Doanh nghiệp phá sản: Thủ tục pháp lý phức tạp!

Để loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đồng thời phòng ngừa, khắc phục những hậu quả, rủi ro mà những doanh nghiệp này có thể gây ra cho nền kinh tế, thì việc tuyên bố doanh nghiệp phá sản là một giải pháp hữu hiệu. Pháp luật quy định về doanh nghiệp phá sản như thế nào? Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ trả lời cho bạn.

1. Doanh nghiệp phá sản là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 thì Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, có thể hiểu Doanh nghiệp phá sản là việc doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, bị thua lỗ, không đảm bảo đủ thanh toán tổng số các khoản nợ đến hạn. Khi đó, Tòa án hay một cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

2. Điều kiện để doanh nghiệp phá sản

Để được công nhận là doanh nghiệp phá sản cần phải đáp ứng hai điều kiện sau đây:

a. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán

Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định: “Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán có thể là không có tài sản để thanh toán các khoản nợ hoặc có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Như vậy, chỉ khi Doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ 03 tháng trở đi mới được xem là mất khả năng thanh toán. Quy định này cho phép Doanh nghiệp có thêm thời gian thu xếp thanh toán các khoản nợ, đồng thời hạn chế tình trạng chủ nợ lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây áp lực với Doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

b. Doanh nghiệp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản

Khi chưa có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án nhân dân có thẩm quyền thì doanh nghiệp chưa thể coi là bị phá sản.

3. Ai có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp?

Để Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì trước tiên phải có yêu cầu mở thủ tục phá sản của một trong các chủ thể liên quan. Theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 thì những chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:

  • Các chủ nợ không có bảo đảm hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nợ tiền sau khi khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
  • Người lao động làm việc trong doanh nghiệp, công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nếu sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, trả các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, , thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu  doanh nghiệp mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
  • Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng (hoặc sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng nếu Điều lệ công ty quy định) có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
doanh nghiệp phá sản
Phá sản là thủ tục pháp lý tương đối phức tạp – ảnh: internet.

4. Doanh nghiệp phá sản cần phải thực hiện thủ tục gì?

Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản theo thủ tục phá sản doanh nghiệp được quy định tại Luật phá sản 2014, bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Chỉ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Bước 2: Xem xét, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án sẽ xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ Tòa án sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản. Trường hợp đơn chưa hợp lệ, Tòa án sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn hoặc từ chối sửa đổi, bổ sung đơn… thì Tòa án sẽ trả lại đơn.

Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).

Bước 3: Mở thủ tục phá sản

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và phải gửi thông báo đến những người liên quan.

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu, tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng… Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ, lập danh sách người mắc nợ…

>>> Xem thêm: Xử lý tài sản khi phá sản

Bước 4: Tổ chức hội nghị chủ nợ

Hội nghị chủ nợ là cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thảo luận thông qua phương án hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc kiến nghị về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Các trường hợp có thể xảy ra sau khi tiến hành hội nghị chủ nợ:

  • Đình chỉ thủ tục phá sản: doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán;
  • Áp dụng các biện pháp phục hổi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp;
  • Tuyên bố phá sản doanh nghiệp dựa trên một trong các căn cứ: (i) Hội nghị chủ nợ không thành công sau 02 lần triệu tập; (ii) Khi có nghị quyết của hội nghị chủ nợ; (iii) Có nghị quyết cho phép áp dụng thủ tục phục hồi nhưng doanh nghiệp không thể phục hồi.

Bước 5: Phục hồi Doanh nghiệp hay tuyên bố Doanh nghiệp phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Chi tiết về thủ tục phá sản có tại các bài viết sau:

Riêng đối với ngân hàng thì thủ tục phá sản sẽ có những đặc thù, chi tiết có tại bài viết Thủ tục phá sản ngân hàng.

5. Thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài 

Thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài áp dụng cho các đối tượng sau đây:

  • Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài;
  • Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài;
  • Chủ nợ, con nợ là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Việc giải quyết yêu cầu phá sản có yếu tố nước ngoài gặp những khó khăn nhất định:

  • Đối với chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài: Trong trường hợp chù đầu tư nước ngoài bị phá sản, liên doanh của họ lập với đối tác Việt Nam lúng túng, không rõ ai sẽ đại diện cho phần vốn nước ngoài tại liên doanh để tham gia vào quá trình giải quyết phá sản.
  • Đối với doanh nghiệp liên doanh: Doanh nghiệp liên doanh tự mình đề nghị Toà án mở thủ tục phá sản thì người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài có thể đã về nước mà không thông báo. Hiện nay, chưa có cơ chế cấm xuất cảnh nào đối với những người này. Phía Việt Nam trong liên doanh cũng không có quyền yêu cầu họ ở lại.
  • Đối với chủ nợ, con nợ: Khi chủ nợ, con nợ là người nước ngoài, nhiều trường hợp công văn của Toà án gửi đi, nhưng chủ nợ, con nợ không nhận được. Nhiều trường hợp họ đã chuyên trụ sở và không thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam biết.

