Thỏa ước lao động tập thể: căn cứ pháp lý quan trọng trong quan hệ lao động

Quan hệ lao động ở nước ta hiện nay ngoài chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động thì còn có Thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể chính là văn bản cụ thể hóa pháp luật lao động, giúp Người lao động và Người sử dụng lao động tìm ra được tiếng nói chung, xây dựng được một mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đặc biệt là giúp giảm thiểu các tranh chấp lao động, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Mặc dù, Thỏa ước lao động tập thể quan trọng như vậy nhưng không phải Người lao động hay Người sử dụng lao động nào cũng biết đến. Đã có rất nhiều bạn đọc cũng như doanh nghiệp gửi những câu hỏi xoay quanh vấn đề Thỏa ước lao động tập thể cho Công ty Luật Thái An.

Chính vì vậy, trong bài viết này, Công ty Luật Thái An sẽ chia sẻ đến Quý bạn đọc các thông tin hữu ích liên quan đến Thỏa ước lao động tập thể và lý do vì sao Thỏa ước lao động tập thể lại là một căn cứ pháp lý quan trọng trong quan hệ lao động.

1. Thỏa ước lao động tập thể là gì?

Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Lao động 2019 thì:

“ Thỏa ước lao động tập thể là thỏa thuận đạt được thông qua thương lượng tập thể và được các bên ký kết bằng văn bản.

Thỏa ước lao động tập thể bao gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp và các thỏa ước lao động tập thể khác

Nội dung Thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.”

Như vậy, có thể thấy Thỏa ước lao động tập thể là văn bản được ra đời dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện thương lượng, thỏa thuận, song nó cũng mang tính chất quy phạm, tính chất ràng buộc đối với các bên.

2. Nội dung của Thỏa ước lao động tập thể gồm những gì?

Pháp luật không bắt buộc Thỏa ước lao động tập thể phải những nội dung gì, mà chỉ quy định về nguyên tắc, hành lang pháp lý chung. Khoản 2 Điều 75 Bộ Luật Lao động 2019 quy định:

Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật; khuyến khích có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Do đó, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, để đưa vào Thỏa ước lao động tập thể những nội dung phù hợp, đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích, trách nhiệm giữa Người lao động và Người sử dụng lao động. Nội dung của Thoả ước lao động tập thể phải không được trái luật lao động, nếu không thì sẽ vô hiệu một phần hoặc toàn phần.

3. Thỏa ước lao động tập thể có quan trọng ?

Bản chất của quan hệ lao động là sự tự nguyện thỏa thuận mua bán sức lao động. Người lao động bán sức lao động của mình để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Còn người sử dụng lao động mua sức lao động của người lao động để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận.

Vì vậy, cả Người lao động và Người sử dụng lao động đều cần phải hợp tác với nhau để đôi bên cùng có lợi. Và một biện pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động đó chính là ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể giúp cho quan hệ lao động được bình đẳng hơn, quyền và lợi ích chính đáng của Người lao động không những được đảm bảo mà sẽ còn có thể có lợi hơn so với quy định pháp luật.

Song song với đó, Thỏa ước lao động tập thể giúp bảo vệ Người sử dụng lao động trước những yêu sách, đòi hỏi vô lý đến từ phía Người lao động, góp phần duy trì kỷ luật, trật tự lao động.

Tuy vậy, dù có Thỏa ước lao động tập thể nhưng trong quan hệ lao động cũng không thể không tránh được những xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp. Khi mà Người lao động luôn muốn tiền lương cao hơn, thời giờ làm việc ít hơn, điều kiện lao động tốt hơn thì Người sử dụng lao động lại muốn ngược lại, muốn trả lương thấp hơn, kéo dài thời giờ làm việc, không muốn bỏ ra các chi phí để nâng cao điều kiện làm việc.

Và khi tranh chấp lao động xảy ra, các thoả thuận trong Thỏa ước lao động tập thể sẽ được coi là cơ sở, căn cứ pháp lý để giải quyết quyền lợi cho cả Người lao động và Người sử dụng lao động, từ đó, có thể hóa giải các tranh chấp lao động một cách nhanh chóng, giúp các bên tránh được những thiệt hại không đáng có.

