5 điều kiện về hiệu lực của hợp đồng

Hiện nay, trong các giao dịch, để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên và tránh xảy ra tranh chấp, các bên thường tiến hành ký kết hợp đồng, tuy nhiên, để hợp đồng có hiệu lực thì phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

1. Hiệu lực của hợp đồng là gì ?

Điều 401 Bộ Luật dân sự 2015 quy định như sau về hiệu lực của hợp đồng:

  1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

  2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Theo đó, hiệu lực của hợp đồng là khoảng thời gian mà các bên có quyền và nghĩa vụ đối với nhau.

Cũng theo quy định trên thì hiệu lực của hợp đồng bắt đầu từ thời điểm giao kết. Thời điểm hết hiệu lực của hợp đồng là thời điểm được quy định trong hợp đồng. Một số hợp đồng 1 mốc nhất định như là thời điểm hết hiệu lực của hợp đồng. Có những hợp đồng quy định thời điểm hết hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên thanh lý hợp đồng. Trường hợp các bên không có thoả thuận thì thời điểm hết hiệu lực của hợp đồng là khi hai bên hoàn thành tất cả các quyền và nghĩa vụ.

2. Tại sao hiệu lực của hợp đồng quan trọng?

Việc hợp đồng có hiệu lực hay không rất quan trọng. Đơn giản vì nếu nó không có hiệu lực thì không có giá trị pháp lý, bị vô hiệu với hậu quả là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi phải bồi thường.

Mặc khác, khi xảy ra tranh chấp giữa các bên mà không thể giải quyết thông qua trao đổi, hòa giải, thương lượng thì hợp đồng là cơ sở để đưa vụ việc tranh chấp ra cơ quan pháp luật như Tòa án hay Trọng tài. Nhưng hợp đồng chỉ có thể được phán xử nếu nó là hợp đồng có hiệu lực.

Trên thực tế, có những hợp đồng bị vô hiệu dẫn đến việc tranh chấp hợp đồng không được giải quyết thông qua tòa án cũng như các cơ quan pháp luật khác. Đó là vì hợp đồng không thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

>>> Xem thêm: Quy định về hợp đồng vô hiệu

Do vậy, khi ký kết hợp đồng, bạn cần lưu ý cần đảm bảo các điều kiện đó như trình bày dưới đây.

3. Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Điều 117 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và của hợp đồng nói riêng như sau:

Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, các quy định khác về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng nằm rải rác ở các Bộ luật dân sự và luật chuyên ngành. Chúng tôi xin trình bày từng điều kiện cụ thể dưới đây:

a. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng về chủ thể

Chủ thể hợp đồng bao gồm cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải đáp ứng được các quy định pháp luật dân như có năng lực hành vi dân sự và thỏa thuận với nhau về hình thức hợp đồng để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên. Chúng tôi sẽ phân tích điều kiện đối với chủ thể là cá nhân và pháp nhân sau đây:

Trường hợp chủ thể hợp đồng là cá nhân:

Trường hợp chủ thể hợp đồng là cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi được phép tham gia tất cả các hợp đồng dân sự và tự mình chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng đó.
  • Cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được xác lập, thực hiện hợp đồng nếu có tài sản để thực hiện hợp đồng đó, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
  • Cá nhân từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi tham gia các hợp đồng có giá trị nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của mình.
  • Đối với các cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi không được tự mình tham gia vào các hợp đồng dân sự mà phải có sự tham gia hoặc đồng ý của người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ:
    • Người mất năng lực hành vi dân sự là trường hợp người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi. Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
    • Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác. Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
    • Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Trường hợp chủ thể hợp đồng là pháp nhân:

Trường hợp chủ thể hợp đồng là pháp nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân, đó là: Có tài sản riêng, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
  • Chủ thể là pháp nhân phải đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là đối tượng của hợp đồng. Thí dụ: Phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp. Nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá và dịch vụ có điều kiện thì pháp nhân cung ứng các hàng hàng hoá, dịch vụ đó phải đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Thí dụ: Đối với họp đồng cung cấp thiết bị y tế thì bên cung cấp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh và Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thiết bị y tế. Đối với hợp đồng mua bán bất động sản thì bên cung cấp phải là doanh nghiệp đủ điều kiện về kinh doanh bất động sản…

b. Điều kiện hiệu lực của hợp đồng về đại diện của các bên ký kết hợp đồng

Người đại diện ký kết hợp đồng phải là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng, có thể là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc là người đại diện theo ủy quyền. Trường hợp người ký kết hợp đông không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không có ủy quyền thì hợp đồng sẽ vô hiệu.

