Có được ủy quyền ly hôn không?

Nhiều cặp vợ chồng ly hôn vì quá bận rộn và vì nhiều lý do khác như không muốn đối mặt với chồng hoặc vợ khi ly hôn, muốn thủ tục ly hôn nhanh gọn… nên muốn tìm kiếm dịch vụ ly hônuỷ quyền ly hôn cho luật sư. Pháp luật cho phép uỷ quyền trong rất nhiều trường hợp. Nhưng ly hôn (cũng như kết hôn) là vấn đề nhân thân nên việc uỷ quyền chỉ có giới hạn, có những việc không thể uỷ quyền được.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu sau đây:

1. Thế nào là ủy quyền ?

Trước hết, cần hiểu thế nào là uỷ quyền?

Ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Ủy quyền được hiểu đơn giản là việc người ủy quyền nhờ người được ủy quyền thực hiện một công việc mà đáng lẽ người ủy quyền phải thực hiện. Ủy quyền được pháp luật công nhận, trừ một số trường hợp không được ủy quyền mà phải đích thân người đó thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Về việc ủy quyền ly hôn

Khi người vợ hoặc người chồng muốn ly hôn nhưng không thể thực hiện thủ tục ly hôn thì mong muốn ủy quyền cho người khác thực hiện các thủ tục, điển hình nhất là muốn uỷ quyền ly hôn cho luật sư.

Có rất nhiều lý do mà vợ chồng muốn uỷ quyền ly hôn, đó là:

  • Trong nhiều trường hợp, một trong hai bên có thể không có mặt tại nơi diễn ra các thủ tục ly hôn vì nhiều lý do – có thể họ đang ở nước ngoài, có cam kết công việc hoặc lý do sức khỏe.
  • Quá trình ly hôn có thể là một thời gian cảm xúc cao trào và căng thẳng. Đối với một số người, sự đối mặt trực tiếp với người bạn đời cũ trong một ngữ cảnh pháp lý có thể là quá nhiều để chịu đựng. 
  • Quá trình ly hôn tại Toà án là căng thẳng, nhất là quá trình vụ án ly hôn đơn phương. Nhiều người vợ, người chồng không muốn có sự căng thẳng này, đặc biệt là không muốn con họ phải tham dự các phiên làm việc tại Toà.
  • Một số người có thể không có khả năng tham gia trực tiếp vì lý do sức khỏe hoặc các vấn đề cá nhân khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý là việc kết hôn và ly hôn gắn liền với quyền nhân thân của mỗi người, nên việc ủy quyền tiềm ẩn rủi ro về sự thiếu trung thực, không phản ánh đúng ý chí của đương sự. Do vậy, đương sự có thể uỷ quyền cho luật sư thực hiện một số việc, một số việc vẫn phải tự mình thực hiện.

Chúng ta hãy cùng xem xét việc uỷ quyền ly hôn trong hai trường hợp: ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.

3. Uỷ quyền giải quyết ly hôn thuận tình

a. Những việc CÓ THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn thuận tình

Những việc CÓ THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn thuận tình gồm:

  • Uỷ quyền soạn đơn xin ly hôn và chuẩn bị các giấy tờ kèm theo đơn
  • Uỷ quyền nộp đơn ly hôn cho Toà án
  • Uỷ quyền cho luật sư soạn thảo văn bản thoả thuận giữa hai vợ chồng về chia tài sản chung, về quyền nuôi con
  • Uỷ quyền cho luật sư làm việc với bên kia để thương lượng các vấn đề trong thoả thuận ly hôn

>>> Xem thêm: Biên bản thoả thuận ly hôn

  • Uỷ quyền cho luật sư nhận quyết định công nhận thuận tình ly hôn của Toà án

b. Những việc KHÔNG THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn thuận tình

Những việc KHÔNG THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn thuận tình gồm:

