Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, thì các đối tượng của hợp đồng như quyền tác giả, tên thương mại, mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng và vật nuôi được pháp luật bảo hộ như các tài sản trí tuệ. Công ty Luật Thái An với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn hợp đồng, sẽ tư vấn về quy định về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng.


1. Cơ sở pháp lý quy định quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng

Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng không được pháp luật quy định một cách cụ thể, chi tiết, mà chỉ được quy định rải rác trong một số văn bản pháp luật sau:

2. Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng là gì?

2.1 “Hợp đồng” và “đối tượng của hợp đồng” là gì?

Theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 về khái niệm hợp đồng thì:

“Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

2.2. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 về khái niệm quyền sở hữu trí tuệ thì, đây là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Có thể thấy việc một tổ chức hay cá nhân có công sức nghiên cứu, sáng tạo để hoàn thành một công trình, một sản phẩm mới sẽ được công nhận quyền sở hữu trí tuệ. Các tác phẩm sẽ được pháp luật bảo hộ trên các phương diện như quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng.

Theo đó, có thể hiểu, quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tài sản trí tuệ là đối tượng của hợp đồng, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng, quyền sở hữu công nghiệp.

3. Ví dụ về quyền sở hữu trí tuệ

Ngày nay, nhằm bảo hộ các tài sản trí tuệ, luật pháp đã có những công cụ pháp lý khác nhau giúp các chủ thể bảo vệ tài sản trong các hợp đồng của mình. Theo Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

3.1. Đối tượng quyền tác giả

Quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng,…

Đối tượng quyền tác giả bao gồm các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật. Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm bản ghi âm, ghi hình, cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tính mang chương trình được mã hóa….

3.2. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng cụ thể
Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng có thể là quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ví dụ: Thương hiệu được bảo hộ theo nhãn hiệu. Các sản phẩm và quy trình sáng tạo có thể được bảo hộ theo sáng chế và giải pháp hữu ích. Các kiểu dáng sáng tạo, gồm cả kiểu dáng dệt may, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp.

Chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng hay danh tiếng nhất định gắn với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý.

3.3. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng

Quyền đối với giống cây trồng là quyền của cá nhân, tổ chức đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu thu hoạch và vật liệu nhân giống.

4. Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng hợp đồng được thể hiện rõ nhất ở các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:

4.1. Hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả

Quy định về việc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả được ghi nhận tại các Điều 45, 47, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009.

Theo đó, chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan (theo khoản 1 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009).

Theo khoản 1 Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ thì:

“1. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một,một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19, Điều 20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này.”

Tác giả không được chuyển giao quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ, trừ quyền công bố tác phẩm.

4.2. Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

Việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại các Điều 138, 141, 147 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009.

Theo Khoản 1 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ thì:

“Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.”

Còn chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình (theo khoản 1 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009)

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hay việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi lần lượt là Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp; Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).

Cần lưu ý, đối với việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc thì phải thực hiện theo thủ tục tại Điều 147 Luật Sở hữu trí tuệ.

4.3. Hợp đồng chuyển giao, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng

Việc chuyển giao, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được ghi nhận tại các Điều 192, 194, 196, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung 2009. Việc chuyển giao, chuyển quyền sử dụng giống cây trồng phải được lập thành văn bản.

Trường hợp quyền đối với giống cây trồng thuộc đồng sở hữu thì việc chuyển giao hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng cho người khác phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.

Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng không được có những điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển giao quyền sử dụng. Đặc biệt là khi những điều khoản hạn chế không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng tương ứng hoặc không nhằm bảo vệ các quyền đó (khoản 4 Điều 192 Luật Thương mại 2005)

Thủ tục chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng theo quyết định bắt buộc được quy định tại Điều 196 Luật Sở hữu trí tuệ.

5. Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của một số loại hợp đồng cụ thể khác

5.1. Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa

Theo quy định tại Điều 46 Luật Thương mại 2005 thì nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định như sau:

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại, thì đối tượng của hợp đồng là hàng hóa không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán thì bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nếu bên mua yêu cầu bên bán phải tuân theo bản vẽ kỹ thuật, thiết kế, công thức hoặc những số liệu chi tiết do bên mua cung cấp thì bên mua sẽ phải chịu trách nhiệm về các khiếu nại liên quan đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ việc bên bán đã tuân thủ những yêu cầu của bên mua.

