Hoà giải ly hôn: Những điều cần biết

Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn ở Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến, số vụ án ly hôn ngày càng gia tăng và chiếm phần lớn trong tổng các vụ án dân sự tại Toà án. Một trong những giải pháp giúp các cặp vợ chồng giải quyết nhanh chóng những khúc mắc trong vấn đề ly hôn đó chính là hoà giải ly hôn. Nếu bạn chuẩn bị kế hoạch ly hôn cho mình thì cần biết hoà giải là một thủ tục bắt buộc.

Vậy hoà giải ly hôn là gì? Khi ly hôn có bắt buộc phải hoà giải không? Hoà giải ly hôn tại toà án hay hoà giải ly hôn ở cơ sở ? ưu điểm của hoà giải ly hôn và gì?.. Những điều cần phải biết khi hoà giải ly hôn sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây để bạn đọc có được cái nhìn chính xác tổng quan và xác định xem hoà giải ly hôn có phải là lựa chọn phù hợp cho vấn đề hôn nhân của bạn hay không.

1. Hoà giải ly hôn là gì?

Hòa giải ly hôn là một phương thức hoà giải trong lĩnh vực dân sự, với sự tham gia của bên thứ ba trung lập, người hòa giải, đảm nhận vai trò là người hướng dẫn, tạo điều kiện để vợ chồng có cơ hội được trình bày nhu cầu và nguyện vọng của mình. Người hoà giải sẽ giúp hai bên vợ chồng mổ xẻ, phân tích mấu chốt của những bất đồng, giúp họ hiểu được quan điểm của nhau một cách toàn diện hơn để từ đó có thể đi đến những quyết định, thoả thuận chung trên tinh thần thiện chí, hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

2. Hoà giải ly hôn có những ưu điểm gì?

Ưu điểm của hoà giải ly hôn là mang lại cho các cặp vợ chồng cảm giác tự chủ và kiểm soát kết quả. Trong khi các thủ tục tố tụng tại Tòa án đặt quyền phán xét vào tay thẩm phán thì hòa giải ly hôn khuyến khích các cá nhân trở thành người kiến ​​tạo nên các thỏa thuận của riêng, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu của họ.

Việc trao quyền này đặc biệt quan trọng khi giải quyết các hậu quả ly hôn như quyền nuôi con, phân chia tài sản và trách nhiệm tài chính, giảm khả năng xảy ra tranh chấp trong tương lai, góp phần mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người liên quan, đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó, hoà giải ly hôn còn giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của các bên so với hình thức giải quyết vụ án ly hôn tại Tòa án.

3. Hoà giải ly hôn thực hiện ở đâu? khi ly hôn có bắt buộc phải hoà giải không?

Đối với việc hoà giải ly hôn sẽ có hai hình thức, một là hoà giải ly hôn ở cơ sở và hai là hoà giải ly hôn tại Toà án:

a. Hoà giải ly hôn tại cơ sở

Pháp luật tại Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Cơ sở ở đây theo được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) (căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013).

Do điều luật quy định “khuyến khích” nên được hiểu là hoà giải ở cơ sở là không bắt buộc.

b. Hoà giải ly hôn tại Toà án

Tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, sau khi thụ lý đơn, Tòa án bắt buộc phải tiến hành hòa giải ly hôn. Quy định này áp dụng đối với thủ tục ly hôn thuận tình cũng như thủ tục ly hôn đơn phương. Chúng tôi sẽ trình bầy cụ thể ở phần sau.

>>> Xem thêm:

Nhiều người hỏi “Hòa giải ly hôn bao nhiêu lần ?“. Có thể có 1 hoặc 2 lần hoài giải: 1 lần hoà giải ly hôn tại cơ sở, 1 lần hoà giải ly hôn tại toà án. Vì hoà giải tại cơ sở là không bắt buộc nên nhiều trường hợp chỉ có 1 lần hoà giài ly hôn tại toà án.

4. Quá trình hoà giải ly hôn diễn ra như thế nào?

Căn cứ Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự, việc hoà giải ly hôn phải dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;
  • Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Bản chất quá trình hòa giải ly hôn là một hoạt động nhằm xác định rõ ràng các vấn đề đồng ý và chưa đồng ý của hai vợ chồng khi ly hôn để đi đến thoả thuận chung. Quá trình này được thực hiện dưới sự hướng dẫn bởi Thẩm phán là người có kinh nghiệm hoà giải.

