Làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn?

Khi ly hôn, một trong những vấn đề nổi bật và phức tạp nhất là quyền nuôi con. Đối với con cái, việc cha mẹ ly hôn có thể mang lại nhiều tác động tâm lý. Đa số các trường hợp, người cha và người mẹ tranh giành quyền nuôi con khi ly hôn, đặc biệt khi họ chỉ có một đứa con.

Trong bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ tư vấn về quyền nuôi con khi ly hôn và cách giành quyền nuôi con không chỉ từ góc độ pháp lý mà còn từ các khía cạnh xã hội, tâm lý:

1. Giới thiệu về quyền nuôi con khi ly hôn

Có 3 vấn đề chính liên quan tới quyền nuôi con khi ly hôn, đó là:

  • ai là người trực tiếp nuôi con
  • người không trực tiếp nuôi con sẽ cấp dưỡng nuôi con thế nào: bao nhiêu tiền, gửi tiền hàng tháng?
  • người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm con như thế nào ? thời gian, địa điểm ?

2. Quy định của luật pháp liên quan đến quyền nuôi con sau khi ly hôn:

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có trách nhiệm và quyền lợi đối với con – đó là nguyên tắc xuyên suốt, là cơ sở cho mọi quyết định, thu xếp liên quan tới quyền nuôi con khi ly hôn và cả sau khi ly hôn.

Cụ thể như Luật Hôn nhâ gia đình 2014 quy định:

  • quyền nuôi con sau khi ly hôn của cả cha lẫn mẹ
  • quyền và nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con:
    • tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
    • cấp dưỡng cho con.
    • thăm nom con mà không ai được cản trở.
  • quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con:
    • yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
    • Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Chi tiết có tại bài viết sau:

>>> Xem thêm: Hiểu về quyền nuôi con khi ly hôn

3. Các yếu tố giúp giành quyền nuôi con khi ly hôn:

Khi vợ chồng không thể thoả thuận về quyền nuôi con khi ly hôn thì họ phải nhờ Toà án giải quyết. Toà án sẽ phân xử vấn đề này trong vụ án ly hôn đơn phương. Trong Bản án ly hôn đơn phương, Toà án sẽ ra phán quyết về việc chấm dứt hôn nhân, quyền nuôi con khi ly hôn và chia tản sản chung của vợ chồng (nếu vợ chồng yêu cầu toà giải quyết). Để hiểu thêm về vụ án ly hôn đơn phương, bạn hãy đọc bài viết sau:

>>> Xem thêm: Quá trình ly hôn đơn phương

Để giành quyền nuôi con khi ly hôn, cần tập trung vào các khía cạnh sau để giành ưu thế khi toà án xét xử:

a. Tình hình tài chính góp phần giành quyền nuôi con khi ly hôn

Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà tòa án sẽ xem xét là khả năng tài chính của cha mẹ. Người đó có đủ điều kiện để đảm bảo một cuộc sống ổn định, đủ dưỡng dục và giáo dục cho con hay không? Tòa án sẽ xem xét thu nhập, tài sản và khả năng chi trả các chi phí liên quan đến việc nuôi con.

b. Khả năng nuôi dưỡng góp phần giành quyền nuôi con khi ly hôn

Không chỉ là khả năng tài chính, mà còn là khả năng chăm sóc, dạy dỗ và hỗ trợ con trong mọi khía cạnh cuộc sống sẽ là một yếu tố nữa để bạn có ưu thế khi giành quyền nuôi con khi ly hôn. Điều này bao gồm việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và cung cấp sự hướng dẫn tinh thần cho con.

c. Môi trường sống lành mạnh giúp giành quyền nuôi con khi ly hôn

Môi trường sống ổn định, an toàn và yên bình là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự phát triển tốt cho trẻ, do đó đây là vũ khí nữa trong cuộc chiến giành quyền nuôi con khi ly hôn. Tòa án sẽ xem xét nơi cư trú của bạn, cũng như các yếu tố liên quan như khoảng cách đến trường, sự an ninh của khu vực, và sự thân thiện của cộng đồng.

d. Cần cải thiện mối quan hệ với con nếu muốn giành quyền nuôi con

Tòa án muốn biết bạn đã và đang tham gia vào cuộc sống của con bạn như thế nào. Bạn có thường xuyên tham gia vào các hoạt động của con, như việc học của trẻ, các sự kiện gia đình và hoạt động ngoại khóa không? Mức độ gắn bó giữa cha mẹ và con cũng là một yếu tố được xem xét.