  • Vợ chồng phải tự mình ký vào đơn ly hôn
  • Không thể uỷ quyền tham gia phiên hoà giải tại toà: vợ chồng phải có mặt tại phiên họp để Toà án thực hiện hoà giải
  • Không thể uỷ quyền tham gia phên họp giải quyết việc ly hôn tại Tòa án

>>> Xem thêm:

Hướng dẫn về ly hôn thuận tình đầy đủ nhất

Uỷ quyền ly hôn
Uỷ quyền ly hôn chỉ được phép trong một số trường hợp. – ảnh: Luật Thái An

4. Uỷ quyền giải quyết ly hôn đơn phương

a. Trường hợp duy nhất có thể uỷ quyền ly hôn đơn phương

Theo quy định của điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì:

“Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”

Khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân gia đình quy định:

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Theo đó, nếu một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra, thì cha mẹ hoặc người thân thích có thể thay họ thực hiện thủ tục ly hôn. 

>>> Xem thêm:

Ly hôn với người tâm thần: Dễ hay khó?

Đây cũng là trường hợp duy nhất có thể uỷ quyền ly hôn hoàn toàn.

Đối với các trường hợp ly hôn đơn phương khác, không thể uỷ quyền ly hôn hoàn toàn, nhưng có thể uỷ quyền đối với một số công việc. Chi tiết có ngay sau đây:

b. Những việc CÓ THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn đơn phương

Những việc CÓ THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn đơn phương gồm:

  • Uỷ quyền soạn đơn khởi kiện ly hôn và chuẩn bị các giấy tờ kèm theo đơn
  • Uỷ quyền nộp đơn ly hôn cho Toà án
  • Uỷ quyền cho luật sư đàm phán ly hôn, cụ thể là làm việc với bên kia để thương lượng các vấn đề liên quan tới ly hôn như chấm dứt hôn nhân, chia tài sản chung vợ chồng, quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con của người không trực tiếp nuôi con
  • Yêu cầu luật sư đại diện tố tụng, tham gia tố tụng, cụ thể là tư vấn cách hành xử trong các phiên làm việc tại toà, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại các phiên xét xử tại Toà án (luật sư đi cùng với thân chủ tới các phiên họp này)
  • Uỷ quyền cho luật sư nhận bản án ly hôn của Toà án

c. Những việc KHÔNG THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn đơn phương

Những việc KHÔNG THỂ uỷ quyền giải quyết ly hôn đơn phương gồm:

  • Vợ hoặc chồng phải tự mình ký vào đơn ly hôn
  • Không thể uỷ quyền tham gia các buổi triệu tập của toà án để lấy lời khai
  • Không thể uỷ quyền tham gia phiên hoà giải tại toà: vợ chồng phải có mặt tại phiên họp để Toà án thực hiện hoà giải
  • Không thể uỷ quyền tham gia các phiên xét xử tại Tòa án. Liên quan tới sự có mặt tại phiên xét xử, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau:

Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Như vậy, nếu người yêu cầu ly hôn vắng mặt hai lần thì coi như từ bỏ yêu cầu ly hôn. Nếu người bị yêu cầu ly hôn vắng mặt hai lần thì Toà sẽ xét xử vắng mặt người đó, điều này sẽ bất lợi do người đó không thể có ý kiến về việc giải quyết ly hôn.

>>> Xem thêm:

Hướng Dẫn Chi Tiết Quy Trình Ly Hôn Đơn Phương

 

Mặc dù bạn không thể uỷ quyền toàn bộ việc ly hôn nhưng bạn có thể uỷ quyền một phần. Việc uỷ quyền ly hôn không chỉ giúp quá trình này diễn ra mượt mà hơn, mà còn giúp bảo vệ tình thần và quyền lợi của các bên tham gia. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tình huống mà sự hiện diện trực tiếp là không khả thi hoặc không mong muốn. Bằng cách hiểu rõ lý do và ưu điểm của việc uỷ quyền, người ta có thể đưa ra quyết định thông minh trong quá trình ly hôn của mình.

Nguyễn Văn Thanh