Hình phạt là chế tài trừng trị nghiêm khắc nhất khi một người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc đưa ra hình phạt phải dựa trên nhiều căn cứ khác nhau để đưa ra phán quyết cuối cùng. Đặc biệt là các quy định của pháp luật về tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Để tìm hiểu về các quy định này, trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi: thế nào là tái phạm, tái phạm nguy hiểm?
1. Cơ sở pháp lý quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Cơ sở pháp lý quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm là Điều 53 BLHS 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017.
2. Thế nào là tái phạm?
Theo khoản 1 Điều 53 BLHS 2015 quy định về tái phạm như sau :
Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
Tái phạm là trường hợp của người đã từng bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
a) Người phạm tội phải là người đã bị kết án và đang có án tích
Điều kiện về tái phạm này được xét trên ba dấu hiệu. Người phạm tội là người đã từng bị kết án về một tội phạm nào đó theo quy định pháp luật và bản án kết tội ấy phải đã có hiệu lực pháp luật. Tội phạm đang xét xử phải được thực hiện sau khi bản án kết tội lần trước có hiệu lực pháp luật. Bản án kết tội lần trước để lại án tích, đến thời điểm thực hiện tội phạm mới này án tích đó vẫn chưa được xóa.
Người đã bị kết án là người đã bị Tòa án kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật. Khi bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người đã bị kết tội được coi là người đã bị kết án.
Không phải tất cả những người đã bị kết án đều bị coi là có án tích. Đã bị kết án được xem là đã bị kết án khi người phạm tội đã bị tuyên một bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Điều đó có nghĩa là người bị Tòa án xử phạt với bất cứ hình phạt chính nào (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ…).
Chưa được xóa án tích là trường hợp không thuộc các trường hợp đương nhiên được xóa án tích hoặc được xóa án tích theo quyết định của tòa án được quy định tại Điều 70, Điều 71 BLHS. Còn trường hợp đã bị kết án nhưng không bị coi là có án tích được quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS và tại khoản 1 Điều 107 BLHS (đối với người bị kết án dưới 18 tuổi). Như vậy, người bị kết án mà không thuộc các trường hợp này mới bị coi là có án tích.
b) Người đang có án tích đã thực hiện hành vi phạm tội mới do lỗi cố ý hoặc tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng do vô ý.
Điều kiện tái phạm thứ hai đòi hỏi các yếu tố để phân biệt tái phạm với tái phạm nguy hiểm. Đó là việc xác định bao gồm loại tội, hình thức lỗi và án tích. Nói một cách cụ thể, khoản 1 Điều 53 BLHS chỉ quy định được coi là tái phạm khi người phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội thuộc 03 trường hợp sau:
- Thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý (không phân biệt hành vi đã thực hiện thuộc loại tội phạm nào trong 4 loại tội phạm).
- Thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng do lỗi vô ý
- Thực hiện hành vi phạm tội về tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vô ý.
Ngoài 03 trường hợp nêu trên nếu người phạm tội đã bị kết án chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý thì không được coi là tái phạm.
Như vậy, khi có đầy đủ các căn cứ trên thì người phạm tội mới sẽ được xác định là hành vi tái phạm. Ngoài ra khi xác định hành vi tái phạm cần chú ý những điểm sau:
- Việc tái phạm chỉ được đặt ra khi hành vi phạm tội mới của họ đáp ứng các dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập, nếu không đáp ứng đủ cấu thành tội phạm của tội mới thì hành vi của người này không bị coi là phạm tội nên khi đó không đặt ra hành vi tái phạm
- Tình tiết tái phạm được quy định trong Bộ luật hình sự vừa là tình tiết định tội vừa là tình tiết định khung hình phạt và vừa là tình tiết tăng nặng. Khi đó nếu tình tiết tái phạm đã là yếu tố định tội hoặc khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
===>>> Xem thêm: Quy định về xóa án tích như thế nào?