Trong trường hợp con từ đủ 7 tuổi thì mong muốn của con sẽ được xem xét. Do đó, bạn cần chú trọng gây tình cảm nhiều hơn ở con để thuận lợi giành quyền nuôi con khi ly hôn.

e. Vấn đề sức khỏe và tình cảm có thể ảnh hưởng tới khả năng giành quyền nuôi con khi ly hôn

Sức khỏe tinh thần và thể chất của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc con. Tòa án có thể xem xét tình trạng sức khỏe, cũng như bất kỳ vấn đề tâm lý nào mà một trong hai bên có thể đang đối mặt.

Lưu ý: Những vấn đề như bạo lực gia đình hoặc việc người cha hoặc người mẹ từng nghiện ngập, dính líu tới tệ nạn xã hội, có lối sống không lành mạnh sẽ được tòa xem xét kỹ lưỡng. Tòa án sẽ rất cẩn trọng khi xem xét quyền nuôi con. Mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho trẻ.

Điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn

Điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn 1

Điều kiện giành quyền nuôi con khi ly hôn – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

4. Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn trong những trường hợp đặc biệt:

a. Chồng giành quyền nuôi con khi ly hôn khi con dưới 36 tháng tuổi

“Con dưới 36 tháng tuổi luôn được giao cho mẹ khi cha mẹ ly hôn” – đây là suy nghĩ của nhiều người khi đọc luật chưa kỹ. Căn cứ theo quy định pháp luật hôn nhân và gia đình, người chồng vẫn có thể giành quyền nuôi con theo những cách sau:

  • Thỏa thuận với vợ: Người chồng có thể thỏa thuận với vợ, thuyết phục vợ rằng việc này sẽ phù hợp với lợi ích của con. Tòa án sẽ tôn trọng thỏa thuận của hai vợ chồng.
  • Chứng minh người vợ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con: Trong trường hợp vợ không đồng ý để chồng nuôi con, nếu muốn giành quyền nuôi con, người chồng phải chứng minh với Tòa án vợ mình không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Người chồng chứng minh mình có khả năng đáp ứng cho con về điều kiện vật chất, tinh thần. Nếu có thể, người chồng cần thu thập hồ sơ, tài liệu để chứng minh bên vợ không đủ điều kiện nuôi con như sau:
    • Tài liệu, chứng cứ chứng minh bên vợ không đủ điều kiện về sức khỏe. (Hồ sơ bệnh án, phiếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện nơi vợ bạn thăm khám);
    • Chứng cứ chứng minh việc người mẹ không quan tâm, chăm sóc con. (Xác nhận của tổ dân phố, khu vực về việc nuôi con).
    • Chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình của người vợ;
    • Bản án, quyết định tuyên một người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (thí dụ người vợ bị bệnh tâm thần, nghiện ma tuý, nghiện rượu…);
    • Chứng cứ người vợ có hành vi vi phạm pháp luật, phạm các tội gây ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em; …

b. Cách giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn

Nếu vợ chồng có hai con và cả hai cùng muốn nuôi con thì Toà án sẽ thiên về giao cho mỗi người nuôi một con. Vậy có thể giành quyền nuôi cả 2 con khi ly hôn như thế nào ?

Trong nhiều trường hợp, việc cho con cái sống cùng nhau cũng giúp họ duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa anh chị em, đặc biệt trong thời điểm gia đình đang trải qua biến động. Mối quan hệ này không chỉ giúp trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương, mà còn giúp họ vượt qua những khó khăn tâm lý mà quá trình ly hôn mang lại.

