7 loại tranh chấp hợp đồng đại lý thường gặp nhất

Đại lý thương mại là một trong các hình thức trung gian thương mại, mang lại lợi ích vô cùng lớn cho các doanh nghiệp, giúp đưa hàng hóa, dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và dễ phát sinh tranh chấp. Luật Thái An sẽ cung cấp thông tin về các tranh chấp hợp đồng đại lý thường gặp như sau:

1. Hợp đồng đại lý là gì?

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

Hợp đồng đại lý là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, một bên (bên đại lý) được sự ủy quyền của bên kia (bên giao đại lý) cam kết nhân danh bên giao đại lý thực hiện một hoặc nhiều giao dịch theo sự ủy quyền và vì lợi ích của bên kia để được nhận một khoản tiền thủ lao do các bên thỏa thuận về số lượng và thời hạn thanh toán.

Nếu bạn cần tìm hiểu về hợp đồng đại lý thì bài viết sau sẽ rất hữu ích:

Hợp đồng đại lý: Tất cả những điều cần biết

Các hình thức đại lý phổ biến bao gồm:

  • Đại lý bao tiêu: là đại lý thực hiện việc mua bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
  • Đại lý độc quyền: tại một khu vực địa lý nhất định, bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua bán một hoặc một số hàng hóa/ cung ứng một hoặc một số dịch vụ nhất định.
  • Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.

Các quy định về hợp đồng đại lý có tại Luật thương mại 2005.

2. Tranh chấp hợp đồng đại lý là gì?

Tranh chấp hợp đồng đại lý là những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột giữa các bên trong hợp đồng về việc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã ghi nhận trong hợp đồng đại lý.

Tranh chấp có thể về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng mà chủ yếu là liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ tự nguyện thỏa thuận.

Hoặc cũng có thể xảy ra tranh chấp phát sinh từ nội dung của hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện hợp đồng, sửa đổi, bổ sung chấm dứt hợp đồng…. Với mỗi loại hợp đồng đại lý sẽ có một số rủi ro dễ phát sinh tranh chấp riêng.

3. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp hợp đồng đại lý

3.1. Nguyên nhân chủ quan gây ra tranh chấp hợp đồng đại lý

Các nguyên nhân chủ quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng đại lý bao gồm:

  • Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng đại lý. Các chủ thể tham gia hợp đồng thiếu hiểu biết về pháp luật khi điều chỉnh quan hệ hợp đồng, nhiều trường hợp không phân định rõ đâu là hợp đồng đại lý, đâu là hợp đồng mua bán hàng hóa thương mại. Các chủ thể hợp đồng không chú trọng tới các vấn đề về pháp lý mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận.
  • Do các bên chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của mình mà bất chấp việc vi phạm và phá vỡ các thoả thuận, thiếu đạo đức kinh doanh.
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng đại lý với các doanh nghiệp nước ngoài thì tranh chấp phát sinh ngoài những nguyên nhân trên còn do: năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế.

3.2. Nguyên nhân khách quan gây ra tranh chấp hợp đồng đại lý

Các nguyên nhân khách quan dẫn đến tranh chấp hợp đồng đại lý gồm:

  • Sự biến động của những yếu tố như giá cả, tỷ giá, cung cầu của mỗi quốc gia là khác nhau ở mỗi giai đoạn ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên và có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp.
  • Các sự kiện bất khả kháng xảy ra ngẫu nhiên trong thực tế như thiên tai bão lũ, hạn hán, dịch bệnh…sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng, dẫn đến 1 trong 2 bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
  • Đối với các tranh chấp hợp đồng đại lý thương mại quốc tế, ngoài những nguyên nhân khách quan trên còn có thể kể đến các nguyên nhân sau:

Hợp đồng đại lý thương mại quốc tế là hợp đồng liên quan đến ít nhất hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia; ngoài ra, còn có thể liên quan đến tập quán quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên ký kết lại không tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký kết hợp đồng dẫn đến việc ký kết hợp đồng không đúng, không đầy đủ, dẫn đến cách hiểu không thống nhất làm phát sinh tranh chấp giữa các bên;

Sự thay đổi chính sách và pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại quốc tế.

