Soạn thảo hợp đồng góp vốn như thế nào ?

Hiện nay, việc các cá nhân, tổ chức thực hiện việc góp vốn nhằm thực hiện hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh ngày càng phổ biến. Theo đó, nhu cầu được tư vấn pháp lý và soạn thảo hợp đồng góp vốn cũng ngày càng gia tăng.

Công ty Luật Thái An có nhiều kinh nghiệm tư vấn, soạn thảo các loại hợp đồng góp vốn, đúc kết từ rất nhiều vụ việc soạn thảo và tư vấn soạn thảo hợp đồng cho khách hàng mỗi năm. Chúng tôi xin chia sẻ một số kiến thức và kinh nghiệm về hợp đồng góp vốn dưới đây.

1. Thế nào là hợp đồng góp vốn?

Hợp đồng góp vốn là sự thỏa thuận góp vốn của các bên, trong đó các bên cùng nhau góp tài sản, công sức để cùng thực hiện một công việc nào đó. Hợp đồng góp vốn được sử dụng phổ biến trong hoạt động kinh doanh (hợp đồng góp vốn kinh doanh), góp vốn đầu tư (hợp đồng góp vốn đầu tư), góp vốn để mua bán, góp vốn thành lập công ty,…

Cơ sở pháp lý điều chỉnh hợp đồng góp vốn là:

2. Hình thức của hợp đồng góp vốn

Hợp đồng góp vốn là hợp đồng có thể có nhiều bên tham gia, các chủ thể tham gia với mục đích hợp tác góp vốn để cùng làm một công việc. Vì đối tượng của hợp đồng là các cam kết mà các bên đã thoả thuận góp vốn, cho nên hợp đồng này mang tính ưng thuận. Tuy nhiên, pháp luật quy định hợp đồng góp vốn phải lập thành văn bản vì nhà làm luật dự liệu đây là hợp đồng phức tạp và văn bản hợp đồng sẽ là chứng cứ để giải quyết các tranh chấp nếu xẩy ra:

  • Đây là hợp đồng có sự đóng góp tài sản và/hoặc công sức của nhiều chủ thể
  • Hợp đồng có thời hạn theo chu kỳ sản xuất kinh doanh
  • Có thể có sự thay đổi chủ thể trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng (có sự ra nhập hay rút bớt thành viên hợp tác)
  • Có sự đại diện của các thành viên trong việc xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba

Hình thức bằng văn bản của hợp đồng có thể có thêm người làm chứng hoặc các bên thỏa thuận lựa chọn hình thức công chứng.

Đối với hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải được công chứng, các bên phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật đất đai 2013.

Việc soạn thảo hợp đồng góp vốn phải chặt chẽ, phòng ngừa tranh chấp có thể xảy ra
Việc soạn thảo hợp đồng góp vốn phải chặt chẽ, phòng ngừa tranh chấp có thể xảy ra – Nguồn ảnh minh họa: Internet

3. Ngôn ngữ của hợp đồng góp vốn

Hợp đồng góp vốn phải được lập bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Nếu sử dụng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì hợp đồng cần quy định thứ tiếng nào ưu tiên hơn khi có sự khác biệt trong diễn đạt bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, vì các lý do sau:

  • Khi thực hiện các thủ tục hành chính mà cần phải nộp hợp đồng thì hợp đồng góp vốn phải bằng tiếng Việt do các cơ quan nhà nước Việt Nam sử dụng tiếng Việt.
  • Khi có tranh chấp hợp đồng và các bên yêu cầu Toà án giải quyết thì hợp đồng góp vốn bằng tiếng Việt sẽ thuận lợi hơn nhiều do Toà án làm việc bằng tiếng Việt.

