Quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại là để giúp công dân khiếu nại cơ quan nhà nước khi xâm hại tới lợi ích của công dân, cơ quan, tổ chức gây thiệt hại tới các quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Bài viết sau đây sẽ trình bầy cụ thể:

1. Cơ sở pháp lý quy định quy trình khiếu nại và quy trình giải quyết khiếu nại

Cơ sở pháp lý điều chỉnh quy định về khiếu nại là các văn bản pháp lý sau:

2. Khiếu nại là gì?

Khái niệm khiếu nại được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011 như sau:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để tìm hiểu các vấn đề xung quanh việc khiếu nại, bạn hãy đọc bài viết sau:

Tổng hợp các quy định về khiếu nại bạn cần biết !

3. Quy trình khiếu nại như thế nào ?

Công dân có quyền khiếu nại hai lần như sau:

a. Khiếu nại lần đầu

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại có hai lựa chọn:

  • khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc
  • khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

b. Khiếu nại lần hai

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có hai lựa chọn:

  • khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc
  • khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

(căn cứ Điều 7 Luật Khiếu nại 2011)

thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Có thể bạn chưa biết, cơ quan thanh tra cũng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại 2011 – Ảnh minh họa: Internet.

4. Quy trình giải quyết khiếu nại như thế nào ?

Quy trình giải quyết khiếu nại sẽ được thực hiện như sau:

a. Quy trình giải quyết khiếu nại lần đầu

Bước 1: Tiếp nhận đơn

Nếu khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND huyện theo Điều 18 Luật khiếu nại, người khiếu nại phải gửi đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) đến trụ sở làm việc của Chủ tịch UBND huyện (địa chỉ: tại trụ sở cơ quan làm việc).

Bước 2: Thụ lý giải quyết

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Chủ tịch UBND huyện thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại

Trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 28 Luật khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm:

  • Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.
  • Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Việc xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật khiếu nại, Mục 2, chương II của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.

Bước 4: Tổ chức đối thoại

Đại diện cơ quan giải quyết trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại, thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại.

Khi đối thoại, đại diện cơ quan có thẩm quyền nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do, biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại

Chủ tịch UBND huyện ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan quản lý cấp trên.

b. Quy trình giải quyết khiếu nại lần hai

Bước 1: Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại lần hai

Xác minh nội dung khiếu nại là công việc rất quan trọng được thực hiện ngay sau khi khiếu nại đã được thụ lý. Theo quy định tại Điều 29 Luật khiếu nại về xác minh nội dung khiếu nại lần đầu thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đối với vụ việc bình thường hoặc 45 ngày đối với vụ việc phức tạp, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.

Trong trường hợp qua kiểm tra lại mà chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại là đúng hay sai thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Đối với lần giải quyết khiếu nại lần hai, việc xác minh là công việc bắt buộc, do đó người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại. Việc xác minh nội dung khiếu nại lần hai được tổ chức thực hiện tương tự như trường hợp xác minh trong giải quyết khiếu nại lần đầu.

Bước 3: Tổ chức đối thoại lần hai

Qua theo dõi công tác giải quyết khiếu nại cho thấy việc tổ chức đối thoại ngày càng trở thành vấn đề quan trọng và là công việc không thể thiếu trong quá trình giải quyết khiếu nại. Công việc này là biểu hiện cụ thể của sự công khai, minh bạch… và dân chủ; nó có ý nghĩa thực tế to lớn trong việc nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

Để tiến hành đối thoại người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, việc đối thoại là công việc bắt buộc, do đó người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai tiến hành tương tự như việc thực hiện đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu.

don khieu nai dat dai

Pháp luật có quy định cụ thể về quy trình khiếu nại – Ảnh minh họa: Internet.

Bước 4: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai

Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.khieunai6.9.2023

Quyết định giải quyết khiếu nại là văn bản do người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ban hành trong các lần giải quyết khiếu nại:

  • Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết quả đối thoại (nếu có); căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận về nội dung khiếu nại; giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại;
  • Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết quả đối thoại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ.

Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính; việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có) và quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

Cùng với việc quy định trình tự, thủ tục ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với  các trường hợp khiếu nại thông thường, Luật khiếu nại còn quy định đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận nội dung khiếu nại và căn cứ vào kết luận đó để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho từng người hoặc ra quyết định giải quyết khiếu nại kèm theo danh sách những người khiếu nại.

Bước 5: Công bố quyết định giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến. Đồng thời người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai sau đây:

  • công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác;
  • niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại;
  • thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Bước 5: Lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại

Người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại có trách nhiệm lập hồ sơ giải quyết khiếu nại; tập hợp những thông tin, tài liệu, bằng chứng, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại, kết quả xác minh, kết luận, kiến nghị, quyết định giải quyết khiếu nại. Thời điểm mở hồ sơ giải quyết khiếu nại là ngày ban hành thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại. Thời điểm đóng hồ sơ giải quyết khiếu nại là ngày người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại.

 

Khiếu nại hành chính nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời thông qua giải quyết các vụ việc khiếu nại của người dân, Nhà nước cũng thấy được những bất cập, hạn chế trong chủ trương, chính sách, pháp luật để tiến hành điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ để xử lý, chấn chỉnh kịp thời, từng bước làm trong sạch bộ máy, phát huy hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước./.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ VỀ QUY TRÌNH KHIẾU NẠI

Nguyễn Văn Thanh