Trách nhiệm của các bên liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng hợp đồng
Các bên có trách nhiệm liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng hợp đồng – Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, cũng theo quy định về nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hoá là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa tại Điều 45 Luật Thương mại 2005 thì bên bán phải bảo đảm:

  • Hàng hóa đó phải hợp pháp;
  • Quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hóa đã bán không bị tranh chấp bởi bên thứ ba;
  • Việc chuyển giao hàng hoá là hợp pháp.

===>>> Xem thêm: Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa

5.2. Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng quảng cáo

Đối tượng của hợp đồng quảng cáo thương mại là dịch vụ quảng cáo mà bên cung ứng dịch vụ cung cấp cho bên thuê dịch vụ nhằm giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của bên thuê dịch vụ.

Trong quá trình soạn thảo, ký kết và thực hiện các hợp đồng quảng cáo, thì vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ cũng được pháp luật quy định một cách rõ ràng tại Luật Thương mại năm 2005 như sau:

“Điều 108. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại

Thương nhân có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật.

Điều 109. Các quảng cáo thương mại bị cấm

  1. Quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được tổ chức, cá nhân đó đồng ý.”

5.3. Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng gia công trong thương mại

Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận của các bên, trong đó bên nhận gia công sự dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao. Theo Điều 180 Luật Thương mại 2005 thì:

“Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh.”

Theo quy định tại khoản 5 Điều 181 Luật Thương mại năm 2005 thì bên đặt gia công có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hóa gia công nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.

5.4. Quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền thương mại là thỏa thuận thuận của các bên, trong đó, bên chuyển nhượng quyền cho phép vè yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc cung ứng dịch vụ, mua bán hàng hóa theo điều kiện tại khoản 1, khoản 2 Điều 284 Luật Thương mại 2005

Một trong những nghĩa vụ của bên nhượng quyền theo Điều 287 Luật Thương mại đó là:

“4. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền.”

Bên cạnh đó, theo Khoản 4 và Khoản 5 Điều 289 Luật Thương mại 2005, thương nhân nhượng quyền cũng có trách nhiệm:

4. Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt; ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại.” 

Như vậy, pháp luật đã có sự quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng, ghi nhận vấn đề này trong phần quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong các loại hợp đồng thông dụng.

6. Tóm tắt tư vấn về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng

Với những phân tích ở trên, có thể tóm tắt ý kiến tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng là:

Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng của hợp đồng không được pháp luật quy định một cách cụ thể, chi tiết, mà chỉ được quy định rải rác trong bộ luật dân sự, luật thương mại, luật sở hữu trí tuệ và một số văn bản pháp lý khác. Thực tế hiện nay, các chủ thể ngày càng quan tâm hơn đến quyền sở hữu trí tuệ khi giao kết các loại hợp đồng.

7. Dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng của Công ty Luật Thái An

Công ty Luật Thái An chuyên tư vấn, soạn thảo, rà soát các loại hợp đồng, giúp khách hàng hiểu rõ các quy định trong hợp đồng. Nếu bạn cần một bản hợp đồng chặt chẽ, kín kẽ, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của bạn thì có thể sử dụng dịch vụ tư vấn, soạn thảo hợp đồng chuyên nghiệp của chúng tôi. 

 >>> Xem thêm: Bảng giá dịch vụ tư vấn, soạn thảo, rà soát hợp đồng

 

Lưu ý

  • Bài viết trên được các luật sư và chuyên viên pháp lý của Công ty Luật Thái An – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thực hiện phục vụ với mục đích phố biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng hoặc nghiên cứu khoa học, không có mục đích thương mại.
  • Bài viết căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, tại thời điểm Bạn đọc bài viết này, rất có thể các quy định pháp luật đã bị sửa đổi hoặc thay thế.
  • Để giải đáp pháp lý cho từng vụ việc, Bạn hãy liên hệ với Công ty Luật Thái An qua Tổng đài tư vấn pháp luật. Nếu bạn cần dịch vụ, Bạn để lại tin nhắn hoặc gửi thư tới: contact@luatthaian.vn.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN

___Đối tác pháp lý tin cậy___


 

Nguyễn Văn Thanh