Xây dựng quy chế đầu tư như thế nào?

Quy chế đầu tư là một cấu thành của Quy chế hoạt động của công ty, cần thiết để điều chỉnh các hoạt động đầu tư. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho quý khách hàng một số lưu ý quan trọng trong quá trình xây dựng Quy chế đầu tư của doanh nghiệp như sau:

1. Thế nào là quy chế đầu tư?

Hiện nay, khái niệm đầu tư được hiểu theo góc độ khác nhau tùy theo lĩnh vực và mục tiêu đầu tư mà doanh nghiệp hướng tới. Một cách tổng quan theo Luật đầu tư thì “đầu tư là việc bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định”.

Do đó, đầu tư có thể thể hiện dưới dạng dự án đầu tư xây dựng như các dự án nhà ở, khu nghỉ dưỡng, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng…; nhưng đầu tư có thể thể hiện dưới dạng như đầu tư mua bán cổ phần, phần vốn góp của doanh doanh nghiệp, đầu tư chứng khoán, đầu tư trái phiếu…

Quy chế đầu tư hay còn gọi là quy chế quản lý đầu tư sẽ đưa ra các quy định đối với các hoạt động đầu tư nêu trên. Quy chế đầu tư là cơ sở quan trọng để chính doanh nghiệp quản lý hiệu quả danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư, đưa ra các cơ chế ràng buộc để đảm bảo an toàn cho dòng tiền, hạn chế những rủi ro phát sinh trong tương lai.

2. Quy chế đầu tư nên dựa trên luật nào?

Hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi rất nhiều quy định pháp luật khác nhau từ quy định cung của Luật đầu tư đến các quy định pháp luật chuyên ngành như:

  • Luật Xây dựng
  • Luật Nhà ở
  • Luật Kinh doanh bất động sản
  • Luật Chứng khoán

Do đó, để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng Quy chế quản lý đầu tư riêng, áp dụng trong nội bộ doanh nghiệp và phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp đó hướng tới.

quy chế đầu tư
Quy chế đầu tư giúp doanh nghiệp đầu tư hiệu quả. – ảnh minh hoạ: internet

3. Quy chế quản lý đầu tư cần có những nội dung gì?

a. Quy chế đầu tư quy định thẩm quyền quyết định trong đầu tư

Tại nội dung này doanh nghiệp cần phân định rõ cấp có thẩm quyền quyết định cho các cấp như Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc…  Thông thường, việc phân cấp đầu tư của doanh nghiệp sẽ dựa vào giá trị của khoản đầu tư. Ví dụ: Đại hội đồng cổ đông quyết định khoản đầu tư có giá trị từ 100 tỷ trở lên, tương ứng Hội đồng quản trị là 50 tỷ đến 100 tỷ, Tổng giám đốc là dưới 50 tỷ.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước thì có thể bổ sung thêm các quy định về trình, phê duyệt của các cơ quan nhà nước quản lý như Ủy ban Quản lý vốn hoặc Bộ, ngành quản lý đối với doanh nghiệp đó.

b. Quy chế đầu tư quy định về việc phải đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư

Hoạt động đầu tư có thể giúp cho các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận nhưng cũng luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, vấn đề an toàn khi đầu tư là vấn đề quan trọng và được nhiều doanh nghiệp đặt lên trước các quy định cụ thể về đầu tư. Các quy định cụ thể về bảo đảm an toàn đầu tư bao gồm:

  • Các trường hợp không tham gia đầu tư: Đây là các trường hợp tiềm ẩn rủi ro cao theo quan điểm của doanh nghiệp, đầu tư vào các chủ thể có thể cạnh tranh trực tiếp đối với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các trường hợp không được phép đầu tư theo quy định của pháp luật.
  • Các trường hợp hạn chế đầu tư: Đây là các trường hợp vẫn có thể xem xét đầu tư nếu được cấp cao nhất của doanh nghiệp thông qua (Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông), hoặc chỉ đầu tư với khoản tiền hoặc tỷ lệ vốn nhất định. Đây cũng có thể là các trường hợp xem xét đầu tư nếu đối tác tham gia chấp thuận một số điều kiện nhất định của doanh nghiệp đưa ra.
  • Các điều kiện về hiệu quả tài chính khi đầu tư: Tại nội dung này, Quy chế đầu tư quy định các chỉ tiêu về tài chính để áp dụng cho dự án đầu tư. Nếu các thông số được tính toán thấp hơn các chỉ tiêu đã được đặt ra tại Quy chế thì doanh nghiệp sẽ không đầu tư.