Những tranh chấp Hợp đồng đại lý cần biết
Những tranh chấp Hợp đồng đại lý cần biết – Minh họa: nguồn internet

4. Các tranh chấp hợp đồng đại lý thường gặp

4.1. Tranh chấp hợp đồng đại lý liên quan đến chủ thể ký kết hợp đồng

Chủ thể của hợp đồng đại lý: Phải là thương nhân, có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, đại lý phải có năng lực chủ thể, nhân danh chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý, do đó bên đại lý cần có đăng ký kinh doanh phù hợp với hàng hóa ghi trong hợp đồng. Mặt khác, bên giao đại lý phải được sản xuất hoặc kinh doanh mặt hàng đó, điều này được ghi nhận trong ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên thực tế có nhiều hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền. Đây là tranh chấp do người ký kết hợp đồng đại lý của các bên không có thẩm quyền ký: Không phải là người đại diện theo pháp luật, không được ủy quyền hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết. Bên cạnh đó, tranh chấp có thể do Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền.

Ví dụ như trường hợp Bên giao đại lý là Công ty A ký hợp đồng với bên đại lý là Công ty B ký hợp đồng đại lý độc quyền về việc cung cấp đồ may mặc do A sản xuất cho bên B bán tại địa bàn TP. Hà Nội. Tuy nhiên sau 1 thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty A tìm được đối tác mới nên muốn chấp dứt hợp đồng đã ký với Công ty B nên lấy lý do người ký không đúng thẩm quyền để thoái thác trách nhiệm.

Điều này gây nhiều thiệt hại cho đối tác là Công ty B, đặc biệt với những hợp đồng có giá trị lớn thì thiệt hại là không hề nhỏ. Công ty A không chịu bồi thường thiệt hại cho đối tác vì cho rằng người ký hợp đồng không nhân danh công ty, còn cá nhân ký kết hợp đồng hoặc thoái thác trách nhiệm hoặc không có khả năng tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại quá lớn của đối tác.

Hệ quả pháp lý: Hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.

Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng phát sinh do chủ thể hợp đồng, các chủ thể cần xem xét như sau:

  • Trước khi giao kết hợp đồng cần phải kiểm tra trong Giấy ĐKKD hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương để xem ai là người đại diện theo pháp luật, có thẩm quyền ký kết hợp đồng không?
  • Yêu cầu cung cấp Văn bản ủy quyền cho nhân viên khi giao dịch hoặc người ký không phải người đại diện theo pháp luật và kiểm tra trong giấy ủy quyền xem người ký có thuộc phạm vi được ủy quyền không (điều kiện ủy quyền, quyền của người được ủy quyền).

4.2. Tranh chấp hợp đồng đại lý do bên giao đại lý giao hàng không đúng thỏa ghi nhận trong hợp đồng

Đối tượng hợp đồng đại lý là công việc mà bên đại lý phải thực hiện, có thể là: mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hay cung ứng dịch vụ thay cho bên giao đại lý.

Các bên tham gia thường tranh chấp khi bên giao đại lý cung hàng hóa không đúng đối tượng, số lượng hàng hóa đã thỏa thuận, về chất lượng hàng hóa không đúng, không đáp ứng được theo tiêu chuẩn, tranh chấp đơn vị tính. Điều này có thể do quy định trong hợp đồng không cụ thể và chi tiết dẫn đến hiểu lầm hoặc do một bên lợi dụng sơ hở để không thực hiện nghĩa vụ.

Để hạn chế tranh chấp này, ngay từ khi tham gia ký kết hợp đồng, các chủ thể cần phải đọc kỹ từng điều khoản của hợp đồng quy định một cách cụ thể, chi tiết về:

  • đối tượng của hợp đồng
  • chất lượng hàng hóa
  • số lượng; chất lượng dịch vụ
  • chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng
  • đơn vị tính (m, kg)

để tránh trường hợp mỗi bên hiểu một ý khác nhau. Đồng thời phải quy định rõ mức phạt hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên bán khi vi phạm thỏa thuận hợp đồng.

4.3.  Tranh chấp hợp đồng đại lý phát sinh giữa các bên khi xảy ra rủi ro đối với hàng hóa

Theo quy định pháp luật, bên giao đại lý là chủ sở hữu của hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý, do đó căn cứ vào quan hệ sở hữu khi xảy ra rủi ro về hàng hóa bên giao đại lý thường phải chịu trách nhiệm. Bên giao là chủ sở hữu nhưng trên thực tế không phải là người chiếm hữu thế nên bên giao đại lý không thể trực tiếp quản lý hàng hóa của mình.

