Vốn điều lệ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật

Hợp tác xã là một trong những mô hình tổ chức kinh tế được nhiều tổ chức lựa chọn và dần trở nên phổ biến. Chính vì vậy, các vấn đề của hợp tác xã ngày càng được mọi người quan tâm, tìm hiểu. Đặc biệt là vấn đề về vốn điều lệ của hợp tác xã. Để làm rõ hơn vấn đề này Công ty Luật Thái An – công ty luật có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn luật doanh nghiệp, luật hợp tác xã và tư vấn pháp luật kinh doanh nói chung sẽ tư vấn về vốn điều lệ của hợp tác xã trong bài viết dưới đây:

1. Thế nào là vốn điều lệ của hợp tác xã ?

Vốn điều lệ của hợp tác xã là tổng số vốn do thành viên, hợp tác xã thành viên góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định.

Cơ sở pháp lý điều chỉnh vốn điều lệ của hợp tác xã là Luật hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã, Nghị định 107/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của của Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

3. Tài sản góp vốn điều lệ của hợp tác xã

Vốn góp là tiền đồng Việt Nam hoặc các tài sản khác mà có thể chuyển đổi thành tiền đồng Việt Nam tương đương giá trị như ngoại tệ, quyèn sử dụng đất,… hay các loại giấy tờ pháp lý tại thời điểm góp vốn là hợp pháp.

Các loại tài sản khác không phải tiền mặt được xác định giá trị thực tế góp vốn theo nguyên tác thoả thuận giữa các thành viên với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc có thể nhờ đến tổ chức thẩm định giá.

4. Tỷ lệ góp vốn điều lệ của hợp tác xã

Đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên được thực hiện theo sự thỏa thuận và theo quy định của điều lệ hợp tác xã, tuy nhiên vốn góp của thành viên không được vượt quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

===>>> Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã

Đối với liên hiệp hợp tác xã, vốn điều lệ của hợp tác xã thành viên cũng được thực hiện theo sự thỏa thuận và theo quy định của điều lệ, tuy nhiên pháp luật cũng khống chế tỉ lệ góp vốn này với quy định vốn điều lệ của hợp tác xã thành viên không được vượt quá 30% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã.

Các hình thức góp vốn hợp tác xã
Có thể góp vốn hợp tác xã bằng nhiều cách. – ảnh: Luật Thái An

5. Tăng giảm vốn điều lệ của hợp tác xã

Pháp luật có quy định về việc tăng hoặc giảm vốn điều lệ của hợp tác xã.

a. Tăng vốn điều lệ của hợp tác xã

Khoản 1 Điều 43 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định như sau về tăng vốn điều lệ hợp tác xã::

Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tăng trong trường hợp đại hội thành viên quyết định tăng mức vốn góp tối thiểu hoặc huy động thêm vốn góp của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới.

Theo đó, Hợp tác xã có thể tăng vốn điều lệ nếu đại hội thành viên quyết định:

  • tăng mức vốn góp tối thiểu
  • huy động thêm vốn góp của thành
  • kết nạp thành viên mới.

Thủ tục tăng vốn điều lệ Hợp tác xã được thực hiện thế nào?

Khi có thay đổi về vốn điều lệ Hợp tác xã phải đăng ký với cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính (căn cứ quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BHKĐT), theo đó Hợp tác xã nộp 01 bộ hồ sơ gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã;
  • Nghị quyết của đại hội thành viên hoặc quyết định của hội đồng quản trị về việc thay đổi nội dung đăng ký hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã.

Hợp tác xã phải nộp hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Hợp tác xã có sự thay đổi về vốn điều lệ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký hợp tác xã thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã cho hợp tác xã. Nếu không thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã thì cơ quan đăng ký hợp tác xã thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho hợp tác xã biết.

Trường hợp sau khi huy động vốn từ thành viên mà chưa đủ vốn cần thiết, hợp tác xã  huy động vốn từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật và điều lệ, đó là:

  • Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: gồm các khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước được tính vào tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
  • Hỗ trợ từ các nguồn có yếu tố nước ngoài: Việc quản lý, sử dụng các khoản trợ cấp, hỗ trợ có yếu tố nước ngoài phải phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

b. Giảm vốn điều lệ của hợp tác xã

Khoản 2 Điều 43 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định như sau về giảm vốn điều lệ hợp tác xã:

Vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giảm khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên.

Trường hợp vốn điều lệ giảm mà có thành viên, hợp tác xã thành viên có vốn góp vượt quá mức vốn góp tối đa theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 của Luật này thì phải trả lại phần vốn vượt mức vốn góp tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này hoặc huy động thêm vốn của thành viên, hợp tác xã thành, viên khác hoặc kết nạp thành viên, hợp tác xã thành viên mới để bảo đảm về tỷ lệ vốn góp tối đa theo quy định của Luật này và điều lệ.

Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ sau khi giảm không được thấp hơn vốn pháp định áp dụng đối với ngành, nghề đó.”

Như vậy, Hợp tác xã giảm vốn điều lệ khi trả lại vốn góp cho thành viên, hợp tác xã thành viên. 

Nếu vốn điều lệ giảm mà có thành viên góp vốn quá mức vốn góp tối đa 20% thì phải trả lại phần vốn vượt mức vốn góp tối đa.

Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định thì vốn điều lệ sau khi giảm không được thấp hơn vốn pháp định áp dụng đối với ngành, nghề đó.

Thủ tục giảm vốn điều lệ hợp tác xã tương tự như thủ tục tăng vốn.