Các điều kiện hiệu lực của hợp đồng
Cần ghi nhớ các điều kiện hiệu lực của hợp đồng để phòng ngừa rủi ro pháp lý. – ảnh: Luật Thái An

c. Điều kiện hiệu lực của hợp đồng về đối tượng, mục đích và nội dung hợp đồng

Trong các loại hợp đồng dân sự thông dụng mà Bộ Luật Dân sự quy định, nếu dựa vào đối tượng thì được phân chia thành hai nhóm: một là, các hợp đồng có đối tượng là tài sản; hai là, các hợp đồng có đối tượng là công việc. Các hàng hoá và công việc này phải không được vi phạm các điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không phải là hàng cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Dưới đây là một số trường hợp mà đối tượng của hợp đồng có thể ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng:

Hợp đồng mua bán tài sản

Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản là các loại tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Phải là tài sản được phép giao dịch;
  • Phải được xác định cụ thể: Nếu là vật thì phải xác định rõ thông qua số lượng, đặc điểm… Nếu là quyền tài sản thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh thuộc quyền sở hữu của bên bán;
  • Không phải là tài sản đang bị kê biên để thi hành án;
  • Không phải là tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác;
  • Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản hạn chế giao dịch thì việc mua bán phải tuân theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó.

Hợp đồng dịch vụ

Đối tượng của hợp đồng cung ứng dịch vụ có một đặc điểm nổi bật đó là một sản phẩm vô hình, không tồn tại dưới dạng vật chất, khó xác định chất lượng dịch vụ bằng những chỉ tiêu kỹ thuật được lượng hóa.

Các đối tượng của hợp đồng dịch vụ dân sự phải là công việc có thể thực hiện được với điều kiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, theo Điều 514 Bộ Luật Dân sự 2015. 

Đối với các hợp đồng thương mại mà đối tượng là dịch vụ hạn chế kinh doanh, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, việc cung ứng dịch vụ chỉ được thực hiện khi dịch vụ và các bên tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (căn cứ điều 76 Luật thương mại 2005).

Hợp đồng mua bán nhà đất

Nhà đất là đối tượng của hợp đồng mua bán nhà đất chịu sự điều chỉnh của pháp luật đất đai và nhà ở, do đó có những điều kiện nhất định, thí dụ: đất phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, không bị tranh chấp, không bị kê biên; Hạn chế chuyển nhượng đất trồng lúa, trồng rừng; Nếu là căn hộ chung cư thì dự án phải đáp ứng nhiều điều kiện về dự án kinh doanh bất động sản, trong đó có điều kiện toà nhà đã hoàn thành xây phần móng.

d. Điều kiện hiệu lực của hợp đồng về nguyên tắc giao kết

Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Hợp đồng phải được ký kết trên cơ sở tự do giao kết, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và không lừa dối.

Tự nguyện giao kết hợp đồng là việc chủ thể tự mình quyết định là có tham gia hay không tham gia vào hợp đồng theo nguyện vọng của cá nhân mình, mà không chịu sự chi phối hay sự tác động, đe dọa, can thiệp chủ quan nào từ những người khác.

Theo Bộ luật dân sự 2015, thì các yếu tố vi phạm sự tự nguyện của các chủ thể bao gồm: Hợp đồng xác lập do giả tạo (là hợp đồng được xác lập để để che giấu một hợp đồng khác, nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về tài sản, thuế…); Hợp đồng xác lập do nhầm lẫn; Hợp đồng được xác lập do bị lừa dối, đe dọa…

e. Điều kiện hiệu lực của hợp đồng về hình thức hợp đồng

Ngoài ra, một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là điều kiện về hình thức – điều kiện bắt buộc đối với một số loại hợp đồng. Trong một số trường hợp, hợp đồng phải lập thành văn bản hoặc được công chứng, chứng thực mới có hiệu lực pháp luật như: hợp đồng mua bán nhà đất; hợp đồng tặng cho nhà ở, bất động sản; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất …. 

Nếu vi phạm một trong các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực như trên thì hợp đồng sẽ trở nên vô hiệu toàn phần hay một phần, do vậy sẽ dẫn tới rất nhiều hạn chế khi yêu cầu Tòa án xét xử tranh chấp hợp đồng.

 

KẾT LUẬN:

Có thể thấy, hợp đồng là một tài liệu pháp lý quan trọng giao dịch. Đảm bảo hiệu lực của hợp đồng, đảm bảo hợp đồng an toàn là một trong những việc luật sư sẽ làm khi tư vấn hợp đồng. Để một hợp đồng có hiệu lực pháp luật, nó cần phải tuân thủ các yêu cầu về hình thức, nội dung và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Luật sư sẽ giúp các bên rõ ràng về điều kiện, yêu cầu và hậu quả pháp lý của hợp đồng, đồng thời đề xuất giải pháp để đảm bảo quyền lợi của khách hàng được bảo vệ tốt nhất.

 

HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ KỊP THỜI!

Nguyễn Văn Thanh