Hàng hóa trong sự quản lý của bên đại lý có thể bị tổn thất nếu có những rủi ro xảy ra do sự kiện bất khả kháng hoặc do sự thiếu thiện chí của bên đại lý trong bảo quản hàng hóa dẫn đến cháy nổ, quá hạn sử dụng…Và một khi có tổn thất, về nguyên tắc bên giao đại lý phải gánh chịu vì hàng hóa vẫn thuộc sở hữu của bên giao đại lý.

Do đó, thông thường bên giao đại lý thường căn cứ vào việc chuyển giao quyền sở hữu tại thời điểm giao hàng cho đại lý để yêu cầu đại lý chịu trách nhiệm với rủi ro hàng hóa.

Ví dụ, thực tế xảy ra một số tranh chấp như: Bên A là bên giao đại lý cung cấp sản phẩm thực phẩm cho bên B (bên đại lý). Bên B bán sản phẩm ấy cho khách hàng và trong 1 lô sản phẩm mới nhập từ B, nhiều khách hàng sử dụng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm.

Điều này dẫn đến tranh chấp khi xác định việc bên nào phải chịu trách nhiệm với khách hàng bởi thực tế có thể có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa như: Bên A sản xuất và bảo quản hàng không đúng tiêu chuẩn cam kết, hoặc công tác bảo quản của Bên B kém dẫn đến sản phẩm giảm sút chất lượng, hoặc do các bảo quản thực phẩm của các khách hàng đó…

Như vậy, hai bên cần quy định rõ ràng về trách nhiệm trong trường hợp xảy ra rủi ro đối với hàng hóa, tránh xảy ra tranh chấp.

4.4. Tranh chấp hợp đồng đại lý phát sinh khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán:

Do hợp đồng đại lý thường dài hạn, thanh toán nhiều đợt, các khoản chiết khấu, khuyến mãi, thưởng khá nhiều, do đó dễ xảy ra tranh chấp khi một bên chậm nghĩa vụ thanh toán hoặc hai bên không khớp số tiền với nhau.

Nhiều trường hợp bên đại lý bán xong hàng hóa nhưng không thanh toán lại tiền cho bên giao. Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bên đại lý có hành vi bội tín, không tôn trọng đạo đức kinh doanh.

Bởi vậy, Các bên cần đưa ra các điều khoản chi tiết, cụ thể, linh hoạt phù hợp với từng giao dịch.

tranh chấp hợp đồng đại lý
Tranh chấp hợp đồng đại lý có những điểm rất đặc thù. Minh họa: nguồn internet

4.5. Tranh chấp hợp đồng đại lý khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia

Hợp đồng đại lý thương mại sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

  • Hợp đồng đại lý đã được hoàn thành, thời hạn của hợp đồng đại lý đã chấm dứt.
  • Một trong hai bên tham gia hợp đồng đại lý chết; mất tích hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; mất tư cách thương nhân.
  • Hợp đồng đại lý bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện.
  • Thông thường, các tranh chấp sẽ phát sinh do bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng với đại lý. Trong trường hợp này, hợp đồng đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn 60 ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo cho bên kia bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

Nếu việc chấm dứt do yêu cầu của bên giao đại lý, bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý. Giá trị của khoản bồi thường thường bằng một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm, trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

  • Nếu hợp đồng đại lý chấm dứt do yêu cầu của bên đại lý, bên đại lý sẽ không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý. Quy định này khi áp dụng trên thực tế chưa thực sự hợp lý, bởi trong mốt số trường hợp bên giao đại lý không thực hiện, thực hiện không đúng.

Mặt khác, trong trường hợp bên đại lý là đại lý độc quyền, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý tuy đã báo trước nhưng cũng sẽ gây ra khó khăn không nhỏ cho bên giao đại lý, bởi đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ  giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.

Trong trường hợp này, nếu không đưa ra được những kế hoạch kịp thời khi được thông bảo chấm dứt hợp đồng từ bên đại lý, bên giao đại lý sẽ bị ảnh hưởng rất lớn mà bên đại lý không phải chịu trách nhiệm gì.