Thoả ước lao động tập thể
Thoả ước lao động tập thể giúp giải quyết tranh chấp lao động. – ảnh minh hoạ: internet

4. Quy trình ký kết Thỏa ước lao động tập thể như thế nào?

Quy trình ký kết Thỏa ước lao động tập thể gồm 5 bước sau:

a. Bước 1: Xây dựng, soạn thảo Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể

Trong bước này, mỗi bên có quyền đề xuất nội dung trong Thỏa ước lao động tập thể. Những nội dung đề xuất phải sát với thực tế của doanh nghiệp, khách quan, trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tránh đưa ra những nội dung trái pháp luật hoặc có tính chất yêu sách đòi hỏi, áp đặt.

b. Bước 2: Thương lượng, đàm phán, chốt Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể

Trong quá trình thương lượng, hai bên phải thông báo cho nhau những thông tin liên quan đến Thỏa ước lao động tập thể, phải nêu rõ những điều khoản hai bên đã thỏa thuận và những điều khoản chưa thỏa thuận được.Từ đó, đưa ra phương hướng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể.

c. Bước 3: Lấy ý kiến về Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể

Khi Dự thảo Thỏa ước lao động tập thể được các bên chốt, thì cần phải lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Theo đó, tùy từng vào mỗi loại thỏa ước lao động mà có đối tượng lấy ý kiến của khác nhau. Cụ thể:

  • Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, đối tượng lấy ý kiến là toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp và chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
  • Thỏa ước lao động tập thể ngành, đối tượng lấy ý kiến là toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng và chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành.
  • Thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, đối tượng lấy ý kiến gồm toàn bộ người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng hoặc toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp tham gia thương lượng và chỉ được ký kết khi có trên 50% số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành.

d. Bước 4: Ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Trên cơ sở đã lấy được ý kiến của đối tượng cần lấy ý kiến và đủ điều kiện được ký kết thì đại diện hợp pháp của các bên thương lượng sẽ tiến hành ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động tập thể có thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết hoặc cũng có thể có hiệu lực kể từ ngày hai bên thỏa thuận Thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực.

e. Bước 5: Gửi Thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý lao động

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động tham gia thỏa ước phải gửi 01 bản thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính.

soạn thoả ước lao động tập thể
Quy trình soạn thoả ước lao động tập thể – ảnh minh hoạ: Luật Thái An

5. Lưu ý khi thực hiện Thỏa ước lao động tập thể

a. Nếu một số quy định trong hợp đồng lao động khác với Thoả ước lao động tập thể thì làm thế nào?

Căn cứ Khoản 2 Điều 79 Bộ Luật lao động 2019:

“Trường hợp quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể thì phải thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể. Quy định của người sử dụng lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể thì phải được sửa đổi cho phù hợp; trong thời gian chưa sửa đổi thì thực hiện theo nội dung tương ứng của thỏa ước lao động tập thể.”

b. Làm gì khi vi phạm Thoả ước lao động tập thể ?

Căn cứ Khoản 3 Điều 79 Bộ Luật lao động 2019:

Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thỏa ước lao động tập thể và các bên có trách nhiệm cùng xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

6. Dịch vụ xây dựng và soạn thảo Thỏa ước lao động tập thể

Nhận thức được tầm quan trọng của Thỏa ước lao động tập thể trong quan hệ lao động, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã chú trọng việc xây dựng, soạn thảo và ký kết những bản Thoả ước lao động tập thể. Tuy nhiên, chất lượng nội dung Thoả ước lao động tập thể còn thấp, nhiều bản Thoả ước lao động tập thể nội dung còn rất sơ sài, các điều khoản chủ yếu sao chép lại các quy định của pháp luật; chưa thể hiện các điều kiện, tiềm năng của doanh nghiệp.

Với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, soạn thảo các văn bản quy định nội bộ dành cho doanh nghiệp và là người bạn pháp lý đồng hành cùng rất nhiều Người lao động, Công ty Luật Thái An chúng tôi tin chắc rằng sẽ xây dựng soạn thảo giúp doanh nghiệp của bạn có được bản thỏa ước lao động tập thể phù hợp nhất với đặc thù hoạt động kinh doanh, có hiệu lực thi hành cao nhất.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình xây dựng, soạn thảo Thỏa ước lao động tập thể xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Thái An để được đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp lý tư vấn tận tình nhất!

Nguyễn Văn Thanh