Quy định hiện hành về tăng vốn hợp tác xã, giảm vốn hợp tác xã
Quy định hiện hành về tăng vốn hợp tác xã, giảm vốn hợp tác xã

6. Trích lập quỹ từ vốn điều lệ của hợp tác xã

Khi đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hàng tháng sẽ được trích lập quỹ đầu tư phát triển với tỷ lệ không được thấp hơn 20% trên thu nhập và trích lập quỹ dự phòng tài chính với tỷ lệ không được thấp hơn 5% trên thu nhập;

7. Quyền và nghĩa vụ của thành viên có phần vốn góp trong hợp tác xã

a. Quyền của thành viên có phần đóng góp trong vốn điều lệ của hợp tác xã

  • Thành viên, hợp tác xã thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau mà sẽ không phụ thuộc số vốn góp khi tham gia quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các thành viên sẽ được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, các thông tin khác theo quy định của điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã một đầy đủ, kịp thời, chính xác
  • Thành viên, hợp tác xã thành viên sẽ phải trả lại số vốn góp khi rời hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ.

b. Nghĩa vụ của thành viên có phần đóng góp trong vốn điều lệ của hợp tác xã

  • Góp đủ, đúng thời hạn số vốn góp như đã cam kết.
  • Chịu trách nhiệm với các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phạm vi vốn đã góp của mình.
  • Nếu các thành viên, hợp tác xã thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ, thành viên đó sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên.

8. Chuyển nhượng vốn hợp tác xã được không ?

Luật Hợp tác xã 2012 không có quy định về quyền của thành viên hợp tác xã xã viên trong chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho chủ thể khác. Như vậy, theo pháp luật hiện hành, thành viên hợp tác xã không thể chuyển nhượng vốn góp của mình cho thành viên khác trong hợp tác xã được. Pháp luật không cho phép chuyển nhượng vốn hợp tác xã.

Khi một thành viên không còn có nhu cầu là thành viên của hợp tác xã nữa sẽ được rút vốn, nếu có chủ thể muốn gia nhập hợp tác xã phải làm đơn xin gia nhập hợp tác xã và sẽ được xem xét. Khi chấm dứt tư cách là thành viên của hợp tác xã, xã viên được trả lại vốn góp.

9. Trả lại vốn hợp tác xã:

Pháp luật quy định các trường hợp trả lại vốn điều lệ của hợp tác xã như sau:

  • Trả lại vốn góp hợp tác xã khi chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã
  • Trả lại vốn góp hợp tác xã khi phần vốn vượt quá
  • Trả lại vốn góp hợp tác xã khi hợp tác xã bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản

===>>> Xem thêm: Các trường hợp trả lại vốn hợp tác xã

10. Thừa kế vốn gop trong hợp tác xã

Khoản 2 Điều 18 Luật hợp tác xã năm 2012 quy định:

Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật này và điều lệ, tự nguyện tham gia hợp tác xã thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia hợp tác xã thì được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Như vậy nếu một người là thành viên hợp tác xã qua đời thì người thừa kế của người đó được hưởng thừa kế phần vốn góp trong hợp tác xã. Nếu người thừa kế mong muốn trở thành thành viên hợp tác xã thì có thể làm đơn xin gia nhập.

Trường hợp người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho hợp tác xã thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của hợp tác xã.

vốn điều lệ của hợp tác xã
Nhiều người hỏi Luật Thái An về việc chuyển nhượng, thừa kế, rút vốn góp hợp tác xã. – ảnh: Luật Thái An

11. Tài sản không chia thuộc vốn điều lệ của hợp tác xã

a. Tài sản không chia của hợp tác xã là gì?

Tài sản không chia của hợp tác xã là một bộ phận tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được chia cho thành viên, hợp tác xã thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên hoặc khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động.

Tài sản không chia của hợp tác xã được quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Hợp tác xã năm 2012 như sau:

“Điều 48. Tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm:

a) Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

b) Khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia;

c) Phần trích lại từ quỹ đầu tư phát triển hằng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia;

d) Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia”.

Xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể
Xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể. – ảnh minh hoạ: Internet

b. Xử lý tài sản không chia khi giải thể, phá sản

Theo Điều 21 Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật hợp tác xã và Nghị định 107/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, tài sản không chia của hợp tác xã khi hợp tác xã giải thể, phá sản được xử lý như sau:

  • Phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước thì chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã.
  • Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm: Có hai loại phần tài sản không chia mà hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm của hợp tác xã và được Đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia thuộc một trong hai trường hợp: tài sản không được chia khi một người chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã và tài sản không được chia khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động. Hai loại tài sản không chia này sẽ được xử lý như sau:
    • Phần tài sản không chia khi chấm dứt tư các thành viên hợp tác xã được đại hội thành viên quyết định phương án xử lý thích hợp.
    • Phần giá trị tài sản không chia khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì được chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác (ưu tiên bàn giao lại cho các hợp tác xã) nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn.
  • Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.

c. Xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể, phá sản

Trường hợp giải thể, phá sản mà tài sản của hợp tác xã không đủ để thanh toán các khoản nợ thì hợp tác xã được sử dụng tài sản không chia để thanh toán các khoản nợ theo thứ tự sau đây:

  • Khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia;
  • Phần trích từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia;
  • Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.

 

Luật sư tư vấn về vốn điều lệ hợp tác xã đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ thành lập và hoạt động của hợp tác xã. Họ cung cấp kiến thức chuyên môn về các quy định pháp lý liên quan đến vốn điều lệ, giúp hợp tác xã định hình kích thước vốn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của pháp luật và đảm bảo lợi ích cho các thành viên. Luật sư còn tư vấn trong việc phân phối và quản lý vốn, cũng như xử lý các vấn đề pháp lý có thể phát sinh, qua đó giúp hợp tác xã vận hành hiệu quả và ổn định lâu dài.

Nguyễn Văn Thanh