Xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Để đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm/dịch vụ thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành quy định về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ hướng dẫn quy trình chi tiết về việc xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế.
Việc sở hữu Giấy chứng nhận này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, mở rộng cơ hội kinh doanh và tạo dựng niềm tin cho khách hàng.
1. Cơ sở pháp lý quy định việc xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ bộ y tế
Cơ sở pháp lý quy định việc xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ bộ Y tế là các văn bản pháp lý sau đây:
Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm 2010;
Quyết định 135/QĐ-BYT ngày 15/01/2019 của Bộ y tế
2. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là gì?
Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là một tài liệu chính thức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, chứng minh rằng một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Đây là một phần quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn của các sản phẩm thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng
3. Danh mục thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế
Theo Phụ lục II ban hành kèm Nghị định 15/2018/NĐ-CP), danh mục thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế bao gồm các sản phẩm, nhóm sản phẩm sau:
Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm), trừ nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Thực phẩm chức năng;
Các vi chất bổ sung vào thực phẩm;
Phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ những dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương được sản xuất trong cùng một cơ sở và chỉ để dùng cho các sản phẩm thực phẩm của cơ sở đó.
Các thực phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Bộ Y tế
Bộ y tế có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được phân công, trong đó:
a, Cục An toàn thực phẩm quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe;
Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới;
Phụ gia thực phẩm không thuốc danh mục chất phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ y tế quy định;
b, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh:
Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm;
Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt
Kinh doanh dịch vụ ăn uống (cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng, căng tin, bếp ăn tập thể)
5. Điều kiện sản xuất, kinh doanh các thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế
Ngoài những điều kiện chung phải đáp ứng được quy định tại khoản 1 điều 34 Luật an toàn thực phẩm thì cơ sở sản xuất, kinh doanh các thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
5.1 Điều kiện đối với cơ sở
5.1.1. Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ
Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán đảm bảo truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
5.1.2. Đối với cơ sở khác (không phải cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ)
Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
5.2. Điều kiện trong bảo quản thực phẩm
Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;
Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;
Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
5.3. Điều kiện trong vận chuyển thực phẩm
Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;
Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;
Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.
5.4. Một số điều kiện khác
Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;
Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho sản phẩm không thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc;
Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dễ làm vệ sinh, không thôi nhiễm chất độc hại và không gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
Có ủng hoặc giày, dép để sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm;
Bảo đảm không có côn trùng và động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; không sử dụng hoá chất diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất và kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm;
Không bày bán hoá chất dùng cho mục đích khác trong cơ sở kinh doanh phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
6. Quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ y tế
Theo luật đầu tư 2020, căn cứ Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV ban hành kèm theo, “Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế” không còn là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trình tự xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ Bộ Y tế gồm các bước sau đây:
6.1 Xin cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
Thủ tục đề nghị Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cấp Giấy xác nhận kiến đã được tập huấn thức về an toàn thực phẩm đã bị bãi bỏ. Theo đó, Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do chủ cơ sở xác nhận.
6.2 Xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế
Hồ sơ xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh
Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm:
Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng của cơ sở và khu vực xung quanh;
Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở
Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.
Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu người thay mặt doanh nghiệp thực hiện thủ tục không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
6.3 Nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền
Phương thức nộp hồ sơ: Nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Nơi nộp hồ sơ:
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (trực thuộc Bộ Y tế) đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở đối với cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền, nước đá dùng để chế biến thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm khác không được quy định tại danh mục của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
6.4 Chờ và nhận kết quả trả về từ cơ quan có thẩm quyền
Trình tự giải quyết của cơ quan có thẩm quyền cụ thể như sau:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, trường hợp hồ sơ có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ sở được thông báo bằng văn bản.
Trường hợp quá 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo, cơ sở không bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì hồ sơ của cơ sở không còn giá trị. Tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ mới để được cấp Giấy chứng nhận nếu có nhu cầu.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, trường hợp hồ sơ không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp tỉnh thành lập đoàn thẩm định hoặc ủy quyền thẩm định và lập Biên bản thẩm định.
Kết quả thẩm định được xử lý như sau:
Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định, cơ sở được cấp Giấy chứng nhận;
Trường hợp kết quả thẩm định tại cơ sở chưa đạt yêu cầu và có thể khắc phục, nội dung, yêu cầu và thời gian khắc phục được ghi rõ vào Biên bản thẩm định với thời hạn khắc phục không quá 30 ngày.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi có báo cáo kết quả khắc phục của cơ sở, Đoàn thẩm định đánh giá kết quả khắc phục và ghi kết luận vào biên bản thẩm định.