3. Thế nào là tái phạm nguy hiểm?
Tại khoản 2 Điều 53 BLHS 2015 quy định về tái phạm nguy hiểm như sau:
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Tái phạm nguy hiểm là hình thức đặc biệt của tái phạm, có tính nguy hiểm rất cao mà để xác định nó phải thỏa mãn các điều kiện luật định có tính gia tăng so với tái phạm nói chung. Cũng chính vì vậy mà tái phạm nguy hiểm dứt khoát phải thỏa mãn các điều kiện chung của tái phạm theo quy định.
Ngoài ra tái phạm nguy hiểm còn phải thỏa mãn các điều kiện phản ánh tính đặc biệt nguy hiểm của mình mà các điều kiện ấy không còn cách xác định nào khác hơn là bằng việc gia tăng các điều kiện của hình thức tái phạm nguy hiểm. Cũng giống như tái phạm, tái phạm nguy hiểm được xác định trên các cơ sở như loại tội, hình thức lỗi và án tích. Theo đó, để xác định cũng như phân biệt với tái phạm dựa trên các tình tiết sau:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý
- Thứ nhất: Xét về loại tội
Người phạm tội được cho là tái phạm nguy hiểm khi là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn cao hơn loại tội phạm rất nghiêm trọng, mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, người phạm tội khi bị xếp vào loại tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng sẽ được loại trừ khỏi tái phạm nguy hiểm mà không xét về lỗi cố ý hay vô ý.

- Thứ hai: Xét về yếu tố lỗi
Lỗi của người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là do cố ý. Như vậy khi người phạm tội dù cho là thuộc loại tội phạm nào đi chăng nữa nhưng thực hiện do vô ý thì không được xem đó là tái phạm nguy hiểm. Lỗi cố ý có hai loại là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp.
Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Như vậy, để bị áp dụng trường hợp tái phạm nguy hiểm thì người phạm tội thực hiện hành vi do lỗi cố ý.
===>>> Xem thêm: Quyết định hình phạt trong trường hợp cụ thể.
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý
Điều kiện về tái phạm nguy hiểm này đòi hỏi phải đáp ứng đủ hai căn cứ đó là đã tái phạm và chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
- Thứ nhất là căn cứ đã tái phạm
Căn cứ này đã thể hiện tính nguy hiểm hơn hẳn so với bình thường và nhất là tái phạm. Theo đó, một điều kiện để xếp vào trường hợp tái phạm nguy hiểm đó là người phạm tội đã tái phạm. Do vậy, pháp luật cho rằng đó là tái phạm nguy hiểm. Cụ thể như thế nào là tái phạm thì chúng tôi đã phân tích ở trên.
- Thứ hai là chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý
Căn cứ để xác định là tái phạm nguy hiểm này không xét đến loại tội phạm mà xét đến việc chưa được xóa án tích và lỗi là do cố ý. Theo đó, để xét vào trường hợp tái phạm nguy hiểm thì người phạm tội chưa được xóa án tích do tái phạm mà còn thực hiện hành vi phạm tội do cố ý. Cần phân biệt trường hợp không có án tích với chưa được xóa án tích. Điều này là vô cùng quan trọng để xem xét một người có được coi là tái phạm nguy hiểm hay không.
4. Ý nghĩa của việc quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Xét về bản chất tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội đó theo hướng nguy hiểm hơn. Sau đây là một số ý nghĩa khi quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
- Tái phạm và tái phạm nguy hiểm được pháp luật quy định là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm này đã phản ánh chính sách hình sự nghiêm khắc và công bằng của Nhà nước, thể hiện thái độ lên án gay gắt của nhà nước đối với người tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Người tái phạm, tái phạm nguy hiểm cần thiết phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn người phạm tội lần đầu bởi vì người tái phạm đã từng phạm tội, đã từng trải qua các biện pháp trừng phạt, giáo dục, cải tạo do hành vi phạm tội trước đây mà vẫn tiếp tục phạm tội chứng tỏ tính ngoan cố, không chịu phục thiện trong nhân cách của họ.