c. Quy chế đầu tư quy định các hình thức đầu tư

Tại nội dung này, Quy chế đầu tư quy định cụ thể về các hình thức đầu tư trực tiếp bao gồm:

Các hình thức đầu tư trực tiếp

  • Đầu tư dự án;
  • Mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp khác
  • Hình thức mua bán, sát nhập doanh nghiệp (M&A)
  • Hình thức hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC)

Các hình thức đầu tư gián tiếp

  • Đầu tư trái phiếu;
  • Đầu tư chứng khoán niêm yết;
  • Đầu tư chứng khoán phái sinh;
  • Ủy thác đầu tư;

d. Quy chế đầu tư quy định việc quản lý và giám sát đầu tư

Bên cạnh việc đã áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn trước khi đầu tư dự án, để đảm bảo dự án đầu tư có hiệu quả thì doanh nghiệp cũng cần chủ động quản lý, giám sát các khoản đã đầu tư. Cụ thể, nội dung này phân rõ trách nhiệm của các phòng ban trong việc quản lý, giám sát như của cán bộ quản lý hồ sơ, xây dựng kết hoạch giám sát thường xuyên tại nơi thực hiện đầu tư, phối hợp và yêu cầu xử lý các hạng mục đầu tư chưa đúng mục đích, báo cáo định kỳ về khoản đầu tư liên quan….

4. Cần lưu ý gì khi xây dựng Quy chế quản lý đầu tư?

Thứ nhất, đầu tư là một khái niệm rộng, do đó những lĩnh vực cụ thể của lĩnh vực đầu tư cũng rất nhiều và có các quy định khách nhau điều chỉnh. Phụ thuộc vào đặc thù và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có thể xây dựng bổ sung các Quy chế đầu tư nội bộ riêng để điều chỉnh các lĩnh vực đầu tư cụ thể đó (Quy chế đầu tư xây dựng, Quy chế đầu tư chứng khoán…).

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước thì ngoài các quy định về đầu tư nói chung, Quy chế đầu tư đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Đây là những quy định phức tạp nhưng đòi hỏi phải được tuân thủ ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn nhà nước, doanh nghiệp phải rà soát kỹ dự thảo Quy chế đầu tư xây dựng để đảm bảo tuân thủ các quy định đặc thù này. Có thể nói đây là công việc khó khăn, cần các chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng dự thảo Quy chế đầu tư.

Thứ ba, đối với đầu tư ra nước ngoài thì hoạt động đầu tư còn chịu sự điều chỉnh của nước sở tại. Do đó, đề đảm bảo hoạt động đầu tư tuân thủ pháp luật thì doanh nghiệp cũng nên tham vấn ý kiến từ các luật sư có kinh nghiệm để hỗ trợ rà soát đảm bảo các nội dung của Quy chế đầu tư phù hợp với các hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt khi các hệ thống pháp luật có xung đột với nhau.

5.  Dịch vụ luật sư tư vấn xây dựng Quy chế đầu tư, Quy chế nội bộ của Luật Thái An

Sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn xây dựng Quy chế nội bộ là một lựa chọn hợp lý bởi luật sư sẽ giúp bạn xây dựng bộ Quy chế được đầy đủ và chính xác hơn. Nếu chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì việc tự tìm hiểu và xây dựng sẽ rất khó khăn vì đầu tư là một lĩnh vực chuyên ngành và phức tạp với vô vàn các quy định pháp luật liên quan điều chỉnh.

Với các luật sư có lâu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và cung cấp cho doanh nghiệp bạn tư vấn tốt nhất khi xây dựng Quy chế đầu tư để phù hợp riêng với đặc thù tổ chức và hoạt động của công ty.

Nguyễn Văn Thanh