Tuy nhiên, việc giành quyền nuôi cả hai con cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức. Bên cạnh việc chứng minh mình có khả năng chăm sóc và nuôi dưỡng, người phụ huynh cũng cần phải thuyết phục toà án rằng việc cho con sống với bên kia sẽ không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ.

Dù quyết định cuối cùng thuộc về tòa án, một phụ huynh muốn giành quyền nuôi cả hai con cần phải chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc thu thập chứng cứ đến việc tìm hiểu thông tin về quá trình tố tụng. Sự hỗ trợ từ một luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng sẽ giúp tăng cơ hội thành công. Trong một số trường hợp, luật sư sẽ tư vấn hỗ trợ thu thập chứng cứ về việc bên kia:

  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh bên kia không đủ điều kiện về sức khỏe. 
  • Chứng cứ chứng minh việc người kia không quan tâm, chăm sóc con. 
  • Chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình của người kia;
  • Bản án, quyết định tuyên một người bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (thí dụ người vợ bị bệnh tâm thần, nghiện ma tuý, nghiện rượu…);
  • Chứng cứ người vợ có hành vi vi phạm pháp luật, phạm các tội gây ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em; …

c. Vợ hoặc chồng ngoại tình, người kia giành quyền nuôi con khi ly hôn?

Ngoại tình là việc một người đã có vợ hoặc có chồng, quan hệ tình ái với người khác. Mức độ ngoại tình rất đa dạng, có thể là đi chơi với nhau, đi nhà nghỉ với nhau hoặc là chung sống với nhau như vợ chồng. Chung sống như vợ chồng là ở cùng nhau hàng ngày, cả hai công khai mối quan hệ tình ái với người thân, bạn bè…

Pháp luật hiện hành cũng không có quy định trường hợp vợ ngoại tình thì không có quyền nuôi con. Tuy nhiên, đây là một căn cứ để Tòa án xem xét việc không giao con cho người này nuôi dưỡng, chăm sóc sau khi ly hôn nếu người chồng có bằng chứng cho thấy người vợ ngoại tình.

Như đã phân tích ở trên, về nguyên tắc con dưới 3 tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, nhưng không phải lúc nào con dưới 36 tháng tuổi cũng giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu người cha chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì Tòa án vẫn có thể giao con cho người cha trực tiếp nuôi con bởi thực tế, người thực hiện hành vi ngoại tình cũng không thể tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con, thậm chí còn thường xuyên bỏ bê gia đình, không quan tâm đến con cái.

Tòa án sẽ căn cứ vào những giấy tờ, bằng chứng và điều kiện thực tế của hai bên để quyết định giao con cho người nào.

d. Giành quyền nuôi con khi không có công việc thường xuyên ?

Giành quyền nuôi con khi không có việc làm rất khó khăn. Không có việc đồng nghĩa với không có thu nhập, không có điều kiện nuôi con. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng, nếu bạn chứng minh mình vẫn có những nguồn thu nhập khác.

Nếu bạn không thể tìm được việc làm ngay thì bạn có thể chứng minh khả năng kinh tế của mình bằng các tài sản khác như các giấy tờ chứng minh số dư tài khoản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay các tài sản khác có đứng tên bạn. Như vậy sẽ đảm bảo việc bạn đáp ứng được các nhu cầu cơ bản trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Từ đó, sẽ tăng khả năng Toà quyết định việc bạn sẽ được quyền nuôi con.

Ngoài ra, bạn có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh người chồng và người vợ của bạn không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, thường xuyên có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định.

5. Bạn giành quyền nuôi con khi ly hôn trên bản án nhưng không được giao con

Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp người vợ hoặc người chồng được Toà án tuyên được quyền trực tiếp nuôi con nhưng đứa trẻ lại đang ở với người kia và người kia không chịu giao con, không thực hiện bản án có hiệu lực của toà án.