Như vậy, từ vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của các bên sẽ dẫn đến những tranh chấp khác có liên quan như về khoản phạt hợp đồng, mức bồi thường thiệt hại hợp đồng…

>>> Xem thêm: Hướng dẫn chấm dứt hợp đồng

4.6. Tranh chấp hợp đồng đại lý liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại: khác với vấn đề phạt vi phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng phát sinh ngay cả trong trường hợp các bên không có thỏa thuận nào về vấn đề này. Điều 302 Luật thương mại 2005:

“Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm”.

Có ba điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường hợp đồng thương mại (Điều 303 Luật Thương Mại) như sau:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng;
  • Có thiệt hại thực tế xảy ra;
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra.
  • Mức bồi thường thiệt hại mà căn cứ vào lỗi của các bên và mức thiệt hại thực tế xảy ra.

Khi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các bên thường xảy ra tranh chấp trong vấn đề xác định mức bồi thường cho bên bị vi phạm, đặc biệt là khi phát sinh trách nhiệm với bên thứ ba.

Bởi vậy, trước khi giao kết hợp đồng, các bên cần phải xem xét các rủi ro có thể xảy ra để đưa tránh những thiệt hại trong mua bán đại lý và đưa ra các căn cứ định mức bồi thường trong một số trường hợp cụ thể.

4.7. Một số tranh chấp khác liên quan đến hợp đồng đại lý

Tranh chấp về nghĩa vụ bảo hành hàng hoá

Trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hoá đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận. Các tranh chấp về vấn đề bảo hành hàng hóa thường phát sinh do các bên không thỏa thuận cụ thể về thời hạn bảo hành cũng như phạm vi bảo hành, các trường hợp từ chối bảo hành do lỗi của bên mua.

Tranh chấp đặc thù của hình thức đại lý độc quyền:

Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà theo đó tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định. Có thể xem đây là điều khoản hạn chế đối với bên giao đại lý trong hợp đồng đại lý độc quyền vì bên giao đại lý có nghĩa vụ chỉ được giao kết hợp đồng với một bên đại lý trong phạm vi địa lý nhất định.

Trong khi đó, bên đại lý độc quyền được giao kết hợp đồng với một hoặc nhiều bên giao đại lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định.

Vậy nên, có rất nhiều tranh chấp pháp sinh khi bên giao đại lý lại giao kết hợp đồng đại lý với một bên khác cùng trong phạm vi địa lý đã giao trước đó, tiêu biểu là vụ kiện năm 2005 của các đại lý độc quyền Cocacola với Công ty TNHH nước giải khát Cocacola Việt Nam khi doanh nghiệp này đã trực tiếp bán hàng ở khu vực đã giao đại lý độc quyền.

5. Những lưu ý để phòng tránh và giải quyết tranh chấp hợp đồng đại lý

  • Chuẩn bị dự thảo hợp đồng với những quy định rõ ràng, chi tiết càng tốt và hạn chế các thuật ngữ nhập nhằng, khó hiểu. Các bên phải thỏa thuận rõ ràng về hình thức đại lý, đại lý bao tiêu hay đại lý độc quyền hay tổng đại lý. Tốt nhất, đề hạn chế tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp nên lựa chọn những người có kinh nghiệm để soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là các công ty luật.
  • Nên lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra và cách thức xử lý nếu có trong hợp đồng. Ngoài các quy định của pháp luật các bên có thể quy định thêm các quy định khác sao cho các quy định này không trái quy định pháp luật. Ví dụ để hạn chế việc bên giao đại lý đại lý cho cả đối thủ của bên giao đại lý thì bên giao đại lý có thể thêm điều khoản bên đại lý chỉ được đại diện cho bên giao đại lý….
  • Lập biên bản sự việc xảy ra cần tuân thủ quy định hợp đồng và pháp luật để có cơ sở giải quyết tranh chấp (nếu có)

>>> Xem thêm: Giải pháp giải quyết tranh chấp

Trên đây là một số dạng tranh chấp hợp đồng đại lý điển hình. Bạn cần phòng ngừa tranh chấp chứ không nên để xẩy ra tranh chấp mới chạy đôn chạy đáo. Giống như trong chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa tranh chấp luôn hiệu quả, đỡ tốn kém và an toàn hơn rất nhiều so với xử lý tranh chấp. Hãy liên hệ với luật sư để được tư vấn hợp đồng ngay từ khi có ý định giao kết hợp đồng đại lý với đối tác!

Nguyễn Văn Thanh