Tại phiên hoà giải, các mối quan tâm của mỗi bên đều được lắng nghe. Xuyên suốt quá trình hòa giải, Thẩm phán tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại và đảm bảo rằng cả hai vợ chồng đều có tiếng nói. Đây chính là cơ hội để vợ chồng nói rõ quan điểm cũng như mong muốn, nhu cầu của mình trong về hôn nhân, con cái, tài sản chung.

Kết quả của phiên hoà giải có thể là:

  • Trường hợp 1: Vợ chồng không ly hôn nữa mà đoàn tụ với nhau
  • Trường hợp 2: Vợ chồng thoả thuận được về mọi vấn đề liên quan tới ly hôn như kết thúc hôn nhân, quyền trực tiếp nuôi con và cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản chung
  • Trường hợp 3: Vợ chồng KHÔNG thoả thuận được về tất cả hoặc một trong các vấn đề liên quan tới ly hôn như kết thúc hôn nhân, quyền trực tiếp nuôi con và cấp dưỡng nuôi con, việc phân chia tài sản khi ly hôn
Hoà giải ly hôn thuận tình
Hoà giải ly hôn là thủ tục bắt buộc kể cả đối với ly hôn thuận tình. – ảnh: Luật Thái An

5. Hoà giải ly hôn trong thủ tục ly hôn thuận tình

Thủ tục ly hôn thuận tình được quy định tại điều 396, 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án, lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên.

Trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc tham khảo ý kiến này sẽ giúp thẩm phán thụ lý vụ án hiểu rõ hơn về nguyên nhân, tình trạng cuộc sống của vợ chồng để có hướng hòa giải phù hợp.

Toà án sẽ tiến hành hoà giải ly hôn, căn cứ khoản 2 điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Nếu kết quả hoà giải thuộc trường hợp 1 nêu ở phân 3 ở trên thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ chồng, căn cứ khoản 3 điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Điều này có nghĩa vợ chồng quay về với nhau, không ly hôn nữa.

Nếu kết quả hoà giải thuộc trường hợp 2 nêu ở phân 3 ở trên thì căn cứ khoản 4 điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
  • Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc phân chia tài sản khi ly hôn, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
  • Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Nếu kết quả hoà giải thuộc trường hợp 3 nêu ở phân 3 ở trên thì căn cứ khoản 5 điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết việc ly hôn thuận tình, chuyển sang thủ tục ly hôn đơn phương (vợ chồng không phải nộp đơn lại, Thẩm phán đã được phân công giải quyết ly hôn thuận tình sẽ tiếp tục giải quyết vụ án ly hôn đơn phương).

6. Hoà giải ly hôn trong thủ tục ly hôn đơn phương

a. Đơn phương ly hônbắt buộc hoà giải không?

Ly hônbắt buộc hoà giải không trong trường hợp ly hôn đơn phương ? Câu trả lời là CÓ.

Sau khi thụ lý vụ án ly hôn đơn phương, trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn đơn phương thì Toà án sẽ tiến hành hoà giải ly hôn. Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.”

Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được là những vụ án mà người bị yêu cầu ly hôn (bị đơn) được Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt hoặc một trong các đương sự (vợ, chồng) có đơn đề nghị không tiến hành hoà giải (căn cứ điều 206, 207 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Đơn không hoà giải ly hôn không phải là quá phức tạp, tuy nhiên khi viết Đơn không hoà giải ly hôn bạn cần lưu ý các thông tin sau:

  • Thứ nhất, phải ghi đúng vai trò của mình là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ án và thông tin của bị đơn hay nguyên đơn còn lại.
  • Thứ hai, phải nêu ra được lý do thuyết phục Tòa án rằng việc hòa giải không thể hàn gắn, giúp ích được quan hệ hôn nhân của bạn và bạn mong muốn các thủ tục pháp lý được hoàn thành để thủ tục ly hôn nhanh nhất có thể. Ngoài ra, bạn nên có các chứng cứ đi kèm để có thể chứng minh sự không cần thiết của việc hòa giải này.
  • Thứ ba, Đơn không hoà giải ly hôn cần được nộp đến Tòa án trong thời gian chuẩn bị xét xử để Tòa có thời gian xem xét, giải quyết.

