Thi hành án dân sự như thế nào ?

Thi hành án là công tác cuối cùng trong quá trình giải quyết một vụ án và là giai đoạn rất quan trọng trong việc lấy lại tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Vậy thi hành án dân sự là gì và làm thế nào để thi hành án dân sự? Vấn đề này sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây của Công ty Luật Thái An.:

1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về thi hành án dân sự

Cơ sở pháp lý điều chỉnh các quy định về thi hành án dân sự là các văn bản pháp lý sau đây:

2. Thi hành án dân sự là gì?

Sau khi có bản án có hiệu lực, các đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận.

Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.

3. Trước khi yêu cầu thi hành án dân sự cần lưu ý những điều gì?

Trước khi yêu cầu thi hành án dân sự thì khách hàng cần lưu ý các vấn đề sau:

3.1. Xác định loại bản án, quyết định yêu cầu thi hành án có hiệu lực thi hành:

  • Xem xét bản án, quyết định yêu cầu thi hành án có thuộc các bản án, quyết định quy định tại Điều 1 Luật Thi hành án dân sự không? Cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định quy định tại Điều 1 Luật Thi hành án dân sự.
  • Xem xét bản án, quyết định yêu cầu thi hành án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa có hiệu lực pháp luật? (căn cứ Khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự)
  • Đối với quyết định của Chủ tịch ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch úy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, cần căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và khoản 1 Điều 115 Luật Cạnh tranh năm 2018 để xem xét quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật chưa? Theo đó các quyết định này sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án thì có hiệu lực thi hành.
  • Đối với phán quyết của Trọng tài thương mại thì cần căn cứ vào khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 để xem xét.

3.2. Xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự

Về nguyên tắc bản án, quyết định được tổ chức thi hành án dân sự theo yêu cầu của đương sự khi bản án, quyết định đó còn thời hiệu yêu cầu thi hành án. Việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án được căn cứ vào Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

“1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”

3.3. Xác định thẩm quyền thi hành án dân sự

Thẩm quyền thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự được quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự, Điều 8 của Luật Trọng tài thương mại và khoản 2 Điều 115 Luật Cạnh tranh năm 2018.

3.4. Xác định quyền yêu cầu thi hành án dân sự

Tại Điều 7 và Điều 7a Luật Thi hành án dân sự quy định “Đương sự có quyền yêu cầu thi hành án”. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án.

3.5. Xác định nội dung yêu cầu thi hành án dân sự

Nội dung yêu cầu thi hành án là phần quyền lợi hoặc nghĩa vụ được ghi nhận trong phần quyết định của bản án, quyết định đưa ra thi hành. Các nội dung yêu cầu thi hành án phải phù hợp với nội dung của bản án, quyết định; không yêu cầu những nội dung không liên quan đến bản án, quyết định.

4. Thi hành án dân sự như thế nào?

Bước 1: Soạn thảo và gửi đơn yêu cầu thi hành án

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:

1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan.

Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

e) Ngày, tháng, năm làm đơn;

g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.

3. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.”

Theo đó, để yêu cầu thi hành án, sau khi có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì Người yêu cầu cần soạn mẫu đơn yêu cầu thi hành án với các nội dung theo khoản 2 Điều 31 nêu trên ( tham khảo Mẫu số D04-THADS ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp) và ký tên/điểm chỉ của người làm đơn. Nếu là pháp nhân thì người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của pháp nhân nếu có (quy định tại điểm g khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự).

===>>> Xem thêm:Mẫu đơn yêu cầu thi hành án dân sự

Ngoài ra, căn cứ vào khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, Luật sư cung có thế là người đứng tên trong đơn yêu cầu thi hành án và ký vào đơn yêu cầu thi hành án nếu được người có quyền yêu cầu thi hành án ủy quyền hợp pháp.

Các phương thức yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định pháp luật
Các phương thức yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định pháp luật – Nguồn: Luật Thái An

Về phương thức yêu cầu thi hành án dân sự: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014), đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức sau:

  • Trực tiếp nộp đơn;
  • Trình bày bằng lời nói;
  • Gửi đơn qua bưu điện.

Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

Lưu ý, khi gửi đơn yêu cầu thi hành án cần gửi theo bản án, quyết định và tài liệu có liên quan như biên bản xác minh điều kiện thi hành án, văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm, nếu có…

Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu thi hành án và ra quyết định thi hành án dân sự

a. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu thi hành án dân sự

 Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.

Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, trong mọi trường hợp nếu yêu cầu thi hành án thỏa mãn các quy định tại khoản 1, 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án phải tiếp nhận yêu cầu thi hành án của người yêu cầu.

Khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:

“5. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này;

b) Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;

c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.”

Các trường hợp cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu
Các trường hợp cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu – Nguồn: Luật Thái An

Vậy nên, khi người yêu cầu nộp đơn, hồ sơ yêu cầu thi hành án dân sự hợp lệ và không thuộc một trong các trường hợp bị từ chối yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án phải tiếp nhận yêu cầu thi hành án của người yêu cầu. Trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.

