Trợ cấp mất việc: Tổng hợp các quy định cần biết !

Trong bối cảnh thị trường lao động biến động, việc hiểu rõ về trợ cấp mất việc là cần thiết cho mọi người lao động. Bài viết này của Công ty Luật Thái An v nhằm mục đích cung cấp thông tin toàn diện về quyền lợi và cách thức để nhận trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề trợ cấp mất việc

Cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề trợ cấp mất việc là các văn bản pháp luật sau đây:

2. Trợ cấp mất việc là gì?

Trợ cấp mất việc có thể hiểu là khoản hỗ trợ tài chính từ Người sử dụng lao động dành cho người lao động khi cho người lao động thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; hoặc khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã

Mục đích là giúp họ ổn định tài chính trong quá trình tìm kiếm công việc mới.

3. Điều kiện để nhận trợ cấp mất việc

Đối với quy định về điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm thì tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể như sau:

  1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

  2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

  3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

  4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động mà đáp ứng đủ các điều kiện:

  • Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
  • Bị mất việc làm vì các lý do sau:
    • Thay đổi cơ cấu, công nghệ: Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh;
    • Lý do kinh tế: Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;
    • Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
    • Bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
    • Chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
trợ cấp mất cấp
Các điều kiện để người lao động được nhận trợ cấp mất việc -Nguồn: Luật Thái An

4. Cách tính trợ cấp mất việc làm như thế nào?

Theo Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì người lao động đủ điều kiện sẽ được nhận mức trợ cấp mất việc làm cho mỗi năm làm việc bằng 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

Cụ thể:

Mức trợ cấp mất việc làm = Thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp x Tiền lương tháng tính hưởng trợ cấp

4.1. Cách xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc 

Về thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm thì tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định rằng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp) và thời gian đã được chỉ trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Cách tính thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc cụ thể như sau:

Thời gian làm việc tính trợ cấp = Tổng thời gian làm việc thực tế – Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian làm việc đã được trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm

Trong đó:

  • Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế gồm:
    • Thời gian trực tiếp làm việc;
    • Thời gian thử việc;
    • Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
    • Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản;
    • Thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương;
    • Thời gian nghỉ để thực hiện nghĩa vụ công mà được người sử dụng lao động trả lương;
    • Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;
    • Thời gian nghỉ hằng tuần;
    • Thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương;
    • Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động;
    • Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
  • Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:
    • Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
    • Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm được tính theo năm (đủ 12 tháng) nên các trường hợp lẻ tháng sẽ được làm tròn: Nếu có tháng lẻ ít hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; Nếu trên 06 tháng được tính bằng 01 năm.

4.2. Cách xác định tiền lương tháng để tính trợ cấp mất việc làm 

Theo quy định khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tiền lương tháng tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

Trường hợp người lao động làm việc theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau thì tiền lương tính trợ cấp mất việc làm được xác định như sau:

  • Là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.
  • Nếu hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên vô hiệu (vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức tối thiểu vùng hoặc mức trong thỏa ước lao động tập thể) thì tiền lương tính trợ cấp sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu vùng hoặc mức lương theo thỏa ước lao động tập thể.

5. Nghỉ việc bao lâu thì được nhận trợ cấp mất việc?

Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

Theo đó, với trường hợp thông thường, người lao động chỉ mất tối đa 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ nhận được trợ cấp mất việc (nếu có). Trong một số trường hợp đặc biệt, người lao động có thể phải chờ đến 30 ngày để nhận trợ cấp thôi việc.

6. Trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc có gì khác nhau?

Trợ cấp mất việc và trợ cấp thôi việc là hai loại trợ cấp khác nhau. Trợ cấp thôi việc được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Hết hạn hợp đồng lao động
  • Người lao động đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  • Người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
  • Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
  • Nếu người sử dụng lao động là cá nhân thì hợp đồng lao động chấm dứt khi người sử dụng lao động chết, mất năng lực hành vi dân sự (phải có tuyên bố của Tòa án), người sử dụng lao động mất tích; Nếu người sử dụng lao động là một pháp nhân thì khi pháp nhân đó chấm dứt hoạt động thì phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
  • Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc cũng khác so với trợ cấp mất việc. Để tìm hiểu thêm, bạn tham khảo bài viết sau:

7. Doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động có bị xử phạt hành chính không?

Hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấpmất việc cho người lao động là hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người lao động. Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc cho người lao động có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền:

“2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:… không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định tại khoản 2 Điều này;”

8. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn hưởng trợ cấp thôi việc

Khi đối mặt với tình huống thôi việc và nhận trợ cấp, việc tìm hiểu và hiểu rõ quyền lợi của mình là vô cùng quan trọng. Sử dụng dịch vụ luật sư không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động mà còn đảm bảo rằng họ nhận được toàn bộ số trợ cấp mà họ xứng đáng nhận được. Dưới đây là một số vai trò:

  • Xác Định Đúng Quyền Lợi: Luật sư có thể giúp xác định chính xác quyền lợi và số tiền trợ cấp mà người lao động có thể nhận được, đảm bảo họ không bị thiệt thòi trong quá trình này.

  • Hỗ Trợ Trong Trường Hợp Có Tranh Chấp: Nếu có tranh chấp với người sử dụng lao động về việc hưởng trợ cấp, luật sư có thể đại diện và hỗ trợ bạn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
  • Tư Vấn và Hỗ Trợ Hồ Sơ: Việc chuẩn bị hồ sơ yêu cầu trợ cấp mất việc làm đòi hỏi sự chính xác và đầy đủ. Một luật sư có thể hỗ trợ bạn trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ, giúp tránh những sai sót có thể dẫn đến trì hoãn hoặc từ chối hỗ trợ.
  • Tư Vấn Pháp Lý Đa Chiều: Ngoài vấn đề trợ cấp mất việc, một luật sư cũng có thể tư vấn về các vấn đề pháp lý khác liên quan, như quyền lợi BHXH, BHYT, và quyền lợi khác sau khi mất việc.
  • Tiết Kiệm Thời Gian và Công Sức: Việc tìm hiểu pháp luật và thủ tục có thể mất nhiều thời gian và công sức. Luật sư giúp tiết kiệm thời gian này và giúp quá trình diễn ra suôn sẻ hơn.
  • Hỗ Trợ Tâm Lý: Mất việc làm có thể là một trải nghiệm căng thẳng. Sự hỗ trợ của một luật sư không chỉ mang lại lợi ích pháp lý mà còn có thể giúp giảm bớt áp lực tâm lý cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

Kết luận: Trong bối cảnh pháp luật và thị trường lao động ngày càng phức tạp, việc sử dụng dịch vụ của một luật sư chuyên nghiệp không chỉ là một lựa chọn khôn ngoan mà còn là một biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong quá trình thôi việc và nhận trợ cấp mất việc.

Bui Linh