Để giải quyết vấn đề người kia không chịu thi hành bản án ly hôn, bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự để thi hành bản án. Theo luật thi hành án sửa đổi, bổ sung 2014 thì Cơ quan thi hành án cấp huyện sẽ có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở, cơ quan thi hành án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền cho thi hành bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh trên cùng địa bàn.

Thí dụ: Nếu bản án ly hôn do Toà án huyện Tiên Lãng thì Chi cục thi hành án huyện Tiên Lãng có trách nhiệm cưỡng chế thi hành án. Nếu bản án ly hôn do Toà án tỉnh Hải Phòng thì Chi cục thi hành án tỉnh Hải Phòng có trách nhiệm cưỡng chế thi hành án. 

Để yêu cầu cưỡng chế thi hành án, bạn cần làm đơn yêu cầu thi hành án. Đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung sau đây:

  • Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
  • Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
  • Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
  • Nội dung yêu cầu thi hành án;
  • Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn

Kèm theo đơn là bản án ly hôn của Tòa và các tài liệu khác có liên quan. Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án của bạn, cơ quan thi hành án sẽ kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, ghi vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho bạn.

Ngoài ra, bạn có quyền tố cáo hành vi ngăn cản việc gặp con, chăm sóc giáo dục con của chồng bạn với cơ quan công an để được giúp đỡ theo quy định pháp luật.

Được quyền nuôi con nhưng chồng không giao con
Cần làm gì khi được quyền nuôi con nhưng chồng không giao con? – ảnh: Luật Thái An

6. Những sai lầm cần tránh khi giành quyền nuôi con:

Nhiều người vợ hoặc người chồng phạm những sai lầm nghiêm trọng trong cuộc chiến giành quyền nuôi con khi ly hôn, đó là:

  • Sử dụng con cái làm “vũ khí” trong cuộc chiến ly hôn
  • Đưa ra cáo buộc không chính xác hoặc không có căn cứ về việc người kia không có khả năng nuôi con
  • Bỏ qua lợi ích tốt nhất cho con.
  • Không tập trung vào việc tạo ra một môi trường ổn định cho con, cho rằng mình kiếm được nhiều tiền là đủ. Thực ra, chỉ cần kiếm được đủ tiền và đảm bảo các nhu cầu khác của con là đủ để giành quyền nuôi con.

Bạn cần tự vấn bản thân mình, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện để không phạm phải các sai lầm trên. Thay vì dồn hết tâm sức để giành quyền nuôi con cho bằng được, hãy cố gắng cân bằng lợi ích của việc hợp tác giữa hai bên để tạo ra môi trường tốt nhất cho con, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc ly hôn đối với con, xây dựng quan hệ tốt giữa cha mẹ và con sau ly hôn. Cả người vợ và người chồng hãy cố gắng:

  • Lắng nghe và tôn trọng đối tác.
  • Đặt lợi ích của con lên trên hết.
  • Điều chỉnh kế hoạch nuôi con, chăm sóc con khi cần thiết, khi có sự thay đổi trong quá trình phát triển của con, trong cuộc sống riêng của người cha, người mẹ sau ly hôn…

Ngoài ra bạn cần hiểu rằng không nhất thiết phải giành quyền nuôi con khi ly hôn. Vì sau khi ly hôn, nếu người trực tiếp nuôi con không làm tốt việc nuôi con (thí dụ bỏ bê con cái, đi bước nữa và không quan tâm tới con, vi phạm pháp luật, có những biến cố làm ảnh hưởng trực tiếp tới điều kiện nuôi con …) thì người không trực tiếp nuôi con có thể khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Chi tiết có tại bài viết sau đây:

