu giữ nhân viên.

4.2. Quy chế trả lương theo KPI phải được xây dựng dựa trên quy định của pháp luật:

Dù lựa chọn cách thức tính lương, trả lương theo KPI hay trả lương cố định, theo thời gian thì Quy chế trả lương đều phải tuân thủ các quy định pháp luật lao động nói chung, quy định về lương thưởng của người lao động nói riêng trước khi xây dựng Quy chế trả lương theo KPI.

Doanh nghiệp cần lưu ý đến các vấn đề như mức lương tối thiểu Nhà nước quy định khi đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng và lương thử việc, lương thời vụ, lương trong kỳ thai sản, ốm đau, nghỉ việc…

>>> Xem thêm:

Lương tối thiểu vùng hiện hành là bao nhiêu ?

4.3. Quy chế trả lương theo KPI cần thể hiện chính sách phát triển nhân lực của Công ty:

Chủ doanh nghiệp/ Người soạn thảo phải xác định rõ được doanh nghiệp cần những loại lao động nào và bao nhiêu? Kết quả mà Doanh nghiệp mong muốn nhận được từ người lao động là gì?

4.4. Quy chế trả lương theo KPI cần thể hiện tính chất đặc thù công việc và mức độ ưu tiên đối với các vị trí chức danh:

Việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI cần chú ý tới tính chất đặc thù công việc và mức độ ưu tiên đối với từng vị trí, chức danh. Quy chế cần có các quy định liệt kê và sơ bộ phân loại lao động trong doanh nghiệp theo đặc thù công việc và yêu cầu năng lực, trình độ khác nhau.

Việc phân loại lao động thành các nhóm có vị trí, tính chất công việc, mức độ trách nhiệm khác nhau để trả lương sẽ giúp bạn trong việc xác lập nên một cơ chế trả lương công bằng hơn.

4.5. Quy chế trả lương theo KPI cần xác định các tiêu chí cơ bản để xác định KPI và kết quả công việc theo từng bộ phận, từng ngành nghề của doanh nghiệp

Sau đây, chúng tôi sẽ đưa ra một số ví dụ về cách xác định chỉ số KPI trong một số ngành nghề, bộ phận cơ bản như sau:

Đối với các ngành nghề dịch vụ truyền thông, quản cáo, thiết kế đồ họa như Agency hoặc Freelancer: Xác định Chỉ số KPI trong social: số lượng fans, tỷ số tương tác; Lượng thảo luận được tạo ra trong mỗi chiến dịch; Tổng số lượng thảo luận của khách hàng giữa thương hiệu so với đối thủ…

Quy chế trả lương theo KPI rất được phổ biến ngày nay
Quy chế trả lương theo KPI rất được phổ biến ngày nay – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Đối với Bộ phận sản xuất, việc xác định chỉ số KPI sẽ xác định bằng: Số lượng sản phẩm làm ra; Nhịp độ sản xuất và chất lượng sản phẩm được tạo ra; Tỷ lệ hàng lỗi; Thời gian để hoàn thành một sản phẩm; Thời gian máy móc ngừng hoạt động; Hiệu quả sản xuất tổng thể….

Đối với nhân viên kinh doanh, việc xác định chỉ số KPI sẽ xác định bằng: Số lượng khách hàng mà nhân viên phục vụ; Số lượng sản phẩm nhân viên đã bán được; Doanh thu trung bình cho mỗi hóa đơn; Tỷ lệ khách hàng quyết định mua so với số lượng khách đã tiếp xúc; Mức độ hài lòng của khách hàng đối với nhân viên…

4.6. Quy chế trả lương theo KPI có thể quy định các cách thức tính trả lương:

Thông thường, quy chế trả lương theo KPI được tính theo 2 cách sau:

  • Tính lương trực tiếp theo KPI

Cách này thường được sử dụng trong trường hợp đối với công việc phải thuê các cá nhân, tổ chức bên ngoài thực hiện. Nó không phổ biến nhiều đối với các nhân viên chính thức trong công ty vì có thể gây thêm áp lực nặng nề cho họ, khiến giảm năng suất và hiệu quả công việc.