Lưu ý, đối với trường hợp từ chối yêu cầu thi hành án khi người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các đương sự theo điểm a khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự thì cần xem xét đến khoản 4 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.

b. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thi hành án

  • Thời hạn ra quyết định thi hành án: 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.
  • Người ký quyết định: Là Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nếu được Thủ trưởng ủy quyền theo quy định tại Điều 23, Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.

“Điều 36. Ra quyết định thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Đối với quyết định quy định tại điểm đ khoản này thì phải ra ngay quyết định thi hành án.

Đối với quyết định quy định tại điểm e khoản này thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.

3. Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành bản án, quyết định; tên, địa chỉ của người phải thi hành án, người được thi hành; phần nghĩa vụ phải thi hành án; thời hạn tự nguyện thi hành án.”

Bước 3: Ban hành thông báo thi hành án và gửi quyết định thi hành án

a. Thông báo thi hành án

Thông báo về thi hành án do cơ quan thi hành án hoặc Thừa phát lại thực hiện theo Điều 39, 40, 41, 42, 43 Luật Thi hành án dân sự và Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015; khoản 7 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016.

Thời hạn thông báo theo khoản 2 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự là 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

 Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:

  • Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
  • Niêm yết công khai;
  • Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu.

Chủ thể thực hiện thông báo: Theo quy định của pháp luật, chủ thể thực hiện việc thông báo văn bản trong thi hành án rất đa dạng có thể là Chấp hành viên, Thư ký thi hành án, Thừa phát lại hoặc Thư ký thừa phát lại, bưu tá, tổ trưởng tổ dân phố, thủ trưởng đơn vị… Trường họp tổ trưởng tổ dân phố, thủ trưởng đơn vị giao cho khách hàng của Luật sư các loại văn bản cần thông báo thì Luật sư cũng không nên tư vấn cho khách hàng khiếu nại về vấn đề này.

b. Gửi quyết định về thi hành án:

Quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho UBND cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.

c. Thời hạn tự nguyện thi hành án

Theo Điều 45 Luật Thi hành án dân sự thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án

Nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là nghĩa vụ của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 4 Điều 20 và Điều 44 Luật Thi hành án dân sự.

  • Thời hạn xác minh

Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án được quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự là 10 ngày, kể từ ngày hết thời gian tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.. Thời gian tự nguyện thi hành án được ấn định ngay trong Quyết định thi hành án.

Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.

  • Thời hạn xác minh lại: Thời hạn xác minh lại được quy định khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP:

“Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án;

Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.

Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.”

  • Địa điểm xác minh: Địa điểm xác minh đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng là nơi cơ quan có thẩm quyền quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự.

Ví dụ, biên bản xác minh về quyền sở hữu nhà, sử dụng đất của người phải thi hành án thì địa điểm xác minh phải là Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 5: Cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thi hành án (nếu cần)

Căn cứ Điều 46 Luật Thi hành án dân sự quy định: Khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Bước 6: Thanh toán tiền thi hành án

Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền để người thi hành án giao nhà là chỗ ở duy nhất có thể thuê nhà trong thời hạn 01 năm, được thanh toán theo thứ tự sau đây:

  • Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;
  • Án phí;
  • Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
Các bước thi hành án dân sự
Các bước cơ bản để thi hành án dân sự theo quy định pháp luật – Nguồn: Luật Thái An

Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

  •  Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
  • Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
  • Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.

Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

Bước 7: Kết thúc thi hành án

Sau khi đã lấy lại được tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành các thủ tục cần thiết khác để trả lại tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp cho được thi hành án.

Theo Điều 52 Luật Thi hành án dân sự thì việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong trường hợp sau đây:

  • Trường hợp 1: Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
  • Trường hợp 2:  Có quyết định đình chỉ thi hành án.

Theo khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự quy định các trường hợp đình chỉ thi hành án như sau:

“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;
b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

c) Đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này;
đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;
e) Có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án;
g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;
h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên.”

 

Trên đây là những công việc cơ bản của Luật sư tại phiên tòa dân sự phúc thẩm. Để được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn. Luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

5. Dịch vụ thuê luật sư của Công ty Luật Thái An

Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác thi hành án dân sự, Công ty luật Thái An hội tụ được nhiều luật sư giỏi chuyên môn, hành nghề lâu năm kết hợp với các luật sư trẻ nhiệt tình cùng các chuyên viên pháp lý năng động… sẵn sàng hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền lợi trong việc yêu cầu thi hành dân sự.

Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp  dịch vụ khởi kiện được đông đảo khách hàng tin tưởng lựa chọn sử dụng. Quý khách hàng vui lòng tham khảo bài viết Quy trình dịch vụ thuê luật sư khởi kiện vụ án để có thêm thông tin.

Quý khách vui lòng xem Bảng giá dịch vụ khởi kiện vụ án.

Bạn cũng có thể tham khảo dịch vụ luật sư tranh tụng uy tín của Luật Thái An tại LINK NÀY.

>>> HÃY GỌI NGAY TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ KỊP THỜI!

Nguyễn Văn Thanh