Trường hợp kết quả khắc phục đạt yêu cầu thì cơ sở sẽ được cấp Giấy chứng nhận.
Trường hợp kết quả khắc phục không đạt yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo kết quả thẩm định cơ sở không đạt yêu cầu bằng văn bản cho cơ sở và cho cơ quan quản lý địa phương; cơ sở được yêu cầu không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có hiệu lực sử dụng trong 3 năm. Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
7. Thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ y tế và xử phạt
Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm 2015 thì tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm khi không đủ điều kiện như khi đã cấp GCN. Khi kinh doanh thực phẩm không có GCN, GCN hết hiệu lực thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm. Cụ thể như sau:
Hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (sau đây gọi tắt là GMP) hoặc có Giấy chứng nhận GMP nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 mà không thực hiện bổ sung Giấy chứng nhận GMP hoặc chứng nhận tương đương trước khi sản xuất thì phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi thực phẩm, buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.
8. Lợi ích của giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với doanh nghiệp
Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là minh chứng cho việc doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định do pháp luật về an toàn thực phẩm quy định. Việc sở hữu Giấy chứng nhận giúp doanh nghiệp tránh được các vi phạm và chế tài xử phạt.
Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng và cộng đồng về chất lượng và sự an toàn của sản phẩm/dịch vụ thực phẩm do doanh nghiệp cung cấp
Góp phần vào phát triển một thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển bền vững cả về mặt lợi ích kinh tế lẫn về mặt lợi ích xã hội.
Giúp doanh nghiệp kiểm soát và duy trì ổn định, nhất quán về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Là cơ sở để doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay xin giấy phép để thực hiện hoạt động quảng cáo cho thực phẩm.
9. Sự cần thiết sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế
Trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Bộ Y tế, việc sử dụng dịch vụ luật sư tư vấn là một lựa chọn thông minh và cần thiết bởi:
9.1. Tiết kiệm thời gian và công sức
Luật sư tư vấn có kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về quy trình xin cấp giấy chứng nhận. Họ có thể giúp bạn chuẩn bị hồ sơ nhanh chóng và chính xác, từ đó tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức.
9.2. Đảm bảo tính chính xác và hợp lệ của hồ sơ
Việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đòi hỏi sự chính xác cao. Luật sư tư vấn sẽ giúp bạn đảm bảo rằng tất cả các giấy tờ cần thiết đều đầy đủ và hợp lệ, tránh những sai sót có thể dẫn đến việc hồ sơ bị từ chối.
9.3. Giải quyết nhanh chóng các vướng mắc pháp lý
Trong quá trình thực hiện thủ tục, có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Luật sư tư vấn sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vướng mắc này, đảm bảo quy trình diễn ra suôn sẻ.
9.4. Tư vấn và hướng dẫn chi tiết
Luật sư tư vấn sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn chi tiết về các bước cần thực hiện, các quy định cần tuân thủ, và cách xử lý các tình huống phát sinh. Điều này giúp bạn tự tin hơn trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận.
HÃY LIÊN HỆ VỚI LUẬT THÁI AN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VỀ XIN GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM TỪ BỘ Y TẾ
Luật sư Đàm Thị Lộc: • Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam • Cử nhân luật Đại học Luật Hà Nội • Lĩnh vực hành nghề chính: * Tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Thương mại, Lao động, Dân sự, Hình sự, Đất đai, Hôn nhân và gia đình * Tố tụng và giải quyết tranh chấp: Kinh doanh thương mại, Đầu tư, Xây dựng, Lao động, Bảo hiểm, Dân sự, Hình sự, Hành chính, Đất đai, Hôn nhân và gia đình
ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI - CÔNG TY LUẬT THÁI AN BỀ DẦY TRÊN 15 NĂM KINH NHIỆM TƯ VẤN LUẬT UY TÍN VÀ CHẤT LƯỢNG TẠI VIỆT NAM
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Bề dày 16+ năm kinh nghiệm Tư vấn pháp luật và Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư, dân sự, hình sự, đất đai, lao động, hôn nhân và gia đình... Công ty Luật Thái An cam kết cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng.
Để được Giải đáp pháp luật nhanh - Hãy gọi Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 633 725
Để được Tư vấn luật bằng văn bản – Hãy điền Form gửi yêu cầu (phí tư vấn từ 3.000.000 đ)
Để đượcCung cấp Dịch vụ pháp lý trọn gói – Hãy điền Form gửi yêu cầu (Phí dịch vụ tuỳ thuộc tính chất vụ việc)