  • Dựa vào KPI để thưởng hay phạt một khoảng nhất định

Đây được xem là cách dùng KPI để thưởng cho nhân viên được sử dụng rất phổ biến. Điều này tạo động cơ làm việc cho nhân viên, thúc đẩy họ làm việc nhanh hơn, tốt hơn so với chi phí phải bỏ ra cho những khoản tiền thưởng.

Cách tính lương theo KPI cơ bản: Thông thường, để tính được số tiền cuối cùng mà nhân viên có thể nhận được chúng ta cần dựa vào 3 yếu tố chính bao gồm: vị trí, năng lực cá nhân và KPI.

  • P1 – Vị trí: khung lương tối thiểu mà vị trí công việc được hưởng
  • P2 – Năng lực cá nhân: xếp bậc lương theo từng cấp bậc nhân sự
  • P3 – KPI hay kết quả công việc: phản ánh năng lực làm việc thực tế của từng nhân viên

Như vậy, P1 và P2 là khung lương cơ bản mà nhân viên có thể được hưởng, còn hệ số P3 có tác động cuối cùng tới kết quả lương… Tùy vào từng vị trí, chức danh mà doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tỷ trọng của các P để phù hợp với quỹ lương và thúc đẩy khả năng làm việc của nhân sự.

>>> Xem thêm:

Tổng hợp các quy định về lương bạn cần biết !

4.7. Quy chế trả lương theo KPI phải phản ánh được quan điểm và ý kiến của người lao động:

Chủ doanh nghiệp có thể thông qua trưng cầu ý kiến của người lao động để biết được ưu, nhược điểm của cơ chế trả lương hiện tại và những vấn đề cần khắc phục. Điều này vừa giúp tránh được những sai lầm mang tính chủ quan, áp đặt., đồng thời làm cho người lao động cảm thấy được tôn trọng.

4.8. Quy chế trả lương theo KPI phải dựa trên khả năng chi trả của doanh nghiệp:

Việc xây dựng Quy chế trả lương theo KPI cũng cần tính tới việc đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp. Việc tính toán tỷ lệ tiền lương hợp lý trên doanh thu kế hoạch cần đảm bảo trả lương đủ và khuyến khích được người lao động, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

5. Một số điều khoản cơ bản trong Quy chế trả lương theo KPI

Một là các điều khoản về phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh của Quy chế

Hai là quy định về Quỹ lương và nguyên tắc chi trả lương

Ba là quy định về thang bảng lương theo hệ thống chức danh

Bốn là quy định về cách thức tính trả lương đến từng lao động

Năm là xây dựng hệ thống đánh giá hoàn thành công việc, tiêu chí xác định KPI

Sáu là quy định về cơ chế thưởng (nếu có)

Bảy là các điều khoản quy định về thời điểm và quy trình tính trả lương và các chính sách lương đặc biệt.

Tám là quy định về việc ban hành, áp dụng và việc đánh giá, sửa đổi, bổ sung Quy chế

6. Dịch vụ tư vấn soạn thảo Quy chế trả lương theo KPI

Với đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý đông đảo, có kiến thức chuyên môn vững vàng và bề dày kinh nghiệm tư vấn pháp luật thường xuyên cho các Công ty,  chúng tôi tin chắc rằng sẽ giúp Công ty bạn xây dựng, soạn thảo các Quy chế Công ty.

Trường hợp bạn có nhu cầu soạn thảo Quy chế trả lương theo KPI cũng như các quy chế, quy trình, quy định nội bộ khác như Quy chế thưởng phạt, quy chế hành chính…., bạn hãy liên hệ Công ty Luật Thái An để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

>>> Xem thêm: Dịch vụ tư vấn, soạn thảo quy chế công ty

 

HÃY LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!

Nguyễn Văn Thanh