Hướng dẫn ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc các cặp vợ chồng đa quốc tịch không còn là chuyện hiếm. Trong đó, khi nhiều cặp vợ chồng lựa chọn ly hôn thì vấn đề ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài trở nên phổ biến hơn.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài, các vấn đề pháp lý có thể gặp phải, thủ tục và giải pháp.

1. Khái niệm ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương là ly hôn theo yêu cầu của một bên (người vợ hoặc người chồng).

Cần lưu ý rằng ly hôn đơn phương là VỤ ÁN dân sự và được giải quyết tại Toà án có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong vụ án ly hôn đơn phương, người yêu cầu ly hôn là nguyên đơn, người bị yêu cầu ly hôn là bị đơn.

Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản với ly hôn thuận tình (là VỤ VIỆC dân sự).

Chi tiết có tại bài viết sau:

>>> Xem thêm: Ly hôn đơn phương là gì?

2. Yếu tố nước ngoài trong ly hôn đơn phương

Yếu tố nước ngoài xuất hiện khi ít nhất một trong hai bên có quốc tịch hoặc thường trú ở nước ngoài.

Việc này tạo ra các vấn đề pháp lý như: áp dụng pháp luật của nước nào? việc thừa nhận và thi hành án ly hôn? Việc giải quyết tranh chấp phân chia tài sản, quyền nuôi con tại nước ngoài (nếu có) sẽ làm cho việc ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài càng trở nên phức tạp.

Các trường hợp ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài rất đa dạng:

  • Ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở Việt Nam với công dân Việt Nam ở nước ngoài (ly hôn đơn phương với người đang ở nước ngoài)
  • Ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở nước ngoài với công dân Việt Nam ở nước ngoài (ly hôn đơn phương khi đang ở nước ngoài)
  • Ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở Việt Nam với người nước ngoài (ly hôn đơn phương với người nước ngoài)
  • Ly hôn đơn phương giữa hai công dân nước ngoài cư trú tại Việt Nam

Thẩm quyền giải quyết ly hôn trong các trường hợp trên là khác nhau, thủ tục cũng khác. Chúng tôi sẽ tư vấn sau đây:

3. Ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở Việt Nam với công dân Việt Nam ở nước ngoài (ly hôn đơn phương với người đang ở nước ngoài)

a. Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương với người đang ở nước ngoài

Trường hợp công dân Việt Nam ở Việt Nam ly hôn với công dân Việt Nam đang ở nước ngoài (còn gọi là ly hôn với người Việt Nam đang ở nước ngoài hoặc ly hôn với người đang ở nước ngoài) thì Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.

Do thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nên toà án cấp tỉnh (toà án tỉnh hoặc toà án thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết (căn cứ Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Do thuộc trường hợp ly hôn đơn phương nên toà án cấp tỉnh nơi người vợ hoặc người chồng ở Việt Nam cư trú (có thể là thường trú hoặc tạm trú) có thẩm quyền giải quyết (căn cứ điểm c khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015):

Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

b. Thủ tục đơn phương ly hôn với người đang ở nước ngoài

Thủ tục ly hôn đơn phương với người đang ở nước ngoài gồm các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đơn phương ly hôn với người đang ở nước ngoài gồm:

  • Đơn ly hôn đơn phương (Đơn khởi kiện ly hôn)
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính)
  • Hộ chiếu, căn cước công dân của vợ, chồng
  • Xác nhận nơi cú trú của bị đơn tại nước ngoài
  • Giấy khai sinh của con (nếu có con chung)
  • Giấy tờ về đăng ký, sở hữu tài sản chung vợ chồng nếu yêu cầu Toà án chia tài sản

Lưu ý: Nếu bạn đăng ký kết hôn ở nước ngoài sẽ phải làm thủ tục ghi chú kết hôn theo quy định tại Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP (công nhận việc kết hôn ở nước ngoài)

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Toà án

Bước tiếp theo là nộp đơn ly hôn và các tài liệu kèm theo tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Bạn cần hiểu rõ Toà án có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn của mình: Nếu bạn nộp hồ sơ sai địa chỉ thì Toà án sẽ trả lại đơn, do đó bạn sẽ mất rất nhiều thời gian.

Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện.

>>> Xem ngay: Cách nộp đơn ly hôn đơn phương

Bước 3: Tòa án xem xét hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.

Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định thì Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Hết thời hạn quy định mà người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ đính kèm.

Bước 4: Tòa án thụ lý

Trường hợp xét thấy hồ sơ ly hôn với người đang ở nước ngoài đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện như sau:

  • Thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;
  • Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí;

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu.

Bước 5: Tòa án mở phiên họp giải quyết vụ việc

Sau khi thụ lý, vụ án ly hôn đơn phương với người đang ở nước ngoài sẽ bước vào giai đoạn chuẩn bị xét xử. Theo điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, trường hợp ly hôn đơn phương sẽ có thời gian chuẩn bị xét xử là 4 tháng. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 02 tháng.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán sẽ tiến hành các bước sau đây:

  • Lập hồ sơ vụ án;
  • Làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án;
  • Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự. Do người bị yêu cầu ly hôn (bị đơn) đang ở nước ngoài, toà án sẽ phải thực hiện uỷ thác tư pháp tức là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chuyển thông báo, giấy triệu tập của toà án tới bị đơn bằng các cách sau:
    • Theo đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài;
    • Theo đường dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán) để tống đạt cho đương sự là công dân Việt Nam ở nước ngoài;
    • Trường hợp các phương thức tống đạt trên không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai tại Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
  • Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử nêu trên, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

  • Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
  • Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
  • Đình chỉ giải quyết vụ án;
  • Đưa vụ án ra xét xử.

Trường hợp hòa giải không thành mà vụ án không thuộc trường hợp đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 6: Xét xử tại Tòa án

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ly hôn đơn phương với người đang ở nước ngoài ra xét xử, Tòa án mở phiên tòa. Thời hạn 01 tháng này có thể kéo dài thành 02 tháng nếu có lý do chính đáng.

Lưu ý về sự có mặt của đương sự tại phiên toà:

  • Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
  • Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
    • Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
    • Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
    • Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các bên đương sự được Tòa án cấp trích lục bản án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án giao hoặc gửi bản án cho cho các đương sự.

Bản án sẽ quyết định những vấn đề sau:

ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài
Ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài là vụ việc rất phức tạp cần có người tư vấn đề quyền lợi của bạn được đảm bảo cao nhất – Ảnh minh họa: Internet.

4. Ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở nước ngoài với công dân Việt Nam ở nước ngoài (ly hôn đơn phương khi đang ở nước ngoài)

a. Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở nước ngoài với công dân Việt Nam ở nước ngoài (ly hôn đơn phương khi đang ở nước ngoài)

Trường hợp cả hai vợ chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài ly hôn thì Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết không ?

Ở đây có hai trường hợp:

  • Nếu hai vợ chồng cùng ở một nước (thí dụ cùng ở nước Đức) thì Toà án Đức có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
  • Nếu hai vợ chồng ở hai nước khác nhau (thí dụ một người ở Đức, một người ở Nga) thì Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết

căn cứ khoản 3 điều 127 Luật hôn nhân gia đình 2014:

Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

Trong trường hợp Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết thì toà án cấp tỉnh (toà án tỉnh hoặc toà án thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết (căn cứ Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

Do thuộc trường hợp ly hôn đơn phương nên toà án cấp tỉnh nơi người yêu cầu ly hôn (nguyên đơn) tạm trú (khi về Việt Nam) có thẩm quyền giải quyết (căn cứ điểm c khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015):

Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

b. Thủ tục ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở nước ngoài với công dân Việt Nam ở nước ngoài (ly hôn đơn phương khi đang ở nước ngoài)

Trường hợp Toà án Việt Nam giải quyết việc ly hôn, thủ tục ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở nước ngoài với công dân Việt Nam ở nước ngoài tương tự như thủ tục ly hôn đã trình bầy ở trên, chỉ lưu ý một số điều sau:

  • Nguyên đơn buộc phải về Việt Nam để yêu cầu Toà án giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương của mình.
  • Nguyên đơn phải nộp kèm theo Đơn khởi kiện ly hôn giấy xác nhận tạm trú tại Việt Nam của mình
  • Hộ chiếu của bị đơn phải được xác nhận bởi Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài

5. Ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở Việt Nam với người nước ngoài (ly hôn đơn phương với người nước ngoài)

a. Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở Việt Nam với người nước ngoài (ly hôn đơn phương với người nước ngoài)

Tuỳ vào nơi cư trú của người vợ và người chồng mà có một vài trường hợp ly hôn với người nước ngoài và thẩm quyền giải quyết trong từng trường hợp như sau (căn cứ Điều 127 Luật hôn nhân gia đình 2014):

  • Trường hợp 1: Cả hai vợ chồng ở nước ngoài và ở cùng một nước: Toà án nước hai người đang cư trú có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
  • Trường hợp 2: Cả hai vợ chồng ở nước ngoài và ở hai nước khác nhau: Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
  • Trường hợp 3: Một người ở nước ngoài, một người ở Việt Nam: Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn
  • Trường hợp 4: Cả hai vợ chồng ở Việt Nam: Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn

Như vậy, toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn với người nước ngoài trong hầu hết các trường hợp, trừ trường hợp cả hai vợ chồng ở cùng một nước khác ngoài Việt Nam.

Do thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài nên toà án cấp tỉnh (toà án tỉnh hoặc toà án thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết (căn cứ Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015):

  • Nếu bị đơn ở Việt Nam thì toà án cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn với người nước ngoài
  • Nếu bị đơn không ở Việt Nam thì toà án cấp tỉnh nơi nguyên đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn với người nước ngoài
ly hôn đơn phương với người nước ngoài
Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương với người nước ngoài – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

b. Thủ tục ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở Việt Nam với người nước ngoài (ly hôn đơn phương với người nước ngoài)

Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương giữa công dân Việt Nam ở Việt Nam với người nước ngoài (ly hôn đơn phương với người nước ngoàitương tự như thủ tục ly hôn đã trình bầy ở trên, chỉ lưu ý một số điều sau:

  • Nguyên đơn buộc phải có mặt Việt Nam để thực hiện thủ tục tại Toà án
  • Nguyên đơn phải nộp kèm theo Đơn khởi kiện ly hôn giấy xác nhận tạm trú tại Việt Nam của mình
  • Hộ chiếu của bị đơn phải được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hoá lãnh sự
  • Nếu đăng ký kết hôn ở nước ngoài thì Giấy chứng nhận kết hôn phải được dịch ra tiếng Việt và hợp pháp hoá lãnh sự
  • Tại các phiên làm việc tại Toà án, phải có sự tham gia của phiên dịch (trừ trường hợp bị đơn vắng mặt)

6. Lưu ý khi thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài

Nếu việc ly hôn nói chung, vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng, được thực hiện theo pháp luật nước ngoài, do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện thì sau khi có quyết định hoặc bản án ly hôn, bạn nên thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn.

Ghi chú việc ly hôn ở nước ngoài là là việc Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài. Chi tiết có tại bài viết:

>>> Xem thêm: Cần biết về ghi chú ly hôn

7. Lời khuyên dành cho các đương sự trong vụ án ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài

Ly hôn đơn phương là phức tạp, ly hôn đơn phương có yếu tố nước ngoài lại càng phức tạp hơn. Do đó, bạn cần tìm kiếm sự tư vấn từ luật sư có kinh nghiệm để hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mình.

Luật sư sẽ hỗ trợ pháp lý bằng cách giúp xác định được quyền và nghĩa vụ của từng bên, cũng như những hệ lụy pháp lý có thể xảy ra. Thông qua việc tư vấn, luật sư sẽ hỗ trợ việc lập kế hoạch chi tiết cho quá trình ly hôn, từ việc xác đinh tòa án có thẩm quyền, áp dụng luật pháp của quốc gia nào, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục chi tiết, án phí… Đồng thời, luật sư đại diện cho bạn tại các phiên xét xử, bảo vệ quyền lợi của bạn khi phân chia tài sản và quyền nuôi con.

>>> Xem thêm: Dịch vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài

Nguyễn Văn Thanh