>>> Xem thêm: Thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn

7. Luật sư làm gì để giúp bạn giành quyền nuôi con khi ly hôn ?

Quyền nuôi con sau khi ly hôn thường là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất. Đối với nhiều gia đình, việc xác định ai sẽ chăm sóc và giáo dục con cái sau khi ly hôn liên quan chặt chẽ đến tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên. Trong quá trình giải quyết, công ty tư vấn luật sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của khách hàng mình được bảo vệ một cách tốt nhất, đồng thời phải xem xét lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

a. Luật sư khai thác thông tin về tình hình tài chính để giúp khách hàng giành quyền nuôi con khi ly hôn

Để làm được điều này, luật sư cần phải tìm hiểu sâu rộng về hoàn cảnh gia đình, tình hình tài chính, khả năng chăm sóc con cái và nhiều yếu tố khác của cả hai bên. Đồng thời, luật sư cũng cần phải am hiểu rõ về luật pháp hiện hành, các quyết định tòa án trước đó và phương pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả.

b. Luật sư đàm phán, thương lượng

Một luật sư giỏi sẽ không chỉ dựa vào luật pháp, mà còn cần có khả năng đàm phán, thương lượng và tìm kiếm giải pháp tối ưu cho mỗi trường hợp cụ thể. Trong một số trường hợp, việc giải quyết ngoài tòa có thể mang lại kết quả tốt nhất, tránh tình trạng căng thẳng và kéo dài thời gian. Tuy nhiên, khi các bên không thể đạt được thỏa thuận, việc can thiệp của tòa án là không thể tránh khỏi.

c. Luật sư thu thập chứng cứ có lợi để khách hàng giành quyền nuôi con khi ly hôn

Luật sư sẽ chứng minh rằng việc khách hàng của họ được giao quyền nuôi con là lợi ích tốt nhất cho trẻ. Điều này có thể dựa trên nhiều lý do như: khả năng tài chính ổn định, môi trường sống phù hợp, quan hệ tốt với con cái, khả năng giáo dục và chăm sóc trẻ em, và nhiều yếu tố khác. Đôi khi, việc thu thập chứng cứ và làm rõ sự thật là rất quan trọng, như việc sử dụng chứng cứ từ các chuyên gia tâm lý hoặc những người có liên quan khác. Điều này sẽ rất hữu hiệu để giúp khách hàng của luật sư giành quyền nuôi con khi ly hôn.

Tuy nhiên, quan điểm quan trọng nhất mà luật sư cần nhớ là luôn đặt lợi ích của trẻ em lên hàng đầu. Trong mọi quyết định và hành động, việc đảm bảo sự ổn định, an toàn và phát triển toàn diện của trẻ là tiêu chí quan trọng nhất.

d. Luật sư đại diện cho khách hàng tại Toà án để giành quyền nuôi con

Tại phiên toà, luật sư cần phải biểu đạt một cách rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục. Mỗi lời lập luận đều phải dựa trên cơ sở pháp lý và chứng cứ đã thu thập. Đặc biệt, luật sư cần phải sẵn sàng đối mặt và phản bác những lập luận của bên đối diện. Trong quá trình này, tư duy phản biện, sự linh hoạt và khả năng tiếp tục theo dõi tình hình là vô cùng quan trọng.

Việc đại diện cho khách hàng tại toà án để giành quyền nuôi con không chỉ là một nhiệm vụ pháp lý, mà còn là một trách nhiệm đối với tương lai và sự phát triển của trẻ em. Một luật sư có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của khách hàng mình, nhưng hơn hết, họ cần phải đảm bảo lợi ích và sự ổn định tốt nhất cho trẻ em.

>>> Xem thêm: Dịch vụ ly hôn có tranh chấp

 

Tóm lại, trong quá trình ly hôn, việc giành quyền nuôi con thường gặp nhiều khó khăn và thách thức. Sự hỗ trợ của một luật sư có kinh nghiệm, am hiểu và tận tâm sẽ giúp quá trình này diễn ra một cách suôn sẻ hơn, đảm bảo quyền lợi và lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Để bắt đầu, hãy liên hệ với chúng tôi để gặp luật sư/chuyên gia tư vấn ly hôn.

Nguyễn Văn Thanh