4. Có các rủi ro tranh chấp nào từ hợp đồng góp vốn ?

Hợp đồng góp vốn tiềm ẩn các rủi ro tranh chấp thông thường cũng như những tranh chấp đặc thù. Đó là các tranh chấp sau:

  • Tranh chấp hợp đồng góp vốn liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng
  • Tranh chấp hợp đồng góp vốn do các bên không thực hiện đúng nghĩa vụ góp vốn
  • Tranh chấp hợp đồng góp vốn liên quan đến việc định đoạt tài sản góp vốn
  • Tranh chấp hợp đồng góp vốn về vấn đề phân chia lợi nhuận và rủi ro hợp đồng
  • Tranh chấp hợp đồng góp vốn phát sinh do các bên rút phần vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, đơn phương chấm dứt hợp đồng
  • Một số tranh chấp hợp đồng góp vốn đặc thù khác

Để tìm hiểu kỹ hơn về các rủi ro tranh chấp hợp đồng góp vốn và cách phòng ngừa, bạn hãy đọc bài viết sau:

===>>> Xem thêm: Tranh chấp hợp đồng góp vốn và cách phòng ngừa

 

Để giảm thiểu rủi ro tranh chấp từ hợp đồng góp vốn, bạn rất cần có một bản hợp đồng hợp pháp, chặt chẽ và bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của bạn. Luật sư sẽ là người giúp bạn làm được điều này. Luật sư biết cách soạn thảo hợp đồng góp vốn một cách chuẩn chỉ khi đưa vào các điều khoản cần thiết vào hợp đồng:

5. Các điều khoản cơ bản của hợp đồng góp vốn là gì?

Sau đây là các điều khoản cơ bản của hợp đồng góp vốn:

a. Điều khoản về thông tin các bên trong hợp đồng

Chủ thể của hợp đồng góp vốn có thể là pháp nhân và cá nhân.

Số lượng các chủ thể trong hợp đồng góp vốn là không giới hạn, theo thỏa thuận góp vốn của các chủ thể, có thể bao gồm hai hoặc nhiều nhà đầu tư cùng có quan hệ hợp tác kinh doanh với nhau, tùy theo quy mô của dự án hợp tác cũng như nhu cầu, kỹ năng và mong muốn của các nhà đầu tư.

Nếu là pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn:

  • Tên pháp nhân
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu là doanh nghiệp, Giấy phép hoạt động nếu không phải là doanh nghiệp:
  • Địa chỉ trụ sở
  • Số điện thoại, email
  • Người đại diện ký hợp đồng: là người đại diện theo pháp luật (theo quy định tại Điều lệ hoạt động) hoặc người đại diện theo uỷ quyền. Nếu là người đại diện theo uỷ quyền thì cần đảm bảo là giấy uỷ quyền hợp lệ được cung cấp

Nếu điều lệ của pháp nhân quy định việc giao kết hợp đồng (thường với giá trị lớn) cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nội bộ (như hội đồng thành viên trong công ty TNHH hay đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị trong công ty cổ phần) thì việc giao kết hợp đồng góp vốn cũng cũng cần được chấp thuận như vậy.

Lưu ý quan trọng: Hợp đồng góp vốn sẽ không có hiệu lực nếu các bên (hoặc người đại diện của các bên) không có thẩm quyền giao kết hợp đồng. Hay nói cách khác, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu và hậu quả là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi phải bồi thường.

Khi một bên là cá nhân trong hợp đồng thì cần đảm bảo cá nhân đó là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nếu không thì hợp đồng có thể bị vô hiệu. Lưu ý các trường hợp sau:

  • Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng góp vốn là người bị mất hành vi dân sự (mắc bệnh tâm thần, mất trí, người sống thực vật…), bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (người nghiện, người thiểu năng trí tuệ…), thì ký hợp đồng thông qua người đại diện hợp pháp.
  • Nếu một hoặc các bên trong hợp đồng góp vốn là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì việc ký hợp đồng phải thực hiện bởi người đại diện hợp pháp
  • Một người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thực hiện hợp đồng bằng tài sản riêng của mình thì mới đủ năng lực ký kết hợp đồng.

>>> Xem thêm:  Giải quyết hợp đồng vô hiệu

b. Điều khoản về mục đích góp vốn

Mục đích góp vốn rất đa dạng, tùy theo nhu cầu của các bên miễn không vi phạm quy định pháp luật và trái đạo đức xã hội. Các bên có thể thỏa thuận về việc góp vốn thành lập doanh nghiệp, góp vốn kinh doanh bất động sản, góp vốn mở nhà hàng, góp vốn mở xưởng sản xuất…

hợp đồng góp vốn
Trước khi bạn đặt bút ký hợp đồng góp vốn thì bạn nên đọc trước tư vấn từ các luật sư của chúng tôi – Ảnh minh họa: Internet.

c. Điều khoản về hình thức, phương thức, giá trị và thời hạn góp vốn

Về phương thức góp vốn

Vốn góp có thể là một trong các đối tượng sau:

  • Tiền mặt. Nếu hợp đồng góp vốn giữa các cá nhân và pháp nhân Việt Nam thì chỉ có thể bằng VNĐ

>>> Xem thêm: Quy định về đồng tiền thanh toán

  • Tài sản: nếu là tài sản thuộc diện phải đăng ký thì phải có giấy chứng nhận đăng ký, thí dụ như xe máy, ô tô, du thuyền, máy bay, tầu thuỷ…). Nếu tài sản là đất đai, nhà ở thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở theo quy định của Luật đất đai.
  • Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (phải được đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ)

>>> Xem thêm:Quyền SHTT đối với đối tượng của hợp đồng

  • Công sức lao động

Cần lưu ý đối với việc góp vốn vào công ty, góp vốn thành lập doanh nghiệp như sau:

  • Đây là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Tài sản được sử dụng để góp vốn vào công ty, góp vốn thành lập doanh nghiệp được quy định tại Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020:

“Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”

  • Các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
  • Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế (theo điều 36 Luật doanh nghiệp 2020).
  • Khi góp vốn bằng những tài sản phải đăng ký (bất động sản, oto, xe máy, máy bay …) hay bằng quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng…) thì các chủ thể góp vốn phải chuyển nhượng quyền sở hữu sang cho doanh nghiệp là đối tượng góp vốn và làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận.

Về giá trị góp vốn

Về giá trị góp vốn sẽ do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với việc góp vốn thành lập doanh nghiệp thì cần tuân thủ quy định về thời hạn theo pháp luật doanh nghiệp, đó là các thành viên có nghĩa vụ góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Về thời hạn góp vốn

Thời hạn góp vốn là thời hạn hai bên cam kết sử dụng phần vốn góp vào mục đích theo thỏa thuận. Thời hạn góp vốn của từng thành viên có thể khác nhau tùy theo thỏa thuận.

Hợp đồng cũng cần quy định cách xử lí khi thời hạn góp vốn đã hết: gia hạn, chấm dứt hợp đồng…., cách xử lí khi một bên rút phần vốn góp trước hạn.

d. Điều khoản sử dụng vốn góp

  • Cần thỏa thuận rõ, sau khi sử dụng tài sản (không phải tiền) để góp vốn thì có chuyển quyền sở hữu không, chuyển cho ai, phạm vi sử dụng phần vốn góp.
  • Hình thức và phương thức quản lý phần vốn góp. Phần vốn góp có thể do bên thứ ba giữ hoặc do hai bên thỏa thuận cùng nhau giữ
  • Hai bên thỏa thuận về quyền sử dụng, định đoạt vốn góp, mục đích sử dụng, phương thức quyết định
  • Cách giải quyết trong trường hợp xảy ra thiệt hại, đã sử dụng hết phần vốn góp
  • Hình thức, phương thức sở hữu đối với phần tài sản được tạo ra từ việc góp vốn

đ. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng góp vốn

Các bên góp vốn có thể có các quyền sau:

  • Có quyền tham gia quyết định việc sử dụng nguồn vốn góp
  • Có quyền được hưởng quyền và lợi ích chính đáng từ việc góp vốn, được hưởng lợi nhuận
  • Quyền quản lý, giám sát đối với hoạt động của bên còn lại;
  • Chuyển giao phần vốn góp cho bên thứ ba;

Các bên góp vốn có thể có các nghĩa vụ sau:

  • Có nghĩa vụ thực hiện đúng cam kết
  • Có nghĩa vụ góp vốn đúng thời gian, thời hạn, giá trị
  • Có nghĩa vụ chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình trong việc sử dụng vốn góp và có nghĩa vụ chịu thiệt hại chung theo thỏa thuận
  • Có nghĩa vụ hợp tác tích cực trên nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, vì lợi ích chung và lợi ích của mỗi bên.hợp đồng góp vốn

Việc góp vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người đó nếu việc góp vốn không được lập thành hợp đồng góp vốn – Ảnh minh họa: Internet.

e. Phân chia lợi nhuận và rủi ro trong hợp đồng

Việc phân chia lợi nhuận sẽ dựa theo tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên, vấn đề thường gặp vướng mắc là xác định tỷ lệ trên lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh chung thu lại được hay trên cơ sở nào, bởi các phát sinh liên quan đến cách tính chi phí, khấu hao, thuế và hạch toán sổ sách trong mô hình này không dễ dàng.

Theo đó, các bên cần xây dựng một số nguyên tắc tính toán để vận hành về sau, tránh phụ thuộc vào người điều hành tại thời điểm chia lợi nhuận.

Các bên thỏa thuận rõ về cách thức phân chia rủi ro. Thiệt hại xảy ra thuộc phần lỗi bên nào do bên đó chịu trách nhiệm dựa trên mức độ lỗi của mỗi bên, những phần thiệt hại chung không xác định được lỗi, rủi ro do thiên tai, dịch họa thì chịu thiệt hại bình đẳng

f. Rút phần vốn góp và chuyển nhượng phần vốn góp

Đối với việc góp vốn nhằm mục đích đầu tư sản xuất, kinh doanh thì các bên được tự do thỏa thuận về nội dung này.

Đối với việc góp vốn thành lập doanh nghiệp thì các bên thỏa thuận trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật doanh nghiệp.

hợp đồng góp vốn
Nếu bạn không biết quy định về hợp đồng góp vốn dưới đây thì là một thiếu sót lớn – Ảnh minh họa: Internet.

g. Các cam kết, bảo đảm trong hợp đồng góp vốn

Các bên nên có các cam kết, bảo đảm trong hợp đồng, đó có thể là các cam kết sau:

  • việc ký hết hợp đồng có được chấp thuận nội bộ của mỗi bên
  • tài sản là đối tượng của hợp đồng thuộc sở hữu hợp pháp của một bên, không bị tranh chấp với bên thứ ba

Mục đích của các cam kết này là đề phòng trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, một bên nhận thấy những cam kết của bên kia không đúng thì:

  • có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại theo quy định trong hợp đồng
  • tuyên bố hợp đồng đã được giao kết do nhầm lẫn, không trung thực, lừa đảo, do đó hợp đồng có thể bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Lưu ý: Nếu không có những điều khoản này thì sau này sẽ không thể có chế tài để xử lý.

h. Chấm dứt hợp đồng góp vốn

Hợp đồng góp vốn sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

  • Theo thoả thuận giữa các bên
  • Khi thời hạn hợp đồng chấm dứt
  • Trường hợp một bên vi phạm các cam kết, đảm bảo thì các bên còn lại có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc huỷ bỏ và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp một bên vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ theo hợp đồng thì các bên còn lại có quyền huỷ bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hoặc hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phạt bồi thường thiệt hại.

>>> Xem thêm: Quy trình chấm dứt hợp đồng

i. Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp hợp đồng góp vốn:

Điều khoản luật áp dụng và giải quyết tranh chấp có tính chất tiêu chuẩn trong hợp đồng. Trong quá trình soạn thảo và đàm phán hợp đồng, đôi khi các bên không để ý tới điều khoản này. Nhưng khi phát sinh tranh chấp, điều khoản này có ảnh hưởng lớn đến cách thức giải quyết tranh chấp. Quy định không rõ ràng có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý bất lợi đối với một hoặc các bên trong hợp đồng.

Khi các bên có tranh chấp và nếu thỏa thuận chọn pháp luật nào điều chỉnh hợp đồng thì pháp luật nước đó sẽ được áp dụng để xác định những vấn đề cơ bản của hợp đồng, đó là:

  • hợp đồng có hiệu lực hay không?
  • nội dung của hợp đồng có phù hợp hay không? nếu nội dung hợp đồng không rõ ràng thì cần được giải thích như thế nào?
  • hợp đồng có bị vi phạm không và các biện pháp khắc phục là gì? bên vi phạm có được miễn trách nhiệm không?

Điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng sẽ xác định cơ quan xét xử và thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Tranh chấp hợp đồng góp vốn có thể được giải quyết bởi tại tòa án và trọng tài Việt Nam, tòa án và trọng tài nước ngoài.

Đặc biệt, đối với hợp đồng góp vốn có yếu tố nước ngoài thì các bên có thể lựa chọn pháp luật nước ngoài điều chỉnh hợp đồng và cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài. Nhưng việc lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp nào lại vô cùng quan trọng: nó có thể rất rủi ro với một bên trong hợp đồng.

Lưu ý: Yếu tố nước ngoài trong hợp đồng góp vốn có thể là:

  • Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
  • Việc thực hiện hợp đồng xảy ra tại nước ngoài;
  • Đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài.

Việc xác định cơ quan giải quyết tranh chấp là quan trọng do nó sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại, chi phí kiện tụng và chi phí thuê luật sư khi theo kiện.

6. Mẫu hợp đồng góp vốn:

Mẫu hợp đồng góp vốn dưới đây được đưa ra chỉ để tham khảo. Tuỳ vào các bên tham gia góp vốn, đối tượng góp vốn, tuỳ vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà các điều khoản của hợp đồng được xây dựng cho phù hợp. Bạn cần xin ý kiến của luật sư để phòng ngừa rủi ro và tranh chấp, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của mình.

>>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng góp vốn

 

Hợp đồng góp vốn rất đa dạng và tương đối phức tạp, đòi hỏi không chỉ kiến thức, kỹ năng, mà còn kinh nghiệm đàm phán, soạn thảo và thực thi hợp đồng.

Có một sự thật là không ít doanh nghiệp nước ta đang phó thác cho nhân viên văn phòng, kết toán soạn thảo những hợp đồng  theo mẫu trên mạng để tiết kiệm chi phí sử dụng dịch vụ luật sư. Thế nên, đa phần họ thường ký những hợp đồng dịch vụ đầy rủi ro pháp lý, dễ phát sinh tranh chấp.

7. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng góp vốn

Công ty Luật Thái An cam kết đem đến chất lượng dịch vụ pháp lý tốt nhất cho khách hàng. Luật sư hợp đồng sẽ thực hiện những công việc sau:

  • Nghiên cứu về lĩnh vực, điều kiện, sản phẩm, dịch vụ mà Hợp đồng điều chỉnh
  • Xác định hình thức, nội dung hợp đồng để phù hợp với quy định của pháp luật
  • Xác định tư cách chủ thể hợp đồng để hợp đồng không bị vô hiệu
  • Xây dựng các điều khoản cần phải có trong hợp đồng; Bảo đảm các điều khoản được soạn thảo một cách chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và có lợi nhất cho khách hàng, với mục đính là:
    • giảm thiểu rủi ro do một bên hoặc các bên không thực hiện cam kết theo hợp đồng
    • giảm thiểu rủi ro về các trường hợp bất khả kháng
    • giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất nếu nó xẩy ra
  • Tiếp thu ý kiến hoặc tiếp nhận thông tin bổ sung từ khách hàng (hoặc đối tác của khách hàng)
  • Thẩm định những ý kiến đóng góp của khách hàng hoặc đối tác của khách hàng
  • Cân bằng lợi ích của các bên (trường hợp đối tác bổ sung ý kiến bất lợi cho khách hàng)

Luật sư Thái An tư vấn, soạn thảo hợp đồng góp vốn theo các chuẩn mực sau:

  • dựa trên yêu cầu cụ thể của từng khách hàng
  • dựa trên bối cảnh cụ thể của từng khách hàng
  • phù hợp với các quy định của pháp luật
  • sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, súc tích, chính xác

Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các dịch vụ gia tăng khác như:

  • Tư vấn đàm phán hợp đồng
  • Tư vấn rà soát hợp đồng
  • Tư vấn thực hiện hợp đồng
  • Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng nhiều phương thức:
    • thương lượng
    • hoà giải
    • yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp
    • yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp
Nguyễn Văn Thanh