>>> Xem thêm: Đơn đề nghị không hoà giải ly hôn

Như vậy, Toà án có trách nhiệm phải thực hiện việc hoà giải ly hôn. Còn có thực hiện được phiên hoà giải hay không còn tuỳ thuộc vào một số vấn đề đã nêu trên:

  • Nếu người bị yêu cầu ly hôn (bị đơn) được Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án sẽ ra quyết định không thể hoà giải ly hôn
  • Nếu một trong các đương sự (vợ, chồng) có đơn đề nghị không tiến hành hoà giải, thì Toà án sẽ không tổ chức phiên hoà giải ly hôn.

b. Hoà giải ly hôn đơn phương như thế nào ?

Quá trình hoà giải khi ly hôn đơn phương sẽ tương tự như hoà giải ly hôn thuận tình. Bên cạnh đó, để hiểu kỹ hơn về tình trạng hôn nhân của vợ chồng, Thẩm phán cũng đặt ra những câu hỏi cho cả hai vợ chồng. Vậy khi hoà giải ly hôn Toà án sẽ hỏi gì? Thông thường, câu hỏi mà Tòa án hay hỏi xoay quanh các vấn đề như các bên có hoà giải về với nhau không? Trường hợp không thể về với nhau thì quan điểm giải quyết của hai bên về các vấn đề hôn nhân, con chung và tài sản chung như thế nào?

Trường hợp sau khi hòa giải vợ chồng quyết định quay về đoàn tụ, thẩm phán sẽ lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ngược lại đối với trường hợp hoà giải ly hôn không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn, có tranh chấp về tài sản, về quyền nuôi con… Thẩm phán thụ lý vụ án sẽ lập biên bản hòa giải ly hôn không thành và tiếp các thủ tục khác để mở phiên tòa xét xử vụ án.

c. Có thể thay đổi kết quả phiên hoà giải ly hôn không ?

Toà án sẽ lập biên bản hoà giải tóm tắt nội dung đã trao đổi, vợ chồng phải ký vào biên bản. Nhiều trường hợp, tại phiên hoà giải vợ hoặc chồng đã đồng ý tất cả vấn đề nhưng sau đó thay đổi ý kiến. Vậy có thể thay đổi kết quả phiên hoà giải ly hôn không ? Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Như vậy, nếu trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà bạn có văn bản yêu cầu thay đổi nội dung hoà giải thì Toà án sẽ chấp nhận yêu cầu này. Còn sau 7 ngày thì không thể thay đổi nữa, Toà án sẽ ra quyết định có hiệu lực pháp luật. Quyết định này sẽ không bị kháng cáo hay kháng nghị. Cụ thể, Điều 213 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

7. Kết luận

Tóm lại, hoà giải ly hôn là một thủ tục bắt buộc trong cả hai trường hợp ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Lý do là các phiên hoà giải tạo thêm một cơ hội để vợ chồng hàn gắn mâu thuân và đoàn tụ với nhau, tránh hôn nhân đổ vỡ. Cũng cần lưu ý là dù đương sự muốn hay không thì Toà án vẫn tiến hành thủ tục hoà giải ly hôn.

Bạn nên tham vấn luật sư trước khi tham gia các phiên hoà giải để hiểu về thủ tục, cách hành xử tại phiên hoà giải, hậu quả pháp lý của các quyết định của mình tại phiên hoà giải. Đó là chưa kể luật sư sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều khi tham gia các phiên làm việc tại Toà án (bao gồm phiên hoà giải) để bảo vệ quyền lợi cho bạn với tư cách khách hàng.

Để có thể tiếp cận tới dịch vụ hỗ trợ pháp lý chyên nghiệp, bạn có thể cân nhắc liên hệ tổng đài hỏi đáp ly hôn hoặc sử dụng dịch vụ giải quyết ly hôn của Công ty Luật Thái An.

Đàm Thị Lộc