Trong trường hợp tỉ lệ nợ nước ngoài khá cao dẫn đến tình trạng khó có thể mở Hội nghị chủ nợ. Bởi vậy, nếu không thể thông báo cho chủ nợ nước ngoài, vụ phá sản có thể sẽ lâm vào tình trạng bế tẳc, không thể đình chỉ, cũng không thể tiếp tục.

phá sản có yếu tố nước ngoài
Phá sản có yếu tố nước ngoài là thủ tục mà công ty nước ngoài phải thực hiện khi mất khả năng thanh toán.

Do đó, Luật Phá sản 2014 đã bổ sung các quy định về phá sản có yếu tố nước ngoài như sau:

  • Về người tham gia thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài:Theo quy định hiện hành, người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản của Việt Nam. Như vậy, về cơ bàn, không có sự khác biệt giữa việc người tham gia thù tục phá sản là người Việt Nam hay người nước ngoài sinh sống, làm ăn tại Việt Nam hay ở nước ngoài và có hên quan đến doanh nghiệp, họp tác xã mất khả năng thanh toán.
  • Về ủy thác tư pháp trong thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài: Trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có yêu tố nước ngoài, Toà án thực hiện uỷ thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tẳc có đi có lại.
  • Về thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài: Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Toà án nước ngoài. Việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Toà án nước ngoài thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp.

5. Hậu quả pháp lý của việc doanh nghiệp phá sản

Hậu quả pháp lý của việc doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp chính thức chấm dứt sự tồn tại về mặt pháp lý và được quy định tại Điều 108, Điều 109, Điều 110, Điều 130 Luật Phá sản 2014. Cụ thể như sau:

  • Chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp phá sản bao gồm: Chấm dứt thực hiện nghĩa vụ tính lãi đối với doanh nghiệp; Đình chỉ giao dịch liên quan đến doanh nghiệp; Tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu; Giải quyết hậu quả của giao dịch bị đình chỉ; chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết quyền lợi với người lao động
  • Xóa tên doanh nghiệp phá sản.
  • Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh thì chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không được miễn trừ nghĩa vụ tài sản đối với chủ nợ chưa được thanh toán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản.
  • Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản thì sẽ không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước.
  • Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật phá sản 2014 thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Quy định này không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng.

6. Điểm giống nhau giữa doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp giải thể

a. Điểm giống nhau

  • Doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp phá sản đều dẫn đến việc làm chấm dứt sự hoạt động của doanh nghiệp cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn.
  • Doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp phá sản đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản (phân chia tài sản cho các chủ nợ), diễn ra quá trình phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp giải thể và doanh nghiệp phá sản đều phải giải quyết quyền lợi cho người lao động

b. Điểm khác nhau 

Về căn cứ pháp lý

Quy định về doanh nghiệp giải thể nằm trong Luật Doanh nghiệp, còn quy định về doanh nghiệp phá sản nằm trong Luật Phá sản.

Về nguyên nhân doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản:

Theo Điều 3 Luật phá sản 2004 lý do phá sản là do doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu.

Theo quy định tại Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020 thì có 4 lý do dẫn đến giải thể doanh nghiệp đó là:

  • Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
  • Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  • Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  • Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Về thủ tục đối với doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp giải thể:

Thủ tục phá sản: là thủ tục do Toà án có thẩm quyền quyết định sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, thời hạn giải quyết một vụ phá sản dài hơn và phức tạp hơn.

Thủ tục giải thể:  là thủ tục do chủ sở hữu doanh nghiệp tiến hành, thời hạn giải quyết một vụ giải thể ngắn hơn và đơn giản hơn.

Về hậu quả pháp lý đối với doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp giải thể:

Hậu quả pháp lý đối với doanh nghiệp phá sản: doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản vẫn có thể tiếp tục hoạt động nếu như một người nào đó mua lại toàn bộ doanh nghiệp.

Hậu quả pháp lý đối với doanh nghiệp giải thể: Doanh nghiệp giải thể sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp.

Về xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp giải thể: 

Khi doanh nghiệp phá sản: Việc thanh toán tài sản, phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp được thực hiện thông qua một cơ quan trung gian là tổ thanh toán tài sản sau khi có quyết định tuyên bố phá sản.

Khi doanh nghiệp giải thể: Chủ doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trực tiếp thanh toán tài sản, giải quyết mối quan hệ nợ nần với các chủ nợ

Về thái độ của nhà nước đối với chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người quản lý doanh nghiệp: 

Doanh nghiệp phá sản: Nhà nước có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh đối với chủ sở hữu hay người quản lý điều hành theo quy định tại Điều 130 Luật phá sản.

Doanh nghiệp giải thể: Người quản lý doanh nghiệp, điều hành doanh nghiệp không bị cấm làm công việc tương tự trong một thời gian nhất định như ở doanh nghiệp phá sản.

 

Trên đây là những quy định pháp luật về doanh nghiệp phá sản. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật doanh nghiệp và luật đầu tư  – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.

Nguyễn Văn Thanh