Những người tái phạm, tái phạm nguy hiểm đem đến mối nguy hiểm cao cho xã hội, họ phải gánh chịu biện pháp trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn trường hợp phạm tội lần đầu là lẽ công bằng.
===>>> Xem thêm: Các tình tiết tăng nặng đối với tội phạm hình sự.
- Trong một số tội phạm cụ thể, tái phạm còn có thể được sử dụng làm tình tiết định tội danh hoặc định khung hình phạt.
Ví dụ như trường hợp của tội trộm tài sản: nếu trộm tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng là có tính nguy hiểm không đáng kể, không bị coi là tội phạm nhưng nếu hành vi này được thực hiện bởi người đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích thì tính nguy hiểm của nó gia tăng và nhà làm luật coi đó là hành vi phạm tội trộm tài sản (khi thỏa mãn cả các dấu hiệu khác của tội này).
- Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là một trong những căn cứ quyết định hình phạt.
Để hình phạt áp dụng với người phạm tội đạt được mục đích mang lại sự công bằng cho xã hội; giáo dục, cải tạo, răn đe người phạm tội; giáo dục, răn đe chung với xã hội thì hoạt động quyết định hình phạt phải căn cứ đồng thời trên: quy định của BLHS; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đặc biệt là tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Điều này đảm bảo cho tính linh hoạt của hoạt động quyết định hình phạt nhằm phù hợp với sự biểu hiện đa dạng của tội phạm trong thực tế để hình phạt đạt được hiệu quả cao nhất nhưng vẫn có sự khống chế, tránh tùy tiện khi quyết định hình phạt. Do vậy mà tái phạm, tái phạm nguy hiểm có vai trò vô cùng quan trọng
===>>> Xem thêm: Các căn cứ quyết định hình phạt.
- Tái phạm là thể hiện tính hiệu quả của hình phạt.
Việc tái phạm, tái phạm nguy hiểm phản ánh tình trạng kém hiệu quả của hình phạt đã áp dụng. Người tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã từng bị xử lý về hình sự, từng phải gánh chịu hình phạt mà vẫn không ăn năn, hối cải hay e sợ, lại tiếp tục phạm tội chứng tỏ hình phạt trước đây, không đủ sức răn đe, cải tạo họ.
Tình trạng đó đòi hỏi phải áp dụng biện pháp trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn nữa. Chính vì thế, sự có mặt của tình tiết tái phạm, tái phạm nguy làm cho hình phạt áp dụng đối với bị cáo thay đổi theo chiều hướng tăng nặng.
Tóm lại, qua những nghiên cứu về khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của tái phạm, tái phạm nguy hiểm ở trên có thể kết luận: Tái phạm, tái phạm nguy hiểm là những tình tiết làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội theo hướng nguy hiểm hơn của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội đó. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm cũng là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội nghiêm khắc hơn.
===>>> Xem thêm: Quyết định hình phạt trong trường hợp cụ thể.
Trên đây là phần tư vấn của Công ty Luật Thái An về thế nào là tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Xin lưu ý là sau thời điểm chúng tôi viết bài này, luật pháp đã có thể thay đổi các quy định liên quan. Hãy gọi tới Tổng đài tư vấn Luật Hình Sự. Bạn sẽ được tư vấn trực tiếp và chính xác nhất về các vấn đề liên quan tới tội phạm hình sự.
5. Dịch vụ luật sư bào chữa hình sự của Luật Thái An
Hiến pháp nước ta và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đều quy định về quyền được thuê luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa hoặc người khác bào chữa”. Sử dụng dịch vụ luật sư bào chữa, người phạm tội sẽ được bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
===>> Xem thêm: Dịch vụ luật sư